20 năm khôi phục, phát triển Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn:

Hấp dẫn hơn, đậm nét văn hoá hơn

Thứ Năm, 24/09/2009, 09:01
 Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) có từ lâu đời, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, khiến một thời gian dài bị mai một. Năm 1990, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng và phát huy nền văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được khôi phục và phát triển không ngừng, là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia.

Với những đặc trưng riêng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không chỉ phản ánh nét văn hóa cổ truyền độc đáo, mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của cư dân miền biển, thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước tham dự.

Đậm nét văn hóa tâm linh vùng biển

Tuy sự hình thành khó mà xác định cụ thể, chỉ biết cứ đến ngày 9/8 âm lịch hàng năm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lại được mở. Người Đồ Sơn dù xa quê lâu đến mấy cũng không quên được câu ca: "Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Mùng 9 tháng 8 chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng 9 tháng 8 thì về chọi trâu".

Đó như là một lời nhắc nhở con cháu vậy! Bởi vì, đây là lễ hội truyền thống đã đành, nó còn là mỹ tục hào hùng, mang đậm tính thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm rất độc đáo nên những cư dân vùng biển vốn "ăn sóng nói gió" này lại càng da diết, không thể quên được câu ca trên.

Nghe nói, để chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu, người ta đã phải lựa chọn trâu chọi rất công phu, trong khoảng 1 năm. Thông thường, sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời, vào các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình; ngược tận Tuyên Quang, Bắc Kạn…, thậm chí ra cả nước ngoài mới tìm được con trâu vừa ý.

Trâu chọi phải là những con trâu đực khoẻ mạnh, da đồng, lông móc, 1 khoang 4 khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng, càng có khả năng chống chịu được đòn của đối phương và là trâu gan. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu, càng nhọn càng quý...

Để cho trâu làm quen với sới chọi, trên đầu và mình trâu cần thiết phủ lên tấm vải đỏ. Người huấn luyện phải dẫn trâu ra những bãi đất rộng, có nhiều người đứng xung quanh gõ trống, hò reo. Theo tục lệ, trước khi lễ hội chọi trâu diễn ra, người có trâu chọi phải mang trâu đến "trình" thành hoàng làng với nghi lễ trang nghiêm.

Kết thúc lễ hội chọi trâu, con thắng phải làm 1 cuộc rước giải về đình làm lễ tế thần. Sau đó, tất thảy các trâu tham gia chọi, dù thắng hay thua, đều phải giết thịt. Lấy một bát tiết cùng một ít lông trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao (biển) để tiễn thần. Thịt trâu chọi được chia để mọi người cùng thưởng thức, coi đó là điều để chúc phúc.

Cư dân Đồ Sơn giải thích rằng, sở dĩ trâu thắng, thua đều bị đem… thịt, là vì ý nghĩa phồn thực, trâu đã chọi năm nào, năm ấy phải giết thịt để tế thần, sau thượng Thánh, hạ tán, mọi người được hưởng lộc Thánh mới làm ăn may mắn, thuận buồm xuôi gió…

Đến hẹn lại lên

Trải qua những thăng trầm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nói là bị mai một thì cũng chưa hẳn đúng. Nhưng quả thực, một thời gian dài, có thể do chưa đồng quan điểm, nhất là do chiến tranh, loạn lạc nên việc tổ chức lễ hội này bị gián đoạn hoặc có tổ chức, nhưng không được hoành tráng như bây giờ.

20 năm, kể từ 1990 đến nay, nhờ kiên trì, bền bỉ khôi phục, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đến nay được coi như là một sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa tâm linh, không thể thiếu được của người dân ở vùng biển Đồ Sơn này. Thậm chí, cũng từ lễ hội này mà dân trí địa phương được nâng lên, bang giao được mở rộng, tạo "đòn xeo" để tăng tốc du lịch biển trong khu vực.

Trưởng BTC lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2009, ông Vũ Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, năm nay địa phương sẽ "làm mới" lễ hội bằng cách: Chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu việc thẩm định chất lượng trâu chọi để có những kháp đấu hay nhất. Bằng chứng, nhiều chủ trâu đã kỳ công sang tận Lào, Myanmar để tìm chọn mua trâu. Và thực tế, qua vòng loại, 32 trâu được chọn vào chung khảo, đều có những "miếng đòn" rất ngoạn mục, hứa hẹn nhiều trận đấu hấp dẫn.

Cùng với đó, công tác chuẩn bị liên quan đến lễ hội nói chung, sân bãi nói riêng cũng được địa phương đặc biệt quan tâm, đảm bảo an toàn cho khán giả. Riêng quy chế lễ hội năm nay cũng sẽ được BTC siết chặt hơn. Theo đó, 11.000 vé phục vụ người xem (chưa kể lượng giấy mời) đến nay đã được in ấn, phát hành nhằm bán tận tay người xem.

Các đại lý cam kết bán đúng giá vé theo quy định: 75.000đ/vé. Do vòng chung khảo lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay diễn ra vào đúng ngày nghỉ chủ nhật 27/9 (tức 9/8 âm lịch), nên lượng khách dự đoán sẽ rất đông. Vì thế, lực lượng chức năng Đồ Sơn đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu…

Trong đó, riêng việc giết mổ và bán thịt trâu chọi sẽ không thả nổi như năm ngoái, mà quản lý chặt chẽ bằng cách in các túi nilon theo mẫu thống nhất, phát cho các chủ trâu theo số lượng đã được tính toán số thịt/trâu sau khi được giết. Như vậy, không chỉ  quản lý để du khách không mắc lừa, mua phải thịt trâu chọi giả, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho du khách khắp nơi

Lệ Thu
.
.
.