Gặp lại “thần đèn” Tư Lũy

Thứ Hai, 09/03/2009, 14:31
Gặp lại tôi sau hơn 5 năm, Tư Lũy vẫn tự hào rằng, do cẩn trọng từng ly, từng tý nên tính từ ngày ông hành nghề tới nay, nhóm của ông chưa để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào.

Một ngày đầu tháng 3/2009, tôi tình cờ gặp lại "thần đèn" Lương Thành Lũy khi ông đang cùng con trai ăn cơm trưa trong một quán nhỏ ven đường trung tâm TP Cần Thơ. So với lần gặp tôi cách nay hơn 5 năm trước, khi ông và các "đệ tử" đang tập trung "cứu" tường rào dài trên 60m của chùa cổ Vĩnh Tràng (Tiền Giang) - Di tích Văn hóa cấp Quốc gia, lần này "thần đèn" Tư Lũy có khác hơn là đã sắm được chiếc ôtô cũ thay cho chiếc xe gắn máy cà tàng.

Tuy nhiên, điều mà "thần đèn" 52 tuổi miệt An Giang này mừng hơn hết chính là việc ông và nhóm cộng sự tiếp tục giúp cho người dân, chính quyền nhiều tỉnh, thành phía Nam dời hàng trăm căn nhà, trụ sở làm việc về vị trí mới, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng do không phải đập bỏ…

Sau bữa cơm no căng bụng với canh chua cá ba sa, cá kèo kho tộ, Tư Lũy bộc bạch: "Mang tiếng là "thần" chứ lâu lắm rồi cha con tui mới được bữa cơm ngon thế này". Đơn giản chỉ vì ông đi theo công trình, vẫn giữ bản tính mộc mạc của nông dân miền Tây, anh em cùng nhóm ăn gì thì… "thần" cũng ăn nấy.

Tư Lũy phấn khởi cho biết, ông vừa khảo sát và thống nhất bước đầu với chủ một căn nhà trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều sẽ dời căn nhà một trệt hai lầu, ngang 8m và dài gần 15m. Ý của chủ nhà là dời lui về sau đó khoảng ba bốn chục mét để có thêm mặt bằng phía trước mở rộng kinh doanh.

Tôi hỏi về tính khả thi, Tư Lũy nói sơ về quy cách, "cân nặng" của toàn bộ căn nhà rồi mộc mạc nhưng tự tin: "Dễ ẹc như trở bàn tay. Tui đã dời hàng trăm căn nhà quy cách đơn giản như thế". Rồi Tư Lũy phân tích thêm: "Căn nhà này hiện trị giá gần tỷ bạc. Vợ chồng chủ nhà định ở một năm nữa rồi đập bỏ nhưng như vậy thì uổng lắm. Trong khi đó, mình dời và chi phí làm móng, "mông má" lại hoàn chỉnh như mới tốn chưa tới 1/3 giá trị". Tư Lũy cho biết, ông và các cộng sự sẽ hoàn tất công việc sau khoảng 5 tuần.

Công trình nắn lại tường rào chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) - Di tích Văn hóa cấp Quốc gia do "thần đèn" Tư Lũy thực hiện và hoàn tất vào ngày 30/4/3004.

Trước khi ghé Cần Thơ, Tư Lũy cho biết ông đang dời cùng lúc 2 căn nhà tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức (TP HCM) do cả hai căn đều bị vướng vào công trình giao thông. Hồi đầu năm 2009 tới nay, Tư Lũy và các cộng sự đã hoàn tất tới 6 căn với trung bình mỗi căn khoảng 300 tấn. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, tại Đồng Nai, Tư Lũy cũng đã hoàn tất việc di dời, nâng cao trụ sở làm việc của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh; dời trụ sở một doanh nghiệp có tiếng ở TP Biên Hòa và nhà một số người dân ở đây.

Tính từ ngày "hành nghề" dời nhà tới nay, "thần đèn" đã dời thành công bao nhiêu căn rồi? Tôi hỏi. Tư Lũy nói ngay: "Vài trăm căn là có đó. Mấy năm đầu, tui dời nhà đơn giản như nhà gỗ, nhà cấp 4 ở nông thôn nhiều lắm, có năm làm tới cả trăm căn và chủ yếu là khu vực thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Dần dần, thông qua báo chí, trong đó có Báo CAND và Chuyên đề ANTG, bà con nhiều nơi biết, gọi điện thoại nhờ dời nhà. Địa bàn hoạt động của tui mấy năm qua mở rộng ra tận Lâm Đồng, hay vùng đảo xa như Phú Quốc (Kiên Giang)...".

