Giữ bình yên trên những dãy núi mờ sương

Thứ Hai, 10/01/2011, 09:20
Chuyến công tác của chúng tôi đến huyện vùng cao Trạm Tấu - Yên Bái đúng vào những ngày rét đậm, rét hại. Đêm đầu tiên ở thị trấn vùng cao nhỏ chỉ dài hơn 1 cây số rưỡi chúng tôi không thể thẳng giấc bởi cái rét cắt da cắt thịt. Chợt thấy thương những đồng chí, đồng đội ở vùng cao đang ngày đêm bám thôn bản.

Những người giữ bản

Anh cán bộ Phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh Yên Bái đi cùng đoàn kể: Có những đợt xuống nhà dân ở bản cả nhà chỉ có đúng một chiếc chăn bông gia đình nhường cán bộ, nhưng mình làm sao nỡ đắp thế nên đêm chỉ còn cách là gật gà ngồi bên bếp lửa.

Thượng tá Thẩm Hữu Tiến - Trưởng Công an huyện Trạm Tấu phân trần: Các anh đến thị trấn chỉ mới thấy được 5% khó khăn của đồng bào Trạm Tấu, ở trong thôn, trong bản bà con vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Không nói ra nhưng nhìn nơi ăn chốn ở và cả sự tất bật của những cán bộ Công an vùng cao nơi đây, chúng tôi cũng hiểu được những khó khăn vất vả của các anh.

Ở Trạm Tấu có 12 xã và thị trấn trong đó xã xa nhất cách thị trấn huyện 50km. Đấy là mới chỉ tính đến quãng đường đi ôtô, xe máy vào trung tâm xã. Còn để xuống được bản, nhiều nơi từ trung tâm xã phải đi đường rừng mất cả buổi. Hôm chúng tôi lên đúng dịp một số cán bộ Công an phụ trách xã mới về họp.

Thượng tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng ban TKTS và đại diện Công ty CP Tân Việt Bắc tặng quà CBCS Công an huyện Trạm Tấu.

Thiếu uý Trần Sỹ Lập - cán bộ Công an phụ trách xã Pá Lau cách thị trấn huyện gần 40km. Lập kể xã có 100% hộ đồng bào người Mông. Bình thường một tháng anh phải xuống xã 20 ngày. Ngủ luôn ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã còn ăn uống thì tự nấu ăn. Có những đợt thiếu thức ăn phải gửi người đi xa 20-30km mới có thể mua rau xanh, thực phẩm về để nấu ăn. Quê Lập ở mãi tận Thái Bình.

Tốt nghiệp Trung cấp CSND 1 cách đây 3 năm, anh được phân công lên huyện vùng cao Yên Bái. Cũng là ngần ấy thời gian chàng trai 24 tuổi này gắn bó với nghiệp "cắm bản" ở xã Pá Lau. Đi lại vất vả, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là việc ăn uống hằng ngày Lập đều phải tự lo lấy. Tuy nhiên trò chuyện với chúng tôi anh kể: khó khăn nhất của bọn em là do bất đồng ngôn ngữ.

Bà con hầu như chỉ sử dụng tiếng Mông nên bọn em phải vừa làm vừa tranh thủ học thêm tiếng Mông để phục vụ công tác. Lập kể ở vùng cao vẫn còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện nên hàng năm từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lực lượng Công an phối hợp với Kiểm lâm phải thường xuyên vào rừng để kiểm tra và triệt xóa.

