Hành trình 35 tìm cha của con trai một cựu binh Hàn Quốc (Phần II)

Chủ Nhật, 05/06/2005, 07:20
Đầu thập niên 1990, để xoa dịu nỗi đau và bù đắp lại những mất mát mà những người lính viễn chinh Hàn Quốc đã gây ra trên đất Việt Nam, khá nhiều đoàn từ thiện Hàn Quốc đã tình nguyện đến Việt Nam khám bệnh, phát thuốc, vận động xây trường học, trạm xá, bia tưởng niệm tại một số địa phương từng bị lính Hàn Quốc gây tội ác.
Mỗi lần có đoàn Hàn Quốc nào đến Phú Yên, Trần Văn Ty cũng cố bám theo, sẵn lòng giúp bất cứ việc gì mà họ cần, từ dẫn đường, tìm manh mối người thân cho đến phục vụ trong những đợt khám chữa bệnh miễn phí. Ty làm tất cả chỉ với một mục đích: dò hỏi thông tin về người cha. Lần nào cũng thế, trả lời anh chỉ là những cái lắc đầu ái ngại, bởi không dễ gì tìm ra một con người lọt thỏm giữa hơn 32 vạn người lính đã từng tham chiến.

Năm 1990, Ty kết hôn với Trần Thị Hiếu, một cô gái lai Mỹ thuộc loại “quậy nhất thị xã Tuy Hòa”, bất chấp cô gái lai này đã từng có một đứa con riêng. Trong suy nghĩ của Ty, cuộc hôn nhân vá víu này sẽ giúp vợ chồng Ty nhanh chóng được xuất cảnh theo diện con lai, nhanh chóng có cơ hội tìm cha.

Nhưng 3 lần phỏng vấn, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. HCM đều gạt vợ chồng Ty ra khỏi danh sách đủ tiêu chuẩn, vì nguồn gốc con lai không thể xác minh. Nản chí, Hiếu bỏ Ty, tái hôn với một người khác và nhanh chóng được chấp thuận định cư tại Mỹ vào năm 1992, bỏ lại Việt Nam anh chồng lai Hàn tội nghiệp vừa học xong trung học.

Vợ bỏ, Ty tìm đường vào Tp. HCM và được nhận vào học nghề tại một xưởng mộc thuộc Trung tâm Dạy nghề Q.3. Xưởng mộc này do những người Hàn Quốc hảo tâm thuộc Trung tâm Nhân đạo Hàn - Việt lập nên để giúp  đỡ những đứa trẻ con lai Hàn Quốc có cơ hội học nghề và kiếm sống. Ty là đứa trẻ có học thức cao hơn cả, lại khéo tay và nắm bắt kỹ thuật nhanh cho nên anh nhanh chóng được đề bạt chức quản đốc, coi sóc, cắt đặt công việc cho hơn 10 người thợ học việc.

Gọi là quản đốc cho oai, nhưng kỳ thực, Trần Văn Ty vẫn cứ là một anh vô gia cư, ngày làm việc trong xưởng, tối ra công viên Lê Văn Tám trải báo cũ ngủ vạ vật. Gần 10 tháng lang thang, Ty mới được nhận vào ký túc xá của trung tâm, chấm dứt cảnh sống bụi đời và được chuyển từ xưởng mộc sang học nghề máy tính. 

Trong những tháng ngày vạ vật ấy, Ty đã sáng tác rất nhiều thơ. Đa phần, những bài thơ đều mang một tâm trạng u uất, hoang mang của một chú chim non không tổ, đau cho bản thân và đau cho những người cùng cảnh ngộ. Tâm trạng chất chồng, thơ viết ra chỉ đọc một mình, không đăng nhưng cũng đủ cho Trần Văn Ty tự tin rằng mình cũng có một chút năng khiếu viết lách. Vì thế, tháng 9-1993, khi Trường đại học Mở – Bán công mở khóa Đại học Ngữ văn Báo chí đầu tiên, Ty đã không ngần ngại ghi danh theo học.

Bốn năm trời, thời gian biểu của Ty bị chia đôi, một nửa dành cho việc học, nửa kia dành cho những công việc không tên và có tên, từ bổ củi thuê, đạp xích lô, phụ hồ, bán báo... Làm tất, miễn có tiền. Hai năm sau, từ Đại học Mở, lớp của Ty được cắt sang sáp nhập với Khoa Ngữ văn - Báo chí của Trường đại học KHXH&NV TP HCM.

