Kỷ niệm 64 năm khởi nghĩa Ba Tơ - Quảng Ngãi (11/3/1945 - 11/3/2009):

Đường tới tương lai

Thứ Ba, 10/03/2009, 08:34
Cách đây 64 năm, vào ngày 11/3/1945, cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của đồng bào các dân tộc huyện Ba Tơ đã diễn ra. Đây là phát súng mở màn cho hàng loạt những cuộc đấu tranh vũ trang khác giành chính quyền của tỉnh Quảng Ngãi. Sau 64 năm, trên mảnh đất Ba Tơ anh hùng ngày ấy, cuộc sống đã thay da đổi thịt, nhưng vẫn còn đó khí thế hào hùng năm xưa.

Quá khứ hào hùng

Ba Tơ thời thuộc Pháp nổi tiếng là địa danh "rừng thiêng nước độc". Chính vì địa hình hiểm trở và khắc nghiệt ấy mà thực dân Pháp quyết định xây dựng ở đây một nhà tù có tên gọi "Căng an trí" nhằm giam giữ, đàn áp và tra tấn những chiến sĩ cộng sản vừa mãn hạn tù chính trị ở Huế, Buôn Ma  Thuột… với âm mưu giết dần, giết mòn những chiến sĩ cách mạng trung kiên.

Âm mưu thâm độc là vậy, nhưng ngay trong lòng "Căng an trí" những chiến sĩ cách mạng vẫn thành lập một Chi bộ Đảng vào mùa xuân năm 1942. Để qua mắt quân địch, một số đồng chí đã viện cớ bị ho lao, bệnh truyền nhiễm nhằm sống cách ly với mọi người, nhưng thực chất là bí mật in ấn tài liệu, truyền đơn và hội họp.

Đến tháng 12/1944, cơ sở Đảng đã được củng cố và phát triển lan rộng. Khi thời cơ đã chín muồi, tại lò gạch Nước Năng cách đồn Ba Tơ 100m về hướng Đông, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập gồm 5 đồng chí: Trương Quang Giao (Bí thư) cùng 4 ủy viên: Trần Lương, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn và Trần Quí Hai. Đây chính là những đồng chí trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ sau này.

Trước sự kiện ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào tối 10/3/1945 tại dốc Ông Tài với nội dung: Bàn phương án, kế hoạch chớp thời cơ cướp chính quyền - thành lập UBND cách mạng lâm thời và đội du kích Ba Tơ. Cuộc họp đi đến thống nhất khởi nghĩa cướp chính quyền vào ngày 11/3.

Ngay trong trưa đó, Tỉnh ủy và Ban khởi nghĩa đã tỏa ra khắp các bản làng vận động, kêu gọi nhân dân kéo về quận lị Ba Tơ để khởi nghĩa. 15h chiều cùng ngày, hàng vạn người đã kéo về quận lị với giáo gươm, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rợp trời kéo đi khắp nơi hô vang những khẩu hiệu: Quyết đánh, quyết thắng, quyết giành chính quyền về tay nhân dân.

Ban khởi nghĩa vũ trang đã kêu gọi quần chúng vũ trang chiếm Nha kiểm lý, bắt sống Nha trưởng Bùi Danh Ngũ và tay chân, thu giữ sổ sách, tiền bạc và vũ khí. Thừa thắng xông lên, đội vũ trang tiến thẳng vào đồn Ba Tơ (lính khố xanh) buộc tên giám binh và lính Pháp phải rút xuống hầm tháo thân lên Kon Tum.

Bảo tàng Ba Tơ.

Đến sáng 12/3/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh của hàng ngàn quần chúng tại huyện lị. Trong không khí trang nghiêm và uy nghi, Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân Pháp. Thành lập UBND cách mạng lâm thời Ba Tơ. Thành lập đội du kích vũ trang Ba Tơ gồm 28 đội viên. Xóa hết mọi nợ nần sưu cao thuế nặng với người dân, chiến lợi phẩm thu được chia đều cho người dân và trang bị vũ trang cho đội du kích.

Cho đến đầu tháng 8/1945, đã có hàng ngàn đội viên từ đội du kích Ba Tơ chuyển về đồng bằng tham gia cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Sau ngày khởi nghĩa thành công, đội du kích Ba Tơ đã trở  thành lực lượng nòng cốt đi xây dựng lực lượng vũ trang cho các tỉnh Nam Trung bộ.

Tương lai tươi sáng

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi trở lại xã Ba Động, thăm địa danh Suối Loa, nơi ghi dấu cuộc họp trọng đại ngày ấy và cảm nhận sự thay da đổi thịt của mảnh đất này.

Chủ tịch UBND xã Ba Động Lê Văn Hữu hồ hởi thông báo: Cách đây chừng 5 năm, xã Ba Động có đến 46% hộ nghèo, thì nay con số ấy chỉ còn 9,2%. Có được thành quả này, trước hết phải kể đến sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng và người dân tiếp cận ngày càng nhiều với các nguồn vốn vay của Nhà nước để phát triển kinh tế.

Hiện xã Ba Động có 3 vùng chuyên canh cây nguyên liệu; mía cung cấp cho Nhà máy Đường Phổ Phong, nguyên liệu giấy phục vụ công nghiệp và trồng rừng. Xã có 7 thôn và 13 khu dân cư với 98% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Hệ thống điện - đường - trường -trạm đã được chuẩn hóa. Đặc biệt vừa qua xã đã có 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - Trần Trung Chính cho biết: Tốc độ tăng trưởng đạt 13%, trên lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Vì thế năng suất lúa trong những năm qua đều tăng (40tạ/ha), đảm bảo an ninh lương thực với tỷ lệ 371kg/người/năm.

Ông Trần Trung Chính khẳng định: Ba Tơ đang đi đúng hướng khi chú trọng đến lợi thế của địa phương về các vùng nguyên liệu; mía 2.000ha, mì 1.000ha và trong thời gian vài năm nữa sẽ phấn đấu tăng lên gấp đôi đạt kế hoạch 10.000ha cây nguyên liệu các loại. Từ chính sách này, sẽ giữ vững sự tăng trưởng và bứt phá cho các xã: Ba Thành, Ba Trang, Ba Khâm, Ba Lế, Ba Nam, Ba Dinh.

Với độ che phủ rừng đạt 54%, khi vừa qua hết đèo Đá Chát, trải ra trước mắt chúng ta là bạt ngàn cây xanh. Đây là hệ quả của nhiều năm tìm tòi và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế. Nếu rừng đạt độ che phủ 54% thì sóng phát thanh - truyền hình ở Ba Tơ cũng đạt xấp xỉ 90%, tổng thu trên địa bàn đạt 40-45 tỷ. Các chương trình 134, 135, định canh - định cư, WB3 đều mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Già làng Phạm Đức Trinh, xã Ba Chùa tâm sự: Khi cuộc khởi nghĩa Ba Tơ diễn ra, tôi còn rất nhỏ nên không cảm nhận được khí thế cách mạng ngày ấy. Nhưng nhìn vào sự đổi thay của huyện nhà hôm nay, tôi như cảm nhận được hào khí năm xưa đã và đang tiếp sức cho mảnh đất này.

Những chiến sĩ Ba Tơ ngày ấy giờ còn rất ít, nhưng những thế hệ con cháu ở Ba Tơ. đang từng ngày dựng xây quê hương, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu với tinh thần: Quyết làm, quyết thắng

Đông Hải
.
.
.