Giá cát tăng cao, nhiều sông hồ ở Thái Nguyên, Bắc Kạn bị nạo vét nham nhở

Thứ Hai, 09/05/2016, 09:56
Thời gian qua trên khu vực lòng hồ Núi Cốc, thuộc địa phận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra khá rầm rộ. Các đối tượng sử dụng tàu tự chế và các máy móc hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, gây ô nhiễm và huỷ hoại môi trường sinh thái, làm thất thoát nguồn tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân.

Công an huyện Đại Từ đã tổ chức trinh sát, theo dõi quy luật hoạt động của các đối tượng, đồng thời phát động phong trào toàn dân cùng tham gia tuyên truyền để người dân không khai thác cát sỏi trái phép trên lòng hồ.

Công an huyện Bạch Thông kiểm tra, xử lý tàu cuốc khai thác cát trái phép khu vực lòng sông Cầu.

Điển hình là đêm 16-3, rạng sáng 17-3, tổ công tác Công an huyện Đại Từ đã phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên, Đội kiểm tra liên ngành khoáng sản huyện Đại Từ và chính quyền xã Tân Thái mật phục, bắt giữ 5 tàu tự chế và 4 đối tượng có hành vi khai thác cát sỏi trái phép.

Đó là Nguyễn Văn Chúc (50 tuổi), Lê Xuân Cần (31 tuổi), Nguyễn Văn Toán (41 tuổi), Trần Văn Ngọc (36 tuổi), cùng trú xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Trời mưa, đêm tối, địa bàn sông nước gây khó khăn cho lực lượng tham gia kế hoạch nhưng quá trình bắt giữ đã đảm bảo an toàn, thu toàn bộ tang vật, phương tiện. 

Chiều cùng ngày, Công an huyện Đại Từ đã phối hợp với chính quyền xã Bình Thuận tổ chức kiểm tra tại xóm Tiến Thành 2, phát hiện 7 tàu tự chế có gắn máy móc và công cụ phục vụ hoạt động khai thác cát sỏi đang tập kết tại bến bãi thuộc vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc.

Lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ máy móc và cam kết không khai thác cát sỏi. Qua đó đã giải quyết dứt điểm các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, đảm bảo môi trường sinh thái và góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. 

Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép cũng xảy ra nóng bỏng ở huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Công an huyện Bạch Thông cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện đã xảy ra 12 vụ khai thác cát trái phép. Các hộ dân chủ yếu khai thác cát theo hình thức thủ công, dùng xẻng và sàng nạo vét cát bán lấy tiền tiêu dùng, tập trung ở các xã Quân Bình, Tân Tiến, Mỹ Thanh.

Đáng chú ý khu vực nạo vét cát thuộc những thửa ruộng nhà dân, họ đào bới lớp đất bên trên tạo nên những hố lớn, nham nhở như công trường rồi lấy đi lớp cát mịn bên dưới. Có những người khi bị phát hiện đã được tuyên truyền, nhắc nhở, cho ký cam kết không tái phạm nhưng vẫn tiếp tục khai thác cát trái phép; có những hộ dân sử dụng cả máy nổ và sên hút để khai thác cát công khai. 

Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính các hộ dân vi phạm, mỗi hộ dân 4 triệu đồng. Do lợi nhuận, mỗi m³ cát khai thác lên bán cho thương lái từ 200-250.000 đồng nên người dân vẫn lén lút.

Gần đây nhất, ngày 19-4, Công an huyện Bạch Thông phối hợp với UBND xã Mỹ Thanh kiểm tra, phát hiện tại khu vực lòng sông Cầu (thôn Bản Luông 1, xã Mỹ Thanh) một tàu cuốc dây chuyền đang khai thác cát trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra có 2 người đàn ông đang vận hành máy khai thác cát, chủ tàu là Mai Đức Triều (55 tuổi), trú tổ 10 phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn thừa nhận đã khai thác được 2,3m³ cát. Công an huyện Bạch Thông đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Triều đồng thời tịch thu các phương tiện khai thác cát.

Lãnh đạo Công an huyện Bạch Thông cho biết, do nhu cầu xây dựng nhiều trong khi nguồn cát sỏi dần khan hiếm dẫn đến giá cát sỏi tăng cao khiến hoạt động khai thác cát trái phép gia tăng và diễn ra ở nhiều địa phương. Lợi nhuận vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân tự do khai thác, làm “chảy máu” tài nguyên khoáng sản.

Dù ở Bạch Thông chủ yếu khai thác thủ công, nhỏ lẻ nhưng việc nhiều người dân ồ ạt khai thác cũng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng đất sản xuất và dòng chảy các con sông. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương là giải pháp cần thiết lúc này…

An Quỳnh
.
.
.