Già làng người Dao miệng nói, tay làm

Thứ Sáu, 13/04/2012, 19:14
Cả quãng đời thanh xuân của mình, già làng Đặng Vĩnh Phúc phục vụ trong quân ngũ, nhưng khi về địa phương đã mười lăm năm có lẻ, ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ công tác xã hội. Ngoài công việc ở Hội CCB xã, ông còn được bà con dân tộc Dao ở 2 thôn Đồng Chanh và Tập Đoàn tín nhiệm bầu giữ cương vị già làng.

Ông tâm niệm, muốn yên ổn làm ăn thì phải có môi trường an ninh tốt nên từ nhiều năm trước với uy tín của mình, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Thượng tá Đỗ Văn Luyến, Phó trưởng Công an TP Uông Bí cho biết: “Bí quyết thu phục nhân tâm của ông là kết hợp, phát huy những nhân tố tốt đẹp của phong tục tập quán, với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng. Ông vận động các gia đình giữ gìn thuần phong mỹ tục, học nói, học viết bằng tiếng dân tộc, thực hiện tốt 10 lời thề của dân tộc Dao”. Lời thề này thường được sử dụng trong các dịp lế tết, hiếu hỷ, phong sắc – có nhiều nội dung tương đồng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ông tổ chức cuộc họp giữa các dòng họ, ký cam kết và giao ước thi đua với nhau, định kỳ 6 tháng 1 năm đều tổ chức bình bầu, đề nghị các cấp khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Chính giao ước này đã tạo khí thế thi đua giữa các dòng họ và các thôn bản. Theo phong tục đêm Giao thừa và sáng mồng một Tết, các gia đình đều phải bắn súng để tống tiễn quỉ quái, nhưng nghe ông Phúc vận động, nên 2 thôn Đồng Chanh và Tập Đoàn không có người vi phạm về sử dụng vũ khí và đốt pháo nổ.

Hai thôn Đồng Chanh và Tập Đoàn trước đây hầu hết các gia đình chỉ thuần nông, lúa ngô cũng một vụ, nên cuộc sống khó khăn. Ông Phúc xin chủ trương của cấp uỷ, chính quyền xã mạnh dạn vận động bà con bỏ giống ngô, lúa cũ, thay thế bằng các loại giống mới, phát triển đàn gia súc, gia cầm, thâm canh tăng vụ. Người dân cũng không phải một sớm một chiều làm theo nên với tư cách là một đảng viên, một già làng, ông gương mẫu thực hiện trước.

Chẳng gì bằng “tai nghe mắt thấy”, chứng kiến đàn trâu 20 con, mảnh ruộng, nương ngô của ông Phúc cho năng suất cao hơn hẳn, nên chỉ sau một vụ, các gia đình đều làm theo.

Khi Nhà nước có chính sách giao đất trồng rừng, cũng chính ông Phúc đã vận động các gia đình nhận đất trồng bạch đàn và keo tai tượng. Cả thôn làm theo ông, mỗi gia đình nhận từ 5 – 10ha để trồng rừng, đến nay cây keo đã bắt đầu cho khai thác, mỗi hec ta thu nhập từ 50 đến 70 triệu, nhà nào cũng mừng vui vì có thu nhập, thanh niên có thêm công ăn việc làm, không bỏ đi đào than thổ phỉ, hay sa đà vào các tệ nạn xã hội khác.

Kinh tế khá giả, con em có điều kiện đến trường đến lớp, năm nào cũng có từ 5 – 10 cháu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người học nghề được các công ty, nhà máy tuyển vào làm công nhân ở mỏ Năm Mẫu và Vàng Danh. Thôn Đồng Chanh và Tập Đoàn bây giờ không còn hộ đói nghèo, nhiều hộ gia đình giàu lên từ kinh tế gia đình, thôn bản bình yên. Ai cũng bảo già làng Đặng Vĩnh Phúc có cái “lý an ninh” rất đúng, rất trúng và làm gì cũng giỏi…

Ngọc Oanh
.
.
.