Ám ảnh mâm cơm gia đình và thực phẩm bẩn

Đột nhập “xóm liều” (Kỳ 2)

Thứ Sáu, 18/11/2016, 08:16
Một người làm nghề buôn bán thịt heo cho biết, đã từng nhiều lần lấy hàng tại các lò mổ không phép. Anh  bảo chưa từng chứng kiến nhân viên lò mổ bơm nước vào heo trước khi giết mổ, nhưng anh có thể nhận biết đâu là thịt heo bị bơm nước mà thời gian gần đây cơ quan chức năng phát hiện.

Loại thịt heo này có hiện tượng nhơn nhớt. Nhiều khi lấy thịt về làm giò, chả, khi luộc lên miếng thịt vẫn đỏ tươi. Anh này chia sẻ thật lòng: "Ngán nhất là thịt heo quay, các chủ lò heo quay thường mua heo chết về, làm sạch, tẩm hương liệu rồi cho vào lò quay.

Một con heo chết chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng nhưng khi thành heo quay giá đã lên tiền triệu… Anh bảo, sau ngày tận mắt chứng kiến, không bao giờ anh dám đụng đến thịt heo quay nữa".

PV Báo CAND đã theo chân đoàn liên ngành Đồng Nai kiểm tra lò giết mổ của bà N.T.A.T tại xã Long An, huyện Long Thành vào đêm 27-10, lò mổ này không phép. Khi lực lượng chức năng ập vào, trong lò mổ một con heo đã được “xử lý” xong.

"Thợ mổ" đưa cả chân còn đi dép lùa vào bụng heo trong qui trình giết mổ tại cơ sở bà N.T.A.T (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Bên cạnh 4 con đã được tắm rửa, phía ngoài, 9 con heo khác cũng sẵn sàng chờ tới… lượt. Trước cửa chuồng bên cạnh là 2 chậu huyết đầy. Nhân viên lò mổ cho biết, họ mới mổ được 1-2 con nhưng cán bộ thú y trong đoàn phân tích, 2 con thì không thể có 2 chậu huyết đầy như vậy.

Quan sát quá trình mổ heo, chúng tôi thấy, sau khi giết xong, heo được vứt trên nền xi măng, "thợ mổ" thì ở trần, xăm trổ khắp người, cố tình "diễn" trước mặt đoàn cán bộ liên ngành bằng cách vừa hất hàm, vừa dùng động tác trợn mắt lên 1 cái, rồi tay cầm dao, giơ cây mài dao lên, "liếc qua, liếc lại" rất điệu nghệ nhưng đầy sự hăm doạ.

Sau đó, anh ta "diễn" tiếp các thao tác nghề nghiệp. Nhẹ nhàng cúi xuống, thực hiện một đường rạch bụng heo và nhanh chóng lôi tuột nội tạng của heo ra ngoài quẳng cái "bạch" xuống nền xi măng, sát cạnh khu vực thoát nước, vệ sinh của lò mổ. Huyết heo lúc này đã văng lên đầy người và quần lửng thợ mổ.

Đứng lên, anh ta tiếp tục múc một xô nước ở thùng phuy bên cạnh dội ào lên con heo rồi "khùa" cả chân đang đi dép nhựa tổ ong vào mà lùa, sục, dùng chân hất nước lẫn tiết heo đọng trong bụng heo ra ngoài.

Vặn lưng một cái đỡ mỏi rồi thợ mổ này lại "làm động tác" hất hàm nhìn mấy cán bộ kiểm tra và cầm con dao bản lớn thực hiện pha lóc thân heo thuần thục. Từng mảnh thân heo theo tay anh ta được vứt lay lắt trên nền xi măng.

Trong khi đó, một nữ nhân viên dùng vòi xịt mạnh trên nền nhà. Thôi thì nước, rác, tiết heo, phân heo... “đâu có biết đường tránh”, nên các tảng thịt ở trên nền nhà đều lãnh trọn.

Nam thợ mổ tiếp tục với đôi dép tổ ong vừa khùa vào bụng heo đi từ trong khu giết mổ ra ngoài. Bộ đồ lòng vứt ra được nhân viên nữ nhanh chóng làm gấp cho buổi chợ sáng...

Sau khi lực lượng kiểm tra đã ra quyết định xử phạt hành chính, buộc chủ cơ sở xử lý số thịt heo vừa giết mổ bằng cách cho vào… nồi luộc sơ chế. Số heo còn lại lực lượng liên ngành yêu cầu chuyển tới lò mổ có đầy đủ tiêu chuẩn dưới sự giám sát của nhân viên trạm thú y tại địa bàn.

Tuy nhiên, sau khi lực lượng này rời khỏi thì cơ sở có thực hiện theo yêu cầu hay không thì chỉ có… chủ cơ sở biết!

Một cán bộ thanh tra của Chi cục Thú  y Đồng Nai chia sẻ: “Hầu hết các cơ sở giết mổ không phép đều nằm trong khu vực vắng người qua lại, hoặc ở cuối những con hẻm nhỏ, dễ vào, khó ra. Chúng tôi hay gọi là những "xóm liều".

