Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn được tôn vinh đặc biệt

Chủ Nhật, 28/08/2005, 06:22

Điều đặc biệt cần nói về con người tài năng được thế giới tôn vinh này lại không được đào tạo chính quy nhiều mà chủ yếu do ý chí tự học, tự rèn, do phát huy tiềm năng nội lực trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo.

Thêm một lần nữa giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn được tín nhiệm tôn vinh một cách đặc biệt. Chắc nhiều người còn nhớ, ông đã từng được Trung tâm Tiểu sử danh nhân thế giới IBC mời làm Phó tổng giám đốc Trung tâm (đầu năm 1996), được một tổ chức quốc tế của Anh tặng bằng “Danh dự vẻ vang” (Illuminated diploma of honour) về những thành tựu lớn lao mà ông đạt được trong lĩnh vực toán học, giáo dục (giữa năm 1996), đã từng được bầu vào danh sách các danh nhân thế giới, được mời dự hội thảo giao lưu giữa 200 danh nhân khoa học của 33 nước ở San Francisco (1998), được đưa vào danh sách 114 trí tuệ lớn nhất thế giới của thế kỷ 21 (2001), được Trung tâm Tiểu sử danh nhân quốc tế cấp bằng “Viện sĩ nổi tiếng” (2004).

Bằng danh dự công nhận GS. Nguyễn Cảnh Toàn là "Thiên tài lỗi lạc thế kỷ 21"

Ngay từ thời học phổ thông, khi đang học năm thứ nhất chuyên khoa, ông đã tự học chương trình năm thứ 2 và cuối năm ông đã thi thẳng vào năm thứ 3. Lên đại học, ông chỉ học chính quy hết chương trình toán học đại cương. Tuy đỗ thủ khoa nhưng ông phải dừng lại, vì chính quyền thực dân Pháp hồi đó không muốn người Việt Nam đi sâu hơn nữa vào khoa học.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông trở về quê, tham gia mọi phong trào yêu nước ở địa phương. Ông vừa dạy bình dân học vụ, dạy cấp 2 vừa tiếp tục tự học về toán theo chương trình trên toán học đại cương. Đến khi Bộ Giáo dục có chủ trương tổ chức thi đặc cách, cấp bằng cử nhân cho những người có quá trình tự học. Ông đăng ký thi và kỳ thi đó cũng chỉ có một mình ông. Ông đã đỗ xuất sắc.

Liền sau đó, ông được mời tham gia Ban Giám khảo kỳ thi toán học đại cương toàn quốc cùng với 2 ông Nguyễn Thúc Hào và Phó Đức Tố.

Ông tự học ngoại ngữ để tiếp tục nghiên cứu thêm về toán. Hòa bình lập ở một nửa đất nước, ông được điều về dạy toán tại Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.

Đến lúc này thì ông thực sự băn khoăn cho trình độ của mình so với nhiệm vụ ngày càng nặng nề. Ông liền đề xuất: Tổ chức nghiên cứu khoa học song song với giảng dạy. Để dạy tốt hình học phi Ơclít, ông đi sâu nghiên cứu vấn đề “đường và mặt bậc 2 trong hình học”.

Nhận được thông tin từ Washington, giáo sư - viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn được phong tặng danh hiệu "Thiên tài lỗi lạc thế kỷ 21", tôi liền tìm đến hỏi và chúc mừng ông, ông vui vẻ đưa cho tôi xem chiếc bằng danh dự mà ông vừa nhận được. Xin tạm dịch nội dung chiếc bằng đó:

NGUYỄN CẢNH TOÀN

Đã hội tụ đủ những tiêu chí để phong tặng danh hiệu

THIÊN TÀI LỖI LẠC THẾ KỶ 21.

Do những cống hiến và ảnh hưởng trong các lĩnh vực

TOÁN HỌC, GIÁO DỤC.

Các chi tiết về sự phong tặng nói trên sẽ được làm nổi bật trong sách “Thiên tài thế kỷ 21” do Viện Tiểu sử danh nhân thế giới của Hoa Kỳ xuất bản.

