Đưa xóm “nhà thuyền” Phúc Xá lên bờ

Thứ Bảy, 24/06/2017, 00:45
Nhớ về cuộc sống ngày trước, chị Thanh kể, lúc đứa bé thứ hai được mười ngày tuổi thì đúng đợt nước lũ về bất chợt. Nước lên thuyền lên làm cả nhà phải trắng đêm để canh. Lo lắng vì nhà thì cứ giữa dòng, chồng thì sức khỏe yếu nên chị Thanh phải… nhảy xuống nước, bơi vào để kéo thuyền vào bờ. Hiện giờ, hai vợ chồng và ba đứa con đã sinh sống rất lâu năm bên ven sông Hồng đã chuyển lên bờ sinh sống.


Cùng CSKV phụ trách khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội), chúng tôi đi xuống bãi đất ven sông Hồng trong cái nắng gắt trưa hè đang phủ trên con đường đất. Trên lối đường đất xen giữa những bãi phế liệu, chúng tôi ghé thăm anh Vũ Văn Học và chị Nguyễn Thị Thanh, là một hộ thuyền đã rời nước. Có khách, hai vợ chồng anh liền mời vào trong chiếc lán tạm nhỏ, dựng từ những miếng gỗ, tấm lợp xi măng.

Anh Học đôi chân run run, ngồi trên tấm phản, nói: “Được chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ nên vợ chồng tôi chuyển lên sống trên này, đến lúc có quyết định chính thức sẽ chuyển vào sống tại khu trọ phía trên”.

Từ khi chuyển lên bờ, gia đình anh Học được cho “mượn” một  mảnh đất nhỏ ven sông để cất lán, trồng hoa màu, chăn nuôi. Đất sông tốt nên khoảnh rau nhỏ phía ngoài xanh mướt. Chị Thanh phấn khởi kể chuyện nhà chắt góp tiền bán rau, lại có khoảnh đất để dựng chuồng nên tháng Giêng vừa rồi mua con lợn nái, mới đây đã đẻ được lứa lợn 5 con, nhờ thế mà kinh tế gia đình phần nào ổn định hơn.

Xuôi thêm một đoạn qua ruộng ngô đã thu hoạch trên bãi cạn, chúng tôi tới nhà bà Nhàn.  Bà Nhàn 68 tuổi, hiện đang sống cùng chồng là ông Nguyễn Văn Bé, 73 tuổi trên căn nhà thuyền dựng từ năm 2012. Từng nhiều năm sống tại bãi giữa sông Hồng nay chuyển vào lạch trong, lớp bạt che phủ mái nhà cứ bạc đi theo mưa nắng.

Bà Nhàn chia sẻ: “Về khó khăn vật chất thì cuộc sống sông nước dưới này thiếu đủ thứ. Điện, nước dưới này không có, muốn dùng thì mua từ các hộ trên bờ. Chúng tôi già rồi nên làm cũng không đều đặn, đi nhặt phế liệu cứ đôi ba ngày lại đau chân rồi nghỉ nên một tháng chỉ được khoảng 20 ngày có thu nhập”.

Sức khỏe của người chồng ngày một đi xuống, đôi chân bà Nhàn lại bị bệnh khớp mà vẫn thường xuyên phải đi lại hay phải lội nước, thêm những căn bệnh tuổi già khiến cuộc sống thường nhật của bà Nhàn thêm khó khăn. Vì vậy mà khi được vận động di dời, cân nhắc lại hoàn cảnh gia đình mình, bà Nhàn đã đồng ý dù “lạ” với cuộc sống không “tròng trành” phía trên kia.

Gia đình anh Vũ Văn Học hiện đã chuyển lên bờ và bước đầu ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững.

Cạnh đó là chiếc thuyền của nhà bà Thắm, nay đã 85 tuổi. Dù tuổi xưa nay hiếm, nhưng nghe những người xung quanh kể rằng quét dọn, giặt giũ… cứ việc gì ra tiền, ai thuê bà đều nhận. Đã nhiều năm xa quê sống cuộc sống một mình, bà Thắm là một trong những hộ có thâm niên lưu lại tại đây lâu nhất cũng là một trong những hộ đã gật đầu đồng ý.

