Hà Nội: Vỉa hè bị "xà xẻo" vì hàng hóa ngày Tết

Thứ Sáu, 21/12/2007, 09:54
Trong những ngày giáp Tết, khi hàng hoá được bày bán phục vụ Tết tràn ngập các đường phố, từng cm vỉa hè bị tranh giành không thương tiếc… Người "bạo phổi" thì lấn chiếm vỉa hè kinh doanh như một kiot di động, người "non gan" và ít vốn hơn thì lấn chiếm vỉa hè làm nơi bán hàng nước.

Cách đây hơn một năm, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 227/2006/QĐ-UB phân cấp quản lý vỉa hè cho các quận, huyện với mong muốn sẽ lập lại kỷ cương trật tự vỉa hè.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh không những không giảm mà ngày càng phát sinh thêm nhiều điểm lấn chiếm. Đặc biệt, trong những ngày tháng gần Tết Nguyên đán, khi lượng hàng hoá được đổ ra bày bán phục vụ Tết tràn ngập các đường phố, từng cm vỉa hè lại bị tranh giành không thương tiếc…

Lấy vỉa hè làm nơi "xoá đói, giảm nghèo"

Đợt ra quân lần này có sự phối hợp giữa Thanh tra Giao thông công chính (GTCC) và Cảnh sát trật tự (CSTT) nhằm xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ùn tắc giao thông, lập lại trật tự đô thị dịp trước Tết Nguyên đán.

Đợt ra quân này sẽ tập trung xử lý tại các địa điểm xung quanh chợ Bưởi - tuyến đường Hoàng Hoa Thám, La Thành - Bệnh viện Nhi, xung quanh tòa nhà Vincom... Các tụ điểm công cộng như ga Hà Nội, cửa chợ Long Biên, quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên, các bến xe, bệnh viện...

UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các ngành xử lý các vi phạm khác như kinh doanh vật liệu xây dựng, rửa xe gây mất vệ sinh; xe thô sơ bán hàng rong, buôn bán ở các cổng cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà chờ xe buýt; điểm trông giữ xe đạp, xe máy không phép cũng bị xử lý, giải tỏa…

Tuy nhiên, tình trạng lấy vỉa hè làm nơi "xoá đói, giảm nghèo" vẫn đang diễn ra ngang nhiên và công khai.

Trên phố Ngọc Hà, đoạn nối giữa phố Sơn Tây và Đội Cấn, các hộ kinh doanh, buôn bán chia nhau, thậm chí tranh chấp nhau từng vài chục centimet vuông. Từ nhiều năm nay, ở đoạn phố này đã không còn khái niệm vỉa hè dành cho người đi bộ.

Bác Đinh Hữu Trí, cán bộ hưu trí ở phường Ngọc Hà bức xúc: "Các hộ buôn bán không những lấn chiếm vỉa hè trước cửa những nhà không kinh doanh. Họ còn thường xuyên xả rác, đánh lộn, cãi cọ nhau vì tranh vỉa hè".

Vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh cửa hàng ăn uống, thức ăn chín, lòng đường là nơi tụ tập của những người bán rau, hoa quả. Người dân muốn đi lại chỉ còn cách lách qua, lách lại giữa những khe hở của ghế nhựa, xoong nồi, bàn, phản…

Đây là đoạn phố thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt là vào các giờ cao điểm gây bất bình cho người dân nhưng chính quyền phường Đội Cấn vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để chấm dứt tình trạng này.

Càng những tháng giáp Tết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè càng nặng nề. Người kinh doanh tranh thủ nhập một khối lượng lớn hàng hóa về bán trước Tết. Hàng hoá cũ, đặc biệt là các loại quần áo, vải vóc, giày dép… được chất đống lên vỉa hè để bán thanh lý.

Sáng 20/12, ghi nhận tại các tuyến phố trung tâm kinh doanh của Hà Nội như phố Gia Ngư, phố Hàng Khoai, Hàng Mã… hầu như vỉa hè không còn khoảng trống.

