Học sinh vùng lũ lụt Yên Bái: Vượt khó tới trường

Thứ Hai, 01/09/2008, 09:40
Đã sang tiết thu, nắng vẫn gắt gao và trời vẫn oi nồng. Cơn lũ dữ qua đi đã 3 tuần, những hậu quả bước đầu dần được khắc phục, trẻ em lại tíu tít đón chào năm học mới, dẫu quần áo, sách vở, đồ dùng học tập đã bị cuốn trôi hay còn ẩm ướt, thậm chí, nhiều nơi, sân trường vẫn lênh láng bùn đất. Để có được ngày khai giảng bình yên, ăm ắp kỷ niệm, cả thầy và trò vùng rốn lũ Yên Bái đang gắng vượt qua muôn vàn thách thức.

Phơi sách cho kịp khai giảng

Dọc con đường lổn nhổn đất đá từ TP Yên Bái về huyện Trấn Yên, một trong những nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ lụt lịch sử đầu tháng 8, cách một quãng lại bắt gặp cảnh sách vở học trò phơi trắng lóa dưới mặt trời. Dẫu may mắn vì hầu hết các trường học ở đây đều xây cất trên vị trí cao, nước lũ khó gây tác hại, nhưng nhiều gia đình học sinh và cả các thầy cô giáo lại không tránh được cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Tới nhà em Trần Thị Hằng, học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Y Can (xã Ya Can - huyện Trấn Yên) đúng giấc trưa 30/8, thấy em đang lúi húi đảo sách vở ngoài sân nắng. Cô bé nâng niu từng cuốn tập mỏng manh, may giữ lại được sau những ngày dầm nước.

Ngấn nước vẫn còn hằn vết cao tít trên tường nhà Hằng. Mẹ Hằng, chị Phạm Thị Mão thở dài thườn thượt: "Nhà nông mà phải ngồi không thế này là bứt rứt lắm. Nhưng lúa mất trắng, hoa màu cũng mất trắng, còn gì để làm nữa đâu". Nhà vốn dĩ đã khó khăn, gặp thiên tai, có ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, nghĩ đến cảnh đóng góp đầu năm, chị Mão lạnh cả người.

Cuộc sống hiện tại trông chờ vào mấy nong tằm. "Mua 45.000 đồng một vòng tằm, chăm chút kỹ lưỡng trong 20 ngày, bán hơn trăm nghìn. Nhà nông mà, tháng có thêm được bẩy, tám chục nghìn là tốt lắm rồi". Chị Mão phân trần. Thường ngày, sau giờ học, Hằng lại cùng chị gái và em trai đi hái lá sắn cho tằm ăn. "Vẫn biết phải có cái chữ để sau con cái đỡ khổ, nhưng khó khăn quá, vợ chồng tôi cũng không hiểu gắng gượng được đến bao giờ". Chị Mão ngậm ngùi.

Gầy gò, tóc và da cháy nắng, đen sém, chỉ nụ cười là vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt trẻ thơ xinh xắn của cả hai chị em Ngô Thị Thương, Ngô Hồng Đức. Bố mất sớm, ba mẹ con Thương, Đức nương tựa cùng nhau trong căn nhà tranh vách đất nham nhở, lụp xụp. Mẹ cũng chỉ biết làm ruộng, tài sản lớn nhất trong nhà là con trâu và chú nghé ọ, ơn trời thoát được trong nước lũ.

Cổng, sân Trường THPT Lý Thường Kiệt vẫn như "ao bùn" trước ngày khai giảng. Ảnh: T.H

Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Can thầm thì: "Một tháng, ba mẹ con nhà này thu nhập giỏi lắm được 200 nghìn đồng nhờ hoa màu. Nay lũ cuốn đi cả, chẳng biết trông chờ vào đâu". Chị Thương học lớp 5, em Đức lớp hai, cùng Trường Tiểu học Y Can, một buổi đến lớp, một buối đã biết chăn trâu chăn nghé giúp mẹ. Sách vở quần áo trôi hết, hai chị em vẫn háo hức đón khai giảng như các bạn cùng trang lứa khắp cả nước.

Nhà trường tuy nghèo, các thầy cô vẫn gắng chắt chiu dè xẻn, dành tặng cho hai chị em những bộ sách giáo khoa cũ, mươi quyển vở mới để kịp bước vào năm học.

Cả huyện Trấn Yên, những học sinh có hoàn cảnh khốn đốn sau lũ như chị em Thương, Đức, cũng chiếm một phần đáng kể. Nhưng mục tiêu đề ra, không để một học sinh nào phải nghỉ học vì lũ đang được ngành Giáo dục thực hiện sát sao.

