Hồi ức Bazan

Thứ Hai, 03/07/2006, 15:10
Mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên, miền đất bazan lộng nắng và gió ấy, lòng tôi lại trỗi dậy những ký ức nóng bỏng, mãnh liệt, sâu sắc nhưng cũng vô cùng sâu lắng, trầm ấm.

Tôi đến với Ayun Pa, vùng đồng bằng rộng lớn của cao nguyên, nơi còn lưu giữ khá đậm nét những bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Gia Rai nói riêng. Được hòa mình vào nhịp sống của người Tây Nguyên quả thật đó là một niềm hạnh phúc. Cái hạnh phúc lớn lao của một con người được sống giữa lòng mọi người. Người Tây Nguyên sống quần tụ, đầm ấm, đoàn kết bên nhau, chất hoang dã vẫn còn ngấm rất sâu trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trong cuộc sống đời thường trên những vạt rẫy, triền nương, trên những con sông, bờ suối.

Đến Ayun Pa mấy ngày, tôi đã may mắn được tham dự hội nhà mả - ngày hội diễn ra hàng năm của đồng bào dân tộc Gia Rai để tưởng nhớ người quá cố. Không khí trong làng Giơning hôm ấy nhộn nhịp và rộn rã vô cùng. Nhà thì giã gạo, xay lúa, nhà thì chuẩn bị gùi muối, ghè rượu đem ra nhà mả sát cạnh bìa rừng. Một con heo to được giết thịt mang đến ăn chung.  Cơm nấu giống như món cháo đặc trộn với thịt băm nhỏ sau đó múc ra  những chiếc lá khộp to bản rồi cứ thế bốc ăn. Rượu có đến trên một trăm ghè lớn, nhỏ xếp thành hàng dài. Bà con ăn uống cạnh nhà mồ suốt hai ngày, một đêm. Say thì nằm ngủ, nằm hát.

Tỉnh dậy lau mặt, uống tiếp. Trai tráng trong làng đem cồng chiêng đến và đánh lên những chuỗi âm thanh mang âm hưởng của những câu hát dân ca Gia Rai, Ba Na, Ê Đê của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Tiếng chiêng thánh thót theo gió bay đi rất xa. Già, trẻ, gái, trai nắm chặt tay nhau ngẫu hứng nhảy (xoang) quanh đống lửa bập bùng. Những bước chân nhịp nhàng theo tiếng chiêng, lời hát.

Những câu hát dân dã, tự nhiên mà thấm đẫm hồn người cất lên réo rắt suốt đêm thâu. Tất cả như bùng lên sức sống mãnh liệt của ngàn xưa, gợi lên trong lòng người về một thuở hoang sơ lung linh, huyền thoại. Con người như được sống, được đắm mình giữa thiên nhiên bao la. Mọi toan tính, nghĩ suy và những gian nan, vất vả đời thường chẳng còn nghĩa lý gì giữa đêm vui bất tận này. Linh hồn người chết như được đánh thức dậy để hòa vào niềm vui của người đang sống. Cả hai thế giới của người sống và người đã chết lúc đó như không còn khoảng cách.

Suy nghĩ của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và của người Gia Rai là thế.

Mấy ngày sau, tôi còn được chứng kiến hai đám ma người chết. Đám ma thường là đông người dự hơn đám cưới. Làng trên, buôn dưới khi biết tin có người chết họ thường gọi nhau đến xoang chung. Đám ma nào có nhiều người đến xoang và xoang lâu thì càng to. Người làng Giơning nói với tôi như thế. Đó thực sự là một nét văn hóa độc đáo riêng có của người Gia Rai.

Nó phản ánh quan niệm cũng như mơ ước giản dị nhưng rất nhân bản là: Dù không được may mắn sống trọn một kiếp người nhưng linh hồn người chết vẫn luôn được sưởi ấm, được che chở bởi người đang sống. Trong tiềm thức sâu xa, họ không muốn người chết khi về thế giới bên kia phải sầu não, buồn phiền mà luôn được vui tươi, thanh thản; được yêu thương và không bị bơ vơ, cô đơn giữa đất trời.

Thế giới tâm linh của người Tây Nguyên là thế!

