HLV Mai Đức Chung: Người thế vai hoàn hảo

Thứ Ba, 25/11/2008, 18:15
Cái tên Mai Đức Chung hẳn là không xa lạ với giới thể thao hoặc người hâm mộ môn bóng đá trong nước. Những cảm xúc nhiều cung bậc mà ông mang lại cho người hâm mộ khi tạm quyền giữ chức HLV trưởng Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam khiến nhiều người thường gọi ông bằng cụm từ "người thế vai hoàn hảo" hoặc "kẻ đóng thế chuyên nghiệp"...

Tôi thích cái ánh mắt ông đăm chiêu mỗi khi ống kính truyền hình lia vào hàng ghế dành cho Ban huấn luyện Đội tuyển Việt Nam. Đôi mắt nặng nợ với quả bóng tròn...

Hôm gọi điện thoại xin phỏng vấn HLV Mai Đức Chung, thú thật, chúng tôi gọi mà không hi vọng gặp được ông. Vì ngay tối hôm đó, Đội tuyển Quốc gia U22 Việt Nam sẽ có trận giao hữu trước Đội cựu tuyển thủ Quốc gia Brazil. May mắn là sau một hồi thuyết phục, ông đồng ý trả lời vào đầu giờ chiều, nghĩa là chỉ còn chưa đầy 5 giờ nữa, Đội U22 - đội tuyển mà ông dẫn dắt sẽ chính thức ra sân.

Cuộc phỏng vấn vừa bắt đầu thì trời đổ mưa, nhìn trời ông Chung bảo: "Mưa thế này thì khó đá cho họ (tức là các cầu thủ Brazil) quá, vì họ quen lối chơi kỹ thuật". Câu nói phản ánh rất rõ cái chất của Mai Đức Chung, bước vào một trận đấu là bước vào một cuộc chơi sòng phẳng. Nếu như ông nói: "Mưa thế này thì may cho U22 Việt Nam quá", thì sẽ khác, khác lắm, nhưng ông đã không nói như thế.

HLV Mai Đức Chung sinh ở Hưng Yên, là con thứ hai trong gia đình gồm 6 anh chị em, rồi do công việc, cha ông đưa cả nhà về Hà Nội sinh sống. Hà Nội, những năm 60 trong ký ức của ông Chung là những con đường có hàng cây xanh ngắt, những sân bóng đá tự nhiên, những khoảng không ít người, ít xe...

Mai Đức Chung thời mới lớn đen nhẻm, gầy gò, cả ngày chỉ mải mê theo trái bóng cùng bạn bè đồng lứa. Cái may của Mai Đức Chung là ông lớn lên gần sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy. Mà đó vẫn chưa là cái may duy nhất, cái may nhất theo lời ông kể là ông có được người mẹ làm công nhân trong cái SVĐ danh tiếng ấy.

SVĐ Hàng Đẫy ngày ấy là SVĐ hiện đại đầu tiên của miền Bắc, được xây dựng vào năm 1958. Những trận cầu nóng bỏng nhất đã diễn ra trên mặt sân được mệnh danh là niềm tự hào của bóng đá thủ đô.

Ấn tượng mà SVĐ Hàng Đẫy mang lại cho ông đến giờ vẫn không phải chính là giải Việt - Trung - Triều - Mông, Đội tuyển Việt Nam thời đó thi đấu ngang ngửa với Đội tuyển Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên trong giải GANEFO tại Jakarta, Phnôm Pênh, Bình Nhưỡng cũng như thường xuyên có các chuyến thi đấu giao hữu tại Đông Âu. Ở giải đấu này, đã sản sinh ra cho Đội tuyển Việt Nam danh thủ Lê Thế Thọ.

Ông Chung kể rằng, để có được tấm vé vào xem những trận cầu đỉnh cao như thế, người Hà Nội sẵn sàng đổi một cái áo len hoặc chiếc đồng hồ cao cấp. Riêng ông, không cần phải mất tiền, mẹ ông vẫn có thể đưa cậu con trai vào tận sân để xem cầu thủ chơi bóng. Những trận cầu này ít nhiều giúp Mai Đức Chung có thêm kinh nghiệm đầu đời cho sự nghiệp bóng đá của mình sau này.