Trên phố Gia Ngư, các hộ bên trong kinh doanh quần áo, còn vỉa hè là nơi bán tất, quần áo lót… Những sạp hàng bán đồ lót màu sắc loè loẹt khiến vị khách du lịch nước ngoài nào vô tình đi ngang qua cũng phải lắc đầu.

Phố Hàng Khoai nằm sát chợ Đồng Xuân lại tận dụng vị thế đắc địa của mình để bày bán phích nước, nồi cơm điện… trên vỉa hè. Thậm chí, lui lên trên, đoạn phố này nơi tiếp giáp với đường Trần Nhật Duật, vỉa hè lại là nơi tập kết từng chồng bao tải khoai tây, cà rốt, hành, tỏi… Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, gây mất trật tự đô thị mà mức độ ô nhiễm môi trường ở phố này cũng đang ở mức báo động.

Người "bạo phổi" thì lấn chiếm vỉa hè kinh doanh như một kiot di động, người "non gan" và ít vốn hơn thì lấn chiếm vỉa hè làm nơi bán hàng nước. Vài chiếc ghế con rải ra vỉa hè, tranh thủ nhà chờ xe buýt làm nơi ngồi bán hàng che mưa, che nắng… là có một chỗ bán hàng đông khách.

Mới đây, ngày 27/11, hai công trình lấn chiếm trái phép đất công, vỉa hè ở khu Trung Hòa - Nhân Chính bị cưỡng chế phá dỡ sau nhiều lần các cơ quan chức năng nhắc nhở. Đây là vụ lấn chiếm vỉa hè lớn nhất với diện tích gần 600m2 của nhà hàng Phong Vị quán (Công ty Cổ phần Thép và Vật tư Simco) và cửa hàng điện thoại di động của Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 41.

Tuy nhiên, số vụ việc lấn chiếm được giải quyết triệt để như hai trường hợp trên còn rất ít. Tình trạng lấn chiếm vẫn là phổ biến.

Sẽ sớm có điều chỉnh Quyết định 227

Theo Sở Giao thông công chính, toàn thành phố có gần 500 điểm trông giữ xe đạp, xe máy đang hoạt động. Địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng là những nơi có nhiều bãi gửi xe nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 155 điểm là được cấp phép (gần 31%), số còn lại là hoạt động không phép. Con số này cho thấy, việc quản lý vỉa hè gần như bị buông lỏng.

Qua hơn 1 năm thực hiện Quyết định 227 đã bộc lộ hàng loạt những bất cập. Nhiều quận, phường không chú tâm vào việc quản lý vỉa hè mà quay sang khai thác triệt để lợi ích của vỉa hè mang lại. Số các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên vỉa hè nhanh chóng tăng đột biến.

Trao đổi với chúng tôi sáng 20/12, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Ban Thanh tra GTCC cho biết, Sở GTCC đang làm dự thảo góp ý kiến với UBND TP Hà Nội điều chỉnh lại Quyết định 227 cho hợp lý.

Theo đó, có thể sẽ điều chỉnh lại hệ thống giao thông tĩnh, không cho để xe trên vỉa hè; đồng thời sẽ hạn chế tối đa các hoạt động kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè.

Ông Giáp cũng cho biết thêm, theo đúng kế hoạch thì ngày 15/12/2007, lực lượng Thanh tra GTCC và CSTT ra quân đồng bộ để triển khai kế hoạch tăng cường lập lại trật tự đô thị như chống ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè… Nhưng do một số lượng lớn nhân viên Thanh tra GTCC phải điều chuyển sang việc kiểm tra thực hiện đội mũ bảo hiểm nên trong tuần tới, Sở GTCC mới triển khai nội dung ra quân lập lại trật tự vỉa hè.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã hứa, sẽ điều chỉnh Quyết định 227 xong trước Tết âm lịch. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết âm lịch, mong rằng UBND TP Hà Nội sớm có quyết định hợp lý để kỷ cương trật tự ở vỉa hè được lập lại

Ngọc Yến
.
.
.