Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến

Hai anh em ruột Võ Đình Quỳnh - Võ Đình Bông thủy chung cùng đất nước

Thứ Bảy, 10/12/2011, 20:40
Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu về hai anh em trai kỹ sư Võ Đình Quỳnh – Ông vua gang thép và kỹ sư Vũ Đình Bông – Ông tổ của năng lượng gió tại Việt Nam hiện nay, hai người anh em một theo tiếng gọi của Bác Hồ về nước đi kháng chiến.
>>Kỳ 2: Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, người hết mình vì Tổ quốc

“Tổ quốc sẽ rất cần có một đội ngũ đông đảo trí thức khoa học, công nông nghiệp để kiến thiết đất nước, phục vụ nhân sinh… Hiện tại Cụ Hồ và Chính phủ đang phải tập trung lo công cuộc kháng chiến. Còn phía gia đình ta có điều kiện giúp đỡ cho con cháu du học, chú thím con sẽ có trách nhiệm lo cho con và các em con sang Pháp để học tập, mở mang kiến thức công nghiệp, đặng sau này tham gia kiến thiết quốc gia cho hưng thịnh bằng các nước Âu Mỹ…”. Đó là lời ông Võ Đình Thụy dặn người con trai Vũ Đình Bông trước khi sang Pháp học tập, tìm cơ hội giúp nước nhà.

Bà Ngô Thị Mỹ Văn, chuyên viên hưu trí Bộ Công Thương, nguyên là cán bộ phụ trách trong Hội Việt kiều yêu nước tại Paris (Pháp) vẫn thường kể cho tôi nghe về “Famille Vo Dinh” (Gia đình Võ Đình) với những nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng tại Pháp như TS Võ Thị Huệ Đa, vợ GS.BS Nhãn khoa Hoàng Xuân Mãn – Chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước (1945-1946); TS Hóa học Võ Thị Tri Túc (vợ GS Nguyễn Hoán - Chủ nhiệm đầu tiên Khoa Hóa học kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội)…

“Famille Vo Dinh” tính đến nay đã có đến vài chục kĩ sư chuyên môn về gang thép như kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Võ Đình Bổng, kỹ sư Võ Đình Lộc… và kỹ sư chuyên môn về điện – năng lượng như kỹ sư Vũ Đình Bông, kỹ sư Võ Đình Viện, kỹ sư Vũ Đình Tuấn… 

Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu về hai anh em trai kỹ sư Võ Đình Quỳnh – Ông vua gang thép và kỹ sư Vũ Đình Bông – Ông tổ của năng lượng gió tại Việt Nam hiện nay, hai người anh em một theo tiếng gọi của Bác Hồ về nước đi kháng chiến.

Kỹ sư Võ Đình Quỳnh sinh năm Đinh Tị (1917) và kỹ sư Vũ Đình Bông sinh năm Nhâm Tuất (1922) trong một gia đình nhà Nho, ở vùng đất có truyền thống cách mạng kiên trung, bất khuất “có núi Ấn, sông Trà, có Ba Tơ quật khởi, có Sơn Hà tiên phong” nay là làng Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Cha của hai ông là cụ Võ Đình Thụy - kỹ sư chuyên ngành công chính xây dựng. Biết cụ có cảm tình với cách mạng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã vận động cụ Võ Đình Thụy cùng hai vị nhân sĩ khác là Võ Hàng (Bỉnh Sơn) và Trần Thường (Đức Phổ) ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, cả ba cụ đều trúng cử. Vì vậy, với danh nghĩa Nghị viên, cụ Võ Đình Thụy đã khôn khéo đấu tranh công khai đòi mở rộng quyền tự do cho dân chúng.

Sau này, nhiều cụ lão thành vẫn nhắc lại thời đó, cụ Võ Đình Thụy thường giao tiếp đàm luận tâm đắc với những chí sĩ đương thời như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Quang Phiệt, Lê Đình Thám. Mỗi dịp đi qua ngôi nhà “Từ đường Võ Đình Thụy”, nhiều người vẫn còn nhắc nhớ đến cụ Võ Đình Thụy với tấm lòng cảm mến một con người đã vì nước, vì dân thời buổi ấy.

Kỹ sư Võ Đình Quỳnh là người trẻ nhất trong số những người thanh niên thông minh và yêu nước chung quanh Hồ Chủ tịch ngày ấy là kỹ sư Võ Quí Huân, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước, đã lên tàu về nước. Rời bỏ mọi vinh hoa phú quý để về nước tham gia kháng chiến và kiến quốc, bốn nhà khoa học trẻ ấy thừa hiểu rằng gian khổ hi sinh đang chờ đợi họ trước mắt.

