Gặp người cuối cùng của làng bắt cọp

Thứ Sáu, 12/02/2010, 08:33
Giáp Xuân Canh Dần, tôi trở lại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh để tìm hiểu về truyền thống của làng bắt cọp năm xưa.

Xã Vĩnh Thủy, nơi có ngọn núi Linh Sơn có hình con voi được miêu tả trong Đại Nam nhất thống chí: "Núi Linh Sơn ở phía Tây huyện Minh Linh. Hình núi như con voi phục, cao hơn ngàn trượng, bốn mặt bằng rộng, ngọn núi tròn đẹp, có sông chảy ở phía Đông Bắc, các núi chầu ôm ở phía Tây, thật là một thắng tích Linh Châu". Chính nơi đây có 3 làng Thủy Ba Tây, Thủy Ba Đông và Thủy Ba Hạ với truyền thống bắt cọp hàng trăm năm. Ngày ấy, nơi đây cọp nhiều và hung dữ, bắt người, trâu bò, vật nuôi và người dân Thủy Ba đã sáng tạo những cách bắt cọp, diệt cọp dũng cảm, phi thường. Bài viết này ngõ hầu mang đến bạn đọc hiểu rõ hơn tinh thần thượng võ, trí - dũng - nhân của người dân Thủy Ba...

Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy

Lần tìm về sử sách và các bô lão trong làng, cuộc sống người dân Thủy Ba từ khoảng đầu thế kỷ XIX trở về trước luôn phải đối mặt với các loại thú rừng hung dữ. Đêm đến, cọp mò vào tận làng bắt người tha vào rừng ăn thịt. Đã có hàng trăm người dân phải chết một cách thảm thương. Nhiều người cọp chỉ ăn một nửa, một nửa thi thể thả lại giữa rừng rậm. Có người bị cọp vồ hụt khiến tàn tật suốt đời. Thời ấy, nạn cọp bắt người là mối hiểm nguy nhất đối với người dân Thủy Ba. Chính cuộc sống thường trực trong nguy hiểm đã tạo cho người dân nơi đây lòng can đảm và sáng tạo ra nhiều cách để săn bắt, xua đuổi chúng.

Thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng đều được tập trung vào những nhóm bắt cọp. Mỗi nhóm bắt cọp được gọi là xâu, mỗi xâu có 12 người được trang bị giáo mác, đài, lưới. Đài là cọc chống thường làm bằng gỗ hoặc tre già cao khoảng 12 mét để dựng lưới. Lưới được bện (dệt) từ vỏ cây sót. Bóc vỏ cây sót về, dùng chày gỗ đập nát rồi ngâm vào nước vôi chừng vài tuần, bột gỗ rửa hết chỉ còn trơ lại sợi. Sợi cây sót có độ bền và không bị mục nát. Mắt lưới rộng khoảng 20 phân, mỗi tay lưới rộng 8 mét, cao 3,5 mét. Cả 3 thôn Thủy Ba có khoảng 20 xâu, riêng thôn Thủy Ba Tây có 9 xâu (thôn có nhiều xâu nhất).

Cách bắt cọp hiệu quả nhất là giăng ải. Ải là khu vực giăng lưới để bủa vây cọp. Trong xâu được chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm đài, nhóm lưới,... Mỗi nhóm từ 2 đến 4 người. Ngoài ra còn có 4 nữ thanh niên khỏe mạnh đi theo các xâu phục vụ hậu cần trong quá trình giăng ải. Những người còn lại cầm giáo mác, đánh chiêng, gõ mõ để xua cọp vào ải. Thôn nào phát hiện có cọp về bắt người và súc vật phải cấp tốc phi báo ngay cho chức sắc trong làng.

Chỉ sau ba hồi chiêng báo hiệu, các trưởng xâu được mời đến để bàn bạc kế hoạch và cử người có kinh nghiệm lần theo dấu vết, xác định vị trí cọp nằm. Tiếp theo là ba hồi chuông báo lệnh và đồng la nổi lên, các xâu ngay lập tức được triệu tập, mang theo đầy đủ đài, lưới, giáo, mác và tổ chức rải lưới theo ải, có ải rộng đến 4 mẫu đất ta. Các tay lưới được dựng đứng lên bằng đài và nối liền nhau như một hàng rào khép kín vững chắc. Tiếp đó những nhóm khác tiến hành chặt hạ những cây cao, vững chắc để tránh cọp leo lên nhảy thoát ra ngoài.

