Đường về cho những mảnh đời lầm lỗi

Thứ Sáu, 10/08/2018, 08:15
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định mới, lần đầu được quy định trong Bộ luật Hình sự, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tiến bộ, đồng thời khuyến khích người đang chấp hành án phạt tù ăn năn, hối cải, tích cực lao động, cải tạo để được hưởng khoan hồng...


Bài 1: Hành trình tìm lại chính mình

Trong dịp này cả nước có trên 3.000 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đây là cơ hội tốt cho những người lầm lỗi tiếp tục cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội.

Trong thời gian qua, việc triển khai Nghị định 80 ở một số địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định. Song trên thực tế, công tác giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù để họ hoàn lương vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài năng lực trình độ và tay nghề còn có một rào cản rất lớn là sự e ngại của một số doanh nghiệp không muốn tiếp nhận người có quá khứ lầm lỡ vào làm việc.

Câu chuyện về quá trình hoàn lương của họ, phần nào đã nói lên những khó khăn của họ trong hành trình tìm lại chính mình của những người từng một thời lầm lỡ. Qua đó cũng cho thấy đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì sự giúp đỡ còn cần thiết hơn bao giờ hết.

Anh Lưu Mạnh Tiến và Đặng Văn Thơm trong một ngày lao động.

1. Men theo con đường đê gập ghềnh, chúng tôi tìm đến xưởng tàu nằm tại TP Việt Trì (Phú Thọ) vào một ngày mưa sụt sùi. Hơn 16h, bầu không khí làm việc tại khu xưởng sửa chữa tàu có tiếng ở thành phố ngã ba sông vẫn nhộn nhịp, tất cả đều hối hả để kịp tiến độ giao hàng.

Bên chiếc máy cẩu, anh Đặng Văn Thơm (39 tuổi, trú tại TP Việt Trì) đang khéo léo điều khiển chiếc cẩu, gắp từng tấm tôn nặng vài tạ còn anh Lưu Mạnh Tiến cũng vận hành chiếc máy cắt..., mồ hôi rịn ra như tắm.

Nhìn họ cần mẫn làm việc, chẳng ai nghĩ rằng hai người đàn ông đó từng có một thời lầm lỡ. Anh Tiến từng bị tuyên án chung thân về hành vi cướp tài sản những tưởng chẳng bao giờ có cơ hội trở lại với cuộc sống thường ngày, còn anh Thơm cũng từng bị tuyên phạt 2 năm, 6 tháng về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. 

Câu chuyện về cuộc đời, về nghị lực vươn lên của hai con người từng có một thời lầm lỡ để tìm lại chính mình, trở thành công dân có ích cho xã hội đã khiến chúng tôi thêm hiểu về những khó khăn của người đặc xá, tha tù, khi trở lại với cuộc sống thường ngày... Nếu không có sự đồng hành của gia đình; sự giúp đỡ của cộng đồng và chính quyền địa phương thì đường về của họ sẽ gập nghềnh và đầy những trông gai, thử thách.

Rót chén trà ấm nồng, anh Lưu Mạnh Tiến và Đặng Văn Thơm chậm rãi kể lại cuộc đời của mình: Lưu Mạnh Tiến và Đặng Văn Thơm sinh ra trong những gia đình thuần nông tại tỉnh Phú Thọ. Nhà Tiến nghèo lắm, quanh năm ăn bữa nay lo bữa mai nhưng chẳng chí thú làm ăn... 

Để có tiền tiêu xài, Tiến cùng đồng bọn sử dụng vũ khí quân dụng, liên tiếp gây các vụ cướp tài sản ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, Tuyên Quang. Vụ án vào thời điểm đó gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. 

Nhiều năm đã trôi qua nhưng anh Tiến vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh đó, ngày 4-6-1994. Sau khi Bùi Đăng Khuyên rủ đi cướp tài sản, anh Tiến đồng ý. Tiến chuẩn bị hung khí là một con dao bấm, còn Khuyên mang theo một khẩu súng K54. Sau đó, Tiến và Khuyên sử dụng chiếc xe máy Dream II là tang vật của vụ cướp làm phương tiện gây án. 

