Hành trình 15 để trở thành “Vua chống cháy”

Thứ Bảy, 12/02/2005, 07:05
Chỉ là tốt nghiệp lớp... 5 trường làng, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh lại là tác giả của nhiều sáng chế hữu dụng như sơn men, xốp chống cháy, keo chống cháy và mới nhất là bột chữa cháy rừng. Những thành quả đó được đánh đổi bằng cả cơ nghiệp cùng hạnh phúc gia đình...

Dù đã nhìn thấy tấm biển “Công ty TNHH vật liệu chống cháy Thanh Long”, nhưng tôi vẫn nghĩ mình nhầm. Nhìn căn nhà cấp 4 xây tạm bợ trong con ngõ nhỏ lầm bụi ở đường Quan Nhân này, gọi là công ty thì... sang quá, nó hợp với tên là xưởng sản xuất hơn.

Chỉ cái cơ ngơi tuềnh toàng ấy, ông Thanh bảo căn nhà này là thuê với giá 2 triệu đồng một tháng; chứ ngoài cái bồn inox 1.000 lít và đống can nhựa chất ở góc nhà, tài sản giá trị nhất của ông có mỗi... cái xe DD đỏ thôi.

Sinh năm 1949 tại một làng nhỏ heo hút ở Nghĩa Hưng (Nam Định), năm 12 tuổi, khi đang học lớp 5 trường làng thì bố mất. Bà mẹ bắt Thanh nghỉ học ở nhà bế đứa em mới sinh để bà bươn chải chợ búa. Mới ở nhà được vài ngày, thấy chán cảnh tù túng sau lũy tre làng, Thanh bỏ nhà theo người làng ra Hải Phòng tìm nhà ông bác.

Ra Hải Phòng, thằng bé nhà quê 12 tuổi lao vào đời bằng đủ thứ nghề, làm thuê cho hàng cắt kính, tới chữa kính, khắc bút. Tối tối, thằng bé lân la xin học ké sách con nhà hàng xóm. Sau này, Thanh tự học bằng cách đọc tất cả những quyển sách có được. Và những kiến thức tự học ấy chính là “vốn liếng” ban đầu để sau này Nguyễn Văn Thanh bước vào con đường khoa học.

Năm 1975, miền Nam giải phóng, dù đang sống tốt bằng nghề chụp ảnh ở Hải Phòng, nhưng Thanh lại quyết định lên tàu vào Sài Gòn với hy vọng tìm một cơ hội mới. Với đôi tay khéo léo lại nhiều sáng kiến, Thanh kiếm sống bằng việc cải tiến máy móc cho các cơ sở sản xuất nhỏ ở Chợ Lớn, từ máy cán mì tới máy cắt giấy... và kiếm được khá nhiều tiền.

Năm 1984, Thanh tự tìm ra kỹ thuật sản xuất mũ cối có chất lượng cao, tới mức Xí nghiệp mũ Đội Cấn ở Hà Nội vào tận Sài Gòn mời hợp tác; năm 1988 lại mày mò tìm ra cách pha chế bột PVC thành hợp chất dùng để sản xuất chất dẻo làm miếng đệm trong những chiếc nắp chai bia, nước ngọt...

Nhưng cái mốc đánh dấu con đường nghiên cứu của Nguyễn Văn Thanh bắt đầu từ năm 1990 khi ông tập trung nghiên cứu sơn men chỉ vì bực mình khi tìm khắp mà không thể mua được loại sơn vừa có độ bóng, lại phải chịu được nhiệt để in lên nắp chai nước ngọt.

Ngày đó, tiền cứ đổ ra mà thất bại nối tiếp thất bại. Có lần vợ vừa bán xe mì về chưa kịp cất tiền, ông chồng lấy luôn đi... mua hóa chất. Khi căn nhà cũng phải bán để lấy tiền nghiên cứu mà sơn làm ra chỉ để... đổ xuống cống thì người vợ quyết định ôm con ra đi.

Vợ bỏ, nhà không còn, ông Thanh thuê một khu đất trống ở phường Thới An, dựng lều ở tạm và tiếp tục... nghiên cứu.

