Gian nan đường về đất Phật

Thứ Ba, 21/02/2006, 07:00

Do phía sau xô đẩy, anh chàng tốp sau không may chạm vào lưng cô gái tốp trước. Sẵn bực mình vì phải chờ lâu, lại bị kẻ khác chạm vào, liền chửi: “Chồng tao động vào tao còn phải xin phép, vậy mà mày dám động vào tao à?”. Chàng trai vô tội nghĩ cũng bực liền vặc lại: “Vợ tôi muốn tôi động vào còn phải nài nỉ, bà là cái gì...”. Chuyện chỉ có thế mà trận “lễ chiến” xảy ra.

Đi Chùa Hương theo kiểu trốn lậu vé là vấn đề bức xúc xảy ra từ nhiều năm nay. Lực lượng Công an làm nhiệm vụ năm nào cũng tuyên truyền cho bà con cảnh giác khi đi lễ hội, nhưng bà con vẫn mắc vào vòng lôi kéo của đám "cò mồi". Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào sáng 12/2 trên sông Đáy là hậu quả của nạn "cò mồi" dẫn khách trốn vé.

Người ta phải dùng lưới cào dọc sông mới vớt được xác em Vũ Quang Thắng (16 tuổi), ở Nguyên Hòa (Phù Cừ, Hưng Yên). Bà Nguyễn Thị Suốt, mẹ Thắng cứ vật vã bên xác con. Những người đi cùng ôtô kể lại: 4 giờ 30 phút, ba mẹ con Thắng cùng hơn 20 người ở các xã lân cận đáp xe đi Chùa Hương. Khi đến cầu Yên Lệnh có một cô gái tên Huế đón. Khi xe còn ở bên này cầu Đục Khê, Huế giao khách cho Vũ Thị Quyên. Người phụ nữ này đưa đoàn người xuống đò của Trịnh Đức Phan, 40 tuổi. Cả ba đối tượng đều trú ở thôn Đục Khê (Hương Sơn).

Đi chui nên mới chết người

Lúc xuống đò, mọi người đều thấy lạ, không hiểu vì sao đi Chùa Hương mà lại cứ lẩn chỗ nọ, trốn chỗ kia. 12 người được đẩy xuống một chiếc đò bằng bêtông sứt mẻ lòi cả những thanh sắt, để sang bên kia sông, trốn vé bằng cách đi xuyên qua làng. Chiếc đò chở nặng quá nên nước cứ dềnh vào. Khi ra đến giữa sông thì nước đã ngập gần đến đầu gối. Thế rồi đò chìm, mọi người lóp ngóp trong nước. Em Thắng không biết bơi nên bị chìm nghỉm. Chủ đò Trịnh Đức Phan, là đối tượng nghiện, vừa ra trại được mấy tháng nay cũng bị dòng nước nhấn chìm.

Tình trạng khách hành hương bị “cò mồi” dẫn trốn lậu vé đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng BQL lễ hội vẫn chưa tìm ra biện pháp dẹp bỏ. Để phản ánh tình trạng này, chúng tôi thử biến mình thành nạn nhân của đám “cò mồi”.

Ôtô của chúng tôi nối đuôi hàng trăm chiếc xe rồng rắn lăn bánh qua thị xã Hà Đông, rồi theo đường 21B hành hương về đất Phật. Cảnh nhốn nháo của Lễ hội Chùa Hương dường như đã bắt đầu cách Bến Đục 50 km. Đám thanh niên cưỡi xe máy phóng theo các đoàn xe để chèo kéo. Chúng tôi dừng xe thỏa thuận với một gã thanh niên. Gã bảo: “Bọn em sẽ lo cho các anh từ A đến Z, mỗi người 35 ngàn đồng. Em tên là Thành, anh nhớ nhé!”. Chỉ nói có thế, gã lại rồ ga đuổi theo xe khác.

Chiếc xe chưa kịp lăn bánh qua cầu Đục Khê thì một tay có khuôn mặt vằn vện những sẹo vẫy lại bảo: “Các anh là khách của Thành phải không?”. Thì ra, tay cò mồi ở Ba La đã gọi điện thông báo biển số xe để “cầu 2” đón khách. Gã thanh niên thu mỗi người 35 ngàn bảo đi mua vé giúp, nhưng gã không mua, cũng không dẫn chúng tôi qua cổng chính mà xuống đò qua sông Đáy để vào làng Đục Khê, sau khi đã chỉ dẫn lái xe vào bãi. Sau mấy lần quanh co, chúng tôi nhập vào một đoàn khác khoảng 50 người đang đứng ngồi lố nhố trong sân của một ngôi nhà xập xệ giữa làng, có cả mấy ông tây bà đầm đang xì xà xì xồ. Lúc này số người ấy mới biết mình đang đi... “tua chui”.   