Nghiễm nhiên, Trần Văn Ty có cơ hội trở thành sinh viên chính quy của một khoa lớn thuộc một trường đại học lớn và danh tiếng mà không phải kinh qua con đường thi cử. Giai đoạn này, cuộc sống của anh sinh viên nghèo cũng trở nên dễ chịu hơn nhiều. Thay cho những công việc làm thuê thời vụ không ổn định, anh đã được thầy Huỳnh Sang, giảng viên môn tiếng Hàn ở Trường đại học KHXH&NV dành cho một mối bỏ báo tiếng Hàn. Ty nhận các tờ Hankyore 21, Chosun, Kintae, Juung Ang, Sport... bỏ mối cho khoảng hơn 30 gia đình người Hàn sinh sống tại TP HCM. Số báo thừa còn lại, anh gom bỏ mối cho các quán ăn có đông người Hàn lui tới, bán chênh lệch gấp rưỡi so với giá bìa.

Không nhiều, nhưng số tiền kiếm được cũng đủ cho anh trang trải học phí, thuê nhà để ở và theo học tiếng Hàn ở Viện KHXH TP HCM, quyết tâm nắm vững thứ ngôn ngữ của người cha để thuận lợi hơn cho hành trình kiếm tìm vẫn luôn nung nấu.

Những phương trời xa lạ

Công việc phát hành báo tiếng Hàn đã giúp Ty có cơ hội quen biết với ông Kim Ki Seon, Tổng đại lý báo chí tiếng Hàn tại Việt Nam. Cảm mến cậu sinh viên có một nửa dòng máu đồng bào, lại cần cù chịu khó và giàu ý chí, khi Ty học đến năm thứ 3 đại học, ông Kim đã dành cho anh một suất học bổng 50 USD/tháng, sau đó lại nhận anh làm con nuôi và đặt cho Ty cái tên hàn Quốc là Kim Sang IL.

Ông Kim là một triệu phú Hàn Quốc, Tổng giám đốc Tập đoàn PICO (Pumba Garment Pvt Ltd), trụ sở chính đặt tại Arập Xêút, có chi nhánh đặt tại  13 quốc gia  trên thế giới. Năm 1997, khi Trần Văn Ty học xong đại học, ông quyết định đưa Ty sang Taminadu, một bang ở miền Nam Ấn Độ, nơi có một nhà máy dệt của Tập đoàn PICO xây dựng. Trong vai trò trợ lý của ông Kim, Ty hoàn thành khá tốt công việc và tỏ ra có năng lực trong việc điều hành sản xuất kinh doanh.

Khi viên kỹ sư Hàn Quốc chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì máy dệt của nhà máy này bỏ về nước, ông Kim đã gửi cậu con nuôi sang Hàn Quốc học kỹ thuật máy để về thay chỗ. Ty chỉ mất 3 tháng đã có thể nắm bắt xong các yêu cầu kỹ thuật để có thể trở lại Ấn Độ đảm trách công việc. Ông Kim không ngần ngại đặt ngay người con nuôi vào chức danh giám đốc nhà máy dệt có 60 công nhân! Vậy là, trên một đất nước xa lạ, Ty nghiễm nhiên trở thành một yếu nhân! Công việc đã vào guồng, khi nào có máy móc hư thì sửa, không thì thôi. Phần lớn thời gian trên đất Ấn, Giám đốc Trần Văn Ty dành để... đi du lịch.

Đi mãi cũng chán, lại thấy cuộc sống của mình ngày càng xa rời mục đích tìm cha, tháng 3-2000, Trần Văn Ty xin cha nuôi cho về nước. Ông Kim khóc nhưng không ngăn cản. Thăm quê đúng một tháng, Ty lại một mình tìm đường sang Hàn Quốc theo lời khuyên của một người cha nuôi khác là mục sư Park Hong Su ở nhà thờ Tin Lành Pyung Gang tại Seoul. Nhà thờ này là nơi đã nhận anh tá túc 3 tháng liền trong thời gian học nghề sửa máy.

Quý mến anh, mục sư Park muốn gọi anh sang cho học thêm tiếng Hàn, sau đó gửi anh theo học Đại học Thần học, hướng đứa con tinh thần theo nghiệp trở thành một mục sư. Ngoài giờ học theo lớp chính khóa tại Đại học Yonse, trường đại học lớn thứ hai ở Hàn Quốc, Ty còn nâng cao trình độ tiếng Hàn bằng cách nhận làm phụ tá để học ngoại khóa tiếng Hàn với nhà hoạt động từ thiện kiêm mục sư Lee Yoon Woo, Thư ký Hiệp hội Phúc lợi xã hội Hàn Quốc.

