GS Hà Minh Đức và những công trình lớn về đề tài Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 26/12/2015, 10:24
Hơn 50 năm gắn bó với công tác giảng dạy đại học, trong đó nhiều năm là Viện trưởng Viện Văn học và Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.NGND Hà Minh Đức (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012) đã không ngừng lao động, sáng tạo. Cùng với hàng loạt công trình nghiên cứu, lý luận chuyên ngành, ông đã có nhiều đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vài năm gần đây tuy sức khỏe có phần giảm sút nhưng hầu như năm nào GS.NGND Hà Minh Đức cũng ra sách và mỗi lần như vậy ông đều dành tặng tôi. Ngày cuối năm Ất Mùi, tôi được ông tặng hai cuốn “Dặm ngàn xa trên xứ người” (NXB Giáo dục Việt Nam, 2015) và “Ký ức những sắc màu thời gian” (NXB chính trị quốc gia - Sự thật, 2015). Nâng niu cuốn sách trên tay, tôi chia sẻ: “Thầy đã vào tuổi bát tuần rồi mà năm nào cũng “sòn sòn” ra sách thế này thì chúng em bái phục!”. Ông thủng thẳng: “Ừ thì còn sống được ngày nào thì vẫn gắng “rút ruột nhả tơ”…

GS Hà Minh Đức gọi “Dặm ngàn xa trên xứ người” là tập du ký, ghi chép lại những chuyến công tác (hội thảo khoa học, trao đổi văn hóa, văn nghệ với các tổ chức nước ngoài) ở Mỹ, Canada cũng như một số nước châu Âu và những chuyến du lịch đến các nước láng giềng ASEAN. Trong “Dặm ngàn xa trên xứ người”, nhằm gây sự chú ý của bạn đọc, ông chọn “Ba lần đến nước Mỹ” để mở đầu tập du ký. 

Lần đầu cách đây hơn 33 năm, trong bối cảnh Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận, tháng 6-1982, theo lời mời của Trường Đại học Ha-vớt, ông cùng GS Phan Cự Đệ đến Mỹ dự hội thảo “Văn học Việt Nam giữa hai thế chiến 1914-1945”. Lần thứ 2 (từ 30-4 đến 2-5-1995), GS Hà Minh Đức sang dự hội thảo “Di sản Việt Nam, 20 năm sau” do Đại học California tổ chức. Và lần thứ 3, từ ngày 17-3 đến ngày 1-4-1999 theo lời mời của Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam của Hoa Kỳ.

Đại diện sinh viên K17, Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây chúc mừng GS Hà Minh Đức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2015.

Ba lần đến nước Mỹ trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, nhưng đều phản ánh những tiến triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, từ chỗ là cựu thù đến đối tác toàn diện… Hơn nửa thế kỷ giảng dạy đại học, GS Hà Minh Đức luôn ý thức phải dành thời gian thích đáng cho nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị khoa học cao. Một phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu của ông là đề tài về Bác Hồ kính yêu. 

Từ năm 1979, GS Hà Minh Đức cho ra đời chuyên luận “Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà thơ lớn của dân tộc”, sau nhiều năm sưu tầm và xử lý tư liệu. Năm 1985, ông xuất bản cuốn “Tác phẩm văn xuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, rồi tới năm 1991, GS công bố “Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh”. Gần đây nhất, năm 2014 và đầu năm 2015, ông liên tiếp xuất bản hai đầu sách là “Tác phẩm Hồ Chí Minh - cẩm nang của cách mạng Việt Nam” và “Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người”.

Cuốn "Tác phẩm Hồ Chí Minh - cẩm nang của cách mạng Việt Nam" là chuyên luận, tập hợp các bài viết của GS Hà Minh Đức trong khoảng hơn mười năm trở lại đây. Từ các bài báo đăng trên tờ "Người cùng khổ" qua "Bản án chế độ thực dân Pháp" khi Người còn hoạt động ở nước ngoài đến những bài nói, bài viết chính luận khi Hồ Chủ tịch về nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện hai cuộc kháng chiến vĩ đại như "Tuyên ngôn độc lập", "Dân vận", "Sửa đổi lối làm việc", "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"… 

Sau hơn 35 năm nghiên cứu, GS Hà Minh Đức đã có bảy đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng sự cảm nhận tinh tế, GS Hà Minh Đức đã chỉ ra tư tưởng xuyên suốt và nổi bật trong thơ, văn của Bác là "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đây cũng chính là chủ nghĩa yêu nước của thời đại mới, là truyền thống anh hùng của dân tộc được phát huy, đúc kết thành chân lý. 

Mười năm làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), trong bộn bề công việc của người quản lý, năm 2000, GS Hà Minh Đức cho ra đời cuốn sách "Báo chí Hồ Chí Minh - chuyên luận và tuyển chọn" (cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh). Trên cơ sở xử lý hàng nghìn trang tư liệu tác phẩm báo chí của Bác, kể từ những bài báo đầu tiên đăng trên tờ "Người cùng khổ" đến bài cuối cùng "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", ký T.L (ngày 1-6-1969 trên báo Nhân dân). 

GS Hà Minh Đức cho rằng, Hồ Chí Minh không những đặt nền móng cho báo chí cách mạng mà còn là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh đã tạo hiệu quả và tác động lớn lao đến tinh thần yêu nước của quần chúng; kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết chống phong kiến, đế quốc; loại trừ cái xấu, cái lạc hậu đồng thời cổ vũ tình yêu thương con người… Một tư duy sắc sảo, một ngòi bút tài năng, một vốn tri thức giàu có và bút pháp đa dạng đã góp phần tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh – rất độc đáo, giàu tính sáng tạo của báo chí hiện đại…

Ghi nhận những đóng góp của GS Hà Minh Đức, trung tuần tháng 5-2015, Ban Tuyên giáo Trung ương trong dịp tổng kết đợt 2 cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trao giải A cho tác phẩm “Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người” của ông. 

Cuối  tháng 5-2015, Trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Văn học đã tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của GS Hà Minh Đức. Tại buổi lễ, GS Hà Minh Đức tâm sự: “Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch vẫn là đề tài chưa thể nào vơi cạn. Tôi chỉ tiếc là mình đã “chân yếu, mắt mờ, tóc bạc”. Hy vọng những người nghiên cứu và sáng tác trẻ, nay mai sẽ có thêm các công trình làm sâu sắc hơn tầm vóc Hồ Chí Minh”…

Còn chúng tôi - những sinh viên được học thầy cách đây 43 năm ở nơi sơ tán Yên Phong, Hà Bắc và các khóa kế tiếp chỉ mong sao thầy luôn sống khỏe, vui vẻ và bền bỉ “rút ruột, nhả tơ” cho đời.

Nguyễn Khôi
.
.
.