Giữ gìn trật tự trị an TP Hồ Chí Minh những ngày đầu sau giải phóng

Chủ Nhật, 04/05/2014, 22:01
Từ đầu tháng 6/1975, theo chỉ đạo của cấp trên, lực lượng An ninh TP đã tiến hành phân loại để tổ chức giáo dục cải tạo đối với số nhân viên ngụy quyền, đảng viên các đảng phái phản động cấp cơ sở và cảnh sát, nhân viên an ninh từ hạ sĩ quan trở xuống.

Cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975) đã lật đổ hoàn toàn chế độ  ngụy quyền tay sai ở miền Nam làm tan rã tại chỗ hàng triệu ngụy quân, viên chức ngụy quyền và lực lượng của các tổ chức, đảng phái chính trị phản động. Ở địa bàn Sài Gòn - Gia Định, trung tâm đầu não của chế độ Sài Gòn, con số này đã lên đến hàng chục vạn. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt để giúp chính quyền đi vào quản lý địa phương là phải nhanh chóng ổn định tình hình ở vùng mới giải phóng, ổn định đời sống nhân dân và bảo vệ vững chắc an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Quán triệt các Chỉ thị 218 và 219 của Ban Bí thư “Về chính sách đối với tù hàng binh”, “Đối với ngụy quân, ngụy quyền… ở vùng mới giải phóng”, cũng như theo tinh thần lời kêu gọi khoan hồng đối với binh lính địch đầu hàng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời được sự chỉ đạo trực tiếp và chi viện  kịp thời về người, phương tiện, hồ sơ tài liệu của Bộ Công an và Ban An ninh TW Cục miền Nam, Ban An ninh Sài Gòn-Gia Định (Công an TP HCM hiện nay) đã phối hợp với quân đội và binh vận nhanh chóng triển khai các mặt công tác nhằm ổn định tình hình AN, TT ở địa bàn TP. Trong đó, công tác trọng tâm trước mắt là thông báo và tổ chức đăng ký trình diện đối với ngụy quân, viên chức ngụy quyền và số cốt cán trong các đảng phái phản động.

Sáng sớm 1/5/1975, khoảng 3-4.000 đối tượng thuộc diện phải đăng ký trình diện đã đến Tổng nha cảnh sát ngụy cũ (nơi Ban An ninh TW Cục miền Nam tiếp quản) và Nha cảnh sát đô thành cũ (nơi Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định tiếp quản) được chính quyền cách mạng ghi tên và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký trình diện. Theo sự phân công, TP chịu trách nhiệm tổ chức đang ký trình diện đối với số ngụy quân, cảnh sát các loại từ hạ sĩ quan trở xuống và ngụy quyền, đảng phái cấp cơ sở. Trong đó, lực lượng an ninh phụ trách đăng ký đối với nhân viên ngụy quyền, cảnh sát, tình báo, đảng phái, giáo phái phản động ở cơ sở.

Nhờ được sự phân công và chuẩn bị chu đáo, kết hợp giữa công tác hồ sơ và tinh thần, khí thế cách mạng của quần chúng trong việc vận động, nhắc nhở các đối tượng ra trình diện, kịp thời phát hiện những tên còn lẩn trốn…nên công tác tổ chức đăng ký trình diện đã thu được kết quả tốt. Tính đến thời hạn cuối cùng đăng ký trình diện theo quy định của Ủy ban Quân quản TP (ngày 31/5/1975) đã có 44.369 đối tượng đến đăng ký trình diện; thu nhận 324 súng ngắn các loại, 167 tiểu liên.