Ký, vào sổ và công bố ngày 25/5/2005
Dấu của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ              
Chủ tịch
J.M.Evans
Người vào sổ L.M.Kellander

Tháng 8/1957, ông được cử sang Trường đại học Lomonosov (Liên Xô cũ) nghiên cứu. Dưới sự dẫn dắt của giáo sư Barvalov, ông tiếp tục nghiên cứu các đề tài mà ông thai nghén bao năm (đường và mặt bậc 2 trong hình học). Sau một thời gian theo dõi kết quả nghiên cứu của ông, giáo sư Barvalov khẳng định: Vấn đề này có thể nâng lên thành luận án phó tiến sĩ. Thế là vào cuối năm 1958, Nguyễn Cảnh Toàn là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại một nước XHCN trên cơ sở tự lực cánh sinh, vừa làm vừa nghiên cứu.

Trở về nước, ông lại tiếp tục cùng với những cộng sự và sinh viên giỏi nghiên cứu tiếp. Bỗng một hôm, ông phát hiện ra điều bí ẩn ngay trong kiến thức hình học mà ông đang dạy (mối quan hệ giữa các phép cộng tuyến, các phép chiếu xuyên tâm, các phép thấu xạ trong không gian Pn) và hơn thế, ông đã nâng cao các khái niệm về lý thuyết đối hợp trong hình học xạ ảnh, trên cơ sở đó, ông khái quát và hệ thống lại vấn đề “lý thuyết đối hợp bộ n”. Và đây chính là đề tài làm luận án tiến sĩ của ông. Đề tài này không đơn giản, gặp rất nhiều khó khăn nhưng hai giáo sư Tạ Quang Bửu và Nguyễn Khánh Toàn (lúc đó là đồng Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước) rất quan tâm giúp đỡ, động viên ông. Khi bản luận án hoàn thành, hai ông đã cho gửi sang Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô để nhờ giám định giúp.

Mấy tháng sau, Nguyễn Cảnh Toàn được cử đi Liên Xô công tác 3 tháng. Điều bất ngờ là, vừa sang đến nơi, giáo sư Glagolev, người ra đón ông tại sân bay Moskva, cho biết: “Tôi đã đọc kỹ công trình “lý thuyết đối hợp bộ n” của ông; công trình này xứng đáng là một luận án tiến sĩ xuất sắc”. Ông liền báo cáo ngay về nhà và sau khi được ở nhà cho phép, cuối đợt công tác, ông đã đến Trường đại học Sư phạm Lênin bảo vệ luận án tiến sĩ “Lý thuyết đối hợp bộ n”. Toàn thể hội đồng giám khảo nhất trí đánh giá xuất sắc - Giáo sư Glagolev phát biểu: Nguyễn Cảnh Toàn là một nhà hình học xạ ảnh thiên tài, tinh thông cả phương pháp tổng hợp và phương pháp giải tích”.

Năm 1969, ông lại hoàn thành một công trình nghiên cứu sáng tạo mới là xây dựng một lý thuyết không gian rộng lớn mang tên là “Lý thuyết các không siêu phi Ơclít” hay “hình học siêu phi Ơclít”. Đến năm 1971, “hình học siêu phi Ơclít” của ông được in vào kỷ yếu của Hội nghị Toán học quốc tế ở Nice (Pháp).

Đến khi được cử làm Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm cho đến sau này lên làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông càng quyết tâm làm cho ý tưởng giáo dục tích cực đó thành hiện thực. Ông đã từng đề xuất một cơ cấu “sư phạm - phổ thông - cuộc sống” và chủ trương “đào tạo giáo viên từ xa” nhằm tận dụng phương tiện truyền thông và công nghệ tin học, đồng thời phát huy cao độ tiềm năng nội lực của người được đào tạo! Do đó, ông đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” và học hàm “Giáo sư” ngay từ đợt đầu.

Tuy việc tôn vinh này chỉ là của một tổ chức nước ngoài, nhưng giáo sư - viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn thực sự đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành toán học và giáo dục

Trường Giang
.
.
.