Ngày 20/10/1946, tàu cập bến cảng Hải Phòng. Ra đón Bác có Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam, Thị trưởng Hải Phòng Nguyễn Xuân Nguyên… Sau khi đón tiếp và làm việc với Bác Hồ, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, đôi mắt sáng ngời, thân mật nói với bốn nhà khoa học: “Nghe tin các anh cùng về với Bác, chúng tôi mừng quá. Công việc ở nước nhà đang chờ các anh”.

Cảm động, kỹ sư Võ Đình Quỳnh xiết chặt tay vị Bộ trưởng ba mươi tư tuổi nói: “Xin cảm ơn anh. Nhưng không hiểu tôi có làm được gì không? Được Bác Hồ cho về nước, tôi sẽ đem hết sức để phục vụ đất nước”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp lại kỹ sư Võ Đình Quỳnh (1997).

Sau ngày về nước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh vào thăm người thân ở 98 Nguyễn Du – Sài Gòn, đó là cửa hàng của gia đình cùng với cả dãy phố do người chú ruột làm chủ. Khi lên đường, ông được kỹ sư Trần Đại Nghĩa gửi một số sách báo, tài liệu nhờ cất giữ. Nhưng rồi ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946) diễn ra, ông bị kẹt lại trong lòng thành phố. Mọi liên lạc với tổ chức đều bị cắt đứt…

Tuy nhiên, với trình độ kỹ sư mỏ - luyện kim, kỹ sư Võ Đình Quỳnh đã xây dựng lên nhà máy thép mang tên Việt Nam Kim khí Công ty - VIKIMCO, tại Thủ Đức những năm 60 thế kỷ trước do ông trực tiếp điều hành và quản lí. Từ đây, kỹ sư Võ Đình Quỳnh được mệnh danh là “Ông vua gang thép”.

Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975), VIKIMCO chính thức được đặt dưới sự điều hành và quản lý của Công ty Luyện kim đen thuộc Bộ Cơ khí - Luyện kim (1/1/1978) và được đổi tên thành Nhà máy Quốc doanh cán thép VIKIMCO (nay là Công ty cổ phần Thép Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh).

Thiếu tướng – GS.VS – Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa trong hồi ký của mình (năm 1986) có viết: “Trong kháng chiến và mãi tới sau này, tôi bị mất liên lạc với anh Võ Đình Quỳnh. Tết năm 1983, khi vào TP Hồ Chí Minh, gặp người bạn cũ là kỹ sư điện, tôi hỏi thăm về anh Võ Đình Quỳnh, anh ấy nói:

- Anh Quỳnh mất liên lạc với anh. Nhưng trong kháng chiến anh ấy không làm gì cho địch cả”.

Do không lập gia đình, lại có nhiều anh em, người thân trong gia đình đang định cư bên Hoa Kỳ, kỹ sư Võ Đình Quỳnh đã sang đoàn tụ cùng gia đình... Ông mất tại Hoa Kỳ, nhưng thể theo nguyện vọng của ông, năm 2011, gia đình đã đưa hài cốt của ông về Quảng Ngãi.

Kỹ sư Vũ Đình Bông tên khai sinh là Võ Đình Diêu. Mới chớm đôi mươi, cũng như bao thanh niên khác, ông đi theo cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, được bổ sung vào đội tuyên truyền chống xâm lăng.

Trong lần ông về thăm cha, cụ Võ Đình Thụy đã dùng những lời lẽ ôn tồn và khúc chiết khuyên ông:

"Sau khi kháng chiến thành công, đất nước độc lập thì yêu cầu về nhân lực chuyên môn cho mọi ngành sẽ vô cùng lớn. Tổ quốc sẽ rất cần có một đội ngũ đông đảo trí thức khoa học, công nông nghiệp để kiến thiết đất nước, phục vụ nhân sinh. Trong lúc ở nước ta hiện nay chưa có trường Đại học Bách khoa thì làm sao đào tạo kịp thời lực lượng kỹ sư thiết yếu để phát triển nền kinh tế của đất nước. Hiện tại Cụ Hồ và Chính phủ đang phải tập trung lo công cuộc kháng chiến. Còn phía gia đình ta có điều kiện giúp đỡ cho con cháu du học, chú thím con sẽ có trách nhiệm lo cho con và các em con sang Pháp để học tập, mở mang kiến thức công nghiệp, đặng sau này tham gia kiến thiết quốc gia cho hưng thịnh bằng các nước Âu Mỹ…".

Theo lời cha, đồng thời tránh sự truy lùng của địch, kỹ sư Võ Đình Quỳnh đã nhạy bén, khôn khéo lo làm lại giấy tờ, đổi tên khai sinh của em trai Võ Đình Diêu thành Vũ Đình Bông, để sang Pháp du học.

