Hai ông lão gác chắn tàu hỏa

Thứ Năm, 10/03/2011, 16:00
Đường ngang gần cầu Nam Ô (TP Đà Nẵng) mấy năm trở lại đây không xảy ra vụ tai nạn nào. Người ta càng ngạc nhiên hơn khi biết được để có những chuyến tàu qua chắn an toàn thì người gác chắn đó lại là hai ông già không thuộc biên chế của ngành Đường sắt.

Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc trên cầu Ghềnh có lẽ trở thành "vết nhơ" khó quên đối với ngành Đường sắt. Sau tai nạn, các ngành chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân và những người liên đới trách nhiệm. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nếu như những người gác chắn nơi đây có trách nhiệm thì tai nạn sẽ không xảy ra.

Cũng từ một gác chắn đường ngang gần cầu Nam Ô (TP Đà Nẵng) mấy năm trở lại đây không xảy ra vụ tai nạn nào. Người ta càng ngạc nhiên hơn khi biết được để có những chuyến tàu qua chắn an toàn thì người gác chắn đó lại là hai ông già không thuộc biên chế của ngành Đường sắt.

Hai ông già mà chúng tôi muốn nói đến là ông Nguyễn Văn Ca (66 tuổi) và người em của mình là Nguyễn Văn Đại (65 tuổi) ở tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Nhà của hai ông thuộc hộ nghèo, nhưng với tấm lòng không nghĩ thiệt hơn, ngày ngày hai ông bảo ban nhau kéo chắn đường ngang mỗi khi có tàu hỏa đi qua để người dân nơi đây qua lại an toàn.

Khi tai nạn ở cầu Ghềnh xảy ra, không hiểu sao chúng tôi lại liên tưởng tới hình ảnh hai ông già gác chắn này. Có lẽ được một lần chứng kiến hai ông không quản nắng mưa, gió bão khắc nghiệt của miền Trung để gác chắn an toàn cho những chuyến tàu qua lại đã làm chúng tôi nhớ mãi.

Thăm lại ông Ca và ông Đại một ngày cuối xuân, niềm vui được nhân lên khi hai ông cho biết trước đây nhờ Báo CAND viết bài phản ánh mà ngành chức năng đã làm ki-ốt mới và một thanh chắn bằng sắt chắc chắn thay thế cây tre cũ. Bây giờ hai ông không sợ "những người say" đâm vào chắn tre bị gãy nữa.

Hai anh em ông Ca và ông Đại bên trạm gác chắn tàu.

Khi được hỏi, hai bác có biết vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở cầu Ghềnh tận tỉnh Đồng Nai không thì cả hai nói là cũng nghe mấy người xung quanh kể. Họ còn nói nếu như mấy cái anh gác chắn ở đó cẩn trọng thì tai nạn thương tâm sẽ không xảy ra. Có người còn nói vui là ai cũng chăm chỉ và trách nhiệm như hai ông thì người qua đường ngang cũng an tâm và những chuyến tàu đi qua cũng được an toàn.

Cứ nói đến tai nạn đường ngang dân sinh là hai ông lại không quên những vụ xảy ra trước đây khi chưa có người gác. Cách đây hơn 4 năm tại đường ngang này, có một sinh viên học ở Trường Đại học Đà Nẵng về nhà bạn chơi, khi chạy xe qua đoạn đường ngang này do không quan sát tàu hỏa nên đã bị tàu cán chết. Rồi vài tháng sau, cũng tại đây có hai người dân ở Nam Ô khi đi củi về, băng ngang đường mà không quan sát tàu hỏa cũng bị tàu cán chết. Trước đó, một buổi trưa trời nắng gắt, chị Trần Thị Ng ở cách nhà ông Đại chỉ vài chục mét, đi xe máy chở hai đứa con đến trường qua đường ngang này.

Vì không nghe tiếng còi tàu nên khi chiếc xe máy vừa lao lên khỏi dốc, bánh trước mới chạm vào đường ray thứ nhất, thì từ xa một đoàn tàu lao tới vun vút. Tiếng còi inh ỏi. Ba mẹ con chị Ng hoảng vía vứt xe chạy thoát, chiếc xe máy bị tàu kéo lê tới tận gần cầu Nam Ô và nát bét…

Chúng tôi đang ngồi ôn lại những chuyện cũ thì từ xa có tiếng còi tàu inh ỏi vang lại. Lúc này khá đông người và phương tiện qua lại. Ngay lập tức, ông Đại cầm nón đội lên đầu, đeo khẩu trang và chạy ra hạ chắn xuống ngăn dòng người và xe cộ qua lại để cho một chuyến tàu nữa đi qua an toàn. Khi tàu chạy qua, xong xuôi "nhiệm vụ" ông lại về ngồi trong ki-ốt được dựng lên bên cạnh và ánh mắt luôn theo dõi hai bên đường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là đoạn đường hằng ngày có rất đông người dân ở tổ 43, 45, 46 và 49 của phường Hòa Hiệp Nam qua lại. Tuy nhiên, tại đây đường có độ dốc khá lớn, lại nằm sát với QL1A, có nhiều tiếng ồn lớn của xe cộ qua lại nên nhiều khi người đi đường không nghe được tiếng còi của tàu hỏa. Điểm giao cắt này thường xảy ra tai nạn nhưng không đủ điều kiện để ngành Đường sắt lập một gác chắn.

Vào tháng 4/2008, UBND quận Liên Chiểu quyết định thuê người cảnh giới ở đoạn đường này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Hai anh em ông Ca, ông Đại xung phong gánh vác trách nhiệm này. Được biết khoản trợ cấp hằng tháng cho hai anh em ông là 1 triệu đồng. "Tuy tiền trợ cấp ít nhưng trách nhiệm thì cao lắm. Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì hai cái thân già này chắc cũng không gánh nổi. Hai anh em tui cũng vì đảm bảo an toàn cho bà con qua lại mà cố gắng làm thôi", ông Ca tâm sự.

Người dân ở đây cho biết, hai anh em ông Đại mặc dù hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng rất có trách nhiệm với công việc. Ngày nào cũng như ngày nào, từ 5h tới 19h, hai anh em ông đều có mặt để gác chắn. Từ khi có hai người thay nhau gác chắn thì người dân qua lại yên tâm hơn.

"Ở đây tàu chạy liên tục, người qua đường rất đông mà chúng tôi không có tín hiệu báo tàu sắp đến nên phải ngồi ngoài mà chờ tàu. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì ướt hết cả người, lạnh lắm", ông Ca tâm sự.

Thêm một chuyến tàu nữa qua chắn. Ông Ca lại lom khom dáng người gầy còm ra kéo chắn. Hình ảnh hai người đàn ông gầy kéo chắn đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Nhìn thì đơn giản, nhưng nó mang một ý nghĩa to lớn: nếu không có họ, bao nhiêu người đã phải bỏ mạng nơi này…

Trần Ánh
.
.
.