Giúp mình, giúp người đoạn tuyệt nàng tiên nâu

Thứ Năm, 22/07/2010, 08:43
Người đàn ông dân tộc Dao ấy từng có 24 năm làm nô lệ cho "nàng tiên nâu", mới chỉ trở lại cuộc sống bình thường gần 8 năm nay sau khi ngẫu nhiên những vị thuốc của mẹ để lại phát huy công hiệu. Suốt những năm sau đó, ông lang thang ở các làng bản của huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), dùng các vị thuốc này giúp những người lầm lỡ như mình đoạn tuyệt ma túy. Ông là Tặng Ngọc San, 52 tuổi, ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát.

Cuộc tự cai nghiện độc nhất vô nhị

Ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có 6 dân tộc anh em, trong đó người Mông và người Thái chiếm đại đa số, người Dao trước đây chỉ sống cheo leo trên đỉnh Sài Khao, rồi chuyển dần xuống bản Pù Quăn, nay chuyển về dọc QL20B lập bản Hạ Sơn sinh sống.

Chốn ma thiêng nước độc khiến cho nhiều người dân địa phương đến nay còn rùng mình ấy, trước đây từng trồng rất nhiều cây thuốc phiện, nên khá nhiều người nghiện. Chỉ đến khi Nhà nước triệt phá cây thuốc phiện và lực lượng Công an đấu tranh quyết liệt với ma túy, "điểm nóng" này mới dần hạ nhiệt.

Nhưng với một người đàn ông từng ôm bàn đèn từ năm 20 tuổi, thâm niên 24 năm "gắn bó" như Tặng Ngọc San, việc đoạn tuyệt với ma túy chưa bao giờ là chuyện dễ. Nhà nghèo xơ xác, sức khỏe dần kiệt quệ, những cơn đói thuốc cứ vật vã từng ngày khiến Tặng Ngọc San nhiều khi muốn ăn lá ngón mà chết cho vợ con nhẹ gánh.

Ông quyết tâm cai nghiện, nhưng nhiều lần rồi mà chưa thoát được, cứ vật vã, đau đớn đến mức lại lần mò đi tìm bằng được thứ chất độc màu đen ấy. Nhưng ông không nản, vẫn quyết tâm tìm cách tự cai. Một lần đói thuốc, đau đớn lăn lộn, ông liều vốc cả nắm cây cỏ trong túi thuốc của mẹ sắc lên để uống, mong rằng nếu khỏi thì tốt, không thì… thôi. Nào ngờ, những cơn đau đớn dần lắng lại…

Từ kết quả ấy, ông Tặng Ngọc San quyết định liều lĩnh tự tìm hiểu và pha chế các thứ cây cỏ thành loại thuốc "tạp pí lù", dành riêng cho mình uống, và hàng ngày đều đặn biến mình thành vật thí nghiệm. Uống xong, ông lên nương làm việc quần quật. May mắn không ngờ, ngày thứ 10, đã qua cữ thuốc lâu rồi mà ông vẫn lao động hăng hái, không thấy thèm nhớ thuốc phiện nữa.

Trưởng bản người Dao Hạ Sơn, ông Triệu Văn Lỉu khẳng định: "Ông Tặng Văn San chính thức cai nghiện được ma túy vào mùa xuân năm 2003, nhờ uống thuốc cây cỏ của mình".

Tự nguyện giúp người cai nghiện

Thấm thía nỗi cơ cực của phận nô lệ nàng tiên nâu, ông Tặng Ngọc San muốn chia sẻ kinh nghiệm ấy, giúp những người cùng cảnh ngộ. Ông lặn lội đến khắp các làng bản, các điểm nóng ma túy để lập danh sách các người nghiện, rồi gặp gỡ, chuyện trò, đề nghị giúp đỡ họ cai ma túy. Nhiều người bẹp tai vì nằm ôm đèn bàn, khi ưng thuận lời đề nghị tận tình của ông Tặng Ngọc San cũng dần cai được.

Và trong quãng thời gian mày mò đó, ông Tặng Ngọc San cũng dần hiểu được tác dụng của 15 vị thảo dược lấy từ rừng già của mình. Những vị thuốc này có vị thì đầy rẫy ở rừng Pù Quăn, có vị phải lặn lội thâm sơn cùng cốc mới có. Đem các vị thuốc ấy về nhà, ông thái nhỏ, phơi khô rồi đun nấu lên uống như nước chè. Có nhiều người cắt cơn sau khi uống thuốc chừng mười ngày, nửa tháng, tùy theo mức độ gắn bó với bàn đèn của người đó đã lâu hay chưa.

Trưởng bản Triệu Văn Lỉu cho biết thêm: "Nhiều người ở bản Hạ Sơn và xã Pù Nhi, cũng như ông San, đã đoạn tuyệt ma túy, trở lại với ruộng nương cùng gia đình".

Theo ông Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, mặc dù những bài thuốc của người Dao nói riêng và các bài thuốc cổ truyền nói chung đều có những giá trị của chúng, nhưng khẳng định giá trị thiết thực từ bài thuốc cai nghiện của ông Tặng Ngọc San thì cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học.

Sau những nghiên cứu cụ thể đó, nếu bài thuốc ấy tốt, thiết thực, thì mới có thể phổ biến rộng rãi cho nhiều người sử dụng. Chung quan điểm đó, ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết thêm: "Tuy nhiên, những nỗ lực tình nguyện bỏ công sức giúp người nghiện cắt cơn ma túy của ông San rất đáng trân trọng, trong điều kiện y tế của huyện miền núi biên giới này còn quá khó khăn, bề bộn"

Gia Linh
.
.
.