Kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012):

“Họa mi” trong Trại Davis

Thứ Bảy, 28/04/2012, 23:21
Với sự mưu trí, dũng cảm của hai phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt 823 ngày đêm, đã kiên trì đấu tranh, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Paris. Trong chiến công ấy, có sự đóng góp ý nghĩa của những “họa mi”, nghệ sĩ mặc áo lính.

Theo quy định của Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí ngày 27/1/1973, cuối tháng 1/1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại “Trại Davis”, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định.

Trong hơn 3 năm tại Trại Davis (nguyên là một căn cứ của lính Mỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất), cán bộ, chiến sĩ hai đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đóng góp vào chiến công đó, có các nghệ sĩ của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam…

Theo lời giới thiệu của Đại tá Vũ Nam Bình (tức Nguyễn Văn Khả, nguyên Trưởng ban Bảo vệ An ninh phái đoàn ta trong Trại Davis), tôi đến thăm bà Mộng Tước, người từng tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại Trại Davis gần 40 năm trước. Bà Mộng Tước là người Hà Nội gốc, quê làng Ngũ Xã.

Bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa, bà kể: Năm 1960, khi đang học năm cuối Trường cấp III Chu Văn An, tôi dự thi vào Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Chúng tôi vừa học, vừa tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân miền Bắc đang sục sôi các phong trào cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị chi viện cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.

Năm 1964, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Tôi được cử vào Đội văn nghệ xung kích biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào Khu IV; đồng thời rèn luyện sức khỏe để đi B. Chúng tôi cũng đeo ba lô, gạch, hành quân bộ hằng ngày. Tuổi trẻ và khát vọng giải phóng đất nước khiến chúng tôi hăng hái, quên đi hết mệt nhọc. Nhưng sắp đến ngày vượt Trường Sơn, chúng tôi ngỡ ngàng nhận được lệnh trở lại Hà Nội. Gặp cấp trên thắc mắc thì được biết: Đây là lệnh của Bác Hồ! Hóa ra, ca sĩ Thanh Trúc, một đồng nghiệp của chúng tôi trong những lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, đã báo cáo và đề nghị Bác cho vào Khu IV cùng chúng tôi tập luyện để vào Nam biểu diễn… Bác lắng nghe chăm chú rồi phân tích: Các cháu có tinh thần xung phong thế là tốt. Nhưng hiện nay, đường vào Nam rất gian nan, nguy hiểm; các cháu Văn công Quân đội sẽ có ngày vào tiền tuyến phục vụ đồng chí, đồng bào, song chưa phải thời điểm này. Sau đó, Bác chỉ thị tạm thời chưa cử văn công vào Nam…

Ca sĩ Mộng Tước, Phương Linh và các sĩ quan trong Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Paris.

Nhắc tới Bác Hồ, bà Mộng Tước cảm động nghẹn ngào: “Bác như người cha kính yêu sinh ra chúng tôi. Bác chỉ thị như vậy là vì chờ thời điểm thích hợp mới cho chúng tôi vào… Lúc đó, chiến tranh rất ác liệt và giao thông liên lạc cực kì khó khăn”.

Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Tin vui lan khắp mọi miền đất nước. Cuối năm 1973, bà Mộng Tước và một số đồng nghiệp được lệnh chuẩn bị một chuyến đi biểu diễn. Ngay trước lúc lên đường, họ mới được phổ biến nhiệm vụ. Bà Mộng Tước xúc động kể: “Chúng tôi cảm nhận niềm vinh dự và tự hào, khi được biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta ngay tại Sài Gòn – cái đích đã gần đến của những đoàn quân giải phóng trong suốt mấy chục năm qua.

Tại sân bay Gia Lâm, máy bay vận tải C130 của Mỹ chở các thành viên phái đoàn ta và anh chị em văn công Tổng cục Chính trị cất cánh, sau khoảng 2 giờ bay thì đáp xuống Tân Sơn Nhất. Vậy là, chúng tôi chỉ mất có 2 giờ để vào được Sài Gòn, thay vì 6 tháng đến 1 năm hành quân vượt Trường Sơn”.

Khi tổ văn nghệ Tổng cục Chính trị có mặt tại Trại Davis, cũng là dịp kỉ niệm 29 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1973). Nhân dịp này, một tổ văn nghệ của Cục Chính trị, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ Lộc Ninh, cũng được cử vào Trại Davis.

Bà Mộng Tước bộc bạch: “Ngay tối đầu tiên, chúng tôi đã biểu diễn một số tiết mục văn nghệ và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của anh em phái đoàn ta. Tôi và chị Phương Linh cùng các chị Tuyết Mai, Kim Chi, Bích Toàn, các anh Minh Quang, Xuân Trung và Quang Đỗ đàn và hát một số bài ca cách mạng đầy tinh thần lạc quan, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước... Những ngày sau, các ca sĩ, nghệ sĩ còn biểu diễn một số bài dân ca, bản nhạc của Hungary, Indonesia, Canada và Ba Lan, là các nước có đại diện trong Ủy ban quốc tế có nhiệm vụ kiểm soát, giám sát việc thi hành Hiệp định Paris. Các sĩ quan Ủy ban Quốc tế rất ngạc nhiên và thích thú được thưởng thức những giai điệu âm nhạc của dân tộc mình ngay tại Sài Gòn, dù vẫn có tiếng gầm rú của máy bay phản lực và đôi khi cả tiếng đại bác từ ngoại ô dội về... Nhiều tiết mục của chúng tôi còn nhận được sự cổ vũ của nhân viên và thân nhân binh lính Sài Gòn trong khu vực Trại Davis”…

Thấm thoắt gần 40 năm đã qua. Đến trung tuần tháng 4/2012 tại Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Vinh dự này là phần thưởng dành cho sự mưu trí, dũng cảm của hai phái đoàn ta trong suốt 823 ngày đêm (từ cuối tháng 1/1973 đến cuối tháng 4/1975) đã kiên trì đấu tranh, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Paris. Trong chiến công ấy, có sự đóng góp ý nghĩa của những “họa mi”, nghệ sĩ mặc áo lính

Duy Hiển
.
.
.