Vẫn với giọng hoài niệm, ông nói Hà Nội thời ấy nhiều SVĐ lắm, như sân vận động Cát Linh (giờ là Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức), SVĐ Long Biên... Bóng đá cũng phát triển mạnh, trẻ em ít có cơ hội để chơi các môn thể thao khác ngoài bóng đá.

Giữa những khoảng lặng của buổi phỏng vấn nhắc nhiều đến hoài niệm, HLV Mai Đức Chung nói về cái nồi thổi cơm thủng đáy của thời niên thiếu. Có lần đang thổi cơm, bạn bè đứng ngoài cửa cứ nheo nhéo: "Chung ơi, chúng tao cần mày cho đội". Thế là ông mặc nồi cơm trên bếp đang dở dang để phi một mạch ra sân bóng. Nồi cơm không người canh lửa, gạt nước, cứ vô tư sôi cho đến thủng đáy nồi.

Lần ấy, bố ông nọc ông ra đánh cho một trận, đau nhớ đến giờ. Nhưng biết làm sao được, cái máu mê bóng đá của ông nó vẫn chứ chảy trong người. Có lúc mê đá bóng quá, ông mắng cô em gái kế mình một câu mà mãi cho đến giờ cô ấy vẫn nhắc, chuyện đã qua gần 40 năm.

Năm 1964, có lớp điền kinh đi sơ tán tại nhà ông, chuẩn bị thi đấu với Đội Triều Tiên. Chiều chiều, các vận động viên điền kinh ra ngoài nhìn mấy nhóc đá bóng. Họ thích kiểu di chuyển trên sân bóng của Mai Đức Chung nên khuyên ông  gia nhập làng điền kinh Từ Sơn ở khu Quần Ngựa. Rồi ông đăng ký lớp dự bị văn hóa của ĐH Thể dục - Thể thao Từ Sơn. Học được ít lâu, Mỹ tăng cường đánh phá, cả trường phải đi sơ tán về làng Thượng Lang, huyện Việt Yên, Hà Bắc.

Học ở khu sơ tán khổ lắm, ông kể vậy. Trên đỉnh một ngọn đồi ở Việt Yên, các sinh viên dọn sạch làm sân bóng đá. Đỉnh đồi có hình dáng như cái bướu lạc đà, cầu thủ đứng từ cầu môn bên này chỉ thấy cái góc chữ A của cầu môn bên kia do khuất tầm nhìn. Kiểu chơi bóng đá như thế tôi chỉ mới nghe đến lần đầu.

Thêm những lần trên đường từ khu trọ học đến sân bóng, nhiều sinh viên phải nhổ sắn trộm của các hộ dân dọc đường đem về nướng ăn thêm cho đỡ đói. Cuối tháng, mỗi người được 4 đồng phụ cấp, hầu như tất cả đều không dám tiêu gì, chỉ để dành mua thêm khoai hoặc mít để ăn độn.

Chuyện vui để khẳng định Mai Đức Chung có duyên với bóng đá. Số là những ngày theo học ở nơi sơ tán, Mai Đức Chung người vừa thấp vừa gầy. Ông đá bóng tốt, đồng thời chơi thể dục dụng cụ cũng cực hay. Nhìn cái cách Chung chơi thể dục dụng cụ, các thầy ở bộ môn này ưng ý và nhất định bắt Chung phải chuyển sang thi đấu thể dục dụng cụ. Chơi thể dục dụng cụ ít lâu, cơ thể ông ngày một cao lên (ông Chung nói vui là bởi "lỏng gối"). Thấy vậy, các thầy lại chuyển Chung sang đội bóng đá. Lần này, Chung ở luôn cho đến lúc ra trường.

Đầu năm 1972, Mai Đức Chung tốt nghiệp đại học, nghe tiếng Mai Đức Chung, danh thủ Bùi Nghẽn (Bùi Nghiên) đánh xe lên tận Thượng Lang mời về chơi cho Đội Xe ca Hà Nội. Cùng lúc, Đội Quân khu Việt Bắc cũng có  lời mời. Thế nhưng, ông chọn Đội Xe ca Hà Nội vì cái tình với danh thủ Bùi Nghẽn.

Về Xe ca Hà Nội, ông đá được ở mọi vị trí. Khi cần thì chơi dạt biên, lúc đá trung vệ, cần thiết đá tiền vệ tấn công và kể cả chơi ở vị trí tiền đạo. Ông nói chỉ mỗi vị trí thủ môn là chưa chơi bao giờ. Thời đó, cầu thủ đá chủ yếu vì lòng đam mê, làm gì có tiền nhiều như bây giờ.