Ngày mẫu sơn đưa ra khỏi lò hấp vẫn sáng bóng, dùng búa đập không rạn, để ngoài mưa không ôxy hóa, hai cha con ông khóc vì ước vọng 10 năm đã thành sự thật. Bây giờ, loại sơn này đã được Trung tâm Kiểm nghiệm Kỹ thuật Trung ương 3 công nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam với chất lượng không kém gì sơn ngoại. Loại sơn này có ưu điểm không cần sấy nhưng chất lượng không kém gì sơn tĩnh điện.

Khả năng ứng dụng của loại sơn này rất rộng: từ in tráng bao bì, đồ hộp, in lịch, hàng mỹ nghệ, gốm sứ, gạch men và sơn được cả... tàu thủy. Do điều chế từ polymer tổng hợp nên sơn tạo được bề mặt trơn và cứng, nếu sơn tàu thủy, hà khó bám và cũng không ăn được mạn tàu nên không cần trộn chất độc như sơn thông thường. Giá thành của loại sơn này cũng chỉ bằng 1/3 giá sơn nhập ngoại...

Không có tiền để đầu tư sản xuất lớn, ngày ngày ông cặm cụi pha sơn bằng cách đổ hóa chất vào... chậu nhựa rồi dùng cái khoan điện có gắn một miếng sắt ở đầu như dụng cụ đánh trứng để làm... máy trộn.

Pha từng can rồi đưa tới các cửa hàng nhờ người ta bán hộ. Ban đầu, nói là hàng tự chế nên chẳng ai mua. Những người bán hàng nói đại là sơn của Đức nhập nguyên thùng chiết ra bán lẻ, giá chỉ bằng nửa thị trường thì lại bán chạy. Khi sơn thử thấy nước sơn đẹp không thua gì xe của Trung Quốc, Đài Loan, mấy cơ sở sản xuất xe đạp rất chuộng. Mừng vì hàng bán được, nghĩa là thị trường chấp nhận và có tiền, nhưng ông lại lo vì nếu không may sẽ bị quy vào tội làm hàng giả.

Khi khách hàng yêu cầu mua với số lượng lớn, riêng một cơ sở sản xuất xe đạp cũng đề nghị cung cấp cho họ lượng hàng đủ mỗi ngày sơn cả trăm chiếc khung xe thì ông lo vì làm không nổi. Bởi “xưởng sản xuất” của ông lúc ấy vẫn chỉ là pha sơn bằng khoan điện rồi đun nóng hấp thúc đẩy quá trình lưu hóa bằng... ba cái bếp ga. Đành từ chối với lý do... không nhập được hàng với số lượng lớn.--PageBreak--

Tháng 10/2002,  khi biết tin Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC bị cháy làm hơn 60 người chết thảm mà nguyên nhân chỉ vì thợ hàn làm lửa hàn bắn vào xốp cách âm của vũ trường, ông Thanh lại tự hỏi: “Tại sao mình lại không nghiên cứu xốp chống cháy?”. Một lần nữa, gạt hết những lo toan mưu sinh, ông lại lao vào nghiên cứu sản phẩm mới.

“Vua” chống cháy

Lần này, những kiến thức tích lũy được sau hơn mười năm mày mò làm sơn men, làm chất dẻo nút chai đã giúp ông Thanh rất nhiều. Sau hai tháng trời tự giam mình trong căn gác hẹp mượn của một người bạn, đúng ngày Noel năm 2002, sản phẩm xốp cách âm không cháy, không chảy trong nhiệt độ cao sản xuất bằng phương pháp sấy khô hợp chất hòa tan dưới dạng dung môi, đã thành công.

Bạn bè tới chúc mừng, ai cũng ngỡ ngàng khi nhìn ông mặt mũi hốc hác, khắp người bị dị ứng, hai cánh tay nhiều chỗ phồng rộp, mắt sưng tấy vì ròng rã hai tháng tự giam mình trong phòng kín lại suốt ngày tiếp xúc với các loại hóa chất. Nhưng chưa kịp vui vì chế tạo được sản phẩm mới, một nỗi lo toan muôn thuở lại ập tới: lấy đâu ra tiền để đầu tư sản xuất?

