Giải pháp ngăn chặn “tin đồn”

Thứ Năm, 05/05/2011, 17:00
Thời công nghệ số, bất kỳ lĩnh vực nào cũng dễ dàng xảy ra tin đồn thất thiệt. Ở đây, việc ngăn chặn, phòng tránh tin đồn phải được thực hiện đồng thời cả hai chủ thể: người dân và cơ quan quản lý nhà nước.
>> Phần 1: Tin đồn thất thiệt, bịa đặt - nhận diện và xử lý

4. Hậu quả nguy hiểm của tin đồn thất thiệt, bịa đặt

Tin đồn thất thiệt, bịa đặt vừa tác động đến tâm lý, gây căng thẳng trong nhân dân, nhất là những tin đồn ở thời điểm nhạy cảm, gắn sự kiện làm rúng động thế giới như động đất, sóng thần ở Nhật Bản vừa qua. Dư âm của vấn đề này tác động tâm lý rất mạnh khiến gần đây một số khu nhà dân ở Hà Nội có dấu hiệu rung lắc nhẹ do các công ty xây dựng lân cận khoan nhồi bê tông, nhưng nhiều người cũng tỏ ra hoảng sợ cho rằng động đất. Tin đồn mưa axít, mây phóng xạ đã khiến nhiều người bỏ bê công việc, học hành, không dám ra đường. Tin đồn ngân hàng đổi tiền khiến nhiều người tìm cách mua vàng tích trữ và lo lắng lạm phát. Tin đồn sập cầu khiến nhiều người không dám qua cầu, họ cũng tìm cách ngăn chặn con em mình đi qua cầu. Tin đồn ăn bưởi, ăn hạt dưa, trứng, ớt, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư cũng làm nhiều người tẩy chay thực phẩm…

Tác động xã hội còn kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân: lao động bị đình trệ, đứt nghẽn các hoạt động hành chính, kinh tế. Nhà sản xuất cũng bị tấn công mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào phá sản vì hàng hóa ế đọng, không thể tiêu thụ, trong khi người dân điêu đứng (như tin đồn trứng gà giả, thực phẩm chứa chất gây ung thư). Khi xã hội rộ lên tin đồn trứng gà làm bằng nhựa trông như thật trà trộn trên thị trường, hậu quả là hàng vạn hộ dân nuôi gà không thể bán được trứng, thua lỗ nặng nề.

Hay tin đồn ăn bưởi bị ung thư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng khiến người trồng bưởi ở đây nợ nần ngân hàng chồng chất vì bưởi đến mùa không ai mua. Về mặt an ninh, tin đồn có thể gây bất ổn định, tạo ra tâm lý lo lắng. Tại thủ đô Manila của Philippines, nơi khởi nguồn tin đồn mưa axít khiến toàn bộ số thuốc Betadine tại các hiệu thuốc bị vét sạch, một trường đại học phải tạm ngừng giảng dạy do lo lắng.

Rõ ràng, tin đồn ngày nay là một dạng chiến tranh tâm lý rất nguy hiểm. Nó cũng không giới hạn phòng tránh trong một quốc gia, một vùng, lãnh thổ. Cần thấy rằng, các thế lực thù địch và những đối tượng xấu lại coi đây là thứ "vũ khí" lợi hại để tấn công, hòng gây nhiễu loạn an ninh xã hội.

Cách đây 1 năm, Tổng Công ty Lắp máy Lilama in “tờ tiền” mệnh giá 5 triệu đồng "có giá trị trong tiệc liên hoan Lilama", đã bị NNVN nhắc nhở. Tin đồn phát hành “tiền” mệnh giá cao như thế đã bị NHNN bác bỏ.

5. Phòng tránh, ngăn chặn tin đồn thất thiệt: Cơ quan nhà nước phải chủ động; người dân cần tỉnh táo

Để ngăn chặn "chiến tranh tin đồn", vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất thiệt. Tin đồn thất thiệt lan nhanh chóng mặt, chậm một ngày, một giờ đã có thể gây nhiều hậu quả xấu. Vì thế, khi có tin đồn thất thiệt thuộc lĩnh vực bộ, ngành nào quản lý, nhất thiết phải có xác minh ngay để công bố trước công luận, không thể để chậm trễ. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí, phát biểu trước truyền hình chứ không thể theo hình thức công văn có tốc độ "ì ạch".

Chẳng hạn, trước thông tin mưa axít gây hoang mang dư luận, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã có thông tin chính thức: "Không có một cơn gió nào có thể đưa bụi phóng xạ từ Nhật Bản thổi đến Việt Nam, cũng như không có gió thổi từ Nhật Bản đến Trung Quốc sau đó ảnh hưởng đến nước ta mà chỉ có gió từ Việt Nam thổi đến Nhật Bản. Vì thế, những cơn mưa hiện nay là do ảnh hưởng của gió mùa, không phải là mưa axít, không chứa phóng xạ".

Tin đồn sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật kéo theo mây phóng xạ nồng độ cao từng làm cả châu Á lo ngại.