Người làm trong lò mổ không là bà con ruột thì cũng là láng giềng thân thiết. Thợ mổ cũng thường là những người có máu… liều. Có người từng sử dụng chất kích thích. Họ sẵn sàng “thí mạng” với lực lượng chức năng. Có khi chủ lò cố tình mua đất, nhà ở vị trí sâu trong hẻm, nuôi cả đàn chó dữ.

“Ngửi” thấy mùi đoàn kiểm tra, chủ cơ sở thả chó ra, bầy chó sủa inh ỏi, bà con lối xóm cũng là người nhà họ cố tình cho là đánh đuổi trộm, nên nào là vác dao, vác gậy ra hô hoán. Cán bộ thú y giải thích họ mới để yên cho làm nhiệm vụ".

Chưa hết, họ cũng "thức thời" theo thời đại hội nhập. Có lò mổ gắn camera ngay từ đầu hẻm, mọi động tĩnh của đoàn kiểm tra bị họ phát hiện sớm nên khi vào tới nơi chủ nhà mời uống trà rồi… tiễn khách. Phải khó khăn lắm, năm lần bảy lượt mới bắt được quả tang họ đang giết mổ trái phép.

Đề cập tới vấn đề chăn nuôi, giết mổ gia súc an toàn, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương cho rằng, trên 80% số cơ sở chăn nuôi của ta là ở dạng qui mô nhỏ, dưới 10 con heo/cơ sở, đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tổng sản lượng thịt heo. Sản xuất nhỏ như vậy nên có vấn đề đặt ra là liệu thiệt hại gây ra có đủ điều kiện để quy trách nhiệm hình sự?

Từ lúc là con giống tới khi xuất chuồng, một con heo mang lại siêu lợi nhuận đã được “ăn” tới 7 loại kháng sinh, hóa chất, không loại trừ cám có trộn phụ gia chất tạo nạc, bị chích thuốc an thần để tạo độ dẻo cho thịt... Biết bao nguy cơ nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng từ lối làm ăn gian dối.

Nhưng việc giám sát, quản lý nguồn gốc thịt gia súc, nhất là thịt heo, hiện nay theo ông Khương Trần Phúc Nguyên - Chánh Thanh tra Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh than thở: "Hiện, Luật Thú y qui định bỏ kiểm dịch nội tỉnh là vô lý!".

Điều 11 Luật An toàn thực phẩm qui định "Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thẩm quyền đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật”, nhưng nếu bãi bỏ việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong tỉnh sẽ dẫn tới thực trạng không thể truy xuất được nguồn gốc thịt heo, bò, gà.

Vậy khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì lấy đâu làm căn cứ, vô hình chung mâu thuẫn với Luật An toàn thực phẩm".

Hàng trăm tấn thức ăn gia súc có chất tạo nạc Cysteamine đã được phân phối đi những đâu?

Qua hồ sơ chứng từ và khai nhận từ Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới, công ty đã phân phối các lô hàng sản phẩm Maxsure, Synegrow cho một số các trang trại chăn nuôi tại địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Tây Ninh. Theo hồ sơ Cục A86 đang nắm thì trên các chứng từ mua bán, giao hàng cho thấy, sản phẩm chất tạo nạc đã được đưa tới khá nhiều trang trại nuôi heo, cụ thể: trại bò Hoàng Anh Gia Lai (thị xã An Khê, Gia Lai), Công ty TNHH Sao Xanh (Cụm Công nghiệp dốc 47, Tam Phước, Biên Hoà, Đồng Nai); trang trại Thái Sơn (765/6 đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai); trại heo Nguyễn Văn Ấp (ấp Vàm, Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai): trại heo Phan Huy Hưng (ấp Long Phú, Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai). Ngoài ra Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới còn chuyển các sản phẩm Maxsure, Synergrow ra chi nhánh của công ty tại Hà Nội, Đà Nẵng để tiêu thụ.

Qua kiểm tra hồ sơ, đối chiếu của cơ quan chức năng tại kho của Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (56/37 đường An Phú Đông 36, Khu phố 3, phường An Phú Đông, Q.12 TP Hồ Chí Minh), cho thấy, hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi bổ sung có hàm lượng chất tạo nạc Cysteamine đã được phân phối tới nhiều nơi khu vực phía Nam, tại các trại nuôi heo và cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc.

Ghi nhận trong kho có 4 bao sản phẩm Maxsure( tổng cộng là 100kg); 600 bao sản phẩm Synergrow( tổng cộng 16.250 kg).

Hồ sơ cũng cho biết, sản phẩm Maxsure và Synergrow do công ty nhập về từ Thái Lan, với khối lượng: 107.500kg( năm 2015), năm 2016  nhập Maxsure thêm 20.000kg; đồng thời năm 2016 nhập 40.000kg sản phẩm Synergrow.

Nhưng tại thời điểm kiểm tra trong kho chỉ còn 100kg Maxsure và 16.250 kg Synergrow. Như vậy, đã có trên 127 tấn Maxsure và trên 23 tấn Synergrow đã được phân phối hết. Đây là điều rất đáng lo ngại. (Nhóm PV)

Nhóm PV
.
.
.