Cầu thủ đi tập một buổi, buổi còn lại vẫn phải đến công trường hoặc vào nhà máy như bao người khác. Duy chỉ khi nào đá giải, thì được ưu tiên cho tập trung để lấy sức thi đấu. Thi đấu đoạt giải cao thì có đơn gửi lên Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng sẽ yêu cầu đến từng nhà máy, đơn vị công tác để nâng ngạch lương cho cầu thủ này.

Khi Đội Xe ca Hà Nội giải tán, Đội bóng đá của Bộ Ngoại giao và Đội Công an Hà Nội cùng lúc xin ông về nhưng ông lại đầu quân cho Tổng cục Đường sắt. Với sự góp mặt của Mai Đức Chung, Đội bóng Tổng cục Đường sắt thành thế lực mới ở thời điểm đó. Ngay năm đầu tiên, năm 1976, đội bóng này đã giành chức Vô địch Công nhân toàn quốc, được đi thi đấu giao hữu với các đội thuộc Trung Quốc như Thanh Niên Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông... Ông nhớ là đá tổng cộng 7 trận, Tổng cục Đường sắt thắng 3 thua 4.

HLV Mai Đức Chung trên sân tập với đội tuyển Việt Nam.

Điểm mốc khiến Mai Đức Chung giã từ sự nghiệp thi đấu chuyển sang làm huấn luyện viên (HLV) là vào năm 1984. Trong một buổi tập, ông và đồng đội Lê Khắc Chính va chạm với nhau. Cứ tưởng chấn thương ấy không sao, nhưng rồi ông không thể thi đấu tiếp. Ông tiếp tục gắn bó với trái bóng, nhưng lần này là với cương vị HLV.

Ngay năm đầu tiên về làm HLV cho Đội tuyển U19 của Tổng cục Đường sắt, ông đã đưa đội bóng trẻ này đoạt chức vô địch. Năm 1985, Đội Tổng cục Đường Sắt rớt xuống hạng A2, Mai Đức Chung được điều về làm HLV của đội với nhiệm vụ đưa Tổng cục Đường sắt lên lại hạng A1. Ngay năm đó, Tổng cục Đường Sắt vô địch hạng A2, giành quyền thăng hạng lên A1.

Ông nắm giữ cương vị HLV trưởng đội bóng này cho đến năm 2001, khi đội bóng giải tán ông chuyển sang công tác ở Sở Thể dục - Thể thao TP Hà Nội. Để rồi vài năm sau, ông được mệnh danh là "vua đóng thế".

Thật ra, cái nghiệp "đóng thế" của Mai Đức Chung bắt đầu vào năm 1997, khi ông về Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam. Ngay khi nắm tuyển nữ, ông đã đưa Đội tuyển nữ Quốc gia giành chức vô địch Giải Bóng đá Nữ quốc tế tiền Sea Games năm đó. Tiếp đến, kỳ SEA Games 20 năm 1999, bóng đá nữ không được nước chủ nhà Indonesia đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội, bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua một khoảng lặng và HLV Mai Đức Chung cũng kết thúc chu kỳ huấn luyện đầu tiên của mình tại đội tuyển.

Việc HLV người Anh, Steve Darby được mời về làm HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia và cùng các học trò chiếm lấy "ngôi hậu" tại SEA Games 21 năm 2001 cũng là một thành công, nhưng cần phải nhìn nhận sòng phẳng rằng, bộ khung cầu thủ cho chức vô địch năm ấy đều do một tay Mai Đức Chung tạo nên.

Để rồi sau khi ông thầy người Anh Darby ra đi cùng hàng loạt những bất đồng nảy sinh xung quanh việc phân chia tiền thưởng từ SEA Games 21, một lần nữa, HLV Mai Đức Chung lại là người được lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐ VN) chọn làm HLV trưởng Đội Bóng đá Nữ quốc gia với mục tiêu bảo vệ tấm huy chương vàng tại SEA Games 22, giải đấu được tổ chức trên sân nhà.