Gặp lại tôi sau hơn 5 năm, Tư Lũy vẫn tự hào rằng, do cẩn trọng từng ly, từng tý nên tính từ ngày ông hành nghề tới nay, nhóm của ông chưa để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào.

Nhà ông hồi xưa cũng nằm sát bến đò Lộ Mới, thuộc ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới - huyện cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh An Giang, như bây giờ. Ông kể: "Hết lớp 4 trường làng, tui bắt đầu theo nghề thợ mộc. Thầy tôi là ông Sáu Cà Dơm quê ở Châu Đốc (hiện đã mất) thường xuống miệt này đóng xuồng, ghe. Sau khi học được ba mớ, tui lại tiếp tục thọ giáo ông dượng Mai Văn U và ông bác họ Lương Văn Nối cũng đi cất nhà, đóng ghe xuồng… Đến khoảng năm 1982, tui "ra riêng", và bắt đầu đi "tác chiến" di động một mình. Có khi tui xuống tận miệt Kế Sách (bấy giờ thuộc tỉnh Hậu Giang, nay là Sóc Trăng) và dám nhận đóng những chiếc ghe, tàu khách trọng tải đến 150 tấn. Mấy năm sau đó, tui về Long Điền A mở tiệm mộc, nhận dạy nghề cho một số thanh niên là con cháu cùng xóm".

Nhắc lại chuyện nghề, Tư Lũy không thể quên cái mốc ngoặc năm 1990: "Năm đó, Nhà nước đầu tư thi công con lộ huyết mạch của huyện. Cái từ lộ giới lần đầu tiên tôi được biết và hiểu cũng từ năm đó". Bấy giờ Tư Lũy vừa hoàn thành ngôi nhà của ông Hai Lai (hiện đã mất). Căn nhà gỗ, lợp ngói có thể nói là đẹp nhất xã vì con cháu ông Hai là Việt kiều gởi về 4.000 USD, ông dồn vô đó hết. Nhưng có điều, nhà vừa xong, chưa kịp "ăn" tân gia thì ông Hai được tin báo của chính quyền ngôi nhà đã vi phạm lộ giới đến 5m. Ông Hai lo lắng: "Nhà mới cất, giờ như vậy chẳng lẽ phá bỏ uổng tiền quá. Tư Lũy xem có cách gì cứu, để bớt thiệt hại không?". Thế là Tư Lũy về nằm vò đầu, bức tóc suy nghĩ. Một đêm nọ, sau mấy giờ trằn trọc khó ngủ, bỗng Tư Lũy ngồi bật dậy, khều vợ đang ngủ say: "Đã có cách…".

Chẳng lo gì chuyện Tết nhứt, một tuần sau đó, Tư Lũy bắt tay vào việc. Và vượt cả dự tính, chỉ gỏn gọn một ngày, căn nhà ba gian rộng thênh thang, nặng trĩu được dời lùi về sau hơn cả 5m trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Tư Lũy bắt đầu được người ta… "đồn đại" từ đó.

"Đã có người thường đưa ra giá di dời bằng phân nửa giá trị căn nhà. Tánh tui thì khác, không thể lợi dụng chuyện người ta cần mà mình tính giá trên trời. Không phải chỉ trong thời buổi khó khăn này mà lúc nào trong cuộc sống cũng vậy, mình chỉ biết có mình thì không được. Mình dời nhà xong mà tiết kiệm được nhiều cho bà con, cho Nhà nước thì mới có ý nghĩa, mới để đức cho con, cho cháu chứ!" - Tư Lũy bộc bạch "phương châm hoạt động" của mình.

Theo lời "thần đèn" Tư Lũy, hàng chục năm qua, ở Chợ Mới - nơi được xem là cái nôi sản sinh ra những "thần đèn", vẫn tồn tại hàng chục nhóm di dời nhà. Tư Lũy bấm ngón tay, lần lượt kể: Hai Quẹo, Tư Nghĩa, Năm Ngây, Năm Dời, Bảy Bình, Tám Bé, Chín Cọp, Út Thanh, Út Đa…  Riêng gia đình của Tư Luỹ, ngoài ông, có đến 3 nhóm riêng là của ông anh kế (Lương Văn Chiến), em trai út (Lương Văn Quới) và em chú bác (Lương Văn Hồng).

Thái Bình
.
.
.