Gặp lại người nữ du kích năm xưa

Thứ Tư, 30/04/2008, 15:19
Sau mấy lần hẹn, rồi chúng tôi cũng gặp được chị - người đã từng là đường dây quan trọng nối các cán bộ cách mạng ở thôn Xuân Long (xã Trung Hải - Gio Linh); đã từng tham gia hàng chục trận đánh và tiêu diệt hàng trăm tên địch. Chị cũng là một trong 4 người xông lên cắm lá cờ giải phóng đầu tiên trên căn cứ Dốc Miếu vào năm 1972... Chị là Hoàng Thị Chẩm - người con anh hùng của quê hương Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười hiền lành, khuôn mặt dịu dàng nhưng rắn rỏi... là ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp ở chị. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, vốn là cơ sở bí mật tin cậy ở vùng Nam sông tuyến, đã nhiều lần đào hầm ngay trong nhà để nuôi giấu cán bộ, ngay từ nhỏ cô bé Chẩm đã được tiếp xúc với một số cán bộ cách mạng hoạt động ở địa phương.

13 tuổi, cô bé Chẩm phải vừa chăn trâu, vừa làm một liên lạc viên, trở thành đường dây nối quan trọng giữa chú Phan Chung - một cán bộ hoạt động hợp pháp ở làng Hải Chữ - với các cơ sở cách mạng hoạt động bí mật khác. Những tin tức, tài liệu quan trọng được chị chuyển kịp thời đã giúp cho lực lượng cách mạng tại cơ sở nắm được tình hình của địch, đề ra nhiều phương án tác chiến thành công, dẫn đến thắng lợi chiến dịch Đồng khởi vào cuối tháng 1/1966.

Kẻ địch càng cay cú hơn khi lá cờ cách mạng tung bay khắp vùng giới tuyến. Chúng lập hàng rào điện tử McNamara, mở trận càn lớn, dồn ép hàng ngàn người dân địa phương vào trại tập trung Tân Tường (Cam Lộ), trong đó có mẹ và 4 chị em chị. Lúc này bố và anh của chị cũng bị bắt vì tham gia hoạt động cách mạng.

Hoàn cảnh nước mất, nhà tan thôi thúc chị phải trốn khỏi vòng kìm kẹp của địch để trở lại quê hương tham gia chiến đấu. Phải thuyết phục mãi, mẹ chị mới đồng ý. Lúc đó chị mới bước sang tuổi 16. Luồn lách qua những trạm gác, chị về đến quê nhà sau suốt hai ngày đi bộ...

Đầu tháng 1/1968, chị Chẩm được bổ sung vào tiểu đội trực chiến của xã gồm 5 người và chỉ có mình chị là nữ. Cấp trên phân công tiểu đội của chị đánh địch ở mũi trước tại làng Cao Xá, phóng bom và đánh tên lửa H12, đồng thời áp sát bắn tỉa, bao vây siết chặt gọng kìm, không cho địch tại căn cứ này thực hiện bắn phá vùng giải phóng và bờ Bắc, bảo vệ an toàn một phần trong tuyến hành lang Đông - Tây của ta từ Vĩnh Linh chi viện vào chiến trường.

Trước sức tấn công, vây ép mạnh mẽ của ta ở Cao Xá, ngày 15/8/1969, địch cho 1 tiểu đoàn bộ binh, có cả xe tăng yểm trợ đi càn hòng bóp chết lực lượng du kích ít ỏi của ta tại đây.

Trong ký ức chị Chẩm không bao giờ quên ngày hôm ấy. Đó là vào 9h sáng, địch từ Lạc Tân về vây Cao Xá bằng máy bay và xe tăng để thực hiện trận càn lớn. Lúc này tiểu đội của chị vừa ít ỏi, vừa không có súng chống tăng... Tình thế vô cùng nguy hiểm. ý chí trong chị mách bảo, nếu đánh trực diện thì khó bảo toàn lực lượng, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng của đồng đội.

Chị đề nghị chia tiểu đội 5 người thành 3 mũi tấn công, một mình chị ở mũi chính diện. Chờ cho địch đến gần, bất chấp nguy hiểm, chị lao ra bắn một loạt AK vào toán lính đi đầu, làm cho bọn chúng bất ngờ không kịp trở tay.

Thấy chị chỉ có một mình, địch cho xe tăng đuổi theo hòng bắt sống, không ngờ đã bị sa vào bãi mìn của ta được cài sẵn từ trước. Mìn nổ. Một xe tăng bốc cháy, 6 tên lính thiệt mạng. Những tên còn lại buộc phải rút lui. Trận càn nhanh chóng bị bẻ gãy...