Công việc của anh là gặp gỡ những người Việt sinh sống, làm việc hoặc có quan hệ hôn nhân tại Hàn Quốc, giúp họ giải quyết những rắc rối về công nợ, tìm việc làm mới hoặc can thiệp khi họ có mắc míu với cảnh sát. Từâng theo học tiếng Việt dạng một thầy một trò với hoa hậu Bùi Bích Phương khi cô hoa hậu này sang Seoul học tiếng Hàn, mục sư  Lee nói tiếng Việt rất giỏi.

Nhờ sự kèm cặp tận tình của ông, trình độ tiếng Hàn của Ty cũng tiến bộ vượt bậc. Anh được vị mục sư khả kính này giới thiệu vào làm việc một nửa thời gian với mức lương 700 USD tại Văn phòng Công ty L&S, một công ty chuyên kinh doanh các loại máy móc công nghiệp và thiết bị điện do các cựu chiến binh Hàn Quốc từng ở Việt Nam góp vốn lập nên.

Tình yêu và sự phục vụ

Cuộc kiếm tìm cha đã đưa anh đi hầu như khắp mọi nơi trên đất nước Hàn. Mùa đông năm 2000, Ty đã leo lên tận đỉnh núi Ik San nằm sát biên giới CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc, nơi đặt Bộ chỉ huy của Sư đoàn Bạch Mã, được cả Bộ chỉ huy sư đoàn này tiếp kiến và hứa giúp đỡ. Rất nhiều người Hàn Quốc quen và không quen cũng hứa tìm cách giúp anh. Một nghị sĩ Quốc hội nguyên là cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam đã đề nghị anh soạn cả một tập tài liệu dày về thân phận và tình cảnh của những con lai Hàn Quốc sinh trong chiến tranh để ông đưa ra thành chương trình nghị sự ở Quốc hội nước này.

Chưa tìm được cha, nhưng từ niềm khát khao của bản thân, Ty đã chạm mặt với ao ước của bao nhiêu người khác có cùng cảnh ngộ. Hai anh em Thoại, Nam ở Đà Nẵng đã từng viết hàng chục bức thư sang Hàn Quốc tìm cha nhưng không kết quả, trong khi cha của họ cũng nhiều lần sang Việt Nam tìm kiếm mà chẳng gặp con.

Biết chuyện, Ty đã chắp nối các mối quan hệ, cuối cùng, nhờ một cựu chiến binh Hàn Quốc khác định cư tại Mỹ, anh đã giúp cha con họ trùng phùng. Cũng tình cờ, anh biết một giáo viên tiểu học đã ly dị vợ là ông No Mu Nam, 58 tuổi, muốn tìm lại người yêu xưa ở Việt Nam khoảng 50 tuổi. Hồi sang Việt Nam, trong một lần đá bóng, anh lính No Mu Nam bị tróc móng chân và được cô y tá xinh đẹp người Việt mới 16 tuổi băng bó, chăm sóc.

Hàm ơn, anh phải lòng cô và cũng được cô cảm mến. Sau hơn 30 năm, toàn bộ ký ức của ông No Mu Nam chỉ còn lại là cái tên của cô gái, hình như là Nguyễn Trúc Mai. Cám cảnh, Ty nhận lời giúp ông No. Sau nhiều ngày lang thang tìm kiếm, sàng lọc, Ty tìm được một người đàn bà bán mắm ở chợ La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên có đủ những chi tiết trùng hợp với ký ức của người cựu binh Hàn Quốc. Khi lập gia đình, người phụ nữ này đã lấy tên No đặt cho người con trai đầu của mình.

Thế nhưng, bà lại mang một cái tên hoàn toàn khác: Mai Thị Chức. Thì ra ký ức, nỗi nhớ nhung bao giờ cũng đẹp hơn nhiều so với thực tại, còn Nguyễn Trúc Mai mềm mại, quý phái  hay Mai Thị Chức nôm na dân dã cũng chỉ là một mà thôi. Không chỉ giúp đoàn tụ, cuối năm 2000, Ty còn giúp đỡ cả tiền bạc để ông giáo về hưu No Mu Nam bay sang Việt Nam làm đám cưới muộn với người tình, sau đó bảo lãnh cả mấy mẹ con bà Chức sang Hàn Quốc đoàn tụ tuổi già... Tổng cộng, Trần Văn Ty đã giúp được hơn chục cặp vợ chồng Hàn - Việt tìm lại nhau và hơn 15 lần giúp cha con ở hai phuơng trời hội ngộ.

