Hà Tĩnh: Hơn 24,4 tỷ đồng tiền cứu trợ lũ quét bị "tùng xẻo"

Thứ Hai, 21/08/2006, 08:36
Nhiều hộ gia đình ở xã Sơn Kim, nơi thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ quét, bị trôi mất nhà cửa, đồ đạc chỉ nhận được một số gạo, mì tôm. Gõ cửa chính quyền xã để hỏi số tiền từ thiện hàng tỷ đồng mà báo chí đưa thì chỉ nhận được những cái lắc đầu "lên huyện mà hỏi".

Tháng 9/2002, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra trận lũ quét lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ước tính tổng thiệt hại vật chất hơn 200 tỷ đồng. Với tấm lòng nhường cơm sẻ áo, hàng triệu tổ chức, cá nhân trong và người nước đã quyên góp, ủng hộ giúp đỡ đồng bào huyện Hương Sơn từ tiền đến lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, sách vở, đồ dùng học tập...

Tổng số tiền được trợ cấp, tiền tiếp nhận quản lý, sử dụng là 24.439.230.000 đồng. Về lương thực, huyện Hương Sơn tiếp nhận hơn 1.300 tấn, trong đó có 1.100 tấn do tỉnh cứu trợ.

Tuy nhiên, khi có trong tay hơn 24,4 tỷ đồng, việc chi tiêu, phân bổ về các xã cũng như chi cho các hạng mục khắc phục hậu quả lũ quét đã bị "tùng xẻo" và chi sai nguyên tắc, mục đích. Nhiều hộ gia đình ở xã Sơn Kim, nơi thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ quét, bị trôi mất nhà cửa, đồ đạc nhưng họ chỉ nhận được một số gạo, mì tôm.

Chỉ khi thấy truyền hình đưa tin về tình hình cứu trợ của Nhà nước và đồng bào cả nước, họ đi gõ cửa chính quyền xã để hỏi số tiền từ thiện ấy hiện ở đâu thì chỉ nhận được những cái lắc đầu "lên huyện mà hỏi". Với người nông dân nghèo khổ, bị thiệt hại nặng nề sau lũ, họ chỉ còn biết lên rừng kiếm củ mài về ăn chứ biết đi hỏi ai ở huyện?

Kết luận sai phạm...

Quá bức xúc, hàng loạt đơn từ được gửi đến cơ quan chức năng của tỉnh, huyện. Trước tình hình đó, Công an Hà Tĩnh yêu cầu Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC15) tiến hành xác minh, điều tra. Sau một thời gian tích cực điều tra, huy động nhiều lực lượng, kết quả điều tra đã kết luận rất rõ ràng về những sai phạm này.

Trong tổng số hơn 24,4 tỷ đồng, việc chi sai mục đích, thất thoát ở nhiều hạng mục. Số tiền này được phân bổ cho nhiều đơn vị, nhưng sau đó được chi tiêu rất tùy tiện. Tại Phòng Tổ chức - Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Kế hoạch - Tài chính, trong tổng số kinh phí quyết toán chi cho chính sách xã hội theo nguồn tài chính được cấp là 5,367 tỷ đồng thì 2 phòng này chỉ chi cho chính sách xã hội có 1,566 tỷ đồng.

Số tiền còn lại được những cán bộ của 2 phòng này mà trực tiếp là ông Phan Cao Oánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của huyện, biến hóa theo ý thích của mình. Ông Oánh sử dụng 3,801 tỷ đồng gán ghép vào những hạng mục không có trong quyết định phân bổ...

Qua kiểm tra hồ sơ thanh toán lưu tại Phòng Tổ chức - Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kế hoạch - Tài chính, CQĐT thấy có tới 2,001 tỷ đồng được các đơn vị này chuyển cho các xã nhưng giấy tờ chỉ "trao tay" (khi hỏi rõ thì cán bộ ở đây trả lời là... chi thanh toán nội bộ)! Chính vì kiểu cách "chi nội bộ" này nên đến nay không ai biết hơn 2 tỷ đồng nói trên "trôi theo lũ" đi đâu, về đâu, ngoại trừ ông Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Phan Cao Oánh.

Việc ra quyết định phân bổ kinh phí khắc phục lũ lụt của UBND huyện Hương Sơn trong chi chính sách xã hội cho các xã, thị trấn với tổng số tiền 5,367 tỷ đồng là quyết định phân bổ khẩn cấp sau lũ. Theo nguyên tắc, số tiền này phải được chi vào cứu đói cho dân, giúp dân làm lại nhà cửa.

Tuy nhiên, các xã đã chi một cách tùy tiện, không được kiểm soát cụ thể và cũng không ai hay biết, bao nhiêu tiền "lọt" vào túi cán bộ huyện, xã. Thấy tình hình phức tạp, sợ bị phát giác, số tiền 2,001 tỷ đồng sau đó được chuyển vào cái gọi là "chi xây dựng cơ bản" nhưng xây dựng công trình gì, như thế nào thì không ai biết. CQĐT kết luận, việc chi này là sai nguyên tắc, trái với Luật Ngân sách Nhà nước.

Kiểm tra thí điểm tại 4 xã, thị trấn cho thấy, trong tổng số 688 triệu đồng được cấp thì xã nào cũng chi sai mục đích, chỉ có 195,667 triệu đồng được chi cho các hộ dân bị thiệt hại. Nhiều hộ ở Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Diệm, Sơn Bằng, Sơn Châu... là những xã bị thiệt hại nặng nề do lũ quét, người dân bị cuốn trôi tài sản nhưng khi nhận tiền cứu trợ lại chỉ ít gói mì tôm, cân gạo, trong khi tiền tồn dư lại nằm trong tay cán bộ xã...

... rồi chìm xuồng

Những vấn đề trên được PC15, Công an Hà Tĩnh báo cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, từ năm 2004 đến nay, những tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn... bình yên vô sự! Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn cho biết, khi vụ việc xảy ra, ông đang làm Giám đốc Công ty Phát triển Lâm nghiệp Hương Sơn nên không nắm rõ.

Còn tại thời điểm đó, qua kết luận cơ quan chức năng, Huyện ủy, UBND huyện Hương Sơn xác nhận trách nhiệm trong vấn đề này trước hết thuộc ông Nguyễn Khắc Thứ, Chủ tịch UBND huyện khi đó (nay đã bị kỷ luật buộc thôi việc vì lý do khác); ông Phan Cao Oánh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện với tư cách người chịu trách nhiệm tham mưu UBND huyện phân bổ tiền cứu trợ và trực tiếp xử lý hơn 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, mọi việc đã không được xử lý đến nơi, đến chốn... 

Khi vụ việc "hậu bão Chanchu" ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang khiến dư luận bức xúc thì mới đây, người dân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) - địa bàn xảy ra trận lũ quét lịch sử năm 2002 lại bàng hoàng nhận ra tổng số tiền hơn 24,4 tỷ đồng cứu trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân từ thiện đã bị một số cán bộ chính quyền ở địa phương "tùng xẻo", chi tiêu sai nguyên tắc, sai mục đích nghiêm trọng.

Điều đáng nói, vụ việc đã được cơ quan CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an Hà Tĩnh xác minh, có báo cáo khẳng định các sai phạm cụ thể, chuyển cơ quan chức năng đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng rốt cuộc, mọi việc bị... chìm xuồng!

Đăng Trường - Xuân Hồng
.
.
.