Gặp những cô bé tuổi teen tại các trại giam

Thứ Ba, 01/09/2009, 11:23
Chểnh mảng chuyện học hành thích a dua với chúng bạn, lại sẵn bản tính bồng bột, dại khờ của cái "tuổi ăn chưa no, lo chưa tới", nhiều cô học trò đã sa chân mắc kẹt trong những tội ác nghiêm trọng, và kết cục phải gắn đời mình với các trại giam…

Mỗi người một cảnh ngộ, một số phận, nhưng ngay trong trại cải tạo, các nữ phạm nhân tuổi vị thành niên đã dần thay đổi, xác lập được bước ngoặt quan trọng của đời mình khi cảm nhận được tình yêu thương của các cán bộ quản giáo…

Cô gái ương ngạnh và ánh mắt buồn của nữ quản giáo

Tôi gặp Liên ở Trại giam số 6 (Cục V26) vào một ngày Thanh Chương (Nghệ An) thời tiết đỏng đảnh... Sau cơn mưa rào bất chợt đổ xuống, chỉ thoáng chốc, mặt trời lại bừng lên le lói. Liên ngồi đồi diện với tôi, gương mặt trắng hồng, mịn màng duy chỉ có đôi mắt là đượm buồn. Cô bé hỏi: Chị ơi, Hà Nội bây giờ đẹp lắm nhỉ...

Tôi nhận thấy trong mắt em nỗi khát khao được trở về với gia đình... Trong một phút bất chợt, quá khứ ào ạt dội về. Trong gia đình Liên bướng bỉnh, ương ngạnh bao nhiêu thì chị gái lại nhu mỳ, nữ tính bấy nhiêu.

Một phạm nhân tuổi teen đang học nghề tại Trại giam số 6 - Bộ Công an.

Bỏ học từ năm lớp 6, Liên vùi đầu ở các quán nét với những trò chơi trực tuyến đầy cám dỗ... Rồi sau đó Liên bỏ nhà đi chơi đêm,  nói dối bố mẹ xin tiền đi học thêm để lấy tiền chat.

Liên còn nhớ cái ngày định mệnh đó, một ngày tháng 6/2007, em bỏ nhà đi xuống Quảng Ninh lừa xe của một người bạn chát đem đặt lấy 5 triệu đồng. Có tiền, Liên cùng nhóm bạn "nét' thuê nhà nghỉ, sống bầy đàn với nhau... Khi chẳng còn một xu dính túi, Liên mới mò về Hà Nội, nhưng nó cũng lỳ lợm, chẳng chịu về nhà.

Bố mẹ Liên đã tìm thấy nó khi đang vật vờ tại một quán nét đưa về nhà. Nhốt được vài ngày, Liên lại bỏ đi... Trong khi đang tại ngoại, Liên tiếp tục thực hiện một vụ cướp tài sản khác thì bị bắt.

Vào trại được thời gian ngắn, Liên quậy phá, do cái tính trẻ con xen lẫn sự ngang bướng của một cô gái mới lớn... Liên còn nhớ hôm đó, quản giáo gặp em không nói một câu gì. Duy chỉ có ánh mắt rầu rầu làm em cảm thấy phải suy ngẫm.

Có lẽ, lâu lắm rồi, Liên mới biết quan tâm đến những xúc cảm của người khác đối với mình. Liên ngồi lặng lẽ, đêm đó, nó đã không ngủ được. Câu nói nhẹ nhàng của người quản giáo đã khiến một cô bé cứng đầu như Liên phải suy nghĩ: Đã vào đây chịu sự quản lý, giáo dục, tại sao không thương yêu nhau.

Sau đêm đó, Liên đã đến nhận lỗi với cán bộ quản giáo, rồi thích nghi dần với cuộc sống nề nếp, theo kẻng của trại. Được học nghề, Liên biết trân trọng sức lao động của những người thân trong gia đình. Thi thoảng mẹ và chị gái Liên lại lặn lội hàng trăm cây số vào thăm con. Nhìn dáng mẹ gầy gò, Liên thấy nao lòng... Liên phấn đấu cải tạo thật tốt, để sớm có cơ hội trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Bố mắc nghiện, buồn… đi cướp tài sản

Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Ánh là hình ảnh người mẹ xơ xác, cam chịu... một người cha tù tội vật vờ trong những cơn vật vì thiếu thuốc, một căn nhà nằm giữa Thủ đô Hà Nội nhưng nhếch nhác, xác xơ. Ánh cũng đang thụ án tại Trại giam số 6. Tuổi thơ lam lũ khiến nó già dặn hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi.

Ánh kể với tôi rằng: Ngày nhỏ, em đâu có biết ma túy là cái gì. Một lần Ánh đi học về, lũ bạn cùng trường túm tụm nhau nói rằng, bố nó là thằng nghiện đấy. Đêm đó, Ánh đã khóc rất nhiều, nó ngây thơ hỏi mẹ nhưng mẹ nó chỉ biết im lặng rồi khóc... Ánh đã khóc rất nhiều. Nó chản nản sống khép kín và bắt đầu bỏ học từ năm lớp 6 rồi sau đó là tụ tập với đám bạn nét, bỏ nhà ra đi.

Trong một vụ cướp tài sản cùng đám bạn nét, Ánh đã bị bắt vào Trại giam số 6… Cô bé vốn quen với lối sống buông thả dần dà cũng thích nghi được với cuộc sống nề nếp, quy củ của trại.

Ánh xin được theo học nghề làm bóng, đôi bàn tay vốn chẳng quen với việc lao động, khi bắt tay vào việc cũng lóng ngóng, vụng về. Nhưng rồi với sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ quản giáo, Ánh dần thành thạo nghề. Vào trại Ánh mới thấy được giá trị của sức lao động. Khi được các cán bộ quản giáo giảng dạy, em càng thương mẹ hơn.

Nhắc đến mẹ, Ánh lại rơm rớm nước mắt. Ánh bảo với tôi: Lần nào vào thăm em mẹ cũng khóc. Mẹ bảo đã biết khổ chưa con, em thương mẹ lắm. Sau khi ra trại, em sẽ học nghề cắt tóc để đi làm.

Mong sớm có ngày về

Phân trại của phạm nhân vị thành niên tại Trại giam số 6 nằm chênh vênh trong nắng chiều… Thấy có khách, chẳng ai bảo ai, họ cất tiếng chào nồng nhiệt. Phạm nhân ở lứa tuổi mới lớn, nhiều em vào Trại mang theo cả ngôn ngữ xã hội và những thói quen xấu có được trong những ngày dặt dẹo ở bên ngoài. Mỗi cán bộ quản giáo đều trở thành những cô giáo, rèn cho phạm nhân từ cách nói năng, đến nết đi lại.

Không chỉ bằng những quy định khô khốc mà bằng cả tình cảm yêu thương vô bờ bến, các quản giáo trại giam đã khiến những nữ phạm nhân vốn bất cần đời, ngang ngược trở lại thành những thiếu nữ mềm tính, biết quan tâm đến người khác, biết nghĩ về gia đình và mơ tới một cuộc sống lương thiện, bình yên. Và bởi vậy, ngày về của các cô đang ngày một gần lại

Hương Sen - Xuân Mai
.
.
.