Gặp những người tiếp khách thay gia đình Bác Hồ

Thứ Năm, 19/05/2016, 14:20
Trong căn nhà tranh mộc mạc đơn sơ của Bác tại Làng Sen, những nữ hướng dẫn viên, thuyết minh ân cần, thân thiện kể về Người với một niềm tự hào. Họ chính là những người thay gia đình Bác tiếp khách viếng thăm quê hương nơi Người sinh ra và lớn lên.


Trong không khí chào mừng Lễ hội làng Sen năm 2016 và kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn du khách lại về đây. Khi được nghe các nữ thuyết minh, du khách như dâng trao cảm xúc, sống lại những năm tháng nơi Người sinh ra và lớn lên.

Thấm thoát đã gần 30 năm, chị Trần Thị Thao giờ đã là một thuyết minh kỳ cựu, với kiến thức sâu rộng, uyên thâm làng Sen, về Người. Trong kho tàng của mình, chị đã thêm có hàng trăm, hàng ngàn những kỷ niệm về những lần tiếp khách tại nhà Bác, đó là tài sản vô giá mà chị rất đỗi tự hào.

Những ngày tháng 5, từng dòng người về thăm quê Bác. 

Vốn sinh ra ngay tại mảnh đất làng Sen, nhà chị cách nhà Bác chừng vài chục mét nên tuổi ấu thơ, chị thường theo bạn bè vào nhà Bác cắt cỏ, được nghe kể nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và am hiểu hơn về quê hương nơi Người sinh ra.

Chị kể: “Năm 1989, trước những nhu cầu của khi khách về với quê Bắc, BQL Khu di tích Kim Liên lần đầu tiên đã tổ chức cuộc thi tuyển chọn các thuyết minh làm việc tại nhà Bác. Có hàng trăm hồ sơ nộp vào để thi tuyển cuối cũng ban tổ chức chỉ chọn 8 người trong đó có chị”.

Chị Trần Thị Thao làm công việc tiếp khách thay những người trong gia đình Bác Hồ đã gần 30 năm nay. 

Cô gái mới 17 tuổi này khi bước vào công việc không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng, bằng niềm đam mê và hiểu biết, chị hăng say kể chuyện cho du khách nghe về Người bằng chất giọng xứ Nghệ đằm thắm, ân tình. Âm thầm, lặng lẽ, chị góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về vật chất và tinh thần của con người lịch sử, của vĩ nhân Hồ Chí Minh.

Dù không sinh ra tại mảnh đất Kim Liên, nhưng chị Hoàng Thị Đảm thuộc thế hệ những người đầu tiên được chọn để tiếp khách tại nhà Bác. Gần 30 năm, sức trẻ và lòng nhiệt huyết vẫn còn y nguyên trong con người chị.

Những nữ thuyết minh vinh dự và tự hào khi được kể về Người.

Chị còn nhớ mãi không quên hình ảnh một người đàn ông trung niên đúng khóc nức nở trước bàn thờ gia đình Bác. Sau khi hải han, động viên chị được người đàn ông bộc bạch rằng, ngày còn chiến tranh, trong lúc hành quân vào Nam, con trai ông đã từng được ghé qua thăm Làng Sen.

Vào đến chiến trường, con trai viết thư về kể cho bố mẹ niềm vinh dự khi được đứng trên ngôi nhà của Người. Nó mơ ước, hòa bình lập lại, khi từ miền Nam trở về, sẽ lại được ghé quê Bác một lần nữa. Nhưng mong ước nhỏ nhoi của con trai ông đã không được thực hiện. Trên đường đưa di cốt con trai về an nghỉ, ông đã ghé qua quê Bác để con trai được toại nguyện. Câu chuyện khiến cả nhà Bác yên lặng, mắt ai cũng rơm rớm nước.  

Quê Bác nghèo, nhà Bác đơn sơ, nhưng cốt cách và lòng yêu nước của những thành viên trong gia đình Bác mới đáng trận trọng hơn cả, những câu chuyện mà chị kể ra khiến du khách ai nấy cũng rưng rưng dòng lệ.

Khác với chị Thao hay chị Đảm, chị Nguyễn Thanh Huyền là thế hệ đi sau. Cũng bởi xuất phát từ đam mê được kể chuyện về Bác Hồ, nên khi vừa tốt nghiệp đại học, chị đã mạnh dạn nộp hồ sơ thi tuyển. Đến nay, chị Huyền cũng đã trên 10 năm tiếp khách tại nhà Bác.

Kỷ niệm mà chị nhớ nhất là lần nhận được lá thư của một cựu chiến binh ở tỉnh Hưng Yên. Lá thư bị nhòe mực, khó đọc và cuối thư được người viết giải thịch là do không cầm được nước mắt khi đặt bút viết.

Người viết kể rằng, sau khi nghe chị Huyền thuyết minh những kỷ niệm về quê hương, gia đình và Người, ông về khách sạn và ngay lập tức viết một lá thư tâm sự, tạ ơn chị đã truyền cảm hứng về Bác tới ông và mọi người trong đoàn khách.

Ra về, du khách vẫn còn nghe tiếng vọng lại của các nữ thuyết minh với giọng nói ngọt ngào sâu lắng: “Dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống những năm đầu tiên của cuộc đời mình… Mẹ của Bác qua đời lúc tuổi còn quá trẻ, cha của Bác - ông Nguyễn Sinh Sắc mang theo cậu cả Khiêm đi coi thi ở Thanh Hóa chưa về. Bên thi hài của mẹ chỉ có hai người con trai nhỏ. Bác chúng ta năm đó tròn 11 tuổi, cậu em út gào khóc vì khát sữa…”.

Bác và những người thân của Bác không còn, nhưng với những người thuyết minh giàu tình cảm và mến khách, những kỷ vật thiêng liêng về nhà Bác sẽ mãi còn được lưu giữ.

Lê Trần
.
.
.