Hay khi có tin đồn mây phóng xạ được cho là của Giáo sư Phạm Duy Hiển, ngay sau đó, Giáo sư đã lên tiếng phản bác. Tin đồn sập cầu, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng khẳng định: "Có thể, tin đồn này xuất phát từ cá nhân nào đó muốn hạ uy tín, bôi nhọ danh dự tôi. Và cũng không loại trừ khả năng có thế lực nào đó muốn gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hoá của người dân nên lấy tên tôi ra để tung tin đồn nhảm".

Có những tin đồn thất thiệt cần sự vào cuộc của một nhóm, tổ chuyên gia. Chẳng hạn, tin đồn ăn cá rô đầu vuông gây ung thư, tin đồn nước tương chứa chất độc hại, trứng gà làm bằng nhựa, gạo bằng nhựa; cây xà lách phun thuốc kích thích sau nửa ngày dài tới 30cm… việc này cần sự vào cuộc của nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học - Công nghệ. Trong lúc chờ tổ chuyên gia xác minh, làm rõ, cũng cần phải có thông báo cụ thể để người dân biết. Đối với những tin đồn mà có cơ sở xác minh, khẳng định thì cơ quan chủ quản cần thông báo chính thức ngay trong ngày, như tin đồn tăng giá xăng (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính quản lý vấn đề này).

Về phía người dân, việc tỉnh táo trước "bão tin đồn" là điều cần thiết. Thực tế, nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Chẳng hạn, khi có tin đồn xăng sắp tăng giá, thấy nhiều người mang xe, xách can đi mua xăng, người khác cũng làm theo dù chưa hẳn hành động ấy là để tiết kiệm khoản tiền nhỏ trước khi xăng tăng. Hay khi có tin đồn trứng gà làm bằng nhựa, nhiều người đã không dám ăn trứng, thậm chí có bà nội trợ khi đánh trứng thấy lòng đỏ dẻo cũng nghi ngờ trứng nhựa, dù rằng xưa nay trứng gà nào cũng dẻo!

Nghĩa là họ đang bị chi phối bởi tâm lý khiến bất kỳ dấu hiệu gì, dẫu bình thường cũng bị liên tưởng ngay theo tin đồn. Do vậy, trước những tin gây sốc, người dân phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố trên truyền hình, báo chí.

Bốn giải pháp ngăn chặn tin đồn thất thiệt

Tiến sĩ Vũ Trung Quý, Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý, Học viện An ninh nhân dân đưa ra 4 giải pháp ngăn chặn tin đồn thất thiệt:

Một, cần hình thành, phát triển sự "miễn dịch tâm lý" đối với tin đồn trong quần chúng. "Miễn dịch tâm lý" tức là phải xây dựng ở mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội nền tảng vững về tri thức, làm tăng sức đề kháng, làm cho tin đồn không có đất tồn tại. Theo đó, cần cung cấp thường xuyên, kịp thời, chính xác các quan điểm của Đảng, Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; thông tin về những vấn đề nổi cộm, dư luận chú ý; về âm mưu, thủ đoạn kẻ xấu… Không đưa tin mập mờ gây thắc mắc, tò mò, dễ hiểu nhầm. Báo chí và cơ quan chức năng cần thông tin, hướng dẫn, hình thành dư luận tích cực.

Hai, nhanh chóng điều tra, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn để chủ động ngăn chặn sự lan rộng của nó, hạn chế tác động tiêu cực. Nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện đang xảy ra tin đồn.

Ba, tập trung làm rõ nội dung tin đồn. Sự kiện tin đồn thường không có thật, không được ai khẳng định, do đó cần làm sáng tỏ thông tin, định hướng kịp thời.

Bốn, xử lý thích đáng những đối tượng tung tin đồn thất thiệt.

Thủ phạm: Khó phát hiện

Mới đây, cơ quan chức năng đã xác định tác giả của tin đồn "Ngân hàng Nhà nước phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng" là một thanh niên quê Nghệ An, thường trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội. Người này đang làm việc tại một công ty trách nhiệm hữu hạn, thường xuyên tham gia các diễn đàn, trang web về kinh tế và chứng khoán.

Thế nhưng, đây chỉ là một trong số ít ỏi các vụ truy tìm được thủ phạm. Trong khi đó, biện pháp xử lý vẫn chủ yếu hành chính. Theo luật gia Nguyễn Chấn, tin đồn thất thiệt là hành vi vi phạm nên đương nhiên thủ phạm phải bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, tin đồn cần hiểu nó vi phạm trong một lĩnh vực cụ thể như thương mại, kinh tế, cạnh tranh, chẳng hạn như theo khoản 3, Điều 45 Luật Cạnh tranh thì người đưa tin thất thiệt trong cạnh tranh bị xử lý hành chính, nặng thì hình sự. Đồng thời, cơ quan có trách nhiệm phải thông tin kịp thời và chịu trách nhiệm về việc thông tin đó. 

Đăng Trường
.
.
.