Theo tiếng Anh, L&S có nghĩa là Love and Service – Tình yêu và sự phục vụ. L&S còn là Light and Salt – Ánh sáng và muối, theo Kinh Thánh là hai thành tố thiết yếu của cuộc sống! Mục tiêu tồn tại và ý nghĩa khoan hòa đẫm màu sắc tôn giáo đã khiến Ty cảm thấy có cảm tình và gắn bó với Công ty L&S. Nhiệt tình cộng với năng lực thật sự đã giúp anh có được vị trí Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của công ty này.

Ngày 11/9/2001, Tổng giám đốc Lee Hei Young gọi  anh lên văn phòng. Đến nơi, Ty thấy ngoài Tổng giám đốc Lee, trong phòng còn có ông Kim, một cổ đông khác của L&S đứng đó với đôi bàn tay run run và khuôn mặt cố nén tâm trạng xúc động. Tổng giám đốc Lee bảo: “Lời hứa giúp anh tìm cha tôi đã hoàn thành. Đây là cựu hạ sĩ Kim Young Ki, cha của anh đó!”. Vụ nổ tại tòa tháp đôi WTC xảy ra cùng ngày hôm đó tại Hoa Kỳ cũng chưa chắc đã gây nên nỗi bàng hoàng lớn hơn vụ nổ vừa dội lên trong lòng Trần Văn Ty vào giây phút đó.

Không nghi ngờ gì nữa, hai thành viên của L&S có khuôn mặt giống nhau như tạc. Cha đó và con đó!... Ôm chầm lấy nhau, ông Kim khóc như mưa. Ty cố nén xúc động để lần đầu tiên được  cảm nhận đến kiệt cùng vòng tay ôm của tình phụ tử. Nhưng, không hiểu sao vào giây phút đó, con người lý trí trong lòng đứa con hơn 30 năm tìm cha lại trỗi lên chua xót thế.

Ông Lee nhắc: “Sao không gọi ông ấy là cha?”. Anh lắc đầu: “Mấy chục năm nay sao ông không tìm vợ, tìm con? Nếu ông đồng ý trở lại Việt Nam, tìm gặp mẹ tôi, bà ấy nhìn nhận ông là chồng, tôi sẽ gọi ông là cha!”. Cả thương nhớ lẫn trách móc, tủi  hờn cùng ùa về một lúc, Trần Văn Ty bỗng nêu ra điều kiện như một kẻ mộng du cay nghiệt. Dĩ nhiên là ông Kim gật đầu.

Cuộc sống ẩn chứa quá nhiều điều bất cập. Giải ngũ, không hy vọng gì có ngày tìm được vợ con, ông Kim đã lập gia đình ở Hàn Quốc và có thêm 3 người con, một trai hai gái. Nghề kinh doanh bất động sản đãä giúp ông giàu lên. Nhưng rồi, trận khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã khiến ông gần như khánh tận. Gom hết vốn liếng, ông góp 30% vốn cùng một số cựu binh khác lập nên Công ty L&S. Khi gặp lại con trai, Công ty L&S đang trên đà tuột dốc.

Vốn liếng, tài sản của ông bị vợ con ở Hàn Quốc giữ riệt, ông không tự quyết định được vì sức khỏe không còn nữa. Chất độc điôxin và bệnh tiểu đường đang tàn phá nốt những gì còn lại... Lời hứa với con trai, ông Kim không thể thực hiện nổi.

Thấu hiểu, Trần Văn Ty đã nhiều lần tổ chức đưa 2 người chị của mình sang Hàn Quốc thăm cha. Một chuyến đi với mục đích tương tự, anh cũng đang chuẩn bị để mẹ mình, bà Trần Thị Ngái thỏa nguyện. Riêng với ông Kim, anh đã nhiều lần dự định đưa ông sang Việt Nam, vừa thăm lại mảnh đất kỷ niệm thời trai trẻ, vừa giúp ông chữa bệnh. Vì mặc cảm, ông Kim vẫn ngần ngừ. Anh cũng không nài ép, không nỡ bắt ông phải đối diện với nỗi khổ tâm vì mặc cảm bất lực.

Vả lại, Trần Văn Ty cũng còn bao nhiêu việc khác phải làm và rất đáng để làm. Năm 2003, rời Công ty L&S, anh đã về Việt Nam lập Công ty Đại Nhật của riêng mình. Anh đã có vợ, có một đứa con, thêm một chú nhóc nữa sắp sửa chào đời. Thôi thì để cho quá khứ đau buồn với người cha xa xôi tự khép lại với thời gian. Trước mắt, Ty chỉ muốn dành hết sức lực, tâm trí cho tổ ấm nhỏ đang rất cần anh. Khác với cha nó, những đứa con anh nhất định phải lớn lên với những hồi ức hạnh phúc và tươi đẹp
Nguyễn Hồng Lam
.
.
.