Dự án cáp treo biển Vũng Tàu: Đừng là "sản phẩm thừa" của thành phố du lịch

Thứ Năm, 06/07/2006, 08:04

Dư luận Vũng Tàu đang xôn xao bàn tán về dự án xây dựng cáp treo nối liền hai ngọn núi Lớn và núi Nhỏ. Nhiều người cảnh báo, không chỉ xâm phạm di tích lịch sử, công trình cáp treo này sẽ là một “chiếc dây phơi áo” khổng lồ vắt qua thành phố du lịch thơ mộng.

Sáng 29/6, chúng tôi có mặt tại Hòn Sụp, đỉnh núi Lớn, toàn bộ đỉnh núi giờ là một công trường, các xe cơ giới tấp nập đào xúc đất đá san lấp mặt bằng. Ngay sát cạnh là di tích lịch sử giàn ăngten Parabol viba đã được xếp hạng cấp quốc gia cũng bị các xe ben chở đất đá bao kín xung quanh. Các hạng mục hồ chứa nước, mặt bằng xây khu biệt thự cao cấp Đồi Mây, nhà ga cáp treo đang được khẩn trương thi công đều thuộc đất quân sự và đất di tích.

Công trình vượt lên trên dư luận

Lần giở lại hồ sơ di tích lịch sử giàn ăngten Parabol viba lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là hệ thống thông tin do quân đội viễn chinh Mỹ xây dựng năm 1967, có chiều cao 39,6m, được đặt ở đỉnh núi Lớn cao 145,6m. Sóng liên lạc của hai giàn ăngten này rất rộng, từ sông Bến Hải trở vào và các nước lân cận bằng hệ thống cáp ngầm.

Đây là một chứng tích chứng minh cho lịch sử kháng chiến chống Mỹ hào hùng của quân dân Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung. Di tích trên được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận, xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 23/7/1993 theo Quyết định 937/VH/QĐ.

Theo hồ sơ công nhận di tích và sơ đồ của Trung tâm Đo đạc bản đồ, diện tích nằm trong khu vực bảo vệ di tích gồm 14.196m2, đã được các cấp xác nhận, thuộc quản lý của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sát chân giàn di tích lịch sử ăngten Parabol viba là công trường đang thi công.

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, ông Đậu Văn Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch núi Lớn, núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu lại cho rằng, đất của di tích chỉ có 3.000m2 và công trường không hề đụng chạm vào phần đất đó. Nhưng thực tế chỉ có phần diện tích 3.000m2 xung quanh chân giàn ăngten như ông Hóa nói là chưa bị đổ đất, cày xới. Còn các cột chỉ giới di tích cũng đã bị các xe cơ giới phá bỏ hết rồi.

Sáng 27/6, một cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (yêu cầu giấu tên) cho biết: "Trong các cuộc họp của các ban, ngành bàn về vấn đề trên, phía bảo tàng không được mời dự. Thực tế, phía chủ đầu tư cũng cho đổ cột trụ trong khuôn viên di tích Bạch Dinh. Trên đã có công văn thì chúng tôi biết làm sao được".

Nói chuyện với PV, ông Đậu Văn Hóa luôn nói về giá trị của công trình cáp treo mang tầm cỡ khu vực và thế giới, khi công trình đi vào hoạt động sẽ thay đổi diện mạo cả thành phố du lịch này. Về tính pháp lý cho công trình, ông đưa ra các quyết định có chữ ký của các vị lãnh đạo ban, ngành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Về dư luận địa phương, nhà đầu tư còn tổ chức cuộc gặp mặt lấy ý kiến các vị bô lão, cách mạng lão thành thành phố, khách du lịch trong và ngoài nước. Đấy là ông Hóa nói thế, thực tế hoàn toàn trái ngược với kết quả thăm dò dư luận người dân của chúng tôi. Một cán bộ nghiên cứu về văn hóa, lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đề nghị giấu tên) cho biết: Nhà báo cứ đi hỏi 10 người dân Vũng Tàu thì 9 người phản đối công trình cáp treo rồi.

Tại hội nghị trí thức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cuối năm 2005, đại diện giới trí thức tỉnh đã có ý kiến cảnh báo về những hệ lụy từ dự án cáp treo, diện tích đất rừng, đất của Nhà nước bị chuyển đổi mục đích trong tay những đối tượng thủ lợi và khẳng định: "Nếu dự án không được ngăn chặn kịp thời thì việc bê tông hóa hai ngọn núi Lớn, núi Nhỏ không còn xa nữa".

Công trình cáp treo - xin đừng làm "chiếc dây phơi áo khổng lồ"

Nhiều người dân khi hỏi chuyện đã phác họa bảo chúng tôi hình dung khi công trình cáp treo hoàn thành sẽ là "chiếc dây phơi áo khổng lồ" vắt ngang qua các bãi tắm trước mắt du khách. Và đó là hình ảnh phản cảm, không phù hợp với tính chất địa hình ở đây là quãng đường ngắn, ít núi đồi dốc.

Còn rất nhiều bất cập, bức xúc của dư luận xung quanh dự án công trình cáp treo này. Chẳng lẽ những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tiếp tục "không nghe, không biết, không thấy?"

Nhóm PV
.
.
.