Thầy Nguyễn Tuấn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Y Can khoe: "Trường có 213 học sinh, thì 192 em là người dân tộc, mà chủ yếu là dân tộc Dao. Có những em nhà ở cách trường cả 10 cây số, lại thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn chăm chỉ tới lớp. Hai năm học vừa qua, trường chỉ có 4 em bỏ học giữa chừng. Nhưng được các thầy cô động viên, khuyên nhủ, 3 em đã trở lại lớp".

Nhiều thầy cô ở trường giờ này (ngày 30/8) vẫn phải đi ở nhờ vì nhà cửa còn ướt át, mốc meo, đồ dùng bị lũ cuốn sạch, chưa kịp mua sắm mới. Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh dạy tiếng Anh còn nhớ nguyên vẹn khoảnh khắc khủng khiếp của ngày 8/8. Nước ào về, cô chỉ kịp chở bố mẹ già và đứa con thơ tìm nơi trú ẩn, quay lại, cả ngôi nhà nhỏ bé đã ngập chìm giữa biển nước.

Cô giáo Lê Thị Chúc cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Lũ ập đến, cô chỉ còn biết ẵm đứa con mới 3 tháng tuổi chạy, chứ chẳng thiết tha đến tài sản. Cho đến giờ nhà cô vẫn chưa sửa chữa kịp, gia đình nhỏ của cô phải dọn đến ở nhờ ông bà ngoại.

Quyết tâm không để học sinh bỏ học vì bão lũ

Ngay giữa TP Yên Bái, tàn tích của cơn lũ vẫn còn hiển hiện mỗi góc phố, mỗi con đường. Bước vào cổng Trường THPT Lý Thường Kiệt, cảnh tượng kinh hoàng đập ngay vào mắt mọi người. Bùn đất dày đặc rải khắp sân trường, nhớp nhúa, lênh láng. Tường rào phía sau trường cũng bị nước lũ cuốn trôi. Tận thời điểm này, máy xúc vẫn hoạt động 24/24 giờ trong sân để dọn sạch cái "ao bùn" trước ngày 5/9 sao cho kịp lễ khai giảng.

Đó cũng là khẳng định của thầy Hiệu trưởng Lê Văn Lộc: "Chắc chắn, thầy và trò chúng tôi sẽ có ngày khai giảng ý nghĩa, vẹn toàn như bất kỳ một trường học nào khác". Cùng đó, học sinh các khối lớp vẫn tay cuốc tay xẻng, tay xô tay chậu tham gia dọn dẹp lớp học phụ với những cô chú công nhân vệ sinh môi trường chuyên nghiệp.

Dẫu khối lượng bùn đất phải giải tỏa còn bời bời, nhưng Trường THPT Lý Thường Kiệt vẫn đảm bảo việc học đúng tiến độ, theo chỉ đạo của toàn ngành Giáo dục. Đó cũng là thực tế chung của các trường học vùng rốn lũ. Cả huyện Trấn Yên, thầy và trò đã tựu trường vào ngày 21/8, bắt đầu học chính thức từ ngày 2/8.

Trao đổi với chúng tôi, ông  Đỗ Xuân Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trấn Yên cho biết: "Cơn bão số 4 cũng như trận lũ lụt kinh hoàng vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản của giáo viên cũng như gia đình học sinh. Không ít nhà bị ngập sâu từ 2,5 - 3m, bị bùn vùi lấp cho đến giờ vẫn chưa thể khắc phục xong.

Cụ thể có tới 2 trường bị ngập nước là Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Hoàng Quốc Việt và 1.769 học sinh của hơn 50 trường thuộc các hộ gia đình ở các xã Văn Lãng, Văn Tiến, Đào Thịnh, Âu Lâu… bị lũ lụt không có sách vở, dụng cụ để vào năm học mới (trong đó có 442 học sinh bậc mầm non, 676 học sinh tiểu học, 651 học sinh THCS).

Tuy còn khó khăn, nhưng Phòng Giáo dục huyện vẫn quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch khai giảng các trường học trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tức là ngày 25/8, học sinh các lớp tiểu học, trung học cơ sở trên toàn huyện đã bắt đầu đi học. Đến ngày 3/9, huyện sẽ tiến hành khai giảng điểm ở Trường THCS Y Can.

Hôm đó, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ về dự lễ khai giảng tại đây, để chung vui với những thành tích mà thầy trò nhà trường đạt được, cũng như chia sẻ phần nào nỗi lo hậu lũ với người dân Trấn Yên và tỉnh Yên Bái... Đến ngày 5/9, tất cả 89 trường học còn lại (cả 3 cấp) trong huyện sẽ đồng loạt khai giảng năm học mới cùng học sinh cả nước".

"Chúng tôi sẽ cùng bà con khắc phục những khó khăn, cố gắng không để học sinh nào phải bỏ học do khó khăn vì bão lũ", ông Hưng khẳng định

Hương Sen - Thanh Huyền
.
.
.