Hành hương về miền đất lịch sử phương Nam

Thứ Bảy, 04/06/2011, 12:09
Trong dịp kỷ niệm 36 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Câu lạc bộ sĩ quan hưu trí Bộ Công an đã tổ chức một đoàn cán bộ sĩ quan Công an hưu trí cao cấp do đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Thạch, nguyên Cục trưởng Cục Công tác chính trị - Bộ Công an, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ làm Trưởng đoàn, đến thăm một số di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc của nhân dân ta.

Vượt qua chặng đường hàng ngàn cây số, di tích lịch sử - văn hóa đầu tiên Đoàn đến là khu di tích Hòn Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau. Đây là căn cứ thuộc Chuyên án CM12 diễn ra từ ngày 9/9/1980 đến ngày 9/9/1984. Trong chuyên án này, chúng ta đấu tranh với tổ chức phản động, cái gọi là: "Mặt trận Thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, có căn cứ ở Thái Lan.

Lực lượng phản gián Công an Việt Nam đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập với 189 tên gián điệp biệt kích, 142 lượt tàu của địch, thu 3.879 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn, 1.200kg thuốc nổ, 14 tấn tiền giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động gián điệp biệt kích, bắt sống Mai Văn Hạnh, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức gián điệp cài lại sau 30/4/1975 trong nội địa, phát hiện và tiếp tục đấu tranh với nhiều tổ chức phản động lưu vong đang hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam.

Trong Đoàn có 5 thành viên nguyên là cán bộ Cục KTNV-I Tổng cục An ninh - đơn vị đầu tiên trong lực lượng Công an được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" tháng 7-1985 về thành tích tham gia khám phá Chuyên án CM12.

Đoàn cán bộ hưu trí thăm di tích lịch sử Hòn Đá Bạc.

Di tích lịch sử - văn hóa thứ 2 Đoàn đến là Ban An ninh TW Cục Miền Nam thuộc Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, chúng tôi cảm nhận được lòng kiên định và ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ trong công tác và trong sinh hoạt của các đồng chí cán bộ lãnh đạo và các đồng nghiệp của chúng tôi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Tại đây, đơn vị chúng tôi có nhiều đồng chí như: đồng chí Thiếu tướng Tống Ngọc Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an; đồng chí Đại tá Đoàn Đình Cừ, cố Cục trưởng Cục KTNV-I; đồng chí Đại tá Hồ Xuân Nhân, nguyên Phó Cục trưởng Cục KTNV-I và một số đồng chí khác đã làm việc trong những năm khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đoàn đã đến khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tại tỉnh Vĩnh Long. Khi thắp nén hương thơm trước anh linh cố Bộ trưởng, chúng tôi lại nhớ đến sự quan tâm rất sát sao và sâu sắc của đồng chí Phạm Hùng đối với cán bộ trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ của chúng tôi.

Trong buổi lễ tuyên dương "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Cục KTNV-I được tổ chức vào tháng 7/1985, đồng chí Bộ trưởng đã nói một câu, đại ý là "Anh chị em trinh sát kỹ thuật luân phiên nhau ngồi làm việc liên tục trên bàn máy, sau mỗi ca làm việc căng thẳng và vất vả như thế, họ cần được bồi dưỡng ít ra cũng phải là 1 bát phở…". Trên cơ sở câu nói đó, Cục KTNV-I chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng trong và ngoài lực lượng Công an, kết quả là chế độ bồi dưỡng giữa ca của các trinh sát kỹ thuật được thực hiện từ đó theo Quyết định của Liên bộ Tài chính - Nội vụ.

Tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ CAND tại khu di tích Ban An ninh TW Cục Miền Nam.

Đoàn cũng đã tới cảng Vũng Rô, căn cứ tiếp nhận hàng từ các chuyến tàu không số. Tại đây chúng tôi thấy được tinh thần yêu nước của quân và dân tỉnh Phú Yên và sự hy sinh quả cảm của nhiều cán bộ, chiến sỹ Hải quân trên các chuyến tàu không số đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm để đưa hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, quân lương từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong cuộc hành hương đầy xúc động là Ngã ba Đồng Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, hầu như các thành viên trong Đoàn trước đây đã đến thăm khu di tích này ít nhất một lần. Song đây là dịp 30 tháng 4, nên trong Đoàn ai cũng muốn đến thắp một nén hương thơm cho 10 cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh để đảm bảo an toàn cho các chuyến xe chở quân lương, quân dụng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Tại đây, chúng tôi lại được bày tỏ lòng tri ân của mình trước anh linh của các liệt sỹ anh hùng đời đời vẫn ở tuổi 20.

Sau chuyến đi 14 ngày, trong ký ức của mỗi thành viên chúng tôi đã in đậm lòng tự hào về những chiến công của quân và dân ta nói chung và của lực lượng Công an nói riêng đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc như ngày nay cho mọi người, chúng tôi nguyện luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Để có được chuyến đi đầy tình nghĩa này, Đoàn chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, lãnh đạo Cục Tổ chức cán bộ, lãnh đạo Cục Quản lý xe H51 - Bộ Công an và Ban giám đốc Công an các tỉnh, Ban Giám thị các trại giam Xuân Lộc, Cái Tàu, Cây Cầy, An Phước và Gia Trung… đã ân cần đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho chúng tôi. Những tình cảm đó mãi mãi in sâu trong tâm trí chúng tôi, những người sĩ quan hưu trí vẫn tiếp tục ngày đêm góp sức cùng đồng đội và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

Ninh Công Khoát
.
.
.