Đường tới địa ngục của “mẹ già” giang hồ đất Cảng
>> Hải "bánh" và kế hoạch lấy số Dung "Hà"
Bị bắn chết ở giữa Sài Gòn, nơi mà người đàn bà này những tưởng không có kẻ giang hồ nào dám động đến gót chân, vụ án Dung "Hà" đã một thời làm xôn xao dư luận bởi nó chính là sự khởi đầu cho một chuyên án lớn: Chuyên án Z501 - điều tra về các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam.
Lớn lên từ đám "ong", "ve" trên hè phố rồi tiếp tục trượt dài trong tội lỗi bởi những cuộc thanh toán sặc mùi máu và ớn lạnh đao, kiếm để tranh giành lãnh địa, lấy "số má", Dung "Hà" đã có lúc leo lên được địa vị của bà trùm, không chỉ trong giới giang hồ đất Cảng, nơi thị sinh ra mà còn cả ở Sài Gòn.
Nhưng rồi, như một sự trả giá, cuộc đời của trùm giang hồ Dung "Hà" đã phải kết thúc một cách đớn đau, ê chề bởi những phát đạn, cũng của chính giang hồ.
Từ “ong ve” bên lề đường chợ Sắt
Trạng Trình là một con phố nhỏ nằm bên này sông Lấp. Gọi là "sông Lấp" nhưng thực tế đó lại là một con sông quanh năm nước cả, dài dễ đến vài cây số chạy suốt từ Nhà triển lãm thành phố đến bến xe Tam Bạc. Ở bờ bên này sông, điểm mút cuối cùng là chợ Sắt. Còn ở bờ bên kia sông, điểm mút cuối cùng là... Trại tạm giam. Không biết có gì hữu ý không trong sự phân chia tự nhiên này, khi mà tất cả đám giang hồ cộm cán nhất ở Hải Phòng hầu như đều tập trung ở cả hai đầu mút này: chợ Sắt và Trại giam.
Bây giờ chợ Sắt đã được xây mới trở thành Trung tâm thương mại hoành tráng, ốp kính sáng choang bốn bề. Nhưng từ nhiều năm trước đây, khi chợ Sắt chỉ là một khu chợ lúp xúp thì nó đã là một địa chỉ kinh doanh sầm uất nhất Hải Phòng mà bằng chứng là khi nhắc đến TP Cảng là nhắc đến chợ Sắt. Người ta có thể tìm thấy tất tật những gì cần tìm ở đây: từ hàng may mặc đến hàng ăn - từ quần bò, áo phông đến mắm tôm, cá khô; từ cái cờ lê, con ốc vít đến cả những bộ dàn âm thanh mà giá cả tính bằng đơn vị cây vàng; từ món đồ chơi trẻ em đến những chiếc xe máy đắt tiền.
Và, trong những mớ hàng hóa hầm bà làng đó, đồ chôm chỉa cũng khá nhiều nên cũng chẳng phải là quá lời khi nói rằng chợ Sắt là trung tâm tiêu thụ đồ gian lớn nhất Hải Phòng. Suốt một dãy phố dài bên này sông Lấp phía chợ Sắt từ Quang Trung, Trạng Trình, Tam Bạc... không chỉ có những người kinh doanh buôn bán mà giang hồ Hải Phòng cũng tập trung về đây, kiếm sống bằng nghề chôm chỉa, bảo kê, lừa lọc ở cái con phố lúc nào cũng tấp nập người bán kẻ mua này.
Dung “Hà” sinh ra và lớn lên ở đây, trong một ngôi nhà nhỏ ở trong một con ngõ cũng nhỏ ở phố Trạng Trình. Dung (tên thật là Vũ Hoàng Dung) sinh năm 1965 là con gái út, trên Dung còn có 2 chị gái và một anh trai. Sự phức tạp của cuộc sống bên lề chợ Sắt, bước ra khỏi cửa nhà là nhìn thấy lừa lọc, trộm cắp, là chạm mặt giang hồ cộng với bản tính ngỗ ngược vốn có đã khiến Dung quăng mình ra lề đường từ rất sớm. Dân chợ Sắt thời ấy đã quá quen với hình ảnh một cô gái mặt còn non choẹt nhưng nom rất ngông nghênh.