Mọi người xếp hàng rồng rắn đi qua bếp vào nhà tắm, rồi chui qua chiếc lỗ hổng của cái nhà vệ sinh nhớp nhúa, mới sang được ngõ khác. Mấy cô, mấy bà Việt Nam vừa thấp, vừa bé nhảy tót cái là qua, chỉ khổ mấy ông tây bà đầm cứ xoay ngang xoay dọc mà cái bụng phệ vẫn không lọt qua được. Tay chủ nhà lại phải vác búa tạ phang văng mấy hòn gạch nữa, đoàn người đi “tua chui” mới được giải thoát.

Sau mấy hồi vòng vèo, Bến Đục hiện ra trước mắt. 30 người trên con thuyền mỏng manh chưa kịp ổn định chỗ ngồi thì tay lái đò với khuôn mặt lỗ chỗ trứng cá đạp thuyền trôi ra khỏi bến và yêu cầu mỗi khách nộp thêm 20 ngàn tiền đò. Mấy chị có máu mặt chợ búa nhảy loi choi: “Đã thỏa thuận nộp 35 ngàn là phải lo từ A đến Z chứ”. Tay lái đò tuyên bố xanh rờn: “Chẳng lái đò nào ngoài thằng này dám chở các bác đâu. Không lẽ các bác lại muốn bảo vệ đến kiểm tra vé à”. Đám khách đi “tua chui” đành im như thóc. Nhìn ngược nhìn xuôi chẳng thấy mấy cậu “hướng dẫn viên” lúc nãy đâu, đành phải nín nhịn mỗi người góp 20 ngàn cho đủ 600 ngàn một đò, nộp cho chúng mới được đi. Rõ ràng cũng mất số tiền tương đương với số tiền mua vé vào cổng chính, vậy mà lại phải du lịch theo kiểu chui lủi. Tôi kiên quyết chọn đò khác, mặc chúng hăm dọa ra sao.

Lái đò đang vòi thêm tiền du khách.

Tôi xuống chiếc đò bé xíu của người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ. Chị tên là Bùi Thị Nhung, người làng Đục Khê. Khi con đò lướt trên mặt suối mới biết rằng, chuyện lái đò lươn lẹo, nghĩ đủ kế “vặt” tiền của khách chỉ diễn ra phổ biến ở những người lái đò có máu mặt, thuộc “biên chế” những “đường dây đen” chuyên chèo kéo, chụp giật khách. Họ rải người đến tận Ngã Tư Sở, Ba La để đón khách, chia hoa hồng cho lái xe để lái xe thả khách cho họ. Họ thu tiền của khách ngay từ ngoài cổng soát vé, nhưng thực ra chỉ mua vài vé, còn lại giấm giúi với một số cán bộ biến chất cho khách lọt qua. Ở những điểm nào không qua được thì họ dẫn khách chui chỗ nọ, chỗ kia. Khách đã lên đò của họ thì họ tha hồ chém chặt.

Hiện tại, trên suối Yến có hơn 3.000 đò, có đò chở được 6 người, có đò chở được 30 người, nếu cứ tính trung bình mỗi đò chở 10 người thì số lượng hành khách có thể đi đò là 3 vạn. Tuy nhiên, những ngày cao điểm cũng chỉ có 1,5 đến 1,7 vạn khách, như vậy không thể nói do khan hiếm đò nên lái đò tha hồ chặt chém khách. Những kẻ chặt chém, móc túi khách mạnh nhất chính là cánh lái đò nằm trong các đường dây bảo kê. Những lái đò như chị Nhung nếu xếp hàng chờ khách theo sự phân công của Ban tổ chức lễ hội thì cả ngày chẳng kiếm được khách nào, nên đành phải mua lại khách của những đường dây, những đám cò dẫn mối với giá rất rẻ. Ngay như việc Nhà nước trả 10 ngàn đồng một khách (cả đi lẫn về) cũng là quá rẻ.

