Đường về nẻo thiện

Thứ Ba, 01/09/2009, 10:34
Đến trại giam bằng nhiều con đường lầm lạc nhưng đường ra trại chỉ duy có một: hướng thiện. Dù được đặc xá lần này hay chưa thể, hướng thiện là chìa khoá giúp phạm nhân yên tâm cải tạo để sớm hoàn lương. Bài viết này tiếp cận dưới các góc độ cải tạo của họ tại trại giam. Trong số đó, có người cuộc đời là tấn bi kịch, cũng có người phạm pháp vì nông nổi...

77 tuổi, người mẹ của 10 đứa con sực tỉnh sau thời gian thụ án tại Trại giam Ngọc Lý: "Tôi phạm tội, chỉ vì tôi thương con bằng cách dại dột". Điều hối lỗi ấy không mới với nhiều người khi ngồi trong trại giam, nhưng ở người mẹ tuổi xấp xỉ bát tuần, sự hối lỗi dẫu có muộn mằn cũng đáng để suy ngẫm với những ai đang có nguy cơ tái diễn hoàn cảnh tương tự.

Lời kể của bà Nguyễn Thị Nhường nhiều đoạn ngắt quãng bởi tiếng động cơ phân xưởng lao động bên cạnh. 10 đứa con, cõng suốt chiều dài cuộc đời xấp xỉ bát tuần ấy đủ vẽ sự gập ghềnh bươn chải. Trong câu chuyện, tôi hiểu ở những thời điểm khổ sở nhất, khi chồng mất, một mình cáng đáng số con bằng số đầu ngón tay, người mẹ bên bờ sông Cầu vẫn gồng lên ráng chịu. "Ngày đó, tôi buôn thúng bán mẹt, chợ trên chợ dưới, đứa cơm độn, đứa cháo loãng, vài tháng có hộp sữa bò chia mỗi đứa một thìa" - bà kể chặng đường bươn chải nuôi con.

Hỏi vì sao khổ vậy vẫn sinh tới 10 con, người mẹ hiếm có ngày nhàn hạ bảo, ở Đáp Cầu (TP Bắc Ninh), những gia đình thời như bà có trên dưới 10 con là bình thường. Tám con nồi cơm chia tám, mười nồi cơm chia mười, đứa lớn nhường đứa sau, còn mẹ có gì ăn vậy. Ký ức nuôi con của bà khó gì lấp đầy, tôi không muốn hỏi thêm khi thực tại hoàn cảnh đã khác.

Khi cơn bão ma tuý tràn về Đáp Cầu, khu phố nhỏ vốn thơ mộng bên bờ sông Cầu gồng mình hứng chịu. Bà Nhường bị bắt trong một bận đi mua ma tuý cho con đang lên cơn nghiện vật vã. Từng đến Đáp Cầu, tôi hiểu khu chợ colombia (tên dân nghiện gọi khu mua bán ma tuý nhỏ lẻ) đang tàn sát nhiều mái ấm gia đình. Dân của khu I này do nằm giáp sông Cầu nên chủ yếu là lao động phổ thông, trong đó nhiều nhất làm nghề cơ giới vận tải tàu thuyền. 3 đối tượng nghiện ở khu I này đã có HIV, trong đó có một trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS đã tử vong.

Ma tuý ở Đáp Cầu gần đây đã dịu đi do Công an TP Bắc Ninh và các ngành chức năng truy quét tổng lực, cùng với đó là các biện pháp xã hội như cai nghiện tập trung, đào tạo, dạy nghề… Nhiều vụ buôn bán ma tuý được xét xử lưu động. Bà Nguyễn Thị Nhường bị bắt trong đợt truy quét ma tuý với các tép heroin giấu trong người. "Đứa thứ 9 bị nghiện, nó thường lên cơn vật vã, bắt tôi đi mua ma tuý. Thương con, tôi đi mua, một lần, rồi hai lần…" - bà kể.

Khi con nghiện nặng, những thứ trong gia đình không còn, ti vi, xe đạp, đến cái chậu nhôm thời Liên Xô cũng bay nốt. Người mẹ từng xuôi ngược chạy chợ với nồi cơm chia mười, nay lâm cảnh bần hàn, vay mượn hàng xóm mua chất nghiện chiều con. Nhưng khi hàng xóm biết gia cảnh, đồng bạc vay mượn quá khó, nghĩ không ra, người mẹ đã "tìm cách sinh lợi" trái phép là mua đi bán lại thứ bột trắng.

Bị bắt, người bà đờ ra, bà khai rõ ràng. Vì lẽ đó, khi xét xử và cân nhắc bản án, tòa án đã tính kỹ các yếu tố chi phối khiến người mẹ vì thương con không đúng cách mà làm điều phạm pháp. Bản án dành cho bà Nguyễn Thị Nhường là có lý, có tình...

Giờ thì đứa con thứ 9 đã chết sau thời gian suy kiệt vì ma tuý. Những ngày ở trại, bà Nhường được giao những việc làm vừa sức như nhặt rau, đơm cơm. Khi mệt, bà được nghỉ ngơi, có nhân viên y tế theo dõi sức khỏe. Trong Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước ghi rõ với người già trên 70 tuổi nếu chấp hành đủ 1/4 thời gian, cải tạo khá, tốt sẽ được xem xét, hưởng ân huệ đặc xá của Nhà nước.

Tích cực cải tạo là tự rút ngắn đường về.

Có tên trong danh sách đề nghị đặc xá treo ở bảng tin phía trước phân trại, Nguyễn Thị Thanh phấn chấn: "Tôi còn 3 con đang đi học. Nay lại sắp năm học mới rồi". Hôm nghỉ hè, con gái đến trại thăm mẹ, nói rằng sắp tới nhà trường thông báo nộp nhiều khoản, cả ba chị em cộng lại trên 3 triệu đồng. Rồi tiền sắm xe vì chuyển cấp, chị em không đi chung xe nữa.

- Thế bố các cháu? 

- Bố cháu mất từ lâu. Có lẽ, nếu còn bố, tôi tỉnh táo không lạc cái nghề đã phạm - người phụ nữ tuổi 49 phân trần.

Nguyễn Thị Thanh bị bắt về hành vi môi giới mại dâm, án phạt 42 tháng tù giam. Ở Dĩnh Kế, Bắc Giang, khi cuộc sống nhộn nhịp với một số "gương" làm ăn giàu có bất chính làm Thanh lóa mắt. Không ít cô gái thôn quê rơi vào cạm bẫy buôn bán thân xác còn người đàn bà góa chồng tiền bạc bỗng rủng rỉnh, thứ mà trước đó mở hàng tạp vụ kinh doanh có mơ bảy đời cũng không có.

Thanh bị bắt, ra tòa và thụ án tại Trại giam Ngọc Lý hơn 2 năm nay. Nguyễn Thị Thanh phát huy được sở trường may mặc - nghề mà một thời chị dựa vào kiếm sống. Ngày về đã rộng lối, điều đặt ra là sau khi được đặc xá, Thanh phải thực sự hoàn lương, từ bỏ con đường lầm lỗi trước đây

Đăng Trường
.
.
.