Hơn 30 năm nuôi chồng hỏng mắt và 3 con học đại học

Thứ Tư, 05/03/2008, 09:26
Chúng tôi đến làng Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đến đầu làng, hỏi thăm nhà chị Đặng Thị Hiếu, anh Đặng Công Tác ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đến tận nơi. Căn nhà nhỏ của anh chị nằm sâu trong một ngõ nhỏ của làng nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và niềm vui như chưa từng trải qua bất kỳ một thời gian khó nào.

Giờ đây, khi chị Hiếu đã 56 tuổi, 3 người con của chị đã có công ăn việc làm ổn định và lập gia đình, cậu con trai út đang học đại học, những ký ức về một thời gian khó vẫn luôn hiện về trong chị.

Năm 1971, chị Hiếu và anh Tác kết hôn với nhau. Dân làng ai cũng nức nở khen anh chị thật xứng đôi và chúc mừng hạnh phúc cho anh chị. Nhưng ở bên người vợ mới cưới chưa được bao lâu thì anh Tác cũng giống như bao nhiêu thanh niên trong làng khác vào miền Nam chiến đấu.

Năm 1974, trong một trận chiến đấu với địch, anh đã bị mảnh đạn bắn vào mắt. Và anh bị mù và điếc từ đó. Khi đó, anh Tác 22 tuổi và chị Hiếu 21 tuổi.

Khi biết chồng mình bị thương, vừa bị mù lại vừa bị điếc đó quả là một tin dữ đối với chị Hiếu và gia đình. Tuy nhiên, cái trạng thái đau buồn trôi qua nhanh và thay vào đó tình thương và trách nhiệm.

Năm 1975, anh Tác được chuyển ra Bắc để chữa trị vết thương. Năm 1976, chị Hiếu quyết định đưa anh Tác về nhà. Có bao nhiêu tiền tích góp chị đều dồn cả vào để chạy chữa, thuốc thang cho anh. Thấy ở đâu người ta bảo có thầy thuốc giỏi là chị lại đưa anh đến khám và chữa trị nhưng các y, bác sỹ đều lắc đầu từ chối và cho biết anh bị teo giác mạc và không thể chữa được. 

Vừa bị mù và điếc khi tuổi đời còn quá trẻ, trái gió trở trời là toàn thân của anh bị đau nhức. Khi biết căn bệnh của mình không thể chạy chữa được, anh Tác trở lên chán nản. Anh thương người vợ mới cưới, thương người mẹ già đau ốm mà anh chưa kịp báo hiếu. Anh rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Anh nghĩ rằng với bệnh tật của mình như thế này thì anh sẽ chẳng thể giúp đỡ được gia đình và là gánh nặng cho mọi người. Thậm chí, vì thương người vợ mới cưới đã nhiều lần anh động viên chị đi bước nữa để chị đỡ khổ và anh cũng đỡ cảm thấy day dứt. Nhưng chị Hiếu luôn động viên để anh thêm tin tưởng vào chị.

Chị tập cho anh quen với những việc sinh hoạt hằng ngày để anh có thể tự làm khi không có chị ở bên. Dần dần, anh có thể giúp chị làm những công việc nhà. Đi lại và làm được việc, anh Tác cũng trở lên vui và lạc quan hơn rất nhiều.

Niềm vui chỉ thực sự đến khi anh chị sinh được đứa con trai đầu lòng vào năm 1977. Đứa con cũng là niềm vui, là nguồn động viên để anh Tác và chị Hiếu vượt qua những khó khăn. Thế là, mọi công việc nhà từ việc chăm sóc mẹ già đau yếu, chăm chồng, nuôi con cho đến việc nhận làm hơn 1 mẫu ruộng, nuôi lợn gà... đều một tay chị làm cả.

Chắt chiu từng hạt lúa, hạt gạo để nuôi con lớn khôn. Và dường như thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của cha mẹ mà những đứa con của chị đều chăm ngoan và học giỏi. Chị vẫn nhớ như in những ngày mà gia đình chị liên tiếp nhận được giấy báo trúng tuyển 3 trường đại học: Đại học Bách Khoa, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Nông nghiệp, Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên của người con cả.

Con đỗ ba trường đại học, cả gia đình chị tự hào và mừng lắm, nhưng lại xen lẫn với nỗi lo là lấy tiền đâu cho con học đại học. Ban đầu, chị bắt con đi học Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên để giảm chi phí ăn ở và học hành... Nhưng rồi, chị quyết định cho con theo học Trường Đại học Giao thông vận tải.

Người con trai lớn chưa ra trường thì người con thứ ba lại đỗ tiếp vào Đại học Thương mại. Chị Hiếu tâm sự: Thời gian đó, kinh tế gia đình eo hẹp. Đồng lương trợ cấp ít ỏi của anh Tác - thương binh hạng 1/4 và của chị cộng cả vào mới được hơn 400.000 đồng. Trong khi đó, mỗi tháng đã phải cho đứa con trai lớn là 300 nghìn, còn đứa thứ ba tiền học phí lấy ở đâu ra?. Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu của chị. Để có tiền cho con đi học, chị lại càng phải thức khuya dậy sớm hơn và làm thêm nhiều việc hơn.

Và cứ như vậy, từ những hạt thóc, hạt lúa, từ những đồng tiền chị nhặt nhạnh từ những công việc cỏn con, chị đã nuôi được ba con học đại học. Người con trai cả của chị hiện nay đang làm kỹ sư xây dựng ở Hà Nội, người con thứ ba của chị hiện đang làm kế toán tại Hưng Yên và con trai út của chị hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

Nhìn thấy các con được ăn học và thành đạt, chị cảm thấy mãn nguyện. Còn đối với anh Tác, hàng ngày, chị vẫn luôn dành một khoảng thời gian nhất định để trò chuyện, đọc báo cho chồng nghe, thói quen đó chị đã duy trì suốt hơn 30 năm nay.

Có một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, đó là sự trả công xứng đáng cho những ngày tháng gian khổ mà chị đã phải trải qua

Bích Huệ
.
.
.