Còn trong sinh hoạt đời thường thì dù có sống giữa cuộc sống hiện đại, người Gia Rai ở đây vẫn giữ riêng cho mình một phong cách sống tự nhiên, hoang dã. Ngày ngày, già trẻ đeo gùi lên rẫy, lên nương. Nương xa có khi đi cả ngày đường. Nhà nào có xe bò thì chở gạo, muối, thực phẩm, gia cầm đi theo rồi ở hẳn trên nương cả tháng trời. Ai không có xe thì cần mẫn đi bộ. Sau lưng là chiếc gùi to nặng trĩu hoặc những em bé ngủ ngon lành trên tấm lưng trần của mẹ.

Cuộc sống ở trên nương thật thi vị biết bao. Ở đó con người thực sự đựơc thả hồn mình vào cái bao la của đất trời, của thiên nhiên kỳ vĩ. Dòng suối Yason mát rượi chảy rì rào đã ngàn năm. Bên kia con suối là cánh rừng khộp bạt ngàn biếc xanh tầm mắt. Mỗi buổi sáng bình minh từng đàn bò thong dong xuống suối uống nước.

Những cô gái Gia Rai đeo gùi sau lưng, mấy quả bầu nước bên trong lắc lư theo nhịp bước. Vừa đi, các cô vừa vui vẻ hát những câu hát mới chợt nghĩ ra để trêu chọc những chàng trai đang vục nước dưới suối lên rửa mặt. Tiếng chim rừng ríu rít đánh thức buổi sáng bình minh. Nương rẫy bừng lên trong nắng sớm sau những chuỗi âm thanh sống động. Một ngày làm việc vất vả bắt đầu...

Sức chịu đựng của người Tây Nguyên thật bền bỉ, dẻo dai và thật đáng khâm phục. Chuyện nắng mưa hình như chẳng mấy ảnh hưởng gì đến đôi bàn tay chai sạn, khỏe khoắn và sự cần mẫn của họ. Họ làm việc quên thời gian. Bữa ăn trưa chỉ đơn giản là cơm và bát canh nấu bằng lá mì (lá sắn) cùng một vài con cá khô nướng.

Khi mặt trời lặn, một ngày vất vả qua đi. Mọi người trở về bên những túp lều nhỏ nhắn, xinh xắn của mình cất dao phát, cuốc xẻng, gùi... rồi chuẩn bị xuống suối giặt giũ, tắm rửa và lấy nước…

Hoàng hôn.

Bãi tắm dọc theo sông Yaun và con suối Yason luôn đông nghịt người. Phần đông phụ nữ vẫn thích thả ngực trần. Họ chỉ quấn một chiếc váy ngang lưng và đầm mình xuống dòng nước trong vắt một cách thoải mái, vô tư.

Cái chất của người Tây Nguyên là vậy.

-PageBreak--

Một lần theo đoàn công tác liên ngành của tỉnh, huyện, xã lên nương với bà con, tôi được sống trọn vẹn một đêm đầy ý nghĩa. Tối hôm đó dân làng mổ thịt một con bò. Tất cả mọi người, mọi gia đình ở nương gần, nương xa đều tụ họp về nương của già làng Plei Giơning. Mỗi nhà gùi đến góp một ghè rượu và cứ thế cuộc vui diễn ra thâu đêm với rượu ghè và thịt bò nướng. Ai say thì nằm ngủ luôn bên ghè rượu. Tỉnh dậy tiếp tục cuộc vui.

Uống đến khi nào thịt hết, rượu nhạt mới thôi. Vừa uống họ vừa nhảy, vừa hát. Tưởng như không bao giờ dứt ra khỏi cuộc vui bất tận. Họ đã vui thì vui cho đến cùng. Không ai tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Cho đến khi trời sáng hẳn cuộc vui mới gác lại để mọi người đi rẫy. Sống ở trên nương bao giờ cũng vui, cũng nhộn nhịp hơn ở làng là như vậy. Chỉ khi nào có lễ hội hoặc có những công việc hệ trọng thì mọi người ở trên nương mới rủ nhau về làng họp mặt, sum vầy.

