Hồ Đại Lải đang bị "xẻ thịt"
Cách Hà Nội hơn 40km, hồ Đại Lải (xã Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là công trình thủy lợi quan trọng. Tuy nhiên, hiện hơn 17 ha mặt hồ đang bị san lấp bởi một dự án xây dựng khu vui chơi giải trí do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép
Với tổng dung tích 34,5 triệu m3 ở mức cốt tràn của đập là 23m, hồ Đại Lải không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.000 ha đất canh tác của các huyện Mê Linh, Bình Xuyên, Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và một phần huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mà còn có chức năng ngăn và xả lũ cho toàn bộ khu vực này.
Chúng tôi có mặt tại hồ Đại Lải vào chiều 22/7. Cả một khoảng hồ rộng đã bị lấp cao gần bằng mặt đường. Nhưng công việc san lấp vẫn đang tiếp diễn, ở ven bờ, chỉ cách chân đập vài chục mét, 2 chiếc máy xúc vẫn đang hối hả bốc đất đổ lên những chiếc xe tải hạng nặng chở ra khu vực san lấp đã cách bờ mấy trăm mét. Nếu đúng tiến độ đã được phê duyệt, năm 2006, một khu vui chơi giải trí sẽ được xây dựng trên khu đất đang san lấp này.
Lai lịch một dự án
Ngày 31/3/2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định 888/QĐ-UB chấp thuận dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nghỉ ngơi và vui chơi giải trí Trại Thị - khu du lịch Đại Lải. Theo quyết định này, tổng diện tích đất của dự án (cả mặt nước) là 30,1 ha, vị trí của dự án tiếp giáp với khu nhà nghỉ cán bộ lão thành cách mạng, sân golf và một phần tiếp giáp mặt nước hồ. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhật Hằng với vốn đầu tư 102,377 tỉ đồng. Dự án sẽ được hoàn thiện vào năm 2006. Theo tính toán của chủ đầu tư, sau hơn 6 năm sẽ thu hồi vốn; đặc biệt tổng doanh thu của dự án sẽ đạt tới 206,397 tỉ đồng, trong đó thu từ kinh doanh đất đầu tư xây dựng hạ tầng đã là 169,629 tỉ đồng.
Tiếp đó, ngày 15/12/2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 5158 sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 888, theo đó đổi tên dự án thành: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải; Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng. Mặc dù tổng diện tích của dự án vẫn là 30,1 ha, nhưng trong quyết định điều chỉnh này đã thu hẹp diện tích đất trồng cây xanh và giao thông, điều chỉnh diện tích đất xây dựng nhà ở biệt thự từ 6,25 ha lên 8,44 ha; đất xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh, dịch vụ từ 5 ha lên 7,54 ha.
Theo các quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì 8,44 ha được giao theo hình thức “Giao đất ổn định, lâu dài, có thu tiền sử dụng đất để xây nhà ở biệt thự sinh thái để chuyển nhượng”. Khi dự án hoàn thành, trong lòng hồ Đại Lải sẽ mọc lên các khu biệt thự cao cấp theo kiến trúc Á Đông, khu biệt thự Âu Mỹ, khu khách sạn, khu Làng văn hóa ẩm thực, khu thể thao dưới nước, bãi tắm, nhà thuyền và 4-5 loại vườn sinh vật...
Những chỉ đạo không thống nhất giữa tỉnh uỷ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Tháng 6/2004, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ngọc Thanh đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phản ánh nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong xã là không lấp hồ. Theo văn bản này diện tích bán ngập trong khu vực dự án là 11,2 ha hầu hết ở cốt (cao độ mặt nước) trung bình là 17. Nếu theo thiết kế thì Công ty Nhật Hằng nâng bề cốt khỏi (cao độ) 21, nghĩa là sẽ phải đổ khoảng 55.000m3 đất xuống những vị trí này để thay thế cho 55.000m3 nước. Cũng như vậy, với 6,7 ha diện tích đất hoang và đất nông nghiệp cũng phải đổ 27.000m3 đất thay 27.000m3 nước... Với lý do đó, UBND xã Ngọc Thanh đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh, thu hồi lại 17,9 ha diện tích dự án để đảm bảo cảnh quan khu vực hồ Đại Lải, không để lòng hồ bị thu hẹp, che khuất.
