Hệ thống bơm ven sông Lô bị "treo giò": Lãng phí là tại... ông trời?

Thứ Sáu, 21/07/2006, 08:58

Gần 10 tỷ đồng của Nhà nước bị đắp chiếu, trong khi hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở huyện Đoan Hùng lại đang "khát nước" khi vụ Chiêm Xuân sắp tới. Báo CAND tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân khiến hệ thống bơm ven sông Lô bị “treo giò”.

Để xác định những nguyên nhân chính dẫn đến việc hệ thống thủy lợi ở đây bị hỏng hóc, không vận hành được, phóng viên Báo CAND đã làm việc với ông Trần Sỹ Vinh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT về vấn đề này.

Ông Vinh cho rằng, nguyên nhân là do mực nước các triền sông phía Bắc xuống quá thấp, đặc biệt là sông Lô. Trong khi đó, tại khu vực xây dựng các trạm bơm cũng rơi vào tình trạng trên, hơn nữa lại chịu sự điều tiết của hồ Thác Bà. Chính vì thế không chỉ các trạm bơm tại 4 xã trên mà 27 trạm bơm khác cũng đã bị "treo giò" trước tình hình thời tiết như thế.

Ngoài ra, tình trạng khai thác cát bừa bãi khiến mực nước cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc sử dụng các nguồn nước của sông Lô cho các khu công nghiệp và các khu dân cư khác cũng đẩy mực nước trên con sông này ngày càng xuống thấp hơn. Các trạm bơm không thể vận hành được vì bể hút bị bồi lấp, nước cạn. Ngoài ra, hệ thống kênh mương dẫn nước vào bể hút cũng đã bị bồi lấp. Ông Trần Sỹ Vinh cũng bày tỏ sự lo ngại trước tình hình nước tưới cho đất nông nghiệp tại địa phương này.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của việc bồi lấp phù sa vào các trạm bơm và hệ thống thủy lợi như thế, nhưng các xã tại địa bàn này không quan tâm đến việc nạo vét. Vì thế hệ thống mương máng cũng như các trạm bơm bị bỏ rơi. Nếu chính quyền địa phương không nhanh chóng vào cuộc thì hệ thống bơm này tiếp tục bị "thẻ đỏ" lâu dài. Đặc biệt tại xã Đại Nghĩa, trạm bơm bị vùi lấp nhiều vụ nhưng chính quyền xã cũng không có biện pháp khắc phục. Tiền của Nhà nước bị để mặc ngoài bãi sông, không có ai chịu trách nhiệm chăm sóc, tu dưỡng.

Ngay sau khi xây dựng xong công trình thủy lợi trên, Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Phú Thọ đã có Văn bản 34/BBNT bàn giao máy bơm cho Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa và xã Hữu Đô. Như thế, trách nhiệm quản lý thuộc về UBND các xã trên. Mặc dù tình hình hết sức bi đát như vậy nhưng chỉ đến khi Báo CAND phản ánh, các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương mới vào cuộc.

Trong khi đó theo tính toán của Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT thì chỉ cần đầu tư khoảng 20 triệu đồng để tu sửa, các trạm bơm này có thể vận hành được ngay. Tuy nhiên, việc làm này không được thực thi. Mặt khác, không chỉ 4 xã này rơi vào tình trạng bi đát như thế mà các trạm bơm khác cũng đã chuẩn bị "ra ngoài cuộc chơi".

Giải pháp trước mắt cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp tại Phú Thọ mà các cơ quan chức năng đưa ra là phải trữ nước tại 6 hồ: Dốc Móc, Núi Chùa, Gò Cao, Lò Láu, Ao Sen, Dộc Khuôn đúng mực nước thiết kế để điều tiết nước nông nghiệp. Sau đó nạo vét, hạ thấp cao trình bể hút của các trạm bơm và nhanh chóng đưa các trạm thủy lợi này vào quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, việc cải tạo phải tiến hành đồng bộ trên hàng chục các trạm bơm toàn tỉnh mới có thể giải quyết nhanh chóng cho vụ sản xuất sắp tới.

Rõ ràng việc ngân sách Nhà nước bị lãng phí không thể không kiểm điểm lãnh đạo các địa phương tại huyện Đoan Hùng. Hàng nghìn người dân đang hết sức lo lắng về việc sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Thế nhưng việc sửa chữa, bảo dưỡng đang vẫn giậm chân tại chỗ khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Tình trạng "đem con bỏ chợ" mà các công trình thủy lợi của Phú Thọ là điển hình này cần nhanh chóng chấm dứt

Ngọc Lâm
.
.
.