40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”:

Gặp người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trong trận chiến lịch sử

Thứ Bảy, 15/12/2012, 11:20
Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, Không quân Việt Nam đã lập những chiến công giòn giã, góp phần vào thắng lợi vang dội của dân tộc: 24 lần xuất kích đã bắn rơi 7 chiếc máy bay, trong đó, có 2 chiếc B52. Các biên đội không quân 8 lần phá vỡ đội hình bay chiến đấu của địch, tạo điều kiện cho tên lửa và các lực lượng phòng không đánh thắng. Cùng với Anh hùng Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Trần Việt, Hoàng Tam Hùng…, phi công Bùi Doãn Độ cũng bắn cháy một máy bay Mỹ vào đêm cuối của cuộc không kích, 29/12/1972.

Chiến công này đặc biệt, bởi đây là chiếc F-4 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi vào ban đêm, bằng máy bay MiG-21, lại là chiếc máy bay cuối cùng của địch bị bắn rơi trong 12 ngày đêm máu lửa. Đây cũng là máy bay Mỹ cuối cùng do Không quân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Vì chỉ vài tiếng sau, 7h sáng 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn tuyên bố ngừng ném bom và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. 

Sau tròn 40 năm, chúng tôi tìm gặp lại người đã hạ gục tên “giặc trời”, “khóa đuôi” chiến dịch lừng lẫy đó. Chàng trai trẻ nhất Phi đội đánh đêm 40 năm trước giờ đã là vị đại tá nghỉ hưu hiền lành, nhỏ nhẹ và khiêm nhường. Trong ngôi nhà rộng lớn bên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Đại tá Bùi Doãn Độ cùng chúng tôi ôn lại chuyện xưa.

Vượt qua những đợt kiểm tra nghiêm ngặt về sức khỏe, Bùi Doãn Độ nhập ngũ ở tuổi 16, rồi được sang Liên Xô học lái máy bay MIC-21. Tốt nghiệp năm 1970, tròn 20 tuổi, anh về nước nhận nhiệm vụ ở Phi đội 5, cùng Trung đội với Anh hùng Phạm Tuân.

Cuối năm 1972, tiên đoán khả năng Mỹ sẽ huy động B-52 đánh phá miền Bắc, Quân chủng Phòng không - không quân đã khẩn trương tổ chức huấn luyện bay đêm cho Phi đội 5. Gần 10 phi công bay giỏi, kỹ thuật tốt, bản lĩnh vững vàng được lựa chọn để tập luyện cất cánh với tên lửa bổ trợ, bay chặn kích máy bay B-52 bằng rada và kết hợp bằng mắt. Vì đánh đêm khó khăn hơn đánh ban ngày rất nhiều: không thể quan sát địch trực tiếp bằng mắt, mà phải dựa vào rada, trong khi địch luôn gây nhiễu sóng rada nên khó xác định được mục tiêu và cũng khó theo kịp nếu máy bay địch cơ động. Mà thời cơ phát hiện mục tiêu chỉ 10-15 giây.

Hơn nữa, các phi công đánh đêm còn hiểu rất rõ, cuộc chiến trên không vô cùng nguy hiểm, khi vừa phải đối mặt trực tiếp với kẻ thù, vừa có cả rủi ro từ chính các trận địa pháo cao xạ, pháo phòng không dày đặc ở mặt đất, vì có lúc, lệnh xuất kích của máy bay ta không thể thông báo kịp đến các đơn vị. Chính anh Bùi Doãn Độ trong một lần bay qua Việt Trì, cũng từng bị pháo cao xạ của ta bắn vì tưởng máy bay địch. Chúng tôi hỏi khi đó, anh có sợ không, Đại tá Bùi Doãn Độ cười hiền: “Chiến tranh là thế, có gì mà phải sợ! Khi đó, chúng tôi đều khao khát được trực tiếp chiến đấu, được tự mình bắn rơi máy bay địch để trả thù cho nhân dân Thủ đô, cho đồng đội, không ai nghĩ đến sự hi sinh.”