Sau khi nhận được công văn của chính quyền, đoàn thể xã Ngọc Thanh, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khi đó đã đi kiểm tra thực tế. Ngày 7/6/2004, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có thông báo số 720, trong đó nêu ý kiến của đồng chí Bí thư với nội dung: “Về đề nghị của xã Ngọc Thanh là khách quan và có cơ sở. Dự án này nếu được thực hiện sẽ san lấp mất gần 20 ha mặt nước hồ Đại Lải. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan và UBND thị xã Phúc Yên, UBND xã Ngọc Thanh và chủ đầu tư dự án kiểm tra, xem xét lại. Về nguyên tắc nhất thiết không được san lấp hồ Đại Lải”. Tuy nhiên ý kiến chỉ đạo này đã không được thực hiện. Bởi cho tới lúc này một phần lòng hồ đã bị lấp.--PageBreak--
Vì sao đã có ý kiến của Tỉnh ủy mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục cho Công ty Nhật Hằng thực hiện dự án? Phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Định hướng của Vĩnh Phúc là sẽ chuyển hồ Đại Lải sang làm du lịch chứ nếu chỉ làm hết thủy lợi thì sẽ không thể làm du lịch được. Diện tích tưới tiêu của hồ vào khoảng 2.000 ha, tuy nhiên, cơ cấu nông nghiệp của Vĩnh Phúc đã thay đổi. Vĩnh Phúc sẽ chỉ giữ 500 ha mặt nước ở cốt 19 để làm du lịch. Nhưng cần phải nói rõ là việc thay đổi mức cốt nước của hồ, tức là hạ thấp cao độ mặt nước, là do tỉnh Vĩnh Phúc đơn phương quyết định, chứ chưa hề được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Chính ông Nguyễn Đình Ninh, Cục phó Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã khẳng định: Về mực nước dâng, cao trình tràn của hồ Đại Lải đến nay chưa hề thay đổi. Muốn thay đổi cốt nước phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền và cơ quan đã ra quyết định đầu tư công trình hồ Đại Lải. Cơ quan quyết định đầu tư xây dựng hồ từ năm 1959 là Bộ Thủy lợi, nay là Bộ NN & PTNT chưa hề nhận được báo cáo về việc thay đổi cốt nước.
Xem xét lại quá trình cấp phép cho dự án, có thể thấy rằng Công ty Nhật Hằng đã được ưu ái đến mức bất thường. Theo quyết định được phê duyệt, tổng vốn đầu tư của dự án là 102,37 tỉ đồng, tổng doanh thu dự tính là 206 tỉ đồng. Rõ ràng đây là dự án có mức đầu tư rất lớn và lãi cũng rất lớn. Nhưng thực lực của chủ đầu tư thì sao? Vào thời điểm đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhật Hằng, thành lập năm 1999, trụ sở tại P5 - E11 khu tập thể Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có vốn điều lệ là 5 tỉ đồng. Cũng tại Quyết định 888 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ở mục nguồn vốn đầu tư cũng chỉ ghi: “Vốn tự có của công ty: 12,37 tỉ đồng; Vốn huy động, vốn vay: 90 tỉ đồng”.
Với năng lực tài chính chỉ bằng 1/10 vốn đầu tư, Công ty Nhật Hằng huy động ở đâu ra 90 tỉ đồng để thực hiện dự án hay dùng chính quyết định của UBND tỉnh để huy động vốn? Chưa hết, ngày 22/4/2003, Sở Địa chính Vĩnh Phúc có phiếu thẩm định hồ sơ xin giao đất cho Công ty Nhật Hằng, trong đó cán bộ địa chính Phan Tuệ Minh nhận xét: “Bản đồ không rõ loại đất, thửa đất, các vật chuẩn để có thể xác định mốc giới, ranh giới. Không thể hiện được phần quy hoạch đất thuê, đất giao thu tiền và giao không thu tiền; hồ sơ không có bản đồ phê duyệt địa điểm để kiểm tra quy hoạch. Không có đơn thuê đất, phương án đền bù”. Nhưng dường như lãnh đạo Sở Địa chính đã không lưu tâm tới những nhận xét này, bởi cũng ngay trong ngày 22/4, Giám đốc Sở Địa chính Phạm Thanh Long lại ký tờ trình về việc thu hồi và giao đất cho Công ty Nhật Hằng. Và trong khi tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Công ty Nhật Hằng được san lấp mặt hồ từ cuối năm 2004, nhưng tận tháng 5/2005, Cục Thủy lợi mới nhận được báo cáo và đến ngày 8/7/2005, Bộ NN & PTNT mới có giấy phép về việc hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Như vậy, các cơ quan chức năng của Vĩnh Phúc đã làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”?
Cần phải nhắc lại rằng cho đến lúc này Bộ NN& PTNT vẫn coi nhiệm vụ chính của hồ Đại Lải là phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn và xả lũ. Nhiệm vụ này chưa hề được thay đổi và nếu thay đổi phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc khai thác không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình. Theo Pháp lệnh Bảo vệ công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ đập là 100m. Từ 40m đến sát chân đập là khu vực cấm không được xâm phạm. Về mặt nguyên tắc thì không được san lấp hồ dưới bất cứ hình thức nào vì sẽ làm thay đổi dung tích lòng hồ. Vì vậy ngay việc lấy đất từ chính lòng hồ để đắp trong lòng hồ dù không thay đổi thể tích hữu ích nhưng có thể sẽ làm thay đổi thể tích phòng lũ