Kể về những năm mới về địa bàn phường Phúc Xá công tác, Trung tá Bùi Anh Tuấn, Phó trưởng Công an phường Phúc Xá chia sẻ: “Xuống địa bàn thì thấy nhà thuyền nằm ngoài sông, bà con đứng trên mấy chiếc thùng phuy nhựa nửa chìm nửa nổi trước nhà. Đầu dây thừng bên này buộc vào cọc tre cắm trên bờ, cứ thế mà kéo thuyền dập dềnh trôi vào. Mình thấy nguy hiểm mà họ cứ cười xòa”.

Cuộc sống sông nước ven sông Hồng bao năm qua vẫn quen thuộc với việc xin câu nhờ điện, xách nước máy hoặc dùng nước sông; người nơi khác đến mà thấy thì bảo khổ còn người sống ở đó lại quen.

Trung tá Tuấn tiếp câu chuyện: “Khoảng năm 2013 có đợt nước lũ về, khi ấy mức nước sông Hồng đoạn chảy qua cầu Long Biên còn cao. Chúng tôi bảo bà con neo nhà lại rồi lên bờ tránh cho đợt nước to qua hết rồi hãy về thì không ai đồng ý, nhất quyết ở lại. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, tối hôm ấy tôi với mấy anh em phải cắt nhau xuống thuyền… ngủ chung luôn với bà con để phòng nếu lũ về thì kiểu gì cũng sẽ phải đưa mọi người lên bờ. Đến thời gian 2 tháng vừa rồi tích cực vận động và nhận được sự đồng thuận của bà con nên rất mừng”.

Chia sẻ về khó khăn khi mới bắt đầu triển khai vận động người dân, Trung úy Đỗ Thanh Tiệm, người trực tiếp gắn bó với người dân hộ thuyền khu dân cư số 2, phường Phúc Xá cho biết, các hộ mặt nước đã quen với cuộc sống ven bờ sông Hồng nhiều năm, thậm chí có những hộ đã ở tới nửa thế kỷ. Vì duy trì cuộc sống trong khoảng thời gian dài như vậy nên tạo nên những suy nghĩ cố hữu, thói quen sinh sống làm rào cản cho việc thay đổi.

Tuy vậy, sự gần gũi, bền bỉ thuyết phục về nguy cơ mất an toàn sông nước, nhất là thời điểm những năm trở lại đây diễn biến thời tiết rất thất thường đã làm các hộ phải cân nhắc. Và quan trọng là đã cho mọi người thấy mong muốn, mục đích của mình là hướng tới cuộc sống của họ được an toàn, phát triển bền vững nên lâu dần mọi người cũng hiểu và đồng ý làm theo.

Từ sự thống nhất này, CSKV đã đề xuất lên cấp trên sau đó là đề nghị tới phường để tới đây tổ chức một buổi gặp mặt tất cả hộ dân ở các khu vực dân cư trên địa bàn. Sau khi lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng và khó khăn để tìm hướng tháo gỡ, giải quyết thì sẽ chính thức ấn định thời gian để giúp người dân lên bờ.

Tuy nhiên, sau cái gật đầu của người dân sẽ là bài toán: “Các hộ nhà thuyền sẽ chuyển tới sống ở đâu ?”. Theo Trung úy Đỗ Thanh Tiệm đến nay tất cả các hộ dân cư mặt nước tại khu vực dân cư số 2, phường Phúc Xá đều đã thống nhất chuyển dời. Chỉ cần mọi người đồng thuận còn những việc khác, phía chính quyền và lực lượng chức năng đã chuẩn bị sẵn sàng.

“Chúng tôi sẽ sàng lọc các khu vực nhà trọ trên địa bàn phường, chọn những địa điểm đạt yêu cầu về chất lượng, an ninh trật tự, đảm bảo về mức giá thuê hợp lý trong lâu dài. Sau đó sẽ kết nối các chủ nhà trọ và bố trí lượng lượng giúp người dân chuyển nhà”.

Trung Hiếu
.
.
.