Một số xâu được bố trí bên ngoài, cầm giáo mác sẵn sàng tiêu diệt cọp lúc cọp leo được ra khỏi lưới. Cây rừng được phát quang đến đâu, lưới bủa vây khép gọn đến đó. Khi tiến đến gần nơi cọp ẩn nấp, mọi người từ bốn phía của ải đồng thanh hô to: Ba làng đứng dậy cho đều/Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy. Sau đó là đồng thanh: Reo, reo, reo.... Cọp hoảng hốt nhảy ra ngoài. Chính lúc này là giây phút quyết liệt nhất. Bao nhọc nhằn của các trai tráng đều tan biến, thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng của cuộc săn. Tiếng người hò reo, chiêng trống liên hồi, giục giã, các tay lưới ép sát, giáo mác tua tủa ở vòng ngoài. Con cọp dần bị khép dồn vào một cái bẫy gỗ bên ngoài được bao bọc bằng lưới gọi là kẹp rọ. Cùng đường, con cọp hung dữ phải nhảy vọt vào kẹp rọ và bị hai gọng kiềng của bẫy sập kín lại. Tiếp đến là những hồi chiêng trầm đều để báo hiệu cho mọi người biết là đã bắt được chúa sơn lâm.

Một trong những bức họa phác họa hình ảnh đuổi cọp bảo vệ súc vật được treo ở làng Thuỷ Ba.

Năm Nhâm Thìn 1832, ở phường Thiên Thọ nằm phía Tây Kinh thành Huế xuất hiện một con hổ cực kỳ hung dữ, đã giết nhiều người và súc vật của dân chúng. Vua Thiệu Trị đã ra chiếu sức 400 thanh niên trai tráng của Thủy Ba vào bắt cọp: Mùng sáu sắc lệnh Vua ra/ Tư tờ xuống phủ đòi Tổng Thủy Ba đi liền/ Đòi vô mần ải Thừa Thiên/ Giữ ma độc nước không yên những là... Những câu vè sau khi nhận được chiếu chỉ của Vua đi bắt cọp ấy ngày nay vẫn được người dân Thủy Ba từ già đến trẻ thường xuyên hát, nhất là trong các dịp lễ hội để ôn lại truyền thống của dân làng. Và sau đợt bắt cọp thành công đó, triều đình nhà Nguyễn vô cùng phấn khởi, đã trọng thưởng tiền và phong sắc cho một số người tiêu biểu trong làng.

Khắc tinh của chúa sơn lâm

Đó là biệt danh của những người hùng bắt cọp của Thủy Ba, mà người cuối cùng vẫn đang còn sống, sống để truyền lại tinh thần thượng võ, trí - dũng - nhân của dân làng Thủy Ba cho các thế hệ con cháu sau này. Ông tên là Nguyễn Quang Mẫn, sinh năm 1919 ở làng Thủy Ba Tây.

Cổng làng Thuỷ Ba Tây, làng có nhiều xâu bắt cọp nhất trong vùng.

Từ nhỏ ông đã chứng kiến không khí hào hùng của làng bắt cọp nên quyết tâm rèn luyện sức khỏe với ý chí sẽ trở thành một thành viên của đội quân bắt cọp. Năm 1938, khi vừa tròn 19 tuổi, ông hãnh diện và sung sướng khi được lần đầu tiên tham gia bắt cọp. Ông nhớ lại: "Lần đầu tiên này là bắt con cọp ở Choi Da Bung. Choi là nơi họ làm nương, làm rẫy. Con này đã bắt tha vào rừng một người và nhiều súc vật. Có 12 xâu của 3 làng vây bắt cọp, tôi tham gia đội quân cầm giáo mác ở vòng ngoài. Khi bị lưới ép dần đến kẹp rọ, con cọp càng hung dữ lao xốc vào lưới. Chúng tôi tay lăm lăm giáo mác sẵn sàng lao vào đâm chết cọp. Nhưng con cọp cuối cùng cũng không thắng được những tay đài, tay lưới lão luyện trong làng buộc phải nhảy vào kẹp rọ.

Trong những năm sau đó, tôi tiếp tục tham gia bắt được 2 con, 1 con ở Nẩy Sừng (ngày nay là khu vực hồ La Ngà), 1 con ở bãi cát Rõi...". Ông cũng cho biết thêm, vào những năm 1946 đến 1953, cả vùng Bình Trị Thiên cũ đã có trên dưới 120 người bị chúa sơn lâm giết hại.

Trước tình hình ấy, khi đó chàng thanh niên Mẫn đang là một chiến sỹ vệ quốc đoàn, Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện đã hỗ trợ kinh phí để làng Thủy Ba mua sắm vũ khí và đan lưới diệt trừ cọp. Năm 1953, con cọp sát nhân nguy hiểm nhất trong vùng và là vị chúa sơn lâm cuối cùng của mảnh đất Minh Linh đã sập bẫy dân làng. Đến lúc này, đã có gần 100 chúa sơn lâm bị người dân Thủy Ba giăng ải bắt được, loại trừ một hiểm họa lớn của cư dân trong vùng.

Giờ đây, dù đã ở tuổi 90, cụ Mẫn vẫn còn minh mẫn kể lại từng chi tiết của những lần bắt cọp với tinh thần hào sảng, dũng khí của một thời oanh liệt. Cụ còn minh họa những động tác, những bài quyền tích lũy được của thời trai tráng chinh phục những chúa sơn lâm. Rất nhiều gia đình ở Thủy Ba vẫn treo những bức tranh, bức họa phác họa những hình ảnh bắt cọp, bảo vệ người, súc vật của dân làng

Hồng Quân - CAND Tết 2010
.
.
.