Gót chân Asin của các đế chế tình báo

Thứ Hai, 25/08/2014, 15:59
Trong khi còn đang mải giải quyết những vấn đề nảy sinh sau scandal nghe lén toàn cầu trong chương trình PRISM của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), Mỹ đã bị một “vố đau”, tạp chí Der Spiegel (Đức) đăng tải thông tin gây sốc rằng điện thoại di động và email của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang bị cơ quan tình báo Israel nghe trộm. Rõ ràng, đế chế tình báo, an ninh như Mỹ cũng có những sơ hở chết người mà không phải lúc nào cũng có thể tự phát hiện được.

Giới chức tình báo Mỹ đã gọi đây là “cú sốc mạnh” bởi lẽ xưa nay chỉ có Mỹ đi do thám người khác chứ chưa bao giờ có chuyện ngược lại. Cái “đau” hơn cả là không phải an ninh, tình báo Mỹ phát hiện ra chuyện này mà chính là một tờ báo của Đức - quốc gia đang có nhiều tranh cãi với Mỹ xung quanh chương trình nghe lén PRISM. Chưa hết, việc nghe trộm này lại được thực hiện từ năm 2013 khi ông John Kerry chịu trách nhiệm chính trong việc tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông và có nhiều chuyến công du tới khu vực này để gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia có liên quan. Rệp nghe lén đã được đặt ngay trong điện thoại bảo mật của Ngoại trưởng Mỹ tại tư dinh ở Georgetown… Ngay sau đó, tờ Washingtonpost đã có bài viết nhận định rằng, kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, hệ thống tình báo mật vụ Mỹ đã phát triển đến mức có gần 2.000 công ty tư nhân và 1.270 cơ quan chính phủ tham gia và triển khai trên 10.000 địa điểm. Vậy mà, từng nấy tổ chức, từng nấy con người vẫn để lọt những vấn đề như rệp nghe lén ông John Kerry. Trên thực tế, các phóng sự điều tra của tờ Washingtonpost đã chỉ ra rằng, hệ thống an ninh, tình báo của Mỹ vẫn còn rất nhiều điểm yếu chết người. Nguyên do lớn nhất vẫn là do quá cồng kềnh nên không thể quản lý nổi.  Vì thế, khi xảy ra một chuyện, để truy tìm được nguồn gốc hay thậm chí tìm được nội gián không phải là dễ.

Hãy nhìn vụ bê bối do “người thổi còi” Edward Snowden gây ra cho Mỹ trong hơn một năm qua cũng đủ thấy. Mỹ đã chi hàng triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD để săn tìm các đe dọa từ bên trong mà cụ thể là thẩm tra hàng ngàn nhân viên từng có quan hệ với Edward Snowden để sớm bịt “lỗ hổng” nhưng họ càng làm thì càng vô vọng. Ngược lại với những hành động “che lấp” của tình báo Mỹ, thông tin cứ thế tiếp tục lộ lọt khiến NSA hay CIA đều bó tay, không thể ngăn cản. Đáng chú ý là vụ việc của Edward Snowden không phải là lần đầu bởi vào năm 2010, Mỹ đã từng điêu đứng khi trang web WikiLeaks tiết lộ hàng loạt văn kiện mật của ngành an ninh và giới ngoại giao quân sự thông qua các tài liệu do binh nhì Bradley Manning chuyển giao. Điều này cũng cho thấy một nguy hiểm đang tiềm tàng trong giới tình báo, an ninh Mỹ chính là sự bất mãn của các nhân viên dẫn đến nhữ ng vụ lộ, lọt bí mật một cách nghiêm trọng.

BND đã bị một vố đau khi phát hiện ra mạng lưới nghe lén của NSA đặt ở nước này được thiết kế khá giản đơn dưới vỏ bọc là những quả bóng golt hình tròn khổng lồ nằm rải trên bãi cỏ.