Dù sở hữu một gương mặt khá xinh xắn với nước da sáng, mũi thẳng nhưng khác với những cô gái khác, Dung “Hà” toàn ăn vận theo kiểu đàn ông. Trong trang phục được coi là mốt của giang hồ thời đó với quần dõng (quần bộ đội) rộng thùng thình, áo mông-tơ-ghi cổ bẻ, dép đúc bộ đội, nhìn Dung “Hà” không ai tin được đó lại là một cô gái.
Trở thành "ong ve" (từ lóng chỉ đám giang hồ vặt) từ khi còn ở tuổi thiếu niên nhưng ở thời kỳ này, Dung “Hà” cũng chỉ bắt đầu cuộc đời giang hồ bằng những trò trộm cắp, giật đồ vặt vãnh ở quanh khu vực chợ Sắt chứ chưa liều lĩnh. Thế rồi, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Giữa năm 1986, trong một lần cướp giật đồ của người đi đường ở khu vực chợ Sắt, Dung “Hà” bị bắt và bị đưa về bên kia sông Lấp, tạm giam trong Trại tạm giam Hải Phòng. Khi ấy, Dung “Hà” mới 21 tuổi và bản án 12 tháng tù giam về tội cướp giật do Tòa án Nhân dân quận Hồng Bàng tuyên phạt là tiền án đầu tiên đánh dấu giai đoạn làm "ong ve” của Dung “Hà”.
Nhưng bản án tù đầu tiên không làm Dung “Hà” thức tỉnh mà trái lại nó lại được coi như một "điểm cộng" trong thang giá trị đen theo quan niệm lệch lạc đến bệnh hoạn của giới giang hồ. Ra tù, Dung “Hà” lại trở lại lề đường chợ Sắt nhưng lần này, khi đã lận lưng một tiền án, thì với đám giang hồ, địa vị của Dung “Hà” đã bắt đầu khác. Cũng vào thời kỳ này, theo đồn đại của giới giang hồ thì Dung “Hà” cũng đã bắt đầu yêu. Thì ra, giấu bên trong vẻ ngoài đàn ông, ẩn đằng sau sự ngang tàng, ngông nghênh vẫn là một trái tim đàn bà, cũng loạn nhịp khi gặp một "tri kỷ". Nhưng "tri kỷ" của Dung, tiếc thay, lại cũng là một giang hồ và là một giang hồ có số má ở Hải Phòng thời đó. Ấy là Hùng, biệt danh Hùng “cốm”.
Sau này, có người bảo rằng, giá như Dung Hà gặp được một người khác, không phải giang hồ thì biết đâu cuộc đời Dung sẽ khác, biết đâu cô ấy sẽ hoàn lương. Bởi tình yêu, với bản chất tốt đẹp của nó thường làm nên những điều kỳ diệu mà đôi khi vượt xa cả những tưởng tượng dù là hoang đường nhất. Nhưng mà, Dung “Hà” là một giang hồ nên tri kỷ với một giang hồ, âu cũng là điều khó tránh khỏi.
Phố Trạng Trình, nơi Dung “Hà” đặt sòng bạc. |
Nhà Hùng “cốm” trước đây ở đường Lạch Tray, gia đình lương thiện, chỉ có mỗi mình Hùng là hư hỏng từ nhỏ. Hùng vào tù ra khám nhiều như cơm bữa và giang hồ Hải Phòng những năm 1985 - 1990 chưa có kẻ nào qua mặt được Hùng. Là người yêu của Hùng, cộng thêm với bản tính ngỗ ngược vốn có, đương nhiên Dung được xếp vào chiếu trên, và tất nhiên được đám đệ tử coi như bề chị. Cứ thế, cùng với tình yêu kiểu trai tứ chiếng gặp gái giang hồ, Dung mỗi ngày một nổi tiếng hơn, đồng nghĩa với việc mỗi ngày càng dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi.
Thế rồi Hùng bị bắt vì tội cướp và bị giam tại Trại tạm giam Hải Phòng. Là đại bàng ngay cả khi đã ở tù, Hùng cùng với một số tên khác đã đánh chết một phạm nhân cùng buồng giam và vì tội trạng này, Hùng bị tuyên án tử hình. Bị biệt giam, Hùng như con hổ lồng lộn trong chuồng, và một lần lợi dụng lúc được đi tắm, Hùng đã chạy vuột ra phía cửa hòng vượt ngục. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát bảo vệ trại giam ở tháp canh phía ngoài đã kịp thời nổ súng ngăn chặn.
