Giáo sư của những nụ cười

Thứ Bảy, 25/02/2006, 08:50

Có lẽ không hề quá lời khi nói như vậy về GS.TS. Trần Văn Trường, Viện trưởng Viện Răng - Hàm - Mặt (RHM), kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học RHM, Bộ Y tế. Trong những năm qua, dưới bàn tay của ông, rất nhiều người không may bị khe hở môi, khẻ hở vòm miệng đã lấy lại được nụ cười.

Hở môi hay vòm miệng tuy chẳng gây chết người nhưng luôn làm cho những người không may mắc phải mặc cảm, không tự tin khi trò chuyện cùng người khác. Mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 người mắc bệnh. Điều này không chỉ đem lại sự đau buồn cho những người bệnh và gia đình họ mà còn là gánh nặng đặt lên vai đội ngũ y bác sĩ ngành RHM.

Đem lại nụ cười cho những người không may mắn

Vượt qua mọi khó khăn, trong những năm qua, nhờ sự tận tụy của các cán bộ y tế ở Viện RHM, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Trần Văn Trường, hàng vạn trẻ em không may bị khe hở môi, vòm miệng đã được phẫu thuật. Nhờ đó, những nụ cười đã trở lại với các em. GS.TS Trần Văn Trường nhớ lại: “Trong những chuyến đưa đoàn cán bộ của Viện RHM đi công tác ở một số tỉnh miền núi như Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn... chúng tôi đã chữa trị cho không ít bệnh nhân từ 35 đến 40 tuổi. Có người đã có vợ, có chồng. Có người thậm chí có cả con rồi nhưng vẫn bị khe hở môi. Trông tội lắm. Biết là xấu đấy nhưng đâu biết phải làm cách nào cho hết bệnh. Tất cả chỉ vì nghèo hoặc do không có thông tin”.

Hiểu được các lý do đó, cho nên, khi dẫn đoàn cán bộ y tế về địa phương, ông đã phải nhờ Ủy ban nhân dân và cơ sở y tế địa phương tìm bệnh nhân về mổ miễn phí. Không chỉ có thế, để tạo điều kiện cho bà con yên tâm chữa bệnh, các ông còn bao cả ăn uống cũng như tặng tiền đi về. Thế mới có chuyện, khi hay tin, nhiều người, dù phải đi bộ đến 4, thậm chí 7 ngày đường, nhưng vẫn tìm đến với đoàn vì họ biết rằng những cơ hội như thế này không phải là nhiều. 

GS.TS. Trần Văn Trường cho biết, mỗi năm Viện RHM thường tổ chức 1-2 chuyến đi như thế. Tuy nhiên, việc làm này, dù rất có ý nghĩa nhưng không hiệu quả. Bởi vì, để đến được địa bàn nhiều khi mất cả mấy ngày trời. Trong khi, cùng một thời gian như vậy, ở Hà Nội, các ông có thể mổ được cho rất nhiều bệnh nhân cũng như có điều kiện chăm sóc cho họ cẩn thận hơn. Vả lại, dù ở Hà Nội hay không thì các bệnh nhân cũng luôn được tạo điều kiện tối đa về chỗ ăn ở, đi lại phục vụ cho việc phẫu thuật của mình.

Được biết, số tiền cho mỗi ca phẫu thuật thường không lớn, nếu chưa tính công thì cũng chỉ dao động từ 700 nghìn cho đến 1 triệu đồng (con số tương đương khi mổ ở Mỹ hay Singapore khoảng từ 1.000 đến 1.500 USD). Điều đáng nói là, theo GS.TS. Trần Văn Trường, về chuyện tiền nong, bệnh nhân không phải lo lắng vì Viện RHM sẽ hỗ trợ hoặc bao cấp toàn bộ từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia...

Theo GS.TS. Trần Văn Trường, thông thường độ tuổi phẫu thuật môi là 6 tháng, vòm miệng là 4 tuổi (tại Viện RHM là 3 tháng và 12 tháng). Các cháu còn quá nhỏ, chưa có nhiều sức đề kháng trong khi các phẫu thuật lại không hề đơn giản, đặc biệt với việc phẫu thuật vòm miệng. Cho nên, các thao tác đòi hỏi phải thật nhanh, thật chính xác. Nếu mổ lâu, các cháu sẽ mất nhiều máu hoặc việc sử dụng quá nhiều thuốc mê cũng rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng và sự phát triển bình thường của các cháu. Tóm lại, “bất cứ một sơ sẩy nào, dù là nhỏ nhất cũng rất dễ gây nguy hiểm. Để làm được điều này, ngoài đội ngũ cán bộ phẫu thuật được đào tạo bài bản, đội ngũ gây mê hồi sức giỏi cần phải có các dụng cụ chuyên dụng đắt tiền mà không phải nơi nào cũng có điều kiện trang bị”, ông giải thích.

