Hà Nội “tham vọng” không còn hoa quả bán rong vỉa hè

Thứ Tư, 28/06/2017, 09:03
Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành” đang được Hà Nội giao các ngành, chủ đạo là ngành Công Thương xây dựng với tham vọng để người dân Thủ đô, trước nhất ở các quận nội thành không còn phải sử dụng hoa quả bán rong, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.


Hà Nội tiêu dùng 52.000 tấn trái cây/tháng

Qua khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội tại 12 quận của Hà Nội cho thấy, có 175 tổ chức và 300 cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư.

Hình thức kinh doanh bán buôn có 10 cửa hàng, chiếm 2,1%; bán lẻ 464 cửa hàng, quầy hàng chiếm 97,9%. 30% các cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, 50% cửa hàng có giá, kệ bày trái cây; còn lại cơ bản các cửa hàng dùng sạp bày bán trái cây. Người bán trái cây cơ bản chưa có đầy đủ kiến thức thực hành đảm bảo ATTP trong kinh doanh cũng như bảo quản trái cây…

Hà Nội sẽ vắng bóng hàng rong bán hoa quả?

Đó là chưa kể số lượng lớn người bán hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường, trên xe máy, xe đạp hoặc tại các khu đất công dưới dạng các gian hàng lợp tạm, dựng ô tạm… Do không có tủ để bảo quản nên các loại trái cây thường được sử dụng các hóa chất cấm để tạo độ tươi lâu, ít bị thối... ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đề án, trong thời gian tới, các địa điểm bán trái cây phải được đưa vào trong nhà, không bày bán ra vỉa hè, bán rong trên đường… Việc làm này có tác dụng ngăn chặn hiện tượng kinh doanh hoa quả không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, hiện nhu cầu sử dụng trái cây của người dân Hà Nội lên đến 52.000 tấn/tháng. Trong khi đó, lượng trái cây sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu (9.360 tấn); phần lớn lượng trái cây tiêu thụ hiện nay là từ các tỉnh, thành và nhập khẩu nước ngoài về Hà Nội.

Đề án này đặt mục tiêu trong năm 2017, 100%  cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định.

Trong năm 2018, ngoài việc đảm bảo hầu hết các trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP... Đề án này đưa ra việc sẽ xóa hoàn toàn các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện ATTP và trật tự đô thị, đặc biệt ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng.

Cần phải có tiêu chí, cơ chế rõ ràng

Một loạt quy định nhằm kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây cũng sẽ được áp dụng. Như đối với mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGap, Globalgap phải có giấy chứng nhận còn hiệu lực. Riêng đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định...

Đề án cũng đưa ra một số tiêu chí cơ bản về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại trái cây. Cụ thể trái cây phải nguyên vẹn, không giập nát hoặc bị hư hỏng; bề mặt không thâm, thối, không ủng, không mốc... đảm bảo mùi vị đặc trưng, không có mùi vị lạ.

Đồng thời phải đảm bảo các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố... theo quy định của pháp luật hiện hành. Trái cây kinh doanh trong cửa hàng phải đảm bảo rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của các cửa hàng phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc trái cây…

Dù đây là niềm mong mỏi của hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô, bởi tình trạng hoa quả bày bán ở vỉa hè không nguồn gốc, xuất xứ, không biết chất lượng đã và đang khiến nhiều người e ngại. Tuy vậy, chưa nhiều người bày tỏ sự lạc quan vào đề án này.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, cơ quan quản lý tạm chia các nhóm đối tượng kinh doanh gồm: Nhóm kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại; nhóm kinh doanh tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường.

Các ý kiến cho rằng, nhóm đối tượng quản lý khó nhất là những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè. Vì thế, trước mắt nên siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng này.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị, nên thực hiện thí điểm việc chuẩn hóa tại một số cửa hàng bán lẻ, sau đó tổ chức thực hiện đồng loạt ở các quận nội thành. Khi việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thì thành phố sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thực phẩm “bẩn” trong đó có trái cây không chỉ ở chợ cóc, vỉa hè mà đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín. Ông Phú cho rằng, việc thí điểm cửa hàng kinh doanh trái cây là điều cần thiết, tuy nhiên phải có tiêu chí, có cơ chế rõ ràng thì mới mang lại hiệu quả.

NY
.
.
.