Chị Nhung cho hay, trung bình mỗi ngày chở được 4 người, tính ra tiền công được 40 ngàn, ăn bát phở hết 10 ngàn, vậy là chỉ được 30 ngàn bỏ túi. Công việc chèo đò rất vất vả. Đẩy mái chèo độ một tháng thì bụng dạ tóp lại. Đêm nằm xương cốt đau nhức không dám trở mình. Mỗi mùa lễ hội qua, cơ thể suy nhược, lại phải cắt mấy thang thuốc mới lại sức. Cũng vì số tiền công trả cho người chở đò quá thấp nên phần lớn lái đò đều tìm cơ hội “vặt” khách. Chỉ có những người nông dân chân chất như chị Nhung chẳng có gan và máu mặt làm việc đó.

Có thể nói tình trạng lái đò vòi vĩnh tiền của du khách một phần do sự kiểm soát không chặt chẽ của Ban quản lý lễ hội. Phải chăng, nên tách vé đò ra khỏi vé thắng cảnh, khách đi chùa chỉ phải trả tiền đò đúng với giá quy định ghi trên vé, như vậy lái đò sẽ không có lý do để vòi vĩnh nữa.--PageBreak--

Trước khi rời Bến Yến, người đàn bà lái đò còn dặn chúng tôi rất kỹ: “Ăn uống gì cũng phải hỏi giá trước đấy”. Chị bảo, ai đi đò chị cũng dặn vậy. Thương người đàn bà chèo đò, ngoài việc trả mỗi người 10 ngàn, chúng tôi biếu thêm 30 ngàn nữa, gọi là công chị ngồi chờ suốt 3-4 tiếng đồng hồ. Vậy mà phải nói mãi chị mới nhận. Khách hành hương về đất Phật nên chọn người lái đò chân chất, thật thà mà đi, đừng nghe lời dỗ ngon, dỗ ngọt của mấy tay “chân gỗ” dọc đường, kẻo không trả thêm tiền, chúng thả luôn ở chùa cho hết đường ra, như vậy, lại phải thuê đò đi ra với giá cắt cổ, thành thử thiệt đơn thiệt kép.

Đi cáp treo hay cưỡi lên đầu Phật?

Một nét mới của Lễ hội Chùa Hương năm nay là có hệ thống cáp treo trị giá gần 80 tỉ đồng. Thay vì phải leo bộ hơn tiếng đồng hồ, du khách chỉ mất có 4 phút để vào đến động Hương Tích. Ông Bùi Đức Duẩn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Hương Sơn nói về lợi ích của cáp treo: “Nhiều bà già, năm nào cũng đi chùa, nhưng chỉ leo được đến Thiên Trù là quay ra vì không thể leo tiếp. Nay có cáp treo, có thể vào tận động Hương Tích. Ngoài ra, hệ thống cáp treo còn điều hòa được tình trạng tắc đường bức xúc từ nhiều năm nay”. Tuy nhiên, những điều tôi chứng kiến tận mắt thì lại khác những lời ông Duẩn nói. Tuy có đến 40% du khách đi cáp treo, song hầu hết là đám thanh niên lười cuốc bộ và thích được tận hưởng cảm giác mạnh. Phần lớn những dòng người già vẫn kiên trì, lặng lẽ chống gậy nhấc từng bước qua các bậc đá để được thăm thú, thưởng ngoạn đầy đủ cảnh đẹp xứ Phật.