Từ  đầu tháng 6/1975, theo chỉ đạo của cấp trên, lực lượng An ninh TP đã tiến hành phân loại để tổ chức giáo dục cải tạo đối với số nhân viên ngụy quyền, đảng viên các đảng phái phản động cấp cơ sở và cảnh sát, nhân viên an ninh từ hạ sĩ quan trở xuống. Tính đến tháng 10/1975, lực lượng An ninh TP đã tổ chức giáo dục cải tạo cho 44.470 đối tượng, mỗi lần tập trung 3 ngày (giáo dục cải tạo tại chỗ). Bên cạnh đó, trên cơ sở tài liệu thu thập được từ các lớp học tập cải tạo với hồ sơ địch để lại cũng như tài liệu của các điệp báo viên, cơ sở An ninh T4 và tin tức do nhân dân cung cấp, lực lượng An ninh TP đã truy bắt được 1 sĩ quan cấp tướng, 155 sĩ quan cấp tá, 650 sĩ quan cấp úy (trong số 500 sĩ quan cấp tá, gần 1.000 sĩ quan cấp úy trốn trình diện), một số hạ sĩ quan, binh lính ác ôn trong lính dù, thủy quân lục chiến, tình báo, cảnh sát đặc biệt… Sau học tập cải tạo, toàn TP có 400.000 nhân viên, bính lính chế độ cũ được trở lại với đời sống bình thường, trong đó có 93% được phục hồi đầy đủ các quyền công dân.

Trong tình hình thực tế của TP vừa giải phóng, chủ trương và công tác tổ chức đăng ký trình diện và tổ chức học tập cải tạo đã có tác dụng nghiệp vụ và ý nghĩa xã hội to lớn, vừa giúp ta nhanh chóng nắm được tình hình, vừa xóa tan luận điệu của địch về một cuộc “tắm máu của cộng sản”, làm yên lòng những người đã từng hợp tác với đối phương, tạo ra bầu không khí ổn định, trật tự trong đời sống xã hội.

Một thành tích to lớn của Công an TP HCM những ngày đầu giải phóng là bảo vệ an toàn tuyệt đối ngày hội mừng chiến thắng của nhân dân Sài Gòn -Gia Định được tổ chức vào sáng 15/5/1975 tại Quảng trường Dinh Độc Lập. Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp tham gia Đoàn Chủ tịch: Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà... Hơn 55 vạn đồng bào TP Sài Gòn - Gia Định đến tham gia buổi lễ mít tinh diễu binh, diễu hành.

Sau những ngày vui chiến thắng, chính quyền TP đã đối diện với tình hình xã hội cực kỳ căng thẳng và phức tạp. Hơn 700.000 người dân di cư, tị nạn đang sống bấp bênh trong các ngõ hẻm, xóm chợ của TP đã đẩy con số thất nghiệp và nửa thất nghiệp của TP ở thời điểm này lên 500.000 người. Ngoài ra còn có, 170.000 thương phế binh, 35.000 gái mại dâm, 150.000 người nghiện ma túy, 10.000 trẻ em bụi đời, 10.000 người ăn xin, 200.000 trẻ mồ côi, 200.000 tên lưu manh du đãng, 30.000 người cờ bạc, buôn lậu... Thêm vào đó, hàng ngàn đối tượng hình sự được thả ra trong những ngày trước và sau khi TP được giải phóng.

Những ngày đầu giải phóng, trước khí thế cách mạng lên cao của quần chúng, các đối tượng hình sự đều co vòi, nằm im. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, chúng bắt đầu tụ tập hoạt động trở lại, gây ra nhiều vụ trọng án, làm tình hình trật tự trị an trở nên xấu đi. Trước tình hình đó, lực lượng An ninh TP Sài Gòn - Gia Định quyết định mở chiến dịch lập lại trật tự trị an xã hội, truy quét bọn lưu manh, du đãng. Chỉ riêng tháng 9/1975, lực lượng An ninh TP Sài Gòn - Gia Định đã xóa hầu hết các quán “bia ôm” (mại dâm trá hình), lập hồ sơ tập trung 200 trẻ em bụi đời, mồ côi đưa đi giáo dưỡng, xóa 11 băng cướp là thủ phạm gây ra 26 vụ trọng án đưa ra tóa án xét xử, có 13 tên nhận mức án tử hình.

Tính từ 30/4/1975 đến hết năm 1975, lực lượng An ninh TP Sài Gòn -Gia Định điều tra làm rõ 5.305/6.959 vụ hình sự, truy quét, triệt xóa nhiều băng, ổ, nhóm trộm cướp chuyên nghiệp khét tiếng. Như băng cướp do Đoàn Đình Hùng (tức Hai Sang) đã gây ra 94 vụ giết người, cướp tài sản.

Sự ra quân kịp thời của lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định đã thể hiện thái độ chuyên chính, cương quyết của chính quyền cách mạng đối với  các loại đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội, bước đầu tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào chế độ mới

Thu Thảo
.
.
.