Hà Nội và những cung đường chìm trong bụi

Thứ Bảy, 26/02/2005, 16:10

Anh Hoàng Luật, một thợ sửa xe máy ở 17.G Khuất Duy Tiến cho hay, mới ba năm thuê nhà mở hiệu ở đây, phổi của anh đã bị đen. Anh ví von, cứ bưng bát cơm lên, chưa kịp ăn đã thấy lấm tấm bụi, tựa hồ như cơm trộn ruốc, trộn vừng!

18h30' ngày 23/2, chúng tôi có mặt ở đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội). Hàng loạt quán cà phê vườn ngập trong bụi lem luốc. Tôi tạt vào quán vườn MN, gọi một ly cà phê, nhưng chưa kịp uống thì bụi đã dằm dặm ở miệng, ở cổ. Trên tuyến đường này, cái gì không dính bụi mới là chuyện lạ. Bụi phủ dày tới mức cây cối hai bên đường không còn sức sinh trưởng. Khoảng 400 hộ dân nơi đây đang sống chung với bụi mịt mù và tiếng ồn đinh tai nhức óc.

Dạo qua rất nhiều gia đình, chỉ thấy cách phòng bụi duy nhất là lắp cửa kính rồi đóng im ỉm cả ngày. Tôi vào một quán trà chén vỉa hè và cũng chẳng ngạc nhiên khi chị chủ quán vừa rót nước, vừa nói chuyện với khách qua lớp khẩu trang rất dày. Chị chỉ tay lên ánh đèn điện cao áp mờ đục cho biết: "Không phải sương mù mà là bụi đấy!". Hằng ngày phải hít một thứ không khí ô nhiễm đó nên vợ chồng chị và ba đứa con đã bị viêm xoang, viêm mũi mãn tính.

Gần 2 tiếng có mặt ở khu vực đường vành đai 3 này, tôi đếm được hơn 300 lượt xe ô tô qua lại mà phần nhiều là xe có trọng tải lớn. Tính cả ngày phải đến vài ngàn lượt. Một số hộ dân bức xúc cho biết đoạn đường đã giải toả để mở đường cao tốc vành đai 3, nhiều năm đã trôi qua rồi mà công trường vẫn bề bộn, đất đá chất cao như núi, xe ô tô đi qua rầm rập suốt ngày chỉ có bụi cát.

Pháp Vân - Tam Trinh: "Mịt mù bụi tỏa ngàn phương"

Tại các khu vực nội thành đông dân cư ở thủ đô Hà Nội, nồng độ bụi đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Với tốc độ phát triển phương tiện giao thông như hiện nay, đến năm 2010, tại các nút giao thông bị tắc nghẽn, nồng độ các khí CO và NO2 có thể vượt tiêu chuẩn cho phép khoảng 9 lần, nồng độ khí SO2 vượt 7 lần, đặc biệt nồng độ chất hữu cơ bay hơi (VOC) có thể vượt tới 33 lần.

Với bất kỳ người nào thường xuyên qua lại đoạn đường Nguyễn Tam Trinh hay đường Pháp Vân (vành đai 3) thì có lẽ khẩu trang là vật dụng không thể thiếu. Cùng với một số đường như Nam Thăng Long, Ngã Tư Sở, đường Hoàng Quốc Việt… thì những con đường này đang được xếp vào diện bụi nhất Hà Nội hiện nay.

Ngày 23/2, chỉ cần dừng lại vài phút tại ngã 3 Yên Sở - Pháp Vân - Nguyễn Tam Trinh, chúng tôi đã có thể chứng kiến hàng chục chiếc xe tải chở cát đi qua được che chắn rất sơ sài. Cát trên thùng xe rơi vãi xuống lòng đường. Không khó khăn gì để tìm được vô số những chiếc xe chở không đảm bảo vệ sinh: 29 - 2549, 29- 8750, 29- 9295, 29- 2226, 29-5600… Không chỉ có vậy, những chiếc xe này còn lấm lem bùn đất mà dường như những người chủ của chúng không quan tâm lắm. Dọc những đường này, cát đắp thành bờ nên chỉ cần một cơn gió hay ô tô đi gần là có thể khiến cho cả đống cát ấy bốc lên, vã thẳng vào mặt người đi đường.

Qua quan sát cho thấy có đến hơn 90% lượng xe qua lại khu vực này không đảm bảo che chắn đúng yêu cầu. Phần lớn các xe chỉ che được phần ngọn trên cao, còn phần hai bên và nhất là đuôi xe đều trống toang hoác. Chỉ cần gió hay xe rung mạnh là cát "tự do" lao xuống lòng đường. Có những đoạn đường bụi tới mức chỉ cách khoảng 100m đã không nhìn thấy gì. Không chỉ có bụi do vận chuyển cát bị rơi vãi mà các công trường xây dựng do che chắn không kỹ hay khói từ các phương tiện vận tải... cũng góp phần không nhỏ làm tăng lượng bụi cho Thủ đô.

Nam Thăng Long: Hàng trăm xe chở cát xả bụi "lát” đường

11h trưa 23/2, dù đang trong thời gian vắng người qua lại, song tuyến đường này vẫn mịt mù khói bụi. Hàng trăm chiếc xe tải chạy qua như ném cát vào mặt người đi đường. Một số xe chỉ đậy bằng hai tấm bạt nhỏ nên cát rớt xuống lòng đường vô tội vạ. Đối với chủ phương tiện thì chỗ cát ấy chẳng đáng gì, nhưng nó đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của dân cư hai bên đường.

Theo con số thống kê thì nồng độ bụi ở nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép 3 đến 4 lần (như quận Đống Đa, Long Biên cao nhất: 0,8mg/m3, Tây Hồ, Hoàng Mai: 0,78mg/m3). Và hàng năm, trung bình cũng đã có hơn 20 nghìn trường hợp gây ra ô nhiễm bụi bị xử lý với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Nhưng con số này quá nhỏ so với thực tế và chưa có tác động mạnh đến ý thức người gây bụi. Các chủ công trình, phương tiện dường như vẫn thờ ơ trong việc phòng, tránh gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu rửa xe sạch trước khi vào thành phố chưa được các chủ phương tiện coi trọng.

Ngày 10/1/2005, UBND Tp. Hà Nội ra quyết định về việc thực hiện các biện pháp giảm bụi như yêu cầu xe phải rửa sạch, vật liệu rời, chất thải xây dựng không được đổ cao quá thành, có mức phạt trong từng trường hợp cụ thể và từ ngày 1/3/2005, các phương tiện vận tải cơ giới vận chuyển vật liệu rời, phế thải xây dựng được phép lưu hành trong thành phố khi đảm bảo thùng xe phải kín, khít

T. Phương - T.Duyên - M. T. Hiếu
.
.
.