Sau trận này, chị được chuyển về bổ sung làm khẩu đội trưởng khẩu đội 12 ly 7 trực chiến đánh máy bay tại làng Xuân Long (xã Trung Hải - huyện Gio Linh). Trong những năm 1969-1970 đã phối hợp với lực lượng phòng không bắn rơi nhiều máy bay địch, có trận đã dùng mìn định hướng đặt trên ngọn cây đánh tan máy bay trinh sát L19.

Để trả đũa những trận thua liên tiếp, vào giữa tháng 12/1970, địch cho một trung đoàn có 9 xe tăng yểm trợ chia làm 2 mũi: một mũi từ thôn Xuân Mỵ lên Xuân Long, mũi khác từ Hải Chữ về Xuân Long với mục đích mở trận càn ngay tại Xuân Long.

Tình thế hết sức nguy cấp, bởi Xuân Long là nơi đóng quân của nhiều bộ phận chính trị thuộc cơ quan huyện Gio Cam cùng với hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, quân trang chi viện cho miền Nam đang được cất giữ tại đây. Nếu rút lui những cán bộ chính trị và kho vật dụng của ta sẽ rơi vào tay giặc. Nghĩ vậy, nên chị đã xin ý kiến trong khẩu đội được bí mật nấp dưới tán ngụy trang chờ đánh địch.

Khi những toán lính lọt vào tầm ngắm, chị nổ súng. Toán đi đầu ngã gục. Nhiều tốp khác xông lên đều bị khẩu đội của chị bắn ngã liên tục. Điên tiết, bọn chúng tập trung hỏa lực phản công vào trận địa.

Mặc cho đất cát lấp lên mình, bụi bay vào mắt, hai vai tê đi vì đỡ giá súng, chị vẫn giữ chắc khẩu 12 ly 7 nhằm vào quân địch bóp cò. Trận đánh kéo dài hơn 30 phút, địch vẫn không thể nào vượt qua được phòng tuyến mà khẩu đội của chị chốt giữ.

Cùng lúc, khẩu đội 12 ly 7 của thôn Xuân Hoà và thôn Hải Chữ bắn chi viện tạo thế áp đảo, buộc địch phải rút lui. Trong trận đánh này, sự dũng cảm và mưu trí của chị đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cán bộ chính trị và kho lương thực, vũ khí của ta…

Tháng 5/1971, chị được cấp trên tin tưởng bổ sung vào tiểu đội bắn tỉa tại căn cứ Dốc Miếu. Vào lúc 10h ngày 15/10/1971, địch cho một tiểu đội công binh dã ngoại, cơi nới tuyến hàng rào phòng thủ tại Dốc Miếu. Tại đây, chị và tiểu đội đã diệt được 4 tên địch.

Chiến dịch năm 1972, chị cùng đồng đội áp sát căn cứ Dốc Miếu, suốt một tuần nếm mật nằm gai với quyết tâm tiêu diệt cho bằng được căn cứ này. Ý chí sắt đá và sức chiến đấu bền bỉ của ta đã làm tê liệt hoàn toàn khu căn cứ vốn được coi là "bất khả xâm phạm" vào ngày 2/4/1972.

Trong giờ phút ác liệt ấy, chị cùng ba đồng chí khác đã dũng cảm xông vào trận địa, bắt sống tù binh và lần đầu tiên cắm cờ chiến thắng lên căn cứ Dốc Miếu khi tiếng súng giao tranh đâu đó vẫn chưa chấm dứt...

Với những chiến công xuất sắc trong những năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị vinh dự đón nhận 9 danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ", 3 năm liền là "Chiến sỹ thi đua" (1969-1971).

Năm 1973, chị được công nhận "Chiến sỹ quyết thắng" và được đi dự Đại hội Quyết thắng toàn quân khu. Tháng 4/2005, chị được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Quê hương Trung Hải giờ đây đã đổi thay, vết tích của bom đạn chiến tranh giờ đã được phủ xanh bởi những đồng lúa, hàng cây. Nhà cửa được xây mới khang trang...

Niềm hạnh phúc ẩn giấu sau đôi mắt vui của người nữ Anh hùng về cuộc sống bình yên hôm nay mà chị và đồng đội đã phải hy sinh cả tuổi trẻ và máu xương mới có được. Hiện nay chị đang là cộng tác viên tình nguyện tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ, trẻ em ở địa phương.

Chia tay chị ra về khi những tia nắng gay gắt của những ngày đầu mùa hè đã bắt đầu dịu hơn. Với người nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chẩm, cuộc sống bình yên đầm ấm, sum vầy bên con cháu đã là niềm hạnh phúc lúc tuổi già...

Kiều Hảo
.
.
.