Hành trình lưu giữ "Lửa thiêng"

Thứ Tư, 09/03/2005, 15:00

Một ngày trước khi đưa tác giả Lửa thiêng về cõi vĩnh hằng, thể theo nguyện vọng của gia quyến nhà thơ, một nhà điêu khắc trẻ ở Hà Nội đã làm một việc mà xưa nay ở Việt Nam chưa từng thấy ai làm: đổ khuôn tượng trên di hài nhà thơ Huy Cận bằng chất liệu silicon.

Từ khuôn tượng này có thể đúc tượng nhà thơ Huy Cận bảo đảm giống nguyên mẫu 100% và vì thế mà vóc dáng cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại sẽ được lưu lại mãi mãi. Người đã nhận làm công việc khó khăn nhưng thiêng liêng này là nhà điêu khắc trẻ Đinh Gia Lê. Đối với anh 8 tiếng đồng hồ cùng nhóm thợ của mình đổ tượng nhà thơ ngay tại Nhà vĩnh biệt Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô là một kỷ niệm không thể quên.

Con đường đến với nghề đúc khuôn tượng

Nhà điêu khắc Đinh Gia Lê năm nay mới 34 tuổi. Anh đã học 8 năm ở Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và 7 năm tại Viện hàn lâm nghệ thuật Dresden (Đức) chuyên ngành Điêu khắc. Còn bây giờ, ngoài thời gian giảng dạy ở Khoa Sư phạm nhạc họa, Trường đại học Sư phạm Hà Nội I, anh vẽ tranh và làm điêu khắc ở nhà. Nhưng không phải để bán mà chỉ để thỏa mãn khát khao khám phá những cái mới lạ trong nghệ thuật dù người thầy đầu tiên của anh - cha anh, giáo sư họa sĩ Đinh Trọng Khang - lại là một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu có tiếng.

Vì thế, không có gì là lạ khi mặc dù cân nặng chưa lúc nào vượt quá 50 kg nhưng Đinh Gia Lê đã nhiều lần để cho những khối thạch cao hay silicon nặng đến cả tạ và bỏng giãy đè lên cơ thể hàng chục giờ liền để... tự đúc khuôn tượng cho mình. Và cũng chính bởi việc đúc khuôn cho chính mình mà cái hình hài mong manh của nhà điêu khắc trẻ đó - như lời thú nhận của chính anh - đã ít  nhất 4 lần bị bỏng ở nhiệt độ 70oC. Lê kể, phải thực sự gồng hết sức mình trong những lần đổ khuôn như thế và đó thực sự là những lần hành xác. Có lần do sức khỏe bị giảm sút, Lê đã phải tự mình phá vỡ khuôn giữa chừng vì không đủ sức chịu đựng sức nặng của khối chất liệu cũng như sức nóng khủng khiếp của nó và cảm giác nghẹt thở khi toàn thân bị bao trùm, phủ lấp.

Muốn đúc khuôn tượng, người đúc khuôn phải thực sự là người có sức chịu đựng. Đầu tiên, người ta sẽ phải bôi một lớp chống dính lên toàn bộ cơ thể, sau đó tiếp tục đổ thạch cao hoặc silicon bao trùm lên (tất nhiên có để hở mũi để thở). Ước tính khối chất liệu cho mỗi lần đổ khuôn nặng khoảng một tạ và “người mẫu” phải chịu đựng như thế trong vòng 7-8 tiếng liền cho tới khi dỡ khuôn. Nếu khuôn là chất liệu thạch cao thì ngoài việc chịu nặng, “người mẫu” còn phải chịu sức nóng khoảng 70-80oC.

Trong khu vườn yên tĩnh rộng hàng trăm mét vuông xanh mướt mát cỏ cây bao quanh ngôi nhà sàn của anh ở giữa làng Yên Hòa, Cầu Giấy, tôi đã nhìn thấy kết quả của bấy nhiêu lần hành xác ở nhà điêu khắc trẻ này. Bên gốc cây, trên thảm cỏ ngổn ngang những khuôn tượng thạch cao trắng lóa của chính anh ở đủ mọi tư thế. Ngôi nhà sàn này, khu vườn này vừa là nơi ở của vợ chồng anh, vừa là xưởng làm tượng của anh và cũng chính là nơi anh từng bao nhiêu lần đổ khuôn cho chính mình.

Lê bảo, vợ anh vừa mới sinh cô con gái Mộc Lam hôm 27 tết mà nhà sàn trống hơ trống hoác, gió lạnh lùa hun hút, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé nên cô ấy mới về ông bà ngoại chứ trước nay vẫn ở đây cùng chồng và chứng kiến tất thảy những lần tự nung mình của chồng. Tôi hỏi, liệu cô ấy có ngăn cản gì không. Lê cười: “Vợ tôi là thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về một ngành nghề không liên quan gì đến nghệ thuật nên cô ấy chưa bao giờ xen vào công việc của chồng”.

Trong hành trang nghệ thuật của mình, Lê đã có hàng chục cuộc triển lãm cá nhân nhưng có hai cuộc triển lãm được giới báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm lại chính là hai triển lãm mà hình tượng trưng bày được đúc từ những khuôn tượng của chính anh. Lần đầu là triển lãm mang tên “Thế giới Dolly” được trưng bày cuối năm 2002 tại Viện Goethe Hà Nội. 21 tượng silicon mềm nhũn được đổ từ chính khuôn đầu của Đinh Gia Lê trưng bày tại triển lãm này đã thực sự làm nên một điều ngạc nhiên không chỉ cho công chúng mà cho cả giới làm nghề.

