Hồi hộp chờ… voi đẻ
- Đắk Lắk được tài trợ 50.000 USD để bảo tồn voi
- Voi vẫn chết dù dự án Bảo tồn voi đã có
- Chi tiền tỷ để bảo tồn, voi vẫn chết
“Kết duyên” cho voi
Những ngày này, trong căn nhà sàn của gia đình ông Y Mứ Bkrông (chủ “nàng” voi Ban Nang, trú tại buôn Mliêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) trở nên nhộn nhịp khác thường. Ngoài những đoàn chuyên gia đến để chuẩn bị cho cuộc “đại sinh nở” của “nàng” voi Ban Nang thì bà con, chòm xóm, người thân cũng đến để chúc mừng gia đình ông. “Không mừng sao được hả chú. Đã hơn 30 năm nay dân làng mới có dịp để chứng kiến cảnh… voi nhà sinh đẻ”, ông Y Mứ Bkrông tươi cười nói.
Để tìm hiểu về quá trình thai nghén của “nàng” voi này trong gần 2 năm qua, chúng tôi tìm đến nhà anh Y Vinh Êung - cháu gọi ông Y Mứ Bkrông bằng bác. Y Vinh Êung cũng là một nài voi có tiếng ở cái buôn làng nhỏ bé này. Điều ngạc nhiên hơn là chính chú voi Y Mâm (45 tuổi) của gia đình anh Y Vinh Êung là “tác giả” bào thai của “nàng” Ban Nang.
Anh Y Vinh Êung nhớ lại: “Cách đây gần 2 năm, trong một lần dẫn voi đi chở khách thì tôi phát hiện giữa “chàng” voi Y Mâm với “nàng” voi Ban Nang có “tình cảm” với nhau. Voi cái trưởng thành bao giờ cũng chỉ cho con đực ve vãn, vuốt ve, mơn trớn nếu thật sự có “tình cảm”. Nếu không “thương”, voi cái nhất quyết từ chối, thậm chí còn tấn công voi đực một cách không thương tiếc nếu bị cưỡng ép”.
Cũng theo anh Y Vinh Êung, trong suốt một thời gian dài khi các nài voi trong vùng cùng với các chuyên gia bảo tồn voi trên thế giới nghĩ mọi cách tạo cơ hội để voi đực trong vùng được gần gũi, làm quen với 5 “nàng” voi cái ở buôn Jang Tao và Mliêng nhưng những cuộc “ép duyên” này đều… thất bại. 4 voi cái của buôn Jang Tao lúc thì “lười yêu”, lúc thì “yêu” nhưng không đậu thai.
Trong lúc mọi người đang tuyệt vọng thì bất ngờ “cuộc tình” giữa “chàng” voi Y Mâm với “nàng” voi Ban Nang cho kết quả. Để chắc chắn, các chuyên gia bàn với nài voi sử dụng các thiết bị siêu âm đưa vào bụng Ban Nang và sau đó xác nhận việc voi Ban Nang mang thai thành công. Một kế hoạch chăm sóc đặc biệt được nhanh chóng vạch ra.
Một đội ngũ nhân viên hùng hậu bao gồm: Chủ voi, cán bộ kiểm lâm, bác sỹ Trung tâm Bảo tồn voi, các chuyên gia nước ngoài luôn túc trực 24/24 bên “nàng” Ban Nang để chăm sóc, đề phòng sự cố xảy ra.
Đặc biệt hơn, Trung tâm còn chi 10 triệu đồng/tháng để thuê hẳn một “bà bảo mẫu” là voi HBăn (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) từng chăm sóc Ba Nang từ bé về chăm sóc, bảo vệ và đỡ đẻ cho voi Ban Nang.
Voi Ban Nang đang được chăm sóc đặc biệt chờ ngày sinh nở. |
Vừa mừng vừa… lo
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết: “Sự kiện voi nhà sắp sinh sản sau gần 30 năm là một tín hiệu rất đáng mừng cho công tác bảo tồn voi của tỉnh nhà. Đây là kết quả của chương trình bảo tồn loài voi được Chính phủ phê duyệt, một chương trình rất cấp thiết với tỉnh và cả nước.
Từ khi giải phóng đến nay, Đắk Lắk có trên 500 con voi nhà, nhưng hiện nay chỉ còn vỏn vẹn khoảng 40 con, cho nên vấn đề đặt ra là làm sao phải bảo tồn được những chú voi còn lại là hết sức cấp bách”.
Cũng theo ông Đông, do được tạo điều kiện hết mức nên voi mẹ Ban Nang và voi con trong bụng sức khỏe đang khá tốt. Tuy nhiên, voi Ba Nang tuổi cao nên khả năng đẻ rất khó khăn, dự trù trước Trung tâm bảo tồn voi đã phối hợp các nhà kỹ thuật có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này, cùng các chuyên gia nước ngoài theo dõi, hỗ trợ làm sao cho voi đủ sức khỏe để sinh sản.
“Nếu có kết quả tốt thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hành trên những con voi nhà khác. Chúng tôi mừng nhưng cũng lo lắng, hồi hộp, bao giờ sinh xong mới hết lo, vì khi voi đẻ chỉ có các nhà chuyên môn được vào”, ông Đông cho biết thêm.
Nói về những khó khăn trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Ðắk Lắk, cho hay: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là khác với nhiều loài vật, voi là loài vật thông minh, tế nhị. Chuyện “yêu đương” của chúng vốn kín đáo giữa đại ngàn, nên khi thành voi nhà, quanh năm bị xiềng xích và phơi trần trước những cái nhìn tọc mạch, thì việc giao phối và sinh đẻ tự nhiên trở nên rất hiếm. Nên ngoài việc hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật của các chuyên gia thì rất cần sự đồng thuận của người dân. Có như vậy mới hy vọng “cứu sống” đàn voi nhà đang trên đà tuyệt chủng”.