Hai cựu phi công Mỹ với “người bạn” nằm lại Việt Nam

Thứ Sáu, 15/04/2005, 16:24
Chiến tranh đã qua đi 30 năm. Song cuộc "hội ngộ" giữa 2 cựu phi công Mỹ với xác chiếc máy bay phản lực F4B của Hải quân Hoa Kỳ bị bắn rơi năm 1967 ở miền Bắc thì quả là cuộc "hội ngộ" hiếm có.

Một ngày đầu tháng 5/2004, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân xuất hiện hai viên phi công Mỹ cùng đoàn làm phim của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương. Mục đích chuyến viếng thăm này của hai viên phi công Mỹ là để được “hội ngộ” với chiếc F4B của mình đã bị bắn rơi tại bến đò Đại, tỉnh Thanh Hóa cách đây gần 40 năm.

Ngày 14/5/1967, Everret Charles (lái chính) và John David (hoa tiêu) trên chiếc F4B xuất kích từ tàu sân bay Kitty Hawk vòng qua Ninh Bình, vào đánh phá Hàm Rồng. Khi hạ thấp độ cao ném bom xong định vòng ra phía biển trở về, chiếc F4B đã bị lực lượng pháo phòng không của Đại đội 4, Trung đoàn 228 bắn rơi tại bến đò Đại thuộc địa phận huyện Quảng Xương của tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi bỏ máy bay nhảy dù, Everret Charles và John David bị dân quân bắt sống và giải lên huyện đội rồi được đi “an dưỡng” tại Sơn Tây và “khách sạn Hilton” - Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1973, theo Hiệp định Pari, Việt Nam đã trao trả tù binh cho Mỹ, cùng với các phi công bị bắt khác, Everret Charles và John David được trở về nước.

Về số phận chiếc máy bay F4B, sau khi bị pháo cao xạ của ta bắn, nó may mắn được “tiếp đất” đúng bãi cát ven sông Mã nên còn khá nguyên vẹn. Nhân dân địa phương đã ngụy trang và báo cho các đơn vị có liên quan cất giữ. Năm 1976, nó được đưa về Bảo tàng Phòng không - Không quân trưng bày.

Xác chiếc máy bay F4B tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.

Để có được chuyến đi này, trước hết phải nói đến “công” của Gary Wayner - Phó giám đốc Công ty Steny (Mỹ) chuyên tư vấn và thiết kế công trình giao thông. Công ty của Gary đã trúng thầu làm nhiệm vụ tư vấn thiết kế và giám sát thi công một hạng mục giao thông đường 9 và Gary Wayner đang phụ trách chi nhánh tại Việt Nam.

Là một người rất ham mê tìm hiểu lịch sử, đặc biệt là lịch sử chiến tranh nên khi đến Việt Nam, Gary thường tranh thủ các ngày nghỉ, hoặc các dịp công tác để đến các địa danh lịch sử, các viện bảo tàng...

Khi đến Bảo tàng Phòng không - Không quân, ông thấy chiếc máy bay F4B gần như còn nguyên vẹn. Sau khi xem xong, Gary ghi số hiệu máy bay rồi về tra trên trang thông tin của Hải quân Mỹ. Từ đây, Gary biết được chiếc máy bay đang trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân chính là chiếc F4B của Hải quân Mỹ bị rơi ngày 14/5/1967.

Qua Hiệp hội những tù binh chiến tranh Mỹ, Gary đã tìm được 2 phi công Everret Charles và John David đang còn sống ở Philadenphia. Sau khi được trao trả về nước, một phi công làm giáo viên đại học dạy tiếng Anh tại một trường đại học, một phi công làm nghề chụp ảnh. Gary có thông báo lại với họ về số phận chiếc F4B và ngỏ ý mời họ thăm lại Việt Nam vào năm 2002 nhưng cả 2 đều tỏ ý e ngại vì sợ... bị trả thù?

Dần dần, bằng những điều mắt thấy tai nghe tại Việt Nam, Gary đã thuyết phục được họ, năm 2003, 2 phi công đã định sang, nhưng lại vướng phải dịp có dịch SARS nên kế hoạch đành hủy bỏ.

Có một người làm phiên dịch cho Gary Wayner, đó là anh Trần Dũng, công tác trong Ban quản lý dự án cải tạo nâng cấp đường 9 do Ngân hàng ADB tài trợ. Anh Trần Dũng lại có một người bạn thân làm ở Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, đó chính là đạo diễn Nguyễn Thước - một tác giả tâm huyết với đề tài chiến tranh.

Vậy là một tua “du lịch - tham quan - làm phim” đã được lên kế hoạch. Trước đây, đạo diễn Nguyễn Thước đã làm rất thành công phim tài liệu về “O du kích nhỏ”. Lần này, các anh dự định làm tiếp một bộ phim thời sự - tài liệu nữa về đề tài chiến tranh.

Điều đáng chú ý là khi vừa đến bảo tàng, 2 cựu phi công đã đến ngay vị trí đặt chiếc MiG-21 trước khi đến với chiếc F4B. Họ nói rằng, đã được nghe kể nhiều chuyện về MiG, được xem nhiều tranh ảnh về các loại MiG-21. Nó nhỏ, gọn hơn nhiều so với “thần sấm”, “con ma”, nhưng luôn là đối thủ đáng sợ cho mọi phi công Mỹ mỗi lần bay ra đánh phá miền Bắc...--PageBreak--

Chiếc MiG-21 mà họ xem là chiếc đã lập chiến công bắn rơi 14 máy bay Mỹ cũng được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng. Sau khi xem máy bay “địch”, hai viên phi công mới đến với chiếc máy bay của mình sau gần 40 năm xa cách”.

