Gặp nữ trinh sát vũ trang gan dạ đất Tây Đô

Chủ Nhật, 04/05/2014, 22:24
Sau khi được tổ chức làm lễ truy điệu sống cho mình, A12 đã nghiên cứu kỹ phương án hành động và đã ra tay chính xác, hạ gục tên Sáu Khẩn - kẻ phản bội, gây nhiều nợ máu cho phong trào Cách mạng tại Cần Thơ những ngày trước 30/4/1975. Người nữ trinh sát 23 tuổi lúc ấy là Lương Thị Năm, thuộc Ban an ninh TP Cần Thơ (nay là Công an TP Cần Thơ) - đơn vị từng được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Trong căn nhà gọn gẽ, xinh xắn nằm trong một Khu dân cư thuộc quận trung tâm của TP Cần Thơ, bà Năm khái quát cho tôi nghe về bối cảnh Tây Đô hơn 40 năm trước.

Bà Lương Thị Năm cùng chồng - ông Võ Minh Thắng, cũng từng là bạn chiến đấu vào sinh ra tử, đang đọc Báo CAND.

Sự phản kích của địch đã làm cho không ít cán bộ chiến sĩ kể cả đảng viên hoang mang dao động, mất tinh thần chiến đấu, rời bỏ hàng ngủ Cách mạng thậm chí có kẻ đầu hàng địch, trở thành kẻ phản bội. Trong số này có tên Lê Văn Khẩn (Sáu Khẩn) - nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thị xã ủy, Trưởng Ban an ninh thị xã Cần Thơ.  

Trong hai lần dự họp với Tỉnh ủy Cần Thơ vào đầu và giữa năm 1973, Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ - đồng chí Võ Văn Kiệt phân tích, chỉ rõ: “Vai trò an ninh trong công tác diệt ác, phá kiềm quá yếu nên không thể hoạt động cho cơ sở và phong trào cách mạng. Muốn chuẩn bị lực lượng, điều kiện cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, điểm mấu chốt là diệt ác. Tội ác của Sáu Khẩn trời không dung, đất không tha; là mối thù khắc cốt, ghi tâm của Đảng bộ Cần Thơ và Khu Tây Nam Bộ, diệt được Sáu Khẩn mới giải quyết được cơ sở, phong trào”.

Qua nhiều lần tổ chức thăm dò, ta được biết Sáu Khẩn là tên rất… mê gái. Do vậy, Ban an ninh quyết định dùng “mỹ nhân kế” và “điệu hổ ly sơn”.

Bà Năm kể thêm về mình lúc đó rằng để có điều kiện ra nội ô “đứng chân” hoạt động, bà làm người ở mướn cho vợ chồng ông Năm Phùng (Bình Thủy). Đến khoảng tháng 9/1973, bị lộ nên bà chuyển xuống làm mướn cho nhà bà Ba Mầu (nay là đường Đề Thám, quận Ninh kiều), cũng bằng công việc… bán thịt heo.

“Tháng 9/1974, Ban an ninh gọi tôi về căn cứ khẩn cấp. Theo đó, nhiệm vụ mới mà tôi được giao là phải luyện tập sử dụng súng K54 thuần thạo để chuẩn bị nhận nhiệm vụ quan trọng - tiêu diệt Sáu Khẩn” - bà kể.

Lúc này, đồng chí Thái Hồng T. - bí số Đ26 được giao nhiệm vụ làm quen với Sáu Khẩn. Do biết Đ26 có người em là thiếu úy ở Nha cảnh sát Cầu Bắc nên Sáu Khẩn không chút hoài nghi mà mau chóng trở nên thân thiết với Đ26. Một hôm, Đ26 nói ông có người em vợ đẹp lắm chưa có chồng rồi hứa hẹn với Sáu Khẩn: “Nếu có dịp về Phụng Hiệp, tôi làm mai cô ấy cho”. Một hôm khác, Đ26 dựng cớ nhờ Sáu Khẩn xuống Cái Tắc giúp dùm nhỏ em làm giấy căn cước; sẵn chuyến, sẽ chở Sáu Khẩn về Phụng Hiệp gặp… cô em vợ. Do đã nhiều lần hứa với Đ 26 nhưng không đi được nên Sáu Khẩn nhận lời sẽ đi chơi với Đ26 vào ngày 14/10/1974.

Chiều 14/10, theo đúng như kế hoạch đã được thống nhất, nữ trinh sát 23 tuổi mang bí số A12 đón xe từ trung tâm Cần Thơ về hướng Bót số 10 và có mặt tại khu vực hiện nay là Nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ chọn vị trí hợp lý để chờ… giờ G.

“Hai bên là đồng trống. Cách đó không xa có hai phụ nữ đang cấy lúa. Có hai lính phòng vệ dân sự cho địch đang làm nhiệm vụ… Đến 15h cùng ngày, thấy Đ26 chở Sáu Khẩn ngang qua, tôi khoát tay chặn lại chào “Anh tư, anh sáu”. V20 từ bên kia lộ nhanh chân bước qua. Khi còn khoảng 4m, V20 liền rút súng ra. “Đoàng”! Tuy nhiên, viên đạn đầu tiên chỉ sợt qua bụng Sáu Khẩn. Sáu Khẩn biết đã trúng kế nên hắn xô mạnh Đ26 và xe xuống mặt lộ, bỏ chạy. Lúc này, súng của V20 lại bị kẹt đạn, không thể bắn tiếp. Theo đề nghị của tôi, Đ26 dựng xe lên nổ máy, chở tôi rượt theo. Khi cách Sáu Khẩn còn chỉ khoảng 10 met, Đ26 dừng xe lại, tôi đưa súng lên ngắm rồi siết cò. Vết đạn thấu qua phía dưới bả vai rồi trổ ra phía trước ngực làm Sáu Khẩn lảo đảo rồi ngã sấp xuống đường. Không chần chừ thêm, tôi bước nhanh lại lật mặt tên phản bội, siết cò thêm một lần nữa…”.   

Xong, V12 cùng Đ26 chạy thẳng về hướng Cái Tắc rồi mỗi người một hướng. “Tôi về Thạnh Hòa nấp lại trong một cơ sở mật của ta sau đó bám theo một đội trinh sát vũ trang về Long Sơn - căn cứ của Tỉnh đội. Tại đây, tôi được lãnh đạo phòng tham mưu tạo điều kiện để báo cáo với đồng chí Chín Hòa là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.…”.

Bà Lương Thị Năm cho biết, nhà bà ở ấp Long Sơn, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, thuộc vùng giải phóng. Năm 17 tuổi, thấy chị hai, anh ba lần lượt tham gia Cách mạng, giữa tháng 3/1967, bà cũng thoát ly. Hai năm sau, bà chẳng may bị địch bắt, giam tại Nha cảnh sát Cầu Bắc, Khám Lớn Cần Thơ, sau đó chuyển lên Khám Chí Hòa rồi đưa ra Biên Hòa. Bà cũng đã nếm đủ mùi đòn roi, tra tấn dã man của địch nhưng nhất quyết giữ vững khí tiết và tinh thần Cách mạng. Sau khi tiêu diệt được sáu Khẩn, bà được giao tiếp tục lên phương án tiêu diệt đối tượng Tư Khì – Huyện đội phó huyện Châu Thành ra chiêu hồi, có nhiều nợ máu với nhân dân, với Cách mạng. Tuy nhiên, khi đang thực hiện phương án thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bà tiếp tục công tác trong ngành Công an đến cuối năm 1979 thì xin nghỉ vì sức khỏe và hoàn cảnh gia đình.

Thái Bình
.
.
.