Tôi được già làng Siu Tre mời uốmg rượu vào một đêm mưa. Lúc đầu người nhà mổ gà để mời tôi. Vì chưa hiểu hết tục lệ nên tôi cứ ngồi lì ở gian bếp phía trong chơi với chị H’Liêu con gái đầu của già làng. Nhìn ra gian ngoài, tôi rất ngạc nhiên vì rượu đã được đổ nước từ rất lâu, mọi người đã ngồi vòng tròn nghiêm chỉnh mà chưa ai uống cả. Tôi hỏi lý do vì sao mọi người không uống thì nhận được câu trả lời rằng: vì tôi là khách quý của bữa rượu này nên dù thế nào mọi người cũng phải chờ tôi và tôi là người được uống đầu tiên.

Tôi vội vàng buông bát cơm ăn dở chạy ra ngồi cạnh vò rượu. Đến lúc ấy già làng mới đổ bầu nước đầu tiên và bẻ que tre làm căn đo cho tôi uống. Lượt nước đầu tiên sánh vàng như mật ong, ngọt đến đắm mình. Uống xong mặt tôi nóng bừng. Già làng đổ tiếp cho tôi hai căn nữa. Khi cạn phần rượu của mình cũng là lúc tôi cảm thấy chuếnh choáng. Mọi vật xung quanh chao đảo.

Chị H’Liêu dìu tôi sang gian nhà bên cạnh trải chiếu cho tôi nằm. Tôi lịm đi trong giấc mơ về những đêm xoang bất tận, trong giai điệu ngọt ngào của câu hát dân ca Gia Rai... Khi mọi người lay tôi dậy thì đêm đã chuyển dần về sáng. Lòng tôi trào dâng một niềm xúc động đến vô bờ. Tôi không thể từ chối lời mời của mọi người mặc cho bên ngoài cơn mưa cao nguyên đầu mùa đang đổ xuống ào ào, xối xả.

Lần cuối trước khi chia tay với Tây Nguyên mọi người lại được cùng nhau sống chung trong không khí của một đêm xoang tuyệt vời. Đó là ngày làng Plei Amăng tổ chức lễ ăn thề không đi theo bọn phản động đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê Ga tự trị”. Cả làng náo nức lập sân bãi, đánh chiêng, dựng cây nêu trước đó cả tuần. Khi ngày lễ chính thức đến, dân làng từ trên nương tụ họp về đông đủ. Mọi người chọn những bộ trang phục đẹp nhất để mặc. Cả làng cắt tiết một con dê hòa vào rượu.

Già làng đứng lên đọc lời thề, lời cam kết với chính quyền địa phương không nghe lời bọn xấu; rồi mời những người có chức sắc, có vị thế trong làng cùng các đồng chí lãnh đạo huyện, xã uống rượu hòa máu dê. Hết lượt rượu đầu tiên, đêm xoang bắt đầu. Dàn chiêng đồ sộ được mang ra giữa sân cỏ. Ngoài khiêng chiêng trên vai, người xách chiêng trên tay, đi vòng tròn và tấu lên giai điệu của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Tất cả nắm tay nhau thành vòng lớn, vòng nhỏ và nhảy theo nhịp chiêng. Những bước chân nhịp nhàng, những vòng người sóng sánh cứ lướt đi và lớn dần thêm mãi. Trong lòng tôi như bùng cháy lên ngọn lửa hừng hực cao nguyên. Các em Siu Loan, Siu H’Minh, Nay H’Lem... kéo tôi hòa vào dòng người đông đúc.

Điều làm cho tôi rất ngạc nhiên và thích thú là càng về khuya, không khí của đêm xoang càng sôi động. Thanh niên từ khắp các buôn làng đổ về và nối thành vòng tròn lớn. Trai gái gặp gỡ nhau cùng tâm sự và nắm tay nhau bước đi trong điệu xoang quyến rũ, ngọt ngào. Men rượu thơm nồng nàn, ngây ngất như ngấm sâu trong dòng chảy xúc cảm vô tận. Tôi cảm thấy mình như bay lên trong không gian mênh mông, bao la, hoang sơ. Trong giấc mơ đêm cao nguyên, tôi thấy mình được đứng trên đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ.

Cuộc sống của người Tây Nguyên là vậy đó. Nó thực sự để lại ấn tượng đậm nét trong tôi. Tôi muốn gửi một góc tâm hồn về nơi ấy. Muốn được hưởng tận cùng cái cảm xúc trong sáng, mãnh liệt và tinh khiết nhất mà tạo hóa đã ban cho vùng đất đầy chất huyền thoại và những kỳ tích anh hùng này

Dáng Hương
.
.
.