Trong vụ án này, Tiến đã áp sát xe của nạn nhân xuống bờ kênh còn Khuyên dùng súng chĩa vào họ, uy hiếp, buộc họ phải đưa tiền và tài sản. Có vụ án, đối tượng Khuyên liều lĩnh chĩa súng bắn nạn nhân bị thương còn Tiến cũng dùng dao gây thương tích cho người bị hại... 

Nhưng đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma, Khuyên và Tiến sau đó đã bị bắt giữ. Đối tượng Khuyên bị tuyên án tử hình về các tội giết người, mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép vũ khí quân dụng còn Tiến bị tuyên phạt chung thân về tội cướp tài sản.

Với bản án này chưa bao giờ Tiến nghĩ đến việc sẽ được trở lại xã hội. Người đàn ông đó luôn ôm trong mình mặc cảm tội lỗi và là sự ân hận với những người thân trong gia đình. Những ngày trong trại giam, sự giúp đỡ của các cán bộ quản giáo đã giúp Tiến hiểu ra sai lầm, tiếp tục cải tạo tốt. Và sau 16 năm thụ án, đối tượng được ra tù...

Cũng như Tiến, khi thực hiện hành vi phạm tội, Đặng Văn Thơm đã là người chồng, người cha... Song thay vì việc phải có trách nhiệm với bản thân, làm gương cho các con thì anh ta lại đua đòi chúng bạn sử dụng trái phép chất ma túy. 

Khi thấy chồng thường xuyên ngáp ngắn, ngáp dài, bỏ bê việc làm ăn thì vợ và con của Thơm mới biết anh ta sử dụng trái phép chất ma túy. Và như những người từng có một thời lầm lỡ khác, khi trở về với xã hội, cả Tiến và Thơm đều mang trong mình mặc cảm tội lỗi. 

“Có những lúc chúng tôi đã mặc cảm, muốn buông bỏ tất cả... Bởi thực tế, một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường, có đầy đủ bằng cấp, một lý lịch trong sạch tìm được một công ăn, việc làm còn khó chứ một người đã có vết chàm như chúng tôi thì gian nan hơn nhiều” chia sẻ với chúng tôi, anh Tiến và Thơm cho biết.

Giữa lúc đang đứng ở ngã ba đường, họ nhận được sự giúp đỡ của Công an TP Việt Trì; của chính quyền địa phương nơi cư trú. Công an TP Việt Trì đã đứng ra bảo lãnh, giúp anh Thơm và Tiến có được một việc làm ổn định, phù hợp với trình độ chuyên môn.

2. Cũng chỉ vì hám lợi trước mắt, anh Nguyễn Đình Chẵn (46 tuổi, trú tại thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cũng vướng vào vòng lao lý. Vào thời điểm đó, bản án 2 năm 6 tháng tù về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã khiến anh suy sụp hoàn toàn... 

Những ngày ở trong tù, anh Chẵn nghĩ nhiều đến người con lớn đang học đại học năm thứ hai còn cậu con trai nhỏ tuổi cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bởi vào giai đoạn các con cần đến người cha, người đàn ông trụ cột trong gia đình thì anh lại vướng vòng lao lý... 

Nhưng cũng chính những ngày tháng được giáo dục trong xã hội thu nhỏ ấy đã giúp anh hiểu rằng, cánh cửa cuộc đời không bao giờ đóng lại với những người biết vươn lên, thành tâm hối cải. Sau khi ra tù, anh Chẵn đã mở rộng xưởng sản xuất vàng mã của gia đình. Với sự giúp đỡ của người thân, đến thời điểm này, xưởng sản xuất của anh đã tạo điều kiện cho hàng chục lao động, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, những người đã thoát ra từ vũng bùn tội lỗi đều tâm sự rằng khi ra tù, họ đều có mặc cảm với gia đình và xã hội. Có khi chỉ một ánh mắt, cử chỉ cũng cảm thấy nao lòng... Vì thế, sự gần gũi của gia đình, sự giúp đỡ của lực lượng Công an và chính quyền địa phương lúc đó như một chiếc cầu nối giúp họ vượt lên những khó khăn, trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Với những người đã chấp hành xong án phạt tù đã vậy, những người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Vì thế, cần lắm những cán bộ Công an tâm huyết với nghề và sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã...

Xuân Mai
.
.
.