Hơn một giờ đồng hồ, hết chui xuống gầm, trèo lên cánh, ngồi vào buồng lái hoặc quan sát kỹ từng lá cánh quạt động cơ chiếc F4B, các vị khách người Mỹ cùng tụm lại một chỗ và như có ý khẳng định một điều gì đó. Trước đây 2 phi công này vẫn khẳng định rằng chiếc F4B bị rơi là do trục trặc về kỹ thuật, chứ không phải do lực lượng phòng không ta bắn. Chỉ có đến bây giờ, khi được nhìn thấy những vết đạn ở cả động cơ và một số vị trí khác trên máy bay, họ mới thừa nhận là nó bị bắn rơi.

Trong cuốn lịch sử của Trung đoàn Pháo cao xạ 228, đơn vị đã có 10 năm chiến đấu bảo vệ Hàm Rồng (từ 1965 đến 1975) cũng đã khẳng định điều này: “15h30 phút ngày 14/5/1967, Đại đội 4 trận địa đặt trên đồi Quyết Thắng đã bắn rơi chiếc F4B xuống địa phận bến đò Đại ven sông Mã, cách cầu Hàm Rồng 3 km”.

"Chúng tôi có lỗi"...

Ngày 14/5, đúng ngày chiếc F4B bị bắn rơi, các phi công Mỹ cùng đoàn làm phim lên đường đi Thanh Hóa. Ở Hàm Rồng - cây cầu huyền thoại bắc qua sông Mã, sau bao năm chiến tranh gánh chịu đạn bom Mỹ, vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử với dáng vẻ kiên cường.

Everret và John đã ngắm nhìn, đi lại trên cầu Hàm Rồng, sờ mó vào những lan can sắt đã sét gỉ và nhuốm màu năm tháng như thể kiểm tra xem có phải nó được làm bằng sắt không vậy.

Sau khi thăm cầu Hàm Rồng, đoàn đến thăm gia đình nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển. Họ có vẻ hồi hộp vì đã biết tiếng người phụ nữ can trường trong chiến đấu bảo vệ Hàm Rồng từng vác trên lưng 2 hòm đạn nặng gần 100kg (gấp đôi trọng lượng cơ thể), để phục vụ bộ đội pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ.

Nghỉ hưu đã gần 5 năm nay, nhưng nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển vẫn khỏe mạnh, hoạt bát. Chị ra tận xe, tiếp đón, làm cho các vị khách lạ cảm thấy tự nhiên, xóa đi sự e ngại ban đầu. Nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển kể cho khách nghe nhiều chuyện như chuyện bắn máy bay, chuyện bắt phi công, chuyện những đổi thay trên quê hương chị v.v...

Trò chuyện xong, cả chủ và khách chụp ảnh lưu niệm. Lúc trò chuyện tiếp khách, chị giản dị trong bộ thường phục. Khi đoàn làm phim mời chụp ảnh, chị vào trong một lát và bất ngờ xuất hiện với bộ quân phục cấp hàm trung tá, lấp lánh huân chương, càng tôn thêm vẻ đẹp của một nữ anh hùng.

Khi mọi người rục rịch ra xe, bất chợt phi công Everret hỏi người phiên dịch nhờ mua thuốc giảm sốt. Không hiểu vì lý do thời tiết hay vì lý do nào khác mà ông ta bị viêm họng cấp. Nghe vậy, chị Tuyển liền chạy vội vào nhà lấy mấy viên kháng sinh cho Everret uống...

Buổi trưa, sau khi ăn uống xong, đoàn làm phim lại tiếp tục “hành quân” bám theo đường đê dọc sông Mã đi về phía bến đò Đại (Quảng Xương, Thanh Hóa). Tại một địa điểm cách cửa biển Lạch Trường chừng 3km, cả đoàn có dịp trò chuyện với những nông dân địa phương.

Họ đã được nghe chính những người dân ở đây kể lại câu chuyện máy bay rơi và chuyện bắt “giặc lái” năm xưa. Gary và 2 cựu phi công Mỹ cùng lấy bản đồ ra, quan sát thực địa để tính toán điểm rơi - nơi đó xưa còn là vùng đầm lầy, cây cỏ rậm rạp. Everret và John tần ngần như hồi tưởng lại.

Đúng vào khoảng thời gian này, ngày này 37 năm về trước, họ đã có mặt ở đây với một tư thế khác, họ đã bị những nông dân bắt làm tù binh ngay khi vừa tiếp đất.

Trước khi lên xe rời Hàm Rồng, 2 cựu phi công Mỹ vẫn cứ ngoái lại hết sức chăm chú nhìn cây cầu. John David bồi hồi: “Chúng tôi thật có lỗi khi đánh phá cây cầu này. Nhưng là lính, chúng tôi phải thi hành mệnh lệnh của chỉ huy"

Thái Hòa – Xuân Thủy
.
.
.