Đại tá Bùi Doãn Độ bên chiếc máy bay MIG21 từng tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.

Được chuẩn bị kỹ càng về kỹ-chiến thuật đánh B-52 cũng như tinh thần, nên toàn bộ Phi đội 5 bước vào chiến dịch 12 ngày đêm với khí thế hừng hực và quyết tâm cao: có điều kiện là kiên quyết tiêu diệt bằng được, dù đó là “thần sấm” B-52 hay các loại máy bay khác.

12h ngày 18/12/1972, cuộc chiến 12 ngày đêm bắt đầu. Trong suốt chiến dịch, anh Độ được xuất kích 4 lần: Ngày 21/12 sau khi cất cánh ở Sân bay Miếu Môn, anh gặp được B-52, nhưng vì độ cao chênh lệch quá lớn, không đủ điều kiện phóng tên lửa. Hai lần sau, anh xuất kích từ Sân bay Nội Bài nhưng lại không gặp địch. Đến ngày 29/12, cuộc chiến càng ác liệt. Địch đánh phá dữ dội Sân bay Miếu Môn, khiến các phi công phải đi ôtô về Sân bay Hòa Lạc, rồi mới đi máy bay trực thăng lên sân bay Nội Bài để lấy máy bay về Sân bay Kép trực chiến.

Trọn 1 ngày vất vả, căng thẳng. Đêm, bọn “giặc trời” F111 điên cuồng đánh phá, thì anh Độ được lệnh cất cánh. Lúc đó khoảng 23h. Nhưng không “săn” được B-52, anh Độ quay về, thì lại được Sở chỉ huy thông báo có địch. Ngay khi phát hiện địch, anh liền tăng tốc đuổi theo. Đúng lúc này, anh lại nhận thông báo phía sau cũng có địch và yêu cầu anh nhanh chóng công kích. Một giây cân nhắc, anh quyết tâm truy kích đến cùng chiếc F4 phía trước. Khi chọn được khoảng cách thích hợp, anh phóng 2 quả tên lửa cùng lúc, rồi nhanh chóng thoát ly theo lệnh của Sở chỉ huy.

Anh nhớ lại: Khi lật sang trái thoát ly, tôi thấy máy bay F4 của địch đang bốc cháy dữ dội và cắm xuống 1 góc khoảng 30 độ, bụng máy bay lật ngửa. Khoảng cách giữa máy bay của tôi và chiếc F4 chỉ chừng 100m, nên tôi có thể nhìn rõ từng chiếc đinh tán trên thân máy bay đang cháy. Niềm vui ngập tràn, vì đã được tham gia chiến đấu, lại bắn rơi máy bay địch. Trở về đơn vị, dù rất mệt nhưng tôi vẫn thao thức đến sáng với niềm hân hoan vô bờ.

Với chiến công đó, anh Bùi Doãn Độ đã vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Kết thúc chiến tranh, anh tiếp tục đi học ở Liên Xô, rồi trở thành chuyên gia cho nước bạn Campuchia, sau đó lại đi Pháp học trước khi trở thành Cơ trưởng loại máy bay ATR-72 của Hàng không Việt Nam, rồi về hưu năm 2010. Năm tháng trôi qua, Đại tá Bùi Doãn Độ cũng trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng ký ức về những ngày được trực tiếp chiến đấu và lập công trong những ngày bảo vệ Thủ đô năm 1972 chưa bao giờ nguôi quên trong anh.

Vào những ngày này, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, Đại tá Bùi Doãn Độ càng thêm tự hào vì được sống lại giữa những cảm xúc hào hùng của ngày tháng lịch sử ấy, được gặp gỡ bao đồng đội yêu thương, gắn bó và nhất là, cảm nhận thật rõ rằng, sự cống hiến của mình đã không bị lãng quên!

Thanh Hằng
.
.
.