Gượng dậy sau cơn lũ dữ

Thứ Tư, 26/10/2016, 09:53
Ở vùng rốn lũ Hà Tĩnh, đến giờ nước đã rút, cuộc sống của bà con vùng lũ đã đang dần trở lại. Thế nhưng với những người dân đời sống thường nhật vốn đang còn nhiều khó khăn vất vả, nay phải gánh chịu thêm hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua chắc chắn sẽ càng thêm phần gian nan, khó nhọc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) than thở, với bà con mỗi cơn lũ lớn như vừa rồi đi qua, khắc phục hậu quả sau lũ có thể kéo dài hàng tháng, vài tháng, thậm chí cả năm trời.

Cơn lũ đã đi qua cả tuần nay nhưng dấu vết vẫn còn in hằn tại những vùng quê nghèo ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Những làng quê tiêu điều, những nương sắn, nương ngô đổ rạp, những bụi tre làng trơ rễ nằm nghiêng ngả ven bờ đường.

Trên những thân cây, bụi cỏ nhuốm một màu bùn đất đã cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của trận mưa lũ vừa qua. Là một trong những điểm ngập sâu nhất, cuộc sống của người dân thôn Hội Trung, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang vốn đã khó càng thêm phần cơ cực.

Các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với bà con vùng rốn lũ Hà Tĩnh.

Bà Phan Thị Quế, người dân thôn Hội Trung vừa đưa tay thoăn thoắt quét tước nhà cửa, vừa chia sẻ với chúng tôi những khốn khó của người dân vùng lũ. “Đây là lần thứ 2 tôi được chứng kiến trận lũ lớn như thế. Đợt lũ này chắc chỉ kém mỗi trận lũ lịch sử năm 2010. Lũ về nhanh quá nên trở tay không kịp. Tài sản lớn nhất là 2 con trâu cũng may mà kịp lùa lên rừng, còn đâu gà vịt trôi gần hết”.

Đôi mắt vẫn còn thâm quầng vì đã mấy đêm rồi không ngủ, bà Quế cho hay: “Cứ nước rút đến đâu là phải quét bùn đến đó. Đêm cũng phải thức mà quét. Có chỗ bùn non dày đến cả mét, nếu không quét là nước rút đi không thể dọn nổi. Bữa nay chú đến là bà con đã dọn sạch rồi đấy”.

Căn nhà dù đã được dọn dẹp gọn gàng nhưng vẫn đầy mùi ẩm mốc. Bốn bức tường vẫn còn ngậm nước lên tận gần mái nhà, ông Nguyễn Đức Quý cho biết, nhà ở thuộc diện trũng nhất thôn nên nước ngập lên đến tận nóc nhà.

“Dân chúng tôi ở đây cũng đã quen với lũ lụt rồi, nhưng đợt này nước lên nhanh quá nên chẳng kịp thu dọn thứ gì. Chỉ kịp lùa đàn lợn lên đồi, còn lại mọi thứ đều bị ngâm trong nước cả”, ông Quý chia sẻ.

Tài sản cũng chẳng có gì nhiều nhưng điều ông Quý tiếc nhất là vườn cam chuẩn bị đến đợt thu hoạch coi như mất trắng.

“2 năm trời chăm bẵm, chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì bị ngân trong nước coi như vườn cam bỏ đi. Chỗ nào không bị ngập thì cũng không thu hoạch được vì lũ xong quả cam bị các loại sâu bọ đâm chích không hỏng thì cũng không bán được nữa. Gia đình tôi tính lứa cam này thu khoảng 50 triệu thế mà giờ ông trời lại bắt tội”, ông Quý ngậm ngùi.

Theo thông tin của UBND Đức Liên, thiệt hại trong trận mưa lũ vừa qua đến nay vẫn chưa thống kê được cụ thể. Đàn gia cầm với 25.000 con vừa bị lũ cuốn, vừa bị dịch sau lũ coi như mất sạch. Số lượng trâu bò đưa vào rừng tránh lũ đến nay vẫn chưa thống kê được mất mát. 

Có nhà đã tìm thấy nhưng cũng có nhà chưa. 100ha trồng cam, bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng dù đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Thiệt hại nặng nhất là hệ thống đập, mương nước và đường giao thông.

“Mấy ngày qua, cùng với sự nỗ lực của bà con còn có các đoàn vào hỗ trợ nên đời sống người dân đang dần ổn định trở lại. Lũ rút nhưng để ổn định được cuộc sống của bà con phải mất hàng tháng. Mỗi lần lũ về 100% người dân đều bị nước ăn chân. Kéo theo đó là các loại dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên chia sẻ.

Sau khi lũ rút, việc đầu tiên là xử lý vệ sinh môi trường. “Đây là vấn đề cấp thiết, chúng tôi đã phối hợp với phòng y tế tạm thời xử lý nước ăn, bên thú y phải đi tiêu độc khử trùng để xử lý các mầm bệnh từ gia súc, gia cầm tránh lan sang người”, ông Thắng cho biết.

Cuộc sống của người dân sau lũ đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Lương thực, nước sạch tạm ổn, người dân lại đối mặt với nỗi lo về kế sinh nhai. Người dân Đức Liên 100% thuần nông nhưng cơn lũ tràn qua trên diện rộng đang để lại nhiều khó khăn liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, việc đầu tiên cần làm sau lũ là khôi phục chăn nuôi, vườn cây ăn quả. 

“Chúng tôi đang chỉ đạo cho bà con khắc phục vườn cây ăn quả. Cây nào khắc phục được thì khắc phục, cây nào không khắc phục được xã sẽ tính phương án hỗ trợ bà con tìm nguồn giống để trồng lại. Vấn đề hiện nay là Vũ Quang ngập sâu thì Hương Khê, Hương Sơn cũng bị ngập nên nguồn giống cây trồng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Giống vật nuôi thì dễ chứ giống cây trồng chắc sẽ khó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm mọi cách để bà con sớm ổn định sản xuất”.

Sau khi lũ rút, chính quyền huyện Vũ Quang  đã vào cuộc quyết liệt để khắc phục hậu quả. Ông Trịnh Văn Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương, triển khai các đội tình nguyện giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa sang nhà cửa cho các hộ dân bị ngập lụt; phân phát kịp thời các hàng cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân để giúp bà con tạm thời ổn định cuộc sống. Đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tu sửa các đoạn đường, cầu cống bị hư hại trong lũ.

“Lũ qua đi, nhưng hậu quả mà nó để lại cho người dân vùng rốn lũ rất nặng nề. Hơn lúc nào hết chính quyền và bà con nhân dân Vũ Quang rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cấp, ngành, các nhà hảo tâm để thêm phần động lực vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Ngọc nói.

Phan Hoạt
.
.
.