Hồn lửa pốk giữa rừng vĩnh cửu

Thứ Tư, 29/09/2010, 16:22
Sau những bí mật về điệu xà gạc chém hổ, ẩn ngữ của thổ cẩm Chơro, những tay ná với tên nhọn từng khiến bao kẻ thù hồn kinh vía bạc, lần này là câu chuyện về "lửa pốk", hồn lửa thiêng mà già làng Năm Nổi, thủ lĩnh tinh thần của tộc người Chơro, nói "đó là ngọn lửa cách mạng mà Bok Hồ (Bác Hồ) thắp lên để đưa người Chơro thoát khỏi cảnh sống lầm than, nô dịch dưới ách cai trị bạo tàn của giặc Pháp, Mỹ".

Câu chuyện về hồn lửa pốk được khơi dậy khi chúng tôi ghé thăm gia đình già làng Hồng Văn Lão, 76 tuổi (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Lúc này 5h sáng, bên ngoài hơi lạnh ở vùng rừng núi khiến những vị khách phương xa run cầm cập nhưng bên trong ngôi nhà của già thì ấm cúng lạ thường. Kéo khách ngồi xuống cạnh bếp lửa bập bùng nằm giữa nhà, già Lão nói bao đời qua, người Chơro ở Lý Lịch không thể sống thiếu lửa. "Hồi trước buôn làng nằm giữa rừng, giữa những con thú dữ rình rập. Không chỉ giúp sưởi ấm, nấu chín thức ăn, lửa còn giúp dân làng đuổi muỗi, đuổi con thú dữ...". Già Lão, khẳng định: "Lửa là sự sống".

Già làng Năm Nổi có cách nói khác về lửa. Già nói ngày trước người Chơro sống rất lạc hậu, đói nghèo do cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, đau bệnh chỉ biết trông đợi vào thầy cúng. Theo lời già Dương, khoảng năm 1946, khi về làng, "bộ đội Bok Hồ" đã nhen ngọn lửa hờn căm, đấu tranh, giúp đồng bào ý thức được thân phận mà đứng lên đấu tranh. "Nhờ ánh lửa Bok Hồ soi sáng mà đồng bào đào hầm chông, vót tên đẩy lùi, ngăn chặn những cuộc hành quân, bắn giết của bọn giặc. Cũng nhờ ngọn lửa Bok Hồ mà đồng bào Chơro biết ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Nhiều người biết đọc, biết viết, biết săn thú hay, biết giết giặc giỏi".

Già Năm thao tác lại kỹ thuật tạo lửa bằng ống pốk.

Ở tuổi 74, già Dương là một trong nhiều người con ưu tú của tộc người Chơro từng đóng góp nhiều công sức, chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ như đào củ chụp nuôi quân, vót tên bắn "bà đầm thép" (máy bay). Trên đỉnh đầu của già lõm sâu do trong một lần làm giao liên bị giặc Mỹ bắt. Dụ dỗ già khai báo nơi đồn trú của quân cách mạng không được, chúng tra khảo bạo tàn... nhưng những đòn roi ấy không khuất phục được người chiến binh Chơro quả cảm năm nào.

Vít cần rượu thơm mùi lúa rẫy chuyền tay khách, già Dương tiếp tục hồi nhớ: "Ngày trước đồng bào tạo lửa bằng con cúi được bện chặt từ rơm rạ. Giữ lửa như vậy cực lắm vì lúc nào nó cũng ngút khói, thằng giặc dễ phát hiện Những lúc phải chạy giặc giữa trời mưa to gió lớn, con cúi gặp nước tắt phải đánh lửa lại rất mệt. May mà khi về nằm vùng ở chiến khu Đ, bộ đội Bok Hồ chỉ dân làng cách giữ lửa bằng ống pốk (dụng cụ giữ lửa bằng ống lồ ô) không mất nhiều công sức, lúc nào cần là rút ống sẽ tạo được lửa ngay".

Về thăm lại chiến trường xưa, ông Lê Minh Khiêm, 83 tuổi, nguyên cán bộ quân báo tâm tình: "Việc tạo lửa của đồng bào rất cực, đồng bào phải tìm những viên đá lửa dưới lòng suối Sa Mách, khi cần lửa phải đánh đá thật mạnh tạo tia lửa mất nhiều thời gian, công sức. Để sẻ chia ngọn lửa với đồng bào, chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật tạo lửa bằng cách cắt 2 ống lồ ô già một lớn một nhỏ. Khi tạo lửa chỉ cần lấy bùi nhùi bỏ vào ống lớn, rồi cho ống nhỏ vào trong ấn chặt và bất ngờ giật ra, lực ma sát tạo sức nóng khiến bùi nhùi bốc khói. Khi ấy chỉ cần đổ bùi nhùi ra thổi tạo lửa".

Những dụng cụ tạo lửa trong Nhà dài Chơro.

"Bùi nhùi là gì, thưa bác?" - anh bạn đồng nghiệp cùng về nguồn với chúng tôi thắc mắc hỏi. Ông Khiêm vui vẻ, trả lời: "Trong cây đủng đỉnh có những bẹ lá, ẩn trong từng bẹ lá có những sợi xơ trắng như bông gòn. Bùi nhùi là lớp xơ ấy được phơi khô. Khi bùi nhùi tạo khói, mình thêm bùi nhùi cùng vỏ cây gòn thổi nhẹ rất mau bắt lửa. Về sau, đồng bào quen gọi những ngọn lửa lồ ô ấy là "lửa pốk".

Đêm càng sâu thì những câu chuyện về "ngọn lửa Bok Hồ" càng thêm phần hào hứng. Già Năm Nổi hào hứng kể chuyện, sau khi được bộ đội Bok Hồ hướng dẫn kỹ thuật tạo lửa "khi cần là có", buôn làng Chơro bừng sáng quyết tâm đấu tranh chống kẻ thù. Đêm đêm, dưới ánh lửa pốk, đồng bào hừng hực khí thế vót chông, tên để đánh Pháp. Cũng dưới những ngọn lửa pốk ấy, những người lính Bok Hồ dạy con chữ cho đồng bào, chữa lành những vết thương cho các chàng trai, cô gái Chơro lúc đi rừng bị sẩy chân té, bị con thú dữ làm hại… mà không phải cậy vào thầy cúng.

"Ngọn lửa pốk cho đồng bào Chơro mình sức mạnh, soi đường dẫn lối cho đồng bào một lòng theo Bok Hồ đến ngày đất nước toàn thắng" - già làng Năm Nổi, tỏ bày tâm tưởng

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.