Khắc cốt ghi xương lời dạy bảo của cha, nhớ công ơn chú thím, nhớ anh cả nhọc nhằn vất vả vì các em, Vũ Đình Bông tự xác định trách nhiệm: học tập vì Tổ quốc, luôn hướng về kháng chiến, coi sự rèn luyện tri thức tinh thông để sau này góp phần cống hiến khi về nước. Bên cạnh việc học, Vũ Đình Bông còn dành thời gian đáng kể tham gia hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Ông thường xuyên trực tiếp nhận nhiệm vụ từ ông Nguyễn Khắc Viện – trong Ban lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước – giao cho. Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1952, do hoạt động có hiệu quả trong phong trào Việt kiều yêu nước, ông Vũ Đình Bông đã được bà Ngô Thị Mỹ Văn đứng ra giới thiệu và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, ông Nguyễn Khắc Viện thay mặt cho tổ chức Việt kiều yêu nước đến báo lệnh:

- Đồng chí Vũ Đình Bông chuẩn bị gấp rút lên đường! Đi ngay không có hành trang chuẩn bị để bọn mật thám khỏi nghi trốn vượt.

Vậy là ông lên đường trở về chiến khu Việt Bắc dẫu biết rằng bao khó khăn gian khổ đang chờ đợi phía trước khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang bước vào giai đoạn cam go ác liệt. Rất tâm đắc với câu nói của nhà triết học cổ đại Horace “Được chết cho Tổ quốc thì êm ái và đẹp đẽ biết bao”, ông để lại tất cả hành trang và cả một cuộc sống vật chất sung túc trong tương lai ở sau lưng...

Tháng 10/1954, tiếp quản Thủ đô Hà Nội, kỹ sư Vũ Đình Bông được phân công làm Giám đốc Nhà máy Điện Yên Phụ. Chỉ sau 10 ngày, ông đã tự đảm nhận các khâu kỹ thuật, thao tác toàn bộ dây chuyền sản xuất, sớm tách 3 chuyên viên Pháp ra khỏi phần trực tiếp chỉ huy vận hành. Việc ông nhanh chóng làm chủ quy trình điều hành vượt kế hoạch cấp trên giao dự kiến là ba tuần, đã làm cho lãnh đạo thêm tin tưởng và các chuyên viên Pháp rất đỗi ngạc nhiên…

Năm sau, ông được cử làm Giám đốc Nhà máy Điện Cột 5 (Quảng Ninh), Hồ Chủ tịch ký thưởng Huân chương Lao động hạng nhì (1957), trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II (1960-1964) và khóa III (1964-1971), Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế điện – Bộ Điện và Than (1970), Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Điện và Than (1979)...

Trong thời gian công tác, kỹ sư Vũ Đình Bông đề xuất nhiều ứng dụng tiến bộ kĩ thuật nhằm hạn chế lãng phí trong khâu xây dựng như dùng "phép tiên" để trồng cột. Đó là phương án trồng cột điện bằng năng lượng nổ. Thoạt đầu mới trông thấy kiểu trồng cột một cách tức thời như chớp sét, thì ai cũng sửng sốt, tưởng như có phép lạ giống trong truyện thần thoại. Đó là sáng kiến cải tiến kĩ thuật Thiết kế cột vượt hình chuỗi quả trám đã được chọn đi tham dự triển lãm khoa học ở Liên Xô, được các nhà khoa học Liên Xô đánh giá cao cả về khía cạnh học thuật lẫn hiệu quả kinh tế và được trao tặng mề - đay sáng tạo khoa học. Nay cột vượt hình chuỗi quả trám dựng bên bờ sông Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) vẫn hiên ngang thách thức với thời gian để chứng minh sự đúng đắn của người thiết kế ra nó.

Kỹ sư Vũ Đình Bông còn là Ông tổ của năng lượng gió, mà ngày nay được con trai thứ ba của ông là kỹ sư Vũ Đình Tuấn - Tổng Giám đốc Fuhrlaender Vietnam - tiếp tục thực hiện tại Nhà máy Phong điện Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Kỹ sư Vũ Đình Bông luôn sống và làm việc bằng chính tư duy khoa học trong khối óc của mình, để đem lại lợi ích xã hội. Dù phải đương đầu với nhiều gian truân vẫn là con đường vinh hiển mà ông cũng như mỗi người giàu lòng yêu Tổ quốc không từ nan. Kỹ sư Vũ Đình Bông đã giành được bản nhạc vinh quang trong lao động mà không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc ấy…

Câu chuyện hai anh em ruột Võ Đình Quỳnh, Vũ Đình Bông theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến quả là hiếm có trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, có lẽ đã đến lúc chúng tôi đề nghị Nhà nước rất nên tổ chức một cuộc hội thảo quốc gia để làm sáng rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong việc thu phục các trí thức Việt Nam tiêu biểu trở về phục vụ, dấn thân cho Tổ quốc.

Hồng Thái - Kiều Khải
.
.
.