Lần thứ hai ông trở lại nắm đội tuyển nữ, cũng là lúc ông đối mặt với sức ép từ dư luận vì những trục trặc của đội tuyển nữ ở giải bóng đá nữ quốc tế tiền SEA Games, tranh Cup Báo Thể thao Việt Nam năm 2003. Thêm vào đó, giới truyền thông bắt đầu "bắn tin" việc LĐBĐ VN có ý định thay thế HLV Mai Đức Chung khiến người ta có cảm giác ông và các học trò của mình hoàn toàn bị cô lập.

"Vạn cùng tất biến" trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ông và các học trò của mình lần lượt gỡ từng nút thắt sức ép để rồi đăng quang ngôi vô địch Sea Games sau trận chung kết thắng Đội nữ Myanmar 2-1. Tiếp đến là chức vô địch bóng đá nữ ở Sea Games năm 2005 diễn ra tại Philippines.

Hơn một lần, nữ hậu vệ cánh phải nổi tiếng một thời của đội nữ Hà Nội và Đội tuyển quốc gia, cầu thủ Nguyễn Thúy Nga phát biểu với giới báo chí về HLV Mai Đức Chung: "Khi lên làm HLV trưởng của đội tuyển, chú Chung có hai yêu cầu đặt ra với các cầu thủ, đó là mạnh mẽ khi vào sân còn, nữ tính lúc ngoài đời. Về cả chuyên môn lẫn tác phong trong huấn luyện và sinh hoạt, mình thấy chú Chung là một HLV tốt".

Rời tuyển nữ, ông về làm trợ lý cho các HLV trưởng ở đội bóng đá nam. Gần như, mỗi lần có chuyện lình xình giữa LĐBĐ VN và HLV trưởng, thì ông lại là người đóng thế hoàn hảo nhất, dẫu chỉ là tạm thời. Ông Alfred Rield có “vấn đề” về sức khỏe, Đội tuyển Việt Nam lập tức giành chiến thắng không tưởng trước các đối thủ mạnh như Liban hoặc Oman.

Ngay trong tháng rồi, ông cũng đã dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia U22 Việt Nam đoạt Cúp Merdeke tại Malaysia. Cầu thủ nổi bật nhất của Đội U22 Việt Nam là Phan Thanh Bình tâm sự: "Làm việc với HLV Mai Đức Chung, chúng tôi cảm thấy gần gũi như bố con trong một gia đình. Ở ông không có khoảng cách giữa HLV và cầu thủ, mọi vui buồn đều có thể trao đổi, chia sẻ. Và chiếc cúp vô địch Merdeke là minh chứng rõ nhất cho tài cầm quân của HLV Mai Đức Chung".

Dường như, chúng tôi chưa bao giờ nghe Mai Đức Chung "phản kèo" với các vị HLV trưởng mà mình làm trợ lý. Cái tính Mai Đức Chung là vậy, ông yêu bóng đá và hết mình vì đội tuyển.

Có một chi tiết rất nhỏ liên quan đến thành công của HLV Mai Đức Chung như ông thừa nhận chính là chọn "điểm rơi phong độ". Ông kể những năm tháng thi đấu, dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Duy Long ở đội bóng Tổng cục Đường sắt ông đã học tập được rất nhiều về "điểm rơi phong độ" này. HLV chỉ cần chọn đúng "điểm rơi phong độ" của cầu thủ, thì bao giờ cầu thủ cũng ra sân với trạng thái thể lực, kỹ thuật lẫn tinh thần sung mãn nhất.

Cũng cần phải nói thêm rằng, với một HLV nội, bao giờ cũng tạo được sự tin tưởng ở cầu thủ nhiều hơn. Không có những khác biệt về ngôn ngữ, phong thái sinh hoạt... cầu thủ có thể thoải mái tâm sự với HLV trưởng của mình. Đó cũng chính là lý do để HLV Mai Đức Chung tự tin nói: "Thế mạnh của tôi là am hiểu cầu thủ".

Ngay sau hôm gặp ông, Đội U22 Việt Nam đã thúc thủ 2-0 trước đội cựu tuyển thủ Brazil. Ở một trận đấu giao hữu mang tính từ thiện thì tỉ số thắng thua không làm ai bận lòng, nhưng có lẽ tâm trạng HLV Mai Đức Chung, người hùng thầm lặng của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam, sẽ không được vui. Bởi đơn giản, sau vẻ trầm lặng của ông, bao giờ cũng là sự khát khao chiến thắng một cách mãnh liệt

Kinh Luân
.
.
.