Vụ vượt ngục không thành này của Hùng "cốm", sau này được giới giang hồ Hải Phòng truyền nhau rằng, do chính bàn tay đạo diễn của Dung “Hà”. Nếu trót lọt, Hùng “cốm” sẽ trốn sang Hồng Công bằng đường biển theo một đường dây mà Dung đã sắp đặt sẵn. Sau khi bị bắt trở lại, Hùng "cốm" đã tự tử trong buồng giam và mối tình của Dung “Hà” đã đi vào dĩ vãng nhưng nó đã đánh dấu sự trượt dốc không phanh của người đàn bà này xuống vực thẳm của tội lỗi. Sau vụ vượt ngục, dù là bất thành, của Hùng "cốm", tiếng tăm Dung “Hà” mỗi ngày một nổi như cồn và như thế, hy vọng hoàn lương của người đàn bà tội lỗi này ngày càng xa ngái...
Sau cái chết của Hùng "cốm", sau khi từ hàng “ong ve” được đẩy lên thành đàn chị, năm 1991, Dung “Hà” lại bị bắt giam một lần nữa bởi tham gia vào một vụ gây lộn, cũng ở chợ Sắt. Lần này, Dung Hà bị xử 7 tháng tù giam. Thêm một tiền án, lại thêm một "điểm cộng" trong giang hồ, đồng nghĩa với việc dấn sâu thêm nữa vào con đường tội lỗi...
Đến bà trùm của công ty cờ bạc
Bấy giờ, ở Hải Phòng, cùng ở hàng “soái” như Dung Hà còn có 2 người nữa. Đó là Cu Nên (nhà ở đường Lạch Tray) và Lâm “già” (nhà ở đường Lê Lợi). Nhưng Cu Nên và Lâm “già” đã nổi trước Dung “Hà” một thời gian khá lâu, suốt từ thời Dung Hà còn ở hàng "ong". Thời đó, Cu Nên và Lâm “già” đối nhau như "nước" với "lửa", đám “ong ve” tay chân của hai bên lúc nào cũng trong tư thế đối đầu nhau để tranh giành lãnh địa hoạt động cờ bạc, bảo kê. Có lần, ngôi nhà của Nên ở đường Lạch Tray bỗng nhiên bị kẻ lạ mặt nào đó nhằm vào nhả đạn. Đoán chắc là đàn ong của Lâm “già” muốn đến gây chuyện, thế là chỉ ít phút sau Cu Nên cũng lập tức cho đám thuộc hạ vác súng đến nhà Lâm “già” ở đường Lê Lợi bắn trả. Cho đến khi Dung “Hà” nhoi lên hàng soái thì đối đầu nhau không chỉ có Cu Nên và Lâm “già” mà còn thêm cả Dung “Hà” nữa.
Tuy ít hơn Lâm già và Cu Nên đến gần chục tuổi, lại nhoi lên hàng "soái" sau nhiều năm nhưng về độ liều lĩnh, Dung “Hà” luôn tỏ ra vượt trội. Phần vì để chứng tỏ bản lĩnh giang hồ. Phần vì để tranh giành lãnh địa hoạt động của kẻ đến sau.
Cũng giống như tất cả các soái khác, lên hàng chị, Dung thôi mấy ngón nghề trộm cắp, giật dọc vặt vãnh ở lề đường chợ Sắt. Bởi lẽ, mấy thứ ấy chỉ đám "ong ve" mới làm. Từ trộm cắp, giựt dọc, khi đã có trong tay cả bầy đệ tử sẵn sàng đao búa, Dung bắt đầu chuyển qua làm trùm cờ bạc. "Con đường chuyển đổi" này của Dung cũng giống như tất thảy các soái khác. Cu Nên, Tin Palét và ngay cả sau này là Năm Cam, tất cả đều như vậy. Bảo kê và cờ bạc là đích đến của tất cả các ông trùm. Bởi, lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn.
