Giáo dục đạo lý ở đời và làm người theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 24/05/2005, 15:00
Trong một lần gặp cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói “xa đồng đạo, đạo đồng đồ”. Câu nói này có thể được giải thích như sau: “Tất cả các cỗ xe (người, nhân dân) đi cùng một con đường (theo cùng một đạo lý) thì (đạo ấy sẽ dẫn đến) sẽ cùng có một tiền đồ sáng sủa”.

Khi đề cập tới vấn đề pháp luật, Hồ Chủ tịch nói “Nghĩ cho cùng, ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ”.

Có thể hiểu “đạo ở đời, đạo làm người” này có 3 mệnh đề:

1. Thương nước.

2. Thương dân.

3. Thương nhân loại đau khổ.

Cả 3 mệnh đề trên đều có chung một điểm cơ bản: “Thương”.

Từ điển tiếng Việt giải thích: “Thương” là “yêu thương và thường chú ý săn sóc”. “Thương” tiếng Hán, ngoài mấy chục nghĩa về buôn bán, vũ khí... có một từ kép: “Thương sinh” là thương “dân đen đầu, bách tính, nhân dân”. Đối chiếu với nghĩa Việt “thương người, yêu thương” từ Hán có chữ “nhân”, gồm bộ “nhân” và chữ “nhị” (hai) được dịch nghĩa “lòng thương người, thương yêu”...

Trong tiếng Việt có nhiều chữ Đạo. Đào Duy Anh trong "Hán Việt từ điển" giải thích: “Đạo là đường đi, là đạo lý, là cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng nhận”. Đạo đức được phân tích là “nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức; là cái lý pháp người ta nên noi theo!”.

Phan Bội Châu trong “Khổng học đăng” đã dành hơn 10 trang bàn về “chữ Nhân ở trong Khổng học”. Phan Bội Châu viết: “Xưa nay các vị thánh truyền đạo, tuy tông thống khác nhau, lý luận khác nhau, mặc dầu, mà xét cho đến nội dung, ngoài chữ “nhân” ra không ai có đạo lý gì “khác”. Dẫn câu nói của Khổng Tử “Ngô đạo nhất dĩ quán chi”, Phan Bội Châu giải bàn  là “Đạo của ta chỉ có một gốc mà quản suốt hết muôn lẽ, muôn việc trong thiên hạ. “Nhất” là tuyền thể của chữ “Nhân”, “quán” là công dụng của chữ “Nhân”. “Nhân” là “đạo” của Đức Khổng Tử.

Hòa nhập vào đất Việt, chữ “nhân” đã có trong "Bình Ngô đại cáo": “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân... Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Nhân tức là thương yêu người, là “đạo”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 “đối tác” ứng xử của “Nhân”: với nước, với dân, với nhân loại đau khổ.

Giải trình 3 ứng xử này đòi hỏi một công trình khoa học nghiêm chỉnh. Xin thử nêu lên những ý nghĩ ban đầu.

1. Thương nước là thương cái gì? Trước khi biết thương cái gì phải hiểu được “Nước” ở đâu mà ra, do đâu mà có, vì sao mà tồn tại để nay ta có Nước để mà thương. Thương nước là phải không được làm nhục nước, để nước bị nô lệ, nghèo hèn, ngu dại, bị khinh bỉ, bị suy yếu. Thương nước là phải làm sao cho nước mạnh giàu, đem tâm lực, trí lực, sức lực ra “vì nước quên mình”, không tham ô, đục khoét. Đạo làm người ở trong nước là phải “Trung” với Nước... xưa Trần Hưng Đạo đã dạy, nay Bác Hồ cũng đã dạy tiếp...

2. Thương dân. Trước hết phải hiểu “dân” là ai? Phải chăng là ta, bố mẹ, vợ con, ông bà, hàng xóm, đồng bào cả nước, người đã chết, kẻ sắp ra đời... Đạo làm người trong dân là phải làm sao cho dân được tự do, công bằng, dân chủ, hạnh phúc...   cơm no, áo ấm, được học hành. Trong xóm làng phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, tránh “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.

Cán bộ được dân cử ra, bầu lên không được coi dân là “miếng thịt mỡ”, “kho tiền”, “kho thóc” để gặm nhấm... không được coi thường dân là lũ “dân ngu, khu đen”, để dọa nạt, mê hoặc, lừa bịp, áp bức dân... Không được “ăn quỵt” công lao của dân, của bà mẹ anh hùng, liệt sĩ, thương binh, đồng bào bị lũ lụt, đói kém... Vì dân là bố mẹ, ông bà... Làm như thế là bất hiếu, là không biết “Hiếu với Dân” như lời Bác Hồ dạy. Hiếu là đạo lớn ở đời của mỗi người. Bất hiếu là tội rất nặng, tội không đáng làm người...

3. Thương nhân loại đau khổ

Theo Hồ Chí Minh, nói tóm lại “chỉ có hai loại người: bị áp bức và đi áp bức”, “người thiện và kẻ ác”... Người bị áp bức dù màu da nào, tiếng nói khác nhau đều rất cần được thương yêu, phải được thương yêu. Kẻ ác, người đi áp bức cũng phải lấy “Nhân” để “đánh vào lòng họ” giải thích, bao dung... lấy “Nhân” thay cho cường bạo, lấy “Nhân” để cảm hóa, để loại trừ cái ác...

Nguyễn Trãi đã từng dạy con cháu:

“Nay ta ở chốn bình yên,

Mà người tàn phá chẳng nên cầm lòng

Thương người ngày rét, tháng đông

Thương người bớt miệng, bớt lòng mà cho,

Miếng khi đói, gói khi no...

Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng

Thương người như thể thương thân”.--PageBreak--

“Người” theo Nguyễn Trãi, không phải là ta, là hàng xóm, đồng bào, là người thiên hạ... Nhưng thương người ấy cũng chính là thương ta, thương bản thân ta, thương thân ta.

Bác Hồ đã từng nói “mối tình giai cấp” đó chính là thương yêu nhân loại đau khổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trước hết là phải chăm sóc con người... con người Việt Nam.

Người mà không biết thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ dù chưa làm được nhiều như mình mong muốn, vì nhiều lý do, là không phải người, càng không phải người Việt Nam, con cháu của Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, lại càng không phải là những người ưu tú nhất - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Khi đóng cửa, đói nghèo không phải là không dạy được “tình thương”, vì “giấy rách phải giữ lấy lề”. Khi mở cửa, có miếng ăn ngon, áo mặc đẹp, không được lấy cớ “trăm công, nghìn việc”, đối tác phức tạp mà quên đi việc giáo dục “đạo ở đời, đạo làm người”. Có giữ được “đạo” ấy, mới còn Nước, mới có Dân, mới có bạn bè...

Cán bộ, đảng viên, cơ quan Tuyên huấn, văn hóa tư tưởng, các giáo viên các Trường, Trường Đảng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên hay Xã hội nhân văn... những nhà giáo dục, bố mẹ, ông bà... toàn xã hội cần có một “chiến lược” phù hợp để xây dựng đạo lý ở đời, làm người theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Trích từ cuốn Nhân ái Hồ Chí Minh – NXB CAND - 2005)
.
.
.