Những địa điểm tái trồng cây thuốc phiện thường nằm ở những chỗ heo hút, xa bản nên mỗi chuyến đi rừng thường mất 2-3 ngày lội bộ. Ăn tạm mỳ tôm và dựng lán ngủ lại giữa rừng trong giá lạnh là chuyện thường xuyên. Ngồi bên cạnh Lập là Trung sỹ Đỗ Thanh Hoàn cũng vừa tốt nghiệp Trung học An ninh và trở thành cán bộ cắm bản 3 tháng nay. Hoàn phụ trách xã Túc Đán cách trung tâm huyện tới 40km…

Ở đồng bào vùng cao do điều kiện còn nhiều khó khăn, dân trí thấp nên những chiến sỹ Công an cắm bản như Lập, Hoàn phải làm đủ mọi việc. Giải quyết những tranh chấp lặt vặt như trâu nhà này ăn lúa nhà kia, chuyện mất trộm vật dụng sản xuất… các anh cũng phải đứng ra tuyên truyền, giải thích. Công việc nhiều, điều kiện vất vả nhưng mức thu nhập cũng chỉ là chế độ chung theo quy định…

Chút tình cảm mùa xuân với những đồng chí, đồng đội vùng cao

Ở Công an các huyện vùng cao ngoài những cuộc họp định kỳ hằng tháng, ít khi cả đơn vị tề tựu đông đủ. Hôm chúng tôi có mặt tại trụ sở Công an huyện Mù Cang Chải hàng chục CBCS tại đây vừa được tăng cường xuống địa bàn. Dịp Tết truyền thống của người Mông, bà con vui nhiều nhưng lực lượng Công an cũng thêm việc.

Tại cuộc gặp gỡ và giao lưu với CBCS Công an huyện Mù Cang Chải, Thượng tá Nguyễn Minh Đạt - Phó trưởng Công an huyện tâm sự. Ngày Tết bà con thường đi chúc Tết nhau và uống rượu nên lực lượng Công an phải tăng cường để phòng ngừa và giải quyết các vi phạm về giao thông, an ninh trật tự.

Giống như ở huyện Trạm Tấu, đời sống CBCS Công an huyện vùng cao Mù Cang Chải còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là điều kiện đi lại, sinh hoạt và xa gia đình thường xuyên. Ngay tại trụ sở Công an huyện do diện tích chật chội nên 5 CBCS vẫn phải chung nhau một căn phòng tập thể bé…

Chuyến thăm và tặng quà Tết Tân Mão 2011 cho CBCS Công an hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái của Đoàn công tác XHTT Báo CAND và Công ty CP Tân Việt Bắc diễn ra trong không khí thật cảm động. Tại những cuộc giao lưu của đoàn công tác với CBCS Công an hai huyện miền núi, chúng tôi đã được gặp, được nghe những gương mặt, những câu chuyện thật cảm động. Không chỉ có những cán bộ đã hàng chục năm nay gắn liền với thôn, bản vùng cao mà còn có rất nhiều gương mặt thanh xuân đã lên đây cùng miền núi.

Đó là những cán bộ chiến sỹ trẻ tràn trề sức xuân và nhiệt huyết là điểm tựa vững chắc cho công tác giữ gìn an ninh nơi thôn bản vùng cao. Gửi đến CBCS Công an các huyện vùng cao những lời chia sẻ, những bài thơ, Thượng tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng ban TKTS Báo CAND - Trưởng đoàn công tác tâm sự rằng: Người dân và những CBCS Công an miền xuôi vẫn luôn dành một tấm lòng đến những người đồng chí, đồng đội ngày đêm đang làm nhiệm vụ ở vùng cao xa xôi còn nhiều khó khăn vất vả.

Để có được sự bình yên cho những bản làng trên các rẻo cao có công lớn của những cán bộ, chiến sỹ Công an đang ngày đêm gắn bó với đồng bào. Đại diện Báo CAND và Công ty CP Tân Việt Bắc đã trao tặng 20 suất quà Tết cho 20 trường hợp CBCS Công an hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Quà Tết giá trị vật chất tuy nhỏ nhưng đó là chút tình cảm ấm áp của Báo CAND - Công ty CP Tân Việt Bắc gửi đến các anh khi Xuân về Tết đến. Tin tưởng và mong rằng các anh sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, làm tốt công tác giữ gìn an ninh nơi thôn bản để bình yên luôn về trên các dãy núi mờ sương

Xuân Luận
.
.
.