Đang bí vì không có tiền sản xuất xốp thì ông Thanh được Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM mời báo cáo đề tài nghiên cứu sản xuất xốp chống cháy và tham gia một gian hàng tại Triển lãm các sản phẩm công nghệ PCCC 2003. Lúc ấy ông Thanh nảy ra ý nghĩ cần phải tạo loại keo  chống cháy để phủ các loại vật liệu dễ cháy.

Đã làm được xốp rồi lẽ nào không làm được keo chống cháy? Ông lại lọ mọ pha chế thử từ những nguyên liệu đã chế thành xốp chống cháy trong “phòng nghiên cứu” 6m2 trên căn gác tồi tàn. Chỉ một tháng sau thì sản phẩm keo chống cháy được chế thành công bằng cách hóa dầu các chất polymer thành một loại dung dịch không màu.

Tại Triển lãm sản phẩm công nghệ PCCC, ông Thanh giới thiệu sản phẩm rất ngoạn mục khi mang giấy, vải và cả tranh sơn mài tẩm xăng đốt. Nhưng ngọn lửa chỉ cháy rất nhanh rồi tàn vì hết xăng, còn tấm vải, bức tranh vẫn nguyên lành. Tháng 10/2003, Bộ KH - CN lại mời ông tham gia Chợ thiết bị và Công nghệ Việt Nam. Sau thành công này, rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp đến động viên khích lệ và khuyến khích ông Thanh tiếp tục nghiên cứu chất chữa cháy rừng.

Trong các loại cháy, cháy rừng là khó chữa nhất. Khi cháy rừng, nhiệt độ đám cháy nhanh chóng tăng lên hàng trăm, thậm chí cả ngàn độ. Do đó,  cây rừng dù là cây tươi nhưng với nhiệt độ cao như vậy cũng nhanh chóng bị hút khô nước và cháy. Lực lượng chữa cháy cũng không thể tiếp cận ở tầm gần để chữa cháy dưới mặt đất.

Tại các nước phát triển, người ta dùng máy bay để chữa cháy. Nhưng giải pháp này cũng không hiệu quả với những đám cháy lớn bởi nguyên lý đối lưu nhiệt, hơi nóng bốc cao hàng trăm mét nên lượng nước thả từ máy bay sẽ nhanh chóng bị bốc hơi ngay từ khi chưa chạm đất, vô tình tăng thêm ôxy cho đám cháy; nếu phun bọt CO2 thì khi gặp nhiệt độ quá cao cũng nhanh chóng bị giải phóng thành khí ở trên cao.

Sau gần một năm nghiên cứu, ông Thanh tìm ra loại hóa chất dạng bột. Loại bột này cũng có thể cô lại thành viên như đá răm để có thể rải từ trên cao. Khi gặp nhiệt độ cao, nó chảy thành thể lỏng phủ vào bề mặt vật cháy, giải phóng khí CO2, vừa có tác dụng dập lửa, vừa làm tắt than hồng dưới đáy đám cháy, giảm nhiệt độ, hạn chế cháy lan. Chất bột này không gây độc hại, tan trong nước nên sau khi chữa cháy rừng, khi còn lại gặp mưa nó sẽ tự hòa tan trở thành phân bón.

Sau khi tra cứu với các loại vật liệu chống cháy trên thế giới, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo bột chống cháy của ông Thanh không trùng với bất cứ sản phẩm nào. Còn ông Thanh thông báo nếu Nhà nước chấp nhận đề tài này để đưa vào sản xuất, ông xin tặng mà không đòi một đồng tác quyền.

Làm việc để tri ân

Tháng 8/2004, ông Thanh chính thức thành lập Công ty TNHH Vật liệu chống cháy Thanh Long. Sản phẩm keo chống cháy giờ đã được một doanh nghiêp ở Đà Nẵng ký hợp đồng bao tiêu phân phối khu vực phía Nam. Nghe tôi hỏi bây giờ thành công rồi, ông còn mong gì không? Ông bảo: “Tôi sống được tới bây giờ, làm được những việc này cũng là nhờ bạn bè đã không bỏ rơi những lúc tôi cùng quẫn nhất. Sau khi ổn định sản xuất, tôi sẽ lại tiếp tục nghiên cứu. Vẫn còn nhiều việc dự định mà tôi chưa làm được. Tôi làm là một cách để tri ân với đời”

Nguyễn Thiêm
.
.
.