Anh, quốc gia láng giềng với Đức dù không bị đồng minh Mỹ “chơi sau lưng” nhưng lại đau đầu bởi loạt thông tin mới nhận được về sự tham gia của các công dân Anh theo Hồi giáo đang hoạt động, thậm chí chiến đấu ở Syria, Libya. Nghĩa là vì quá chú ý vào việc cạnh tranh với Đức, Pháp trong việc cung cấp thông tin tình báo về năng lực quân sự của quân đội chính phủ Syria cho các lực lượng chống đối ở Syria, MI-6 đã quên mất việc thẩm tra lại những cảnh báo về người Hồi giáo ở Anh theo đuổi thánh chiến. Kết quả là khi các cuộc thánh chiến bùng phát mạnh mẽ ở quốc gia Bắc Phi này, chính phủ Anh mới “nháo nhào” lo sợ và yêu cầu lãnh đạo MI-6 giải thích về việc các công dân Anh đang chiến đấu cùng thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (nay đổi tên là Vương quốc Hồi giáo IS). Từ đó, con đường theo thánh chiến của các thanh niên Anh mới được chỉ rõ là từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan ngay trên xứ sở sương mù. Sau đó, các thanh niên Anh chỉ cần bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, băng qua biên giới để vào Syria và gia nhập IS, tham chiến như một chiến binh thánh chiến…

Những “chuồng chim” xinh xắn màu trắng trên nóc các tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Đức, Tây Ban Nha, Nga, Thụy Điển, Trung Quốc… đều là thiết bị giúp NSA nghe lén.

Là đơn vị tình báo với số lượng không nhiều, nhưng kể từ khi đi vào hoạt động năm 1951 đến nay, Mossad, Cục Tình báo và sứ mệnh đặc biệt Israel đã đưa nước này trở thành một “đế chế tình báo”. Nói thế là bởi lẽ, Mossad đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt có đóng góp lớn trong việc bảo vệ an ninh quốc gia Israel. Nhiệm vụ chính của Mossad là thu thập thông tin tình báo và hoạt động bí mật, bao gồm cả việc ám sát mục tiêu và hoạt động bán quân sự bên ngoài lãnh thổ Israel như đưa người Hồi giáo về Israel từ các nước mà việc di cư của người Hồi giáo bị cấm hay bảo vệ cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới… Tuy nhiên, thời gian gần đây, dường như “sự hưng thịnh” của Mossad không còn. Và với tư cách là cơ quan tình báo chủ lực trong cộng đồng tình báo Israel, sự thiếu thông tin tình báo và phán đoán sai của Mossad đã đẩy Israel vào tình thế khó khăn. Gần đây nhất là cuộc tấn công quân sự ở dải Gaza. Dù đến nay, chính quyền Tel Aviv đã lệnh rút toàn bộ quân đội khỏi dải Gaza vì mục tiêu phá hủy toàn bộ các đường hầm của Palestine ở dải Gaza đã hoàn tất, song để xảy ra một cuộc giao tranh kéo dài với số thường dân thiệt mạng ngày một gia tăng cho thấy, tình báo Israel đã không nắm bắt được thông tin về hoạt động của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas. Những cuộc pháo kích được thực hiện một cách hú họa, mang tính chất đe dọa và vì thế khiến dân thường đổ máu…

Nhắc đến các cuộc xung đột, nhân tình hình ở Ukraine, cũng phải khẳng định rằng, điểm yếu của cộng đồng tình báo quốc tế chính là chia sẻ các dữ liệu thông tin. Trong cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, rõ ràng tình báo Ukraine, tình báo Mỹ, tình báo Anh và một số quốc gia phương Tây khác đã thua bởi lẽ họ không lường trước được những hoạt động chống phá của lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.  Các thông tin mà Mỹ, Anh đưa ra đều trở nên quá cũ và mang cảm tính nhiều. Trong khi đó, Nga đã rất nhanh nhạy bằng những thông tin tình báo chuẩn xác, từ đó có một kế sách cụ thể cho vấn đề Ukraine và những lời kêu gọi gia nhập mới từ các tỉnh, thành ở miền Đông Ukraine

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.