Theo cách của Cu Nên lúc bấy giờ, Dung “Hà” cũng chơi bạc theo kiểu "công ty". Sở dĩ gọi là "công ty" là vì chơi bạc kiểu này "nhà cái" không chỉ có một người. Nhiều người sẽ cùng góp vốn, số tiền góp này gọi là "tiền tẩy" và được đựng vào trong một cái thùng gọi là "thùng tẩy". Khi thắng bạc, tiền thắng sẽ được gom vào thùng tẩy. Khi thua bạc thì rút tiền ở trong thùng tẩy ra thanh toán. Kết thúc canh bạc, thùng tẩy sẽ được mở, toàn bộ số tiền trong đó sẽ được chia cho những người góp tẩy theo tỉ lệ tiền tẩy đã đóng góp.
Vào thời điểm những năm 1994-1995 thì tại Hải Phòng đây là một hình thức tổ chức cờ bạc mới và chỉ có những giang hồ có số má mới dám làm. Lẽ vì, kết thúc canh bạc, nếu thắng mà thùng tẩy bị cướp thì cũng coi như những người góp tẩy mất trắng cả cơ nghiệp. Mà ác nỗi là sẽ phải ngậm đắng nuốt cay, không dám hé răng khai báo với công an. Phần vì sợ giang hồ trả thù. Phần vì, đánh bạc là phạm tội nên báo công an chả khác gì tự chui đầu vào rọ, chết cả lút.
Công ty cờ bạc của Bùi Văn Q. ở Kiến An đã có lần bị Phạm Đình Nên và đám đệ tử của ông trùm này cậy thế giang hồ để cướp tẩy kiểu này mà phải cắn răng chịu nhục. Số là vào quãng đầu năm 1995 cùng 7 người nữa cùng góp tẩy để mở công ty cờ bạc tại nhà Q. Công ty mở được độ chục ngày thì Phạm Đình Nên cùng 2 đệ tử sang xin góp tẩy. Lúc bấy giờ, tiếng tăm của Nên đã lừng lẫy trong giang hồ Hải Phòng nên dù thực bụng không muốn nhưng Q. vẫn phải đồng ý. Góp tẩy xong, Nên quay về Hải Phòng, để rồi 3 ngày sau lại quay lại. Nhưng lần này Nên mang theo súng. Khi ông trùm vén áo, rút khẩu súng K59 chẳng nói chẳng rằng, lạnh lùng vứt ra giữa chiếu bạc thì cũng là lúc hai đệ tử từ tốn bước vào, thản nhiên bê thùng tẩy ra ngoài, quẳng lên ôtô, chạy thẳng về Hải Phòng.
Mất sạch vốn liếng, Q. và đám góp tẩy căm lắm, tiếc tiền đứt ruột nhưng đành phải nuốt nước mắt vào trong. Công ty cờ bạc của Q., sau vụ cướp tẩy trắng trợn này phải ngậm ngùi đóng cửa. Cho đến khi Dung “Hà” xuất hiện. Đó là một buổi chiều muộn. Dung cùng một bầy “ong”, tất cả đều cưỡi RingBell, đen chấy và bóng nhẫy, sầm sập đổ vào nhà Q. Dung Hà dẫn đầu, thò tay vào túi quần dõng rộng thùng thình lôi ra một bọc tiền vứt xuống giữa nhà, hất hàm bảo Q: "Tiền tẩy của tôi đấy". Thấy bọc tiền, mắt Q. sáng lên nhưng nghĩ đến khẩu súng của Nên hôm trước là Q. lại run bần bật: "Em không dám nhận tẩy đâu. Công ty em từ bữa anh Nên qua, đóng cửa rồi! Em sợ...". Không đợi cho Q. nói hết câu, Dung “Hà” phẩy tay, mắt long lên sòng sọc: "Cứ mở lại công ty, thằng nào muốn cướp tao thách sang đây mà cướp".
Biết uy của "chị", Q. thoát khỏi mối lo bị mất thùng tẩy nên thành lập lại công ty. Công ty này mở được chừng vài ba ngày thì đám chim lợn đánh hơi thấy sòng bạc này có dấu hiệu bị lộ nên đã chuyển về Núi Đèo, Thủy Nguyên, một địa điểm cách đó chừng chục cây số để hoạt động. Góp tẩy vào đây, Dung Hà thắng lớn vì số lượng con bạc đến chơi rất đông, ngày ít khoảng chừng 20 con bạc, ngày nhiều lên tới 40. Cũng nhờ vào "uy" của Dung “Hà” mà Q. và đám góp tẩy trong công ty vớ bẫm
(Còn tiếp)