Cuối năm 2004, một triển lãm nữa mang tên “Tôi và...” lại được trưng  bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội với 30 hình tượng được đổ từ chính khuôn tượng của anh... Báo chí đã viết nhiều về triển lãm này, về những ý tưởng nhân bản của tác giả được gửi gắm vào những khuôn tượng và ít nhiều những tác phẩm nghệ thuật mới lạ của Đinh Gia Lê đã đến được với công chúng.--PageBreak--

Chuyện đổ khuôn tượng nhà thơ Huy Cận

Tối 21/2/2005, khi nhà thơ Huy Cận tạ thế, thi hài còn đang được bảo quản trong nhà lạnh của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, thì con trai cả của ông đã mời Đinh Gia Lê đổ khuôn tượng toàn thân cho cha mình. Lê kể: "Ngay lúc nhận lời mời của con trai nhà thơ Huy Cận, tôi đã nói rằng, vì lòng tôn kính với một nhà thơ lớn của đất nước tôi sẽ làm nhưng chỉ có một yêu cầu, tất cả các thành viên trong gia đình nhà thơ phải cùng ký tên vào thư mời tôi để tránh những phiền hà sau này.”

Lê chỉ có một ngày để chuẩn bị. Lê bảo đúng là anh chưa bao giờ đổ khuôn cho một di hài mà lại là của một người nổi danh nên Lê rất lo lắng vì anh sẽ không được phép thất bại. Lê thú thật: "Tôi sợ nhất là lúc dỡ khuôn ra, nếu chất chống dính mà không chuẩn, chẳng may làm suy suyển gì đến thân thể cụ, dù chỉ cái lông chân lông tay thôi cũng là có tội. Yêu cầu của gia đình cụ là khuôn tượng phải thật sắc nét, phải rõ từ dấu vân tay, từng nếp nhăn nhỏ nhất trở đi mà thi hài được chuyển từ ngăn lạnh ra ngoài nhất định sẽ phải đổ mồ hôi nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của chất chống dính, không khéo đổ khuôn rồi mà không bóc được khuôn ra...

Thế cho nên khó khăn nhất với Lê là chuyện pha chế chất chống dính. Vì thế sáng 22, anh đã phải gọi ngay 5 người thợ lành nghề nhất tới và lấy một người trong nhóm để đổ khuôn thử, xem lại tác dụng của chất chống dính mà anh sẽ sử dụng. Một khó khăn nữa đối với Đinh Gia Lê là phải lựa chọn chất liệu làm khuôn. Bằng kinh nghiệm của chính mình sau nhiều lần đổ khuôn cho người sống, anh quyết định không sử dụng thạch cao vì nếu sử dụng thạch cao thì thời gian chờ dỡ khuôn rất lâu, sợ thi hài sẽ bị phân hủy, mà phải là silicon mặc dù chất liệu này khá đắt và khó làm.

5 giờ sáng ngày 23/2, Đinh Gia Lê và 5 người thợ bước vào Nhà vĩnh biệt Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cùng tất cả đồ nghề lỉnh kỉnh, bắt đầu công việc. Đêm hôm trước, Lê thức trắng vì hồi hộp và lo lắng. Thi hài được đặt trên một bàn inốc trắng xóa. Khuôn được “be” làm đôi – một nửa trước, một nửa sau và mỗi nửa khuôn anh quyết định cho đổ 4 lớp silicon, tổng cộng là 8 lớp. Xen giữa mỗi lớp là vải xô nhằm tăng độ dai của khuôn. 50 kg silicon đã được nhóm thợ sử dụng và trong suốt 8 tiếng làm việc họ đã phải thay tới 200 đôi găng tay cao su. Mặt và nửa người đằng trước làm trước, sau rồi mới lật người lại đổ tiếp nửa khuôn sau. Thời gian tính từng phút một nên tất cả không được phép ăn trưa. Trong mùi hóa chất nồng nặc của nhà vĩnh biệt và của silicon, tất cả họ đều muốn ngất. Đến đúng 16 giờ cùng ngày thì việc đổ khuôn toàn thân nhà thơ Huy Cận hoàn tất. Khuôn dỡ ra an toàn, không ảnh hưởng một chút gì đến thi hài.

Đúng như dự tính của Đinh Gia Lê, silicon ăn vào từng kẽ tay của thi hài nên khuôn cực kỳ nét. Lê đã bàn giao ngay khuôn tượng này cho gia đình nhà thơ Huy Cận. Trong nhóm thợ của anh có người đã bị lả đi vì đói, vì lạnh, vì mệt và vì căng thẳng. Còn Lê thì ngày hôm sau lên cơn sốt vì viêm họng do nhiễm lạnh. Lê bảo, công việc của anh coi như đã xong, còn việc đổ tượng sau này như thế nào và bằng chất liệu gì là do gia đình nhà thơ quyết định. Nhưng Lê chắc chắn một điều rằng, với khuôn này, đảm bảo các tượng đúc ra sẽ giống nguyên mẫu 100%. Còn nếu đổ tượng bằng chất liệu sáp thì tượng sẽ giống y người thật. Như thế có nghĩa là từ khuôn tượng giống y người thật ấy, dường như sự sống vẫn còn ở lại xôn xao, thao thiết, như những vần thơ của ông đã trở thành  bất tử: Thu tới ngoài kia/ Nghe nhân thơm trong trái nặng/ Nghe nhựa ấm trong cành thưa/ Nghe đu đẩy tiếng gió ru lúa chín/ Xôn xao cuống lá rụng thay mùa

.
.
.