Là chuyên gia về RHM, GS.TS. Trần Văn Trường khẳng định: “Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc các bệnh về răng miệng lớn nhất thế giới”. Theo ông, có tới hơn 60% dân số nước ta bị sâu răng hay mắc các bệnh về răng miệng. Trường hợp mắc các bệnh về lợi như viêm lợi, chảy máu cũng lên đến 90%. Lý do thì nhiều. Do nhận thức không đầy đủ về các bệnh răng miệng, do không vệ sinh răng, hoặc cũng có thể do sử dụng kem đánh răng không có chất chống sâu răng, bảo vệ lợi... Vì thế, để góp phần hạn chế điều này, dưới sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính của nhiều đơn vị, tổ chức cả trong và ngoài nước, đặc biệt là Liên đoàn Nha khoa thế giới, ông đã đẩy mạnh việc tổ chức một mạng lưới cán bộ làm công tác giảng dạy, giúp đỡ các địa phương, các trường học trong cả nước thành lập một hệ thống các phòng khám nha khoa, đảm bảo cứ 2.000 học sinh lại có 1 phòng khám. Nhờ đó, đến nay, sau hơn chục năm đi vào hoạt động, đã có trên 5 triệu học sinh được chăm sóc răng miệng, được hưởng lợi từ các dự án Nha học đường.--PageBreak--

Cả đời say mê học hỏi và cống hiến

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ bé Trần Văn Trường đã có ước mơ trở thành thầy thuốc để giúp ích được cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Vì thế, được tổ chức phân công, bỏ qua những chuyên khoa “thời thượng” như nội-ngoại-sản-nhi, ông đã vui vẻ nhận lời theo học ngành RHM cho dù, vào thời điểm miền Bắc mới giải phóng thì RHM cũng như nhiều ngành học khác còn quá mới mẻ và thậm chí xa lạ với hệ thống đào tạo của Việt Nam.

Với tâm niệm “không theo thì thôi, còn đã theo thì phải bằng tất cả tâm huyết, phải thực sự lành nghề”, đồng thời, để xứng đáng với trọng trách của một thầy thuốc “lương y như từ mẫu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh,  Trần Văn Trường đã lao vào học tập. Ngay sau khi cầm trong tay tấm bằng bác sĩ, ông đã sang Rumani làm nghiên cứu sinh chuyên ngành phẫu thuật tạo hình RHM. 4 năm sau, khi mới 36 tuổi, ông trở thành tiến sĩ. Để rồi, trong suốt cả cuộc đời mình, ngoài việc chữa trị mang lại nụ cười cho bệnh nhân, ông còn nghiên cứu và phát minh ra nhiều phương pháp mổ mới mà khi áp dụng vào thực tế đã giúp cho quá trình mổ diễn ra nhanh hơn, an toàn hơn.

Tính đến nay, dù đã là tác giả, đồng tác giả của 65 đề tài nghiên cứu, 17 giáo trình được công bố, giảng dạy cả ở trong và ngoài nước về lĩnh vực RHM nhưng GS.TS. Trần Văn Trường vẫn rất ham học hỏi. Với lợi thế sử dụng thông thạo 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung Quốc và Rumani), hàng ngày, sau bộn bề công việc ở phòng mổ, ở Trường đại học RHM, ở các hội thảo khoa học, các hội đồng chấm luận án, ông vẫn dành thời gian vào Internet hay đọc sách báo để cập nhật các kiến thức mới của y học thế giới. Ông bảo: “Trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay không thể ngồi một chỗ hay “bế quan tỏa cảng” được. Kiến thức mới bây giờ cập nhật nhanh và nhiều lắm nên liên tục phải đọc, phải học để nâng cao trình độ, đặc biệt là với các thành tựu khoa học mới. Nếu không đọc, không học sẽ bị lạc hậu ngay”.

Là thành viên của Liên đoàn Nha khoa thế giới, Hội viên Hội Các trường đại học Quốc tế Mỹ, Hội Các trường đại học Khu vực sông Mê Công..., GS.TS. Trần Văn Trường từng tham gia giảng dạy tại nhiều nước ở châu Phi, châu Á như Madagasca, Campuchia... Học trò của ông ngày nay, người là hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học, người là bác sĩ có tiếng. Nhưng, cũng giống như thầy của mình, với trọng trách và cương vị riêng, họ đều đã và đang góp phần không nhỏ trong việc mang lại niềm vui cho nhiều người.

Ghi nhận những đóng góp của GS.TS. Trần Văn Trường trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông đã được Viện Tiểu sử Quốc tế Mỹ bầu chọn là “Nhân vật của năm 2005” cùng với nhiều chính khách, doanh nhân và nhà khoa học hàng đầu thế giới. Trước đó, Viện Tiểu sử Quốc tế Anh cũng đã đưa ông vào danh sách “Những học giả lớn nhất của thế kỷ XXI”

Đỗ Công Định
.
.
.