Hậu Giang dang tay giúp đỡ đối tượng đặc xá

Thứ Hai, 14/02/2005, 08:44

"Chính quyền và bà con ở đây luôn giúp đỡ tạo việc làm, lo cho tôi cái ăn, cái mặc," chị Nguyễn Thị Mơ, đối tượng được đặc xá tha tù trước thời hạn, tâm sự. Ở Hậu Giang, nhiều người cùng hoàn cảnh như chị Mơ đã được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để tái hoà nhập xã hội và phấn đấu trở thành người có ích.   

Dịp Quốc khánh 2/9/2004 vừa qua, tỉnh Hậu Giang có 71 phạm nhân được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn. Những phạm nhân được đặc xá tha tù trở về sum họp với gia đình đều mong muốn sớm có công ăn việc làm ổn định cuộc sống. Nhưng quá trình hòa nhập cộng đồng và tìm việc làm của họ gặp không ít khó khăn bởi rất nhiều lý do. Qua khảo sát ở một số địa phương thì số đối tượng được đặc xá (kể cả những năm trước) có việc làm chiếm 70 - 80%, chủ yếu là những việc làm có thu nhập thấp.

Chị Nguyễn Thị Mơ, ở ấp 5, xã Long Trị, huyện Long Mỹ do lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, lãnh án 12 năm tù. Thời gian trong trại, chị đã cố gắng cải tạo tốt, nhiều lần được xét giảm án tổng cộng 3,5 năm và ngày 2/9/2004 vừa qua, chị được đặc xá, tha tù trước thời hạn. Khi về, chị được chính quyền địa phương hướng dẫn các thủ tục nhập lại hộ khẩu, tạo điều kiện cho canh tác trên phần ruộng gia đình đã cầm cố để gá nợ.

Chị nói trong nước mắt: "Bộ đồ tôi đang mặc đây cũng do bà con tặng, mọi người đối xử với tôi như bà con ruột thịt". Thật vậy, lúc chị mới về không có chỗ ở, một người quen đã cho mượn đất, rồi từ sự vận động của chính quyền địa phương, bà con trong xóm góp tre, cho lá dựng tạm cho mẹ con chị cái chòi che nắng, che mưa. Hàng ngày với mẻ chuối nướng, chị cũng kiếm được 10 đến 15 ngàn đồng. Mới đây, chị còn nhận sơn tủ, bàn ghế cho bà con trong xóm vì nhà chị trước kia làm nghề mộc, mỗi ngày kiếm được 30 ngàn, cuộc sống tạm ổn định. Chị Mơ dự định sẽ nhận gối về rua thêm vào những lúc rảnh rỗi, vì chị đã học được nghề này từ những ngày ở trại để kiếm thêm thu nhập. Tin rằng, với quyết tâm tự lực vươn lên, chị sẽ vượt qua được những khó khăn thực tại.

Giống như chị Mơ, 4 tháng nay, anh Danh Nây, Thạch Giàu, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, vất vả với nghề đẩy xe ba gác, vác thuê vác mướn, nhưng cũng lấy đó làm vui vì đã có việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình, tránh xa nghề cũ. Hàng ngày, ngoài đẩy xe ba gác, anh Thạch Giàu còn nhận vác phân bón cho các đại lý, thu nhập cũng kha khá. Còn anh Danh Nây thì cùng anh Lý Bé, cũng là đối tượng được đặc xá, thuê xe ba gác ra chở mướn, mỗi ngày trừ tiền thuê xe, còn lại chia nhau mỗi người cũng được 15 - 20 ngàn đồng. Anh mong muốn mua được 1 chiếc xe ba gác trả góp để chủ động làm ăn. Công an xã Tân Phú Thạnh đã đứng ra bảo đảm cho anh được mua xe theo nguyện vọng.

Chị Lâm Thị Kè, ở phường 1, thị xã Vị Thanh, thì chọn công việc nhẹ nhàng hơn, chị mua vải vụn về nhà nối mền, áo gối rồi đem ra chợ bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh Cao Hoàng Em, ở cùng phường trước đây phạm tội trộm cắp, sau khi ra trại đã tu tỉnh làm ăn, anh theo nghề hàn cửa sắt và còn tranh thủ thi bằng lái xe 9 chỗ, dự định khi lấy bằng lái chuyển sang lái xe thuê để có thu nhập cao hơn chăm lo cho vợ và 2 con nhỏ… Bởi anh cũng như tất cả những người được đặc xá trở về đều muốn đoạn tuyệt với quá khứ để làm lại cuộc đời.

Để giúp những người được đặc xá trở về nhanh chóng ổn định cuộc sống, thời gian qua, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, trong đó có lực lượng Công an, đã nỗ lực tìm kiếm, tạo việc làm cho các đối tượng này. Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó Công an xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cho biết: Xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để nhập hộ khẩu, xác nhận giấy tờ, tín chấp vay vốn hoặc mua phương tiện làm ăn khi họ có yêu cầu, nên 100% đối tượng được đặc xá về đợt 2/9/2004 đã đến làm thủ tục nhập hộ khẩu trở lại và tìm được những công việc giản đơn ổn định cuộc sống.

Không riêng gì ở Tân Phú Thạnh, tại thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, các đối tượng được đặc xá cũng được cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ. Từ tháng 10/2000, trong trung tâm thị trấn xuất hiện hiệu sách cũ, hàng ngày có rất đông học sinh và những người thích sưu tầm sách cũ ghé qua. Chủ hiệu là chị Tiêu Kim Mỹ, được đặc xá vào tháng 9/2000. Được một người bà con cho mượn mặt bằng tại chợ, rồi bạn bè giúp vốn, chị mở hiệu sách. 4 năm nay, công việc của chị khá thuận lợi, mỗi ngày thu nhập vài chục ngàn đồng, đó là chưa kể vào mùa khai trường, hiệu sách cũ của chị lúc nào cũng tấp nập khách. Chị tâm sự: "Các ban ngành đã giúp đỡ làm thủ tục cho 2 con gái của tôi xuất khẩu lao động, việc vay vốn ngân hàng thế chấp cũng không gặp trở ngại nào".

Bên cạnh việc các ban, ngành, đoàn thể quan tâm giới thiệu việc làm, giúp đỡ vật chất, tinh thần cho số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thì trong thực tế còn có một số cơ sở sản xuất, cơ quan xí nghiệp mặc dù thiếu lao động nhưng vẫn từ chối nhận những người này vì quá khứ "có vấn đề". Hiện tại, huyện Long Mỹ có 293 đối tượng quản lý theo Nghị định 163 cộng với số đối tượng đặc xá chưa có việc làm quả là một gánh nặng cho những người làm công tác an ninh trật tự. Vì thế đòi hỏi các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội cần quan tâm đúng mức, cần xóa bỏ định kiến đối với những người "lầm lỗi", tạo cơ hội tốt để họ tự sửa chữa. Thái độ bao dung, độ lượng và sự cảm thông sâu sắc của những người xung quanh sẽ là nguồn động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu trở thành người hữu ích của gia đình và xã hội

Minh Khoa
.
.
.