Bà Nguyễn Thị Lan, 70 tuổi, người suốt 30 năm nay đều từ Thanh Hóa ra đất Phật, cho biết: “Chúng tôi đi Chùa Hương là để về với Phật, được cúi lạy trước sự uy nghiêm, linh thiêng của đức Phật, vậy mà họ làm cáp treo để cho người ta cưỡi lên đầu Phật mới chết chứ?”. Có lẽ những người như bà Lan mới thực sự hiểu chuyến đi mang lại ý nghĩa gì. Chứ hành hương cái kiểu cáp treo, bay vèo đến chân động Hương Tích, thắp hương, cúng vái mấy cái rồi lại cưỡi gió bay vèo trở ra thì không biết còn thời gian đâu để mà suy ngẫm những triết lý sâu xa của đạo Phật. Một số nhà sư lại góp ý: “Giá như họ bỏ một phần trong số 80 tỉ để làm con đường khác cho khách đi xuống có phải vừa giải quyết được tình trạng ách tắc, vừa giữ được nét tôn nghiêm của hành trình lễ Phật”. Việc thiếu mặt bằng xây dựng hệ thống cáp treo cũng đẩy tình trạng ách tắc trở nên trầm trọng hơn. Đường xuống ga cáp treo được xây ngay cạnh đường hành hương nên đoàn người xếp hàng lên xuống cáp treo đã đụng với dòng người lên xuống theo đường bộ, do vậy, ngay trước động Hương Tích, tình trạng ách tắc thường xuyên diễn ra rất trầm trọng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Vui, Đội trưởng Trạm Thiên Trù, những giờ cao điểm, đoạn đường trước động Hương Tích ách tắc rất trầm trọng, khách hành hương bị kẹt cứng đến 2 - 3 tiếng đồng hồ không nhúc nhích nổi. Chính vì tình trạng chen lấn, xô đẩy để lên cáp treo mà những chuyện cãi vã, đánh chửi nhau diễn ra như cơm bữa. Đại úy Ngô Văn Hanh kể câu chuyện cười ra nước mắt vừa diễn ra mà các anh gọi là trận “thư hùng lễ chiến”. Đoàn khách thứ nhất gồm 30 người xếp hàng đi trước, đoàn khách thứ hai cũng từng ấy người xếp sau chen lấn lên cáp treo. Do phía sau xô đẩy, anh chàng tốp sau không may chạm vào lưng cô gái tốp trước. Sẵn bực mình vì phải chờ lâu, lại bị kẻ khác chạm vào, liền chửi: “Chồng tao động vào tao còn phải xin phép, vậy mà mày dám động vào tao à?”. Chàng trai vô tội nghĩ cũng bực liền vặc lại: “Vợ tôi muốn tôi động vào còn phải nài nỉ, bà là cái gì...”. Chuyện chỉ có thế mà trận “lễ chiến” xảy ra. Bao nhiêu mâm lễ mang theo của hai đoàn, nào bia lon, chai rượu, gà sống, gà chín mang ra làm vũ khí ném nhau chí chết. Trạm Công an Thiên Trù với 25 cán bộ lập tức triển khai hốt cả hai đoàn về trạm giảng hòa.

Những chuyện “quan lý, tình dân” như thế kể ra cả ngày không hết. Như ngay hôm trước thôi, mấy ông thanh niên ở Hải Phòng đi hành hương đất Phật mà cởi trần, mặt vênh vênh váo váo. Dân Yến Vĩ vốn đã chẳng vừa, con gái còn dám cầm đòn gánh phang chồng, nhìn thấy cảnh đó thì ngứa mắt, thế là choảng nhau loạn xị ngậu. Rồi một đoàn thanh niên từ Thanh Hóa ra, tiếc 2.000 đi... “tè” trong nhà vệ sinh dã chiến, liền kéo nhau ra vách núi. “Tè” chưa xong, mấy thanh niên Yến Vĩ đã đứng sau lưng bảo: “Tè” gần nhà khai mù nên phải nộp tiền. Nghe vô lý, liền cãi cọ và cuối cùng trận “thư hùng” lại diễn ra.

Thiếu tá Đỗ Trọng Viễn, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, ngay từ sáng mùng 3 tết, Lực lượng Công an 3 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai đã họp để bàn các phương án bảo vệ, giữ gìn ANTT trong 3 tháng lễ hội. Lực lượng Công an được triển khai có lúc lên tới 80 cán bộ, chiến sĩ, chia thành nhiều chốt, ở những địa điểm nhạy cảm, trong đó, có 4 chốt vòng ngoài gồm Sân Ga, Đục Khê, Đền Trình, Bến Trò và 3 chốt tuyến trong gồm Thiên Trù, Cáp treo, Hương Tích. Ngoài ra, còn bố trí Lực lượng CSGT ở những nơi thường xuyên tắc nghẽn để phân luồng.

Ngày nào cũng thế, công việc của Lực lượng Công an bắt đầu từ 5 giờ đến 20 giờ và không bao giờ dám nghĩ đến một giấc ngủ trưa. Tuy nhiên, những vấn đề phức tạp xảy ra trong Lễ hội Chùa Hương đã kéo dài từ nhiều năm nay nên với lực lượng mỏng như vậy không thể dễ dàng giải quyết mọi việc. Việc đáng ghi nhận của Lực lượng Công an là đã xóa sổ 42 động giả, chùa giả, yêu cầu đám sư giả viết giấy cam kết không tái phạm. Để giảm thiểu tình trạng mất ANTT phải có sự phối hợp hành động của nhiều ngành, nhiều cấp trong tỉnh. Ông Viễn cũng khuyến cáo du khách, nếu có tình trạng lái đò vòi tiền, chủ quán bắt chẹt khi mua hàng, ăn uống thì đến trạm công an gần nhất trình báo, Lực lượng Công an sẽ xử lý nghiêm khắc

Dương - Phương
.
.
.