Hệ lụy từ "tín dụng đen" ở vùng cao Quảng Ngãi
- Cuối năm “tín dụng đen” nở rộ ở miền Tây
- Tín dụng đen núp bóng “cửa hàng cầm đồ”
- Tín dụng đen nhếch nhác đường phố Hà Nội
Ghé thăm gia đình ông Hồ Văn Trăm ở xã Trà Thọ, hộ dân được nhận số tiền đền bù đất đai hơn 700 triệu đồng từ dự án thủy điện Nước Trong. Những tưởng với số tiền đền bù đó mang theo đến nơi ở mới sẽ là cơ hội thoát nghèo cho hộ gia đình ông Trăm.
Thế nhưng, sau 5 năm tái định cư giờ đây vợ chồng ông cùng 4 người con chỉ còn bám víu vào mảnh vườn nhỏ, trồng vài ba bụi sắn sống lay lắt qua ngày…
Nhiều người dân tại xã Trà Thọ, huyện miền núi Tây Trà bị mắc nạn “tín dụng đen”. |
“Con tôi lấy cái gì tôi cũng không biết. Nhiều người lạ đến đây bảo tôi trả tiền, tôi lấy tiền đất được đền bù gửi trong sổ tiết kiệm để trả. Giờ tôi buồn lắm. Cơm ăn cũng không có, cơm nguội cũng không”, ông Trăm buồn bã nói.
Lãnh đạo xã Trà Thọ cho biết, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi dụ dỗ hàng trăm hộ gia đình thuộc diện được đền bù các dự án vay tiền với lãi suất 50%, để mua sắm, tiêu xài.
Do đó, đến khi nhận được tiền đền bù thì họ bị cấn trừ, trả nợ cùng với lãi suất "cắt cổ". Điều này đã khiến cho không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần; cơ hội thoát nghèo trên vùng đất mới tái định cư đã đi theo nhiều chủ nợ cho vay tín dụng đen.
Tại huyện miền núi Tây Trà, hàng trăm hộ đồng bào ở các xã Trà Thọ, Trà Xinh di dời đến nơi ở mới với số tiền áp giá hàng tỉ đồng từ dự án hồ chứa nước thủy điện Nước Trong. Thế nhưng, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng, bà con đã vay với lãi suất gấp nhiều lần để mua sắm, chi tiêu; đến khi nhận được tiền đền bù cũng là lúc chủ nợ đến đòi.
Chỉ tính trong tháng 9-2017, đã có 160 hộ huyện miền núi này đã nhận đền bù bổ sung hơn 60 tỷ đồng, thì trong gần 2/3 gia đình này phải trả nợ cho các ông chủ, bà chủ cho vay nặng lãi từ những năm trước đó.
Ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBDN xã Trà Thọ, cho biết thêm, trước vấn nạn “tín dụng đen”, chính quyền địa phương đã vận động người dân trong vùng dự án không thoả thuận, không vay lãi suất cao để tránh mất tiền. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào đầu tư sản xuất ở các vùng tái định cư mới. Tuy nhiên, chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả, vì vấn nạn này vẫn lén lút hoành hành trên ở các xã vùng cao Quảng Ngãi.
“Một số hộ có đền bù nhưng đã mất hết tiền rồi. Xã xem đây là một bài học để mà tuyên truyền bà con số hộ còn lại làm sao giữ được đồng tiền này, duy trì tiền đền bù này để mà nâng cuộc sống ngày một tốt hơn”, ông Vũ nói.
Được biết, huyện Tây Trà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 75%. Số tiền đền bù từ dự án thủy điện Nước Trong cho mỗi hộ gia đình sẽ giúp đồng bào có cuộc sống tốt hơn ở nơi tái định cư. Tuy nhiên, vấn nạn “tín dụng đen” đã làm cái nghèo đeo bám dai dẳng trên những làng bản của bà con vùng cao.
Đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, giúp người dân